Trên nỗi đau thương phải là bài học

Lưu Trọng Văn

Hãy nghe đại tá Quang thuộc Bộ Quốc phòng người thoát chết ở Trạm Kiểm lâm 67 kể:

“14h ngày 12.10, đoàn công tác gồm 26 người cả lái xe lên đường hướng thẳng Rào Trăng 3. Đến 16h tới chỗ đập tràn sâu trên đường 71, ô tô không qua được, đoàn bỏ lại ô tô, 21 người trong đoàn công tác quyết tâm băng bộ vào tận Thủy điện Rào Trăng 3 cách khoảng 13km.

Đoàn cứ đi mãi vào rừng sâu, đêm tối mưa to gió lớn không đi tiếp được nữa thì phát hiện ra có một ngôi nhà của Trạm quản lý, bảo vệ rừng số 67 nhưng cửa đóng then cài, chẳng có một ai ở đó.

Nhà khóa, chúng tôi bàn nhau thôi phá khóa ra, sau này tính toán bồi thường cho người ta sau, bây giờ lấy chỗ cho anh em nghỉ ngơi để sáng hôm sau đi tiếp. Vào nhà, một số anh em tìm được gạo, nước mắm, cũng nấu được nồi cơm, làm mỗi người bát cơm chan tí nước mắm ăn vậy thôi”.

Thấy gì qua lời kể này?

Cả đoàn 21 người toàn sĩ quan và lãnh đạo tỉnh huyện đi vào vùng nguy hiểm không hề có người địa phương như cán bộ xã dẫn đường. Trong khi đó bộ chỉ huy cứu hộ lại đóng tại Ủy ban nhân dân xã.

Do không có người rành đường, rành địa hình dẫn đường nên cứ đi liều bất chấp cả không có lực lượng hậu cần cơm nước đi theo.



Giả sử không thấy Trạm kiểm lâm và lục thấy gạo mắm để có cái ăn, chỗ nghỉ thì sao?

Cả đoàn 21 người nhịn đói và ngủ dưới mưa gió à? Sinh mệnh những nạn nhân rất quý nhưng sinh mệnh những con người có tấm lòng đi cứu không quý à?

Đau xót về thảm hoạ đã đành. Đau lắm! Nhưng sau đó thì sao? Bất cứ sự hy sinh nào chiến thắng hay thất bại cũng đều phải là bài học.

Phải nói thẳng sự hy sinh của 11 sĩ quan và một chủ tịch huyện, một nhà báo nếu không là bài học cho công tác cứu hộ thì nhà nước sẽ còn phạm những sai lầm không thể tha thứ khi không coi công tác cứu hộ thiên tai là một công việc nguy hiểm phải có lực lượng chuyên nghiệp cùng công cụ, phương tiện chuyên nghiệp.

Tướng Man cùng đại tá Hùng, đại tá Quang từng cứu hộ nhưng ở vai trò chỉ huy lực lượng cứu hộ.

Lần này không có lực lượng cứu hộ và phương tiện cứu hộ thì làm sao chỉ huy cứu hộ? Ai vào việc đó?

Đau thương rồi luỵ đau thương rồi cứ để lòng mình chìm trong cảm xúc đau thương không thể là phẩm chất của những người trị nước, không thể là phẩm chất công dân có trách nhiệm với nước.

Vượt lên đau thương để rút ra những bài học cần thiết và không phạm sai lầm duy ý chí mới tránh được những đau thương tiếp theo.

Và còn nữa, bài học chính yếu nhất qua vụ Rào Trăng đó là sự độc ác khốn kiếp vì lợi ích riêng của những kẻ khốn nạn ẩn danh bức tử những dòng sông, những cánh rừng làm thuỷ điện cóc.

Chính bọn chúng mới là tội đồ tạo nên lũ quét và sự nổi giận của Thiên nhiên, tạo nên cái chết thương tâm của biết bao người lương thiện, trong đó có tướng Man và chủ tịch huyện Bình.

Xin các ngài lãnh đạo Đất nước hãy khẩn cấp điều tra hơn 700 thuỷ điện cóc đang bức tử các dòng sông, cánh rừng xem tác hại ghê tởm chúng gây ra để rồi dẹp hết đi!

Còn không chính các ngài đồng loã với tội ác.

L.T.V.

Nguồn: FB Lưu Trọng Văn

This entry was posted in Phá hoại môi trường. Bookmark the permalink.