Mai Quốc Ân
Tôi đọc bài viết này (Ảnh 1) và thấy nó đúng với bất kỳ vùng nào không còn rừng và có nhiều thuỷ điện.
Ảnh 1.
Lượng mưa ở miền Trung rất lớn, nhưng “cú đánh bồi” xả nước liên hồ cứu đập của thuỷ điện là vấn đề chính tăng lưu lượng lũ. Rừng bị tận diệt nhiều nơi. Tận diệt như cách ông Trần Văn Thành, cựu giám đốc Vườn Quốc gia Yok Đôn khi mới tiếp nhận công việc tại đây, phải thốt lên: “Đi tuần rừng, rọi đèn cả đêm mà không thấy đôi mắt thú!”.
Miền Trung cũng tương tự như Tây Bắc, sạt lở ngày một nhiều hơn. Tài sản, hoa màu và sinh mệnh mất mát “đều đặn” mỗi năm. Những cách rừng nơi tôi đi bụi 18 năm trước cứ mất dần mỗi lần quay lại, cảnh vật tự nhiên bị biến dạng khủng khiếp để cho một nhóm nhỏ làm giàu.
Có lần góp ý với một anh bạn là chủ doanh nghiệp mỗi năm bỏ ra hơn 1 tỷ để nhân viên anh trồng rừng rằng ý tốt song làm chưa đúng. Nói chính xác hơn là trồng một loạt cây giống giống nhau mà chưa nghiên cứu về khoảng cách của cây. Thích trồng cây lớn mà không có hệ cây vừa đan xen và tích hợp cây lá thấp. Rừng không có tầng thì khả năng tích nước, ngăn nước lũ kém hơn và dễ xói lở khi cây chưa trưởng thành. Và các vùng trồng rừng kiểu nhà nước giao hay kiểu cá nhân yêu môi trường phát động, hiện nay thiếu vắng cây tre – thứ cây có bộ rễ siêu giữ đất. Dù sao, đó đã là tốt lắm rồi!
Miền Bắc, Miền Trung năm nào cũng ảnh hưởng trực tiếp, gián tiếp bởi bão và năm nào cũng có lũ. Rừng bị phá đến khánh kiệt bởi chính sách. Tôi nhắc lại, bởi chính sách. Bất kỳ quan chức nào của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn mà mở miệng nói về rừng cao su chẳng hạn, thì thứ “rừng một tầng” ấy lại là nỗi đau của những chuyên gia đa dạng sinh học nói riêng và những người yêu môi trường nói chung.
Ảnh 2.
Nó tương tự những cánh rừng mất đi trong những khu bảo tồn để những chỗ cho “thuỷ điện cóc”. Một khu bảo tồn mà “ôm” 4 thuỷ điện (Ảnh 2) thì đó thực sự là điều thực tế đi ngược với chính sách bảo vệ rừng bàn giấy. Càng không thể không nhắc đến thị trường đồ gỗ cao cấp, kiểu như nhà ông Chi cục trưởng Kiểm lâm Quảng Trị chẳng hạn (Ảnh 3). Không khác nào phơi bày sự tước đoạt tài nguyên rừng bằng quyền lực hành chính.
Ảnh 3.
Nhưng vấn đề của quốc gia này đâu chỉ có thế?
Nó đến từ sự vô cảm của người dân và cả những người cầm bút.
Khi các phóng viên báo chí Nam Bộ “chia phe” lúc viết về thuỷ điện 6 và 6A dự kiến xây trong Vườn Quốc gia Cát Tiên năm nào, tôi đã nhận ra có những thoả hiệp bẻ cong ngòi bút, che lấp sự thật trên từng bài viết. Thật may, Cát Tiên được cứu. Nhưng sự dày đặc thuỷ điện ở miền Trung, ở Tây Bắc thì thực sự với kinh nghiệm nhiều năm viết về môi trường của cá nhân tôi, thì “sự thờ ơ” của những người làm báo các nơi đó không thể không nhắc đến.
Những anh chị em làm báo nếu cảm thấy có mình trong số cầm bút vừa nêu ấy, có giận tôi cũng chịu. Nhưng tôi hiểu đơn giản họ cũng là công dân có đầy những nỗi lo mưu sinh, đầy niềm riêng gia đình như bao công dân nơi bão lũ. Mà khi công dân – với khái niệm đầy đủ và đường hoàng nhất của vị thế người chủ quốc gia – lại im lặng trước cái sai, cái xấu thì hỏi sao rừng không mất đi, hỏi sao bão lũ không dày lên và đáng sợ hơn?
Một tiến trình của “Đường về nô lệ”* chứ không phải đường tiến lên hình thái xã hội ảo tưởng của thứ chủ nghĩa mơ hồ nào đó!
Xin một lần nữa nhắc lại, vấn đề lớn nhất của nước mình chính là sự vô cảm của mỗi công dân ở nhiều mức độ khác nhau!
* Sách của F. A. Hayek
M.Q.A.
Nguồn: FB Quốc Ấn Mai