FB Sen Hoa
Mấy tuần nay, câu chuyện sạt lở đất ở thủy điện bậc thang Rào Trăng, một đoạn phụ lưu trên thượng nguồn sông Bồ, đã vùi lấp hàng chục sinh mạng, đang nóng hầm hập trên công luận, làm mình nhớ lại đã có những lần từng đến nơi này, một vùng nước non kỳ thú, nằm sâu trong vùng lõi rừng bảo tồn quốc gia Phong Điền…
Một ngày giữa trưa tháng 5, nắng gay gắt, bụi tung lên từ con đường đất đỏ làm cho những đám cây lúp xúp bên đường cũng nhuốm màu bazan, mình lùi lũi đi theo cán bộ xã Phong Mỹ (huyện Phong Điền) vào thôn Khe Trăng. Định tìm một nhà dân tàm tạm để ở, làm quen với họ trước khi có thể học hỏi được điều gì.
Vừa đến đầu làng, mồ hôi còn đang nhễ nhại, mũi vẫn phập phồng bụi đỏ, đã thấy nhiều người dân tụ tập ở sân một ngôi nhà sàn. Cán bộ dẫn mình đi thẳng vào đây. Một người đàn ông khoảng ngoài 60, có vẻ là chủ làng (xuat-vel), không cần rào đón gì, chào chúng tôi bằng giọng gay gắt:
“Dân làng chúng tôi ở đây có 31 hộ, tất cả là người Pahi, sinh sống ở đất này từ đời ông cha đến nay, lâu lắm rồi, không ai nhớ. Hồi chiến tranh, lũ làng đi theo cách mạng, ngày đi rừng gùi đạn, tối mò về rẫy moi từng củ khoai mỳ nuôi bộ đội. Có lúc bị đánh rát quá, phải rời tạm sang A-lưới lánh nạn, nhưng vẫn sống chết với đất này, không ai bỏ làng mà đi cả. Sau 1973 lại về đây quần tụ. Dân chúng tôi sống nhờ rừng, hiểu từng cành cây ngọn cỏ, từng tiếng kêu của muông thú, biết đất rừng làng mình tiếp giáp với những đâu. Vậy mà hôm trước, tôi ra phát rẫy, Kiểm lâm vào ngăn lại, không cho phát. Tôi bảo đất này của Vel Khe Trăng, dân làng vẫn làm rẫy ở đây, sao lại cấm? Kiểm lâm bảo nhà nước đã chia 500 hecta đất này cho Lâm trường 1/5 rồi, có giấy tờ rồi…”.
Ông già nói một thôi không nghỉ, như đã nghĩ lung lắm rồi, như chỉ sợ bị ngăn lại.
Ông định nói tiếp nhưng tay cán bộ xã đi cùng, giờ tôi mới biết, là phó chủ tịch trưởng công an xã, khoát tay bảo ông ngừng lại. Anh này nói:
“Ông nói thế là sai rồi. Đất rừng là do nhà nước thống nhất quản lý. Nhà nước phân đất cho Lâm trường 1/5, đã có quyết định chính thức rồi. Ông còn phát rẫy trên đất ấy là vi phạm pháp luật. Ông phải thôi không phát rẫy đã, rồi viết đơn lên huyện đề nghị giải quyết theo trình tự…”.
Quỳnh Mua, tên ông trưởng làng, không chịu được, lại vùng đứng dậy: “Đất này của lũ làng Khe Trăng, từ đời cha đời ông đến nay vẫn không thay đổi, sao khi lấy đất giao cho người khác không ai hỏi chúng tôi, giờ lại cấm? Chúng tôi không cần giấy tờ gì cả, đất của tôi thì tôi làm. Giờ đang là mùa rẫy, lại về viết đơn từ gửi đi đâu nữa thì mùa rẫy qua đi, dân làng lấy gì ăn để chờ giải quyết?”.
Trưởng công an xã nói: “Ông nói đất của dân làng, sao bỏ hoang bao năm nay không trồng cấy gì, giờ lại quay về làm rẫy? Đất bỏ hoang hóa lâu ngày phải được thu hồi đưa vào sản xuất”.
