Cao Tuấn
Siêu cường sắp đại loạn?
Truyền thông cả thế giới đang rộ tin Tổng thống Donald Trump của nước Mỹ bị nhiễm vi khuẩn Covid-19. Chắc có người tự hỏi phải chăng “Thiên Sứ” đã gần hết nhiệm vụ và sắp được điều đi làm việc khác? Tuy nhiên có lẽ còn quá sớm để biết chắc chắn Ý Trời là thế nào.
Giả sử Trump chỉ dính Covid nhẹ, hồi phục nhanh chóng nhờ sự chăm sóc đặc biệt dành riêng cho nguyên thủ quốc gia thì đương nhiên cuộc tranh cử Tổng thống 2020 vẫn tiếp diễn – một cách bình thường hay một cách bất bình thường.
Nếu không có biến cố bất ngờ nào thêm nữa trong thời gian chưa đến 4 tuần lễ – từ nay đến ngày bầu cử chính thức 3/11/2020 – ứng cử viên của đảng Dân chủ Joe Biden, đang liên tục dẫn trước trong các cuộc thăm dò dân ý khoảng 7, 8%, có nhiều hy vọng thắng.
Tuy nhiên ứng cử viên đảng Cộng hoà Donald Trump, đương kim Tổng Thống, với lợi thế đang nắm quyền lực và phương tiện trong tay, lại có lối hành xử phi chuẩn mực, phi truyền thống, phi tiền lệ, đã nhất định không để bị đánh bại và không dễ bị đánh bại.
Mặt khác, cuộc tranh cử không phải chỉ là sự đối đầu Trump-Biden mà còn là trận thư hùng Cộng hoà – Dân chủ là 2 đảng có thế lực tương đương một chín, một mười trong nền chính trị lưỡng đảng của nước Mỹ đã kéo dài hàng trăm năm qua. Càng gần đến ngày bỏ phiếu chính thức, lịch sử cho thấy khoảng cách của cuộc chạy đua giữa hai ứng cử viên Tổng thống, đại diện 2 đảng, thường thu hẹp lại.
Cuộc chạy đua vào Bạch Cung năm 2016 giữa Hillary Clinton và Donald Trump là điển hình của “quá khứ như một lời báo trước”. Những ngày đầu tiên mọi thăm dò dân ý đều tiên đoán Hillary Clinton thắng lớn. Kết quả chung cuộc: Hillary Clinton còn hơn Donald Trump gần 3 triệu phiếu dân bầu, tương đương 2% tổng số nhưng chỉ đủ để có 232 phiếu cử tri đoàn (chưa đạt con số tối thiểu 270) so với 306 của Donald Trump. Hillary Clinton thất bại vì thể thức tuyển cử đặc biệt quy định bởi hiến pháp Mỹ có phần thiên vị các tiểu bang nhỏ cũng như vì thực trạng chính trị lưỡng đảng ở Mỹ là một số lớn các tiểu bang này lại thường nghiêng nhiều hơn về phía Cộng hoà. (Người dân ở mỗi tiểu bang không trực tiếp bầu Tổng thống mà bầu ra một số đại cử tri nhất định bằng với con số dân biểu, và thượng nghị sĩ liên bang của tiểu bang này, rồi tất cả mới họp thành cử tri đoàn cho cả nước để bầu Tổng thống theo ý nguyện đã bầy tỏ của cử tri của mỗi tiểu bang).
Bốn tuần lễ vận động tranh cử là một thời gian đủ dài cho mọi thứ đòn phép, hợp pháp hay không mấy hợp pháp, sạch sẽ hay không mấy sạch sẽ . Nếu Biden thắng nhưng chỉ thắng sát sao thì nước Mỹ có thể đại loạn với nguy cơ dẫn tới nội chiến vì gần như chắc chắn Trump và hàng chục triệu Trumpists (những người ủng hộ Tổng Thống Trump một cách cuồng nhiệt) sẽ hô hoán “bầu cử gian lận!”.
Kịch bản xấu nhất cho nước Mỹ là trường hợp này.
Kịch bản tốt nhất có lẽ là Biden (hoặc ngay cả Trump) thắng một cách áp đảo – chẳng hạn như có nhiều hơn đối thủ chừng 8, 9 triệu phiếu dân bầu (tương đương 5, 6% tổng số) để thắng và thắng lớn ở cử tri đoàn. Chỉ có thế thì mới mong nước Mỹ ổn định trở lại, dù là ổn định tương đối.
Tuy nhiên, ở mốc thời gian này – chưa đến 4 tuần lễ trước ngày bỏ phiếu chính thức – vẫn khó có thể quả quyết giữa 2 kịch bản nói trên, kịch bản nào có mức độ khả hữu cao hơn?
Đài Loan đi về đâu?