Quỳnh Mua đáp lại: “Dân làng làm rẫy một vài vụ, lại chuyển sang đám rẫy khác để cho đất nghỉ, ai bảo đấy là đất để hoang?”.
Giờ thì mình đã vỡ câu chuyện họ đang tranh luận.
Người Pahi sống về nghề làm rẫy. Đất rừng và tài nguyên thiên nhiên trên đất ấy do dân làng quản lý bằng luật tục. Không ai có quyền sở hữu riêng, đất rừng chỉ có sở hữu cộng đồng. Người nào chọn được miếng rẫy làm trước thì đánh dấu giữ phần, người đến sau sẽ tự ý tìm miếng khác. Sau hai ba vụ, họ chuyển đến miếng đất khác để cho đất hồi sinh, rồi dăm bẩy năm sau khi rừng đã tái sinh, lại quay về canh tác. Cán bộ nhà nước làm theo luật đất đai, nghĩ đấy là đất bỏ hoang, quyền quản lý thuộc nhà nước, và không hỏi dân về quyền sở hữu theo luật tục nên xảy ra xung đột.
Câu chuyện dừng lại mà không có hồi kết. Trưởng công an xã tuyên bố: “Đất này là của nhà nước, đã giao cho đơn vị khác. Dân muốn làm rẫy ở đấy thì phải làm đơn lên huyện giải quyết”. Trưởng làng Quỳnh Mua: “Đất này của lũ làng Khe Trăng. Khi lấy đất phải hỏi ý kiến dân làng. Nếu cấm làm rẫy thì bao giờ mới giải quyết? Lũ làng đói quá không có gì ăn thì đành phải đến với Tin Lành thôi, họ sẽ cấp gạo cho dân làng ăn tạm để sống qua mùa rẫy…”.
Tại cuộc họp với huyện Phong Điền, mình đã nêu ý kiến của dân Khe Trăng với lãnh đạo. Ông chủ trì cuộc họp đang tươi cười, mặt bỗng biến sắc, chuyển sang tím tái, đầy tức giận: Tôi đã nói ngay từ đầu rồi. Tuyệt đối không được nghiên cứu xã hội học. Chỉ làm những gì liên quan đến khu bảo tồn quốc gia. Sao lại đi nghiên cứu dân tộc của mình được? Dân tộc của miềng do miềng nghiên cứu. Nói như các anh, tôn trọng quyền quản lý tài nguyên rừng theo luật tục của cộng đồng thì còn xây dựng chủ nghĩa xã hội làm gì? Mà nói thật thì trợ giúp của các ông cũng chỉ như cái chất xúc tác thôi. Làm đường vào khu bảo tồn, huyện bỏ ra hàng triệu, hàng tỷ, các ông góp được bao nhiêu? Vậy nên các ông không cần hỏi về lịch sử, tập tục đồng bào. Các ông không cần biết. Tôi nhắc lại, nhóm nghiên cứu chỉ làm những gì liên quan đến dự án bảo tồn rừng, không có ví dụ gì hết”. Nói xong, ông giao cho công an ở lại làm việc với nhóm, rồi lạnh lùng rút lẹ ra ngoài…
Nói thêm: Năm 1997 tôi vào Phong Xuân (huyện Phong Điền) để thực hiện một nghiên cứu về người Pahi theo yêu cầu của NAV [NAV – Nordic Assistance to Vietnam: Tổ chức Bắc Âu trợ giúp Việt Nam – BVN chú thích]. Mười năm sau, vào năm 2006, tôi có may mắn được quay lại Khe Trăng, Phong Mỹ (Phong Điền) để tìm hiểu về luật tục Pahi, các vấn đề liên quan đến sở hữu cộng đồng và cách thức khai thác và quản lý rừng truyền thống. Sống cùng người Pahi trong ngôi làng bé nhỏ xinh đẹp nơi đầu nguồn hai con sông Ô Lâu và sông Bồ là một trải nghiệm khó quên trong đời làm dân tộc học. Pahi là tên gọi một phân nhánh của dân tộc Pakoh. Theo ngôn ngữ của họ thì Pa nghĩa người, Koh là núi, và Hi là thấp. Vậy nên tên gọi Pakoh có nghĩa là người ở núi, còn Pahi là người ở vùng thấp.
S.H.
Nguồn: FB Sen Hoa