Ra mặt chống Tầu không phải không có cái giá phải trả nên Tổng Thống Trump chỉ đổ thêm dầu vào lửa nếu các đòn phép khác không đủ tác dụng để lật ngược thế cờ. Trong trường hợp này Trump sẽ chủ động đẩy nước Mỹ… mấp mé (chỉ mấp mé thôi!) đến bờ vực chiến tranh với nước Tầu cộng sản, chủ yếu nhằm kích động dân Mỹ “đoàn kết sau lưng Tổng Thống Trump” để đối phó với kẻ thù. Tất nhiên “đoàn kết sau lưng tôi” có nghĩa là “bỏ phiếu cho tôi”.
Trump công khai quy trách nhiệm cho Tầu gây ra đại dịch Covid-19, gọi tên Coronavirus là China-virus (tức Cúm Tầu), tăng thuế suất đánh trên các hàng hoá nhập cảng từ Tầu, cấm cửa hay làm khó dễ công ty Huawei, gửi thêm tầu chiến đến tuần tra ở biển Đông v.v… chắc chắn làm nước Tầu tức giận nhưng chưa đủ “nóng” tới mức bùng nổ chiến tranh. Nhưng đụng đến vấn đề “nhạy cảm” Đài Loan thì là một sự leo thang khác hẳn.
Đối với Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Tầu, thu hồi Đài Loan là sứ mạng, nhiệm vụ lịch sử, một dự án chính trị theo đuổi từ thời Mao-Tưởng, một việc phải làm để mang lại sự chính đáng cho quyền lực, uy thế và các lợi ích chiến lược. Chính quyền Tầu đã luôn luôn xác định không loại bỏ việc sử dụng vũ lực thu hồi Đài Loan mà không có quốc gia nào lên tiếng phản đối, kể cả Mỹ.
Thực tế là Trung Cộng đã chuẩn bị việc đánh chiếm Đài Loan từ lâu. Kế hoạch hành quân đã sẵn sàng trong cả 2 trường hợp: Mỹ tham chiến hoặc Mỹ khoanh tay đứng ngó (như Mỹ đứng ngó Tầu chiếm Hoàng Sa của VNCH năm 1974). Kế hoạch hành quân cũng phải khả thi tới mức chi tiết về các địa điểm, ngày, giờ…, về phối hợp tác chiến các quân chủng, về tập trận, thao dợt… Nếu không có sự can thiệp quân sự mạnh mẽ, trực tiếp, tức thời của Mỹ, Đài Loan tức Trung Hoa Dân Quốc tức nước Tầu thứ hai – một hải đảo 24 triệu dân, diện tích 36 ngàn cây số vuông (bằng 1/9 Việt Nam), dù có chiến đấu anh dũng đến đâu, cũng phải đầu hàng sau một tuần lễ bị đánh tối tăm mặt mũi.
Bất kể các phản ứng bề ngoài gay gắt hay tự chế đối với ngôn ngữ thù nghịch của chính quyền Trump trong mùa tranh cử, chính trị gia và nhất là các chiến lược gia của nước Tầu Cộng sản phải theo dõi và phân tích tình hình chính trị nước Mỹ rất sát và rất cẩn thận – để có đối sách thích nghi.
Khủng hoảng y tế vì Pandemic (đại dịch) kéo theo khủng hoảng kinh tế, cộng với khủng hoảng chính trị do cuộc vận động tranh cử Tổng thống tại nước Mỹ nếu làm tan hoang nước Mỹ đến mức bại liệt, suy sụp bất khả phục hồi thì nước Tầu cộng sản có thể chọn phương án “án binh bất động” – không cần bắn một phát súng mà vẫn đạt mục đích thay thế Mỹ trở thành đệ nhất siêu cường. (Khi đối thủ đang lầm lỗi đi vào tử lộ thì không nên can thiệp – Nếu một nửa nước Mỹ thực sự coi nửa kia là bọn “Dân Chủ thổ tả”, một nửa nước Mỹ thực sự coi nửa kia là “Bọn Cuồng Trump” và đều tới tấp mua thêm súng đạn để sẵn sàng ăn thua với nhau thì “khoanh tay đứng ngó” hay “toạ sơn quan hổ đấu” chính là sách lược “bất chiến tự nhiên thành” của Tôn Tử!
Một khi Mỹ đã tự huỷ hoại gần hết sức mạnh của mình, Trung Cộng chỉ cần “hư trương thanh thế” hay doạ dẫm động binh cũng đủ khiến Đài Loan, nay không còn ai “chống lưng” nữa, đành gạt nước mắt trở về với … tổ quốc một cách… hoà bình. Cũng không cần bắn một phát súng!
Trường hợp ngược lại, nếu các chiến lược gia của Tầu nhìn thấy triển vọng nước Mỹ sẽ ổn định và phục hồi trở lại sau bầu cử tháng 11/2020 với chiến thắng áp đảo của hoặc của Trump hoặc của Biden, nhất là của Biden, cùng lúc với dấu hiệu đại dịch Covid-19 buông tha nước Mỹ thì có thể Tập Cận Bình sẽ quyết định “cướp thời cơ”: ra lệnh tổng tấn công tiến chiếm Đài Loan để hoàn thành “sự nghiệp thống nhất”, “chấm dứt nội chiến” cùng lúc đổ lỗi cho đế quốc Mỹ vi phạm cam kết tôn trọng nguyên tắc “chỉ có một nước Tầu và Đài Loan là một tỉnh của Tầu”, lại vừa khiêu khích trước, vừa tiếp tay cho “bọn phản động ly khai” chuẩn bị cho ra đời nước Đài Loan độc lập.
“cướp thời cơ” có nghĩa lợi dụng đúng thời điểm nước Mỹ yếu nhất, bệnh nhất, nghèo nhất, chia rẽ nhất, rối loạn nhất để ra tay một cách mạnh bạo, chớp nhoáng khiến địch thủ không kịp trở tay. Địch thủ đây là ai? Dĩ nhiên là cả chính quyền Mỹ và chính quyền Đài Loan. Thời điểm đúng trong lúc này là thời điểm nào? Là trong khoảng thời gian sát với ngày bỏ phiếu chính thức 3/11/2020 tại nước Mỹ, trước và sau.
Nói một cách khác, trong vòng một vài tuần lễ sắp tới có khả năng cao, hoặc khá cao là Trung Cộng đột nhiên tổng tấn công và chiếm đóng Đài Loan.
Mặc dù bề ngoài khá bình thản, chính quyền Đài Loan tất nhiên phải lo lắng và cảnh giác hơn ai hết vì biết tình thế cực kỳ nguy hiểm. Bà Tổng thống Thái Anh Văn cũng phải thừa biết ưu tiên số 1 của ông Tổng thống Donald Trump là được tái cử chứ không phải là bảo vệ Đài Loan hay là mở cuộc chiến tranh với nước Tầu Cộng Sản để trong khoảnh khắc có thể biến thành chiến tranh nguyên tử – đồng nghĩa với tự sát. (Được biết Mỹ có đủ đầu đạn nguyên tử để tiêu diệt toàn nước Tầu 17 lần, Tầu chỉ đủ đầu đạn nguyên tử để tiêu diệt toàn nước Mỹ 1 lần nhưng 17 lần hay 1 lần có khác gì nhau!?)
Cả “Trump first” và “America First” đều cho thấy không có cơ may Mỹ trực tiếp tham chiến để bảo vệ Đài Loan. Cơ may ấy là Zero nếu Trung Cộng thanh toán được chiến trường gọn gàng trong một tuần lễ hoặc vài ngày, tạo nên một “sự đã rồi”.
Đài Loan như thế chỉ có thể trông cậy vào chính Đài Loan.
Đài Loan đã tăng cường sức mạnh quân sự rất nhanh nhưng Trung Cộng còn tăng cường nhanh hơn. Khoảng cách giữa Hoa Lục và Đài Loan trở nên quá gần đối với hải quân, không quân, hoả tiễn, tầu ngầm hiện đại của Trung Cộng. Cán cân lực lượng đã hoàn toàn chênh lệch.
Nếu tấn công trước, Đài Loan có thể gây thiệt hại nặng cho Thượng Hải, Thiên Tân, Hàng Châu, Quảng Châu, Thẩm Quyến hay ngay cả đập Tam Hiệp trên sông Dương Tử nhưng Đài Loan lại không dám “tự sát” như thế mà ngồi đợi người ta đến giết. Chiến lược phòng thủ thụ động của Đài Loan tương tự chiến lược phòng thủ thụ động của Pháp trong Thế chiến 2 đợi Đức tấn công. Kết quả Pháp, sức mạnh gần tương đương với Đức đã phải đầu hàng sau 6 tuần lễ. Kẻ chủ động ra tay trước bao giờ cũng có lợi thế!
Đài Loan chỉ có thể hy vọng Tập Cận Bình và đảng Cộng sản Tầu trì hoãn việc “xâm lăng” vì thấy không cần thiết hoặc sau khi cân nhắc vẫn còn thấy “lợi bất cập hại”. Tuy nhiên nếu Đài Loan không có vũ khí nguyên tử thì “tên lửa hành trình” mới thủ đắc, có tầm hoạt động 1, 2 ngàn cây số có lẽ không đủ làm nản lòng đối thủ đã có sẵn ý định và đã chuẩn bị “cướp thời cơ”.
Biến cố Đài Loan vì thế có thể xảy ra sớm hơn thế giới chờ đợi và nếu thế giới dân chủ và nước Mỹ “mất“ Đài Loan, 24 triệu người Đài Loan mất tự do nhưng Tổng thống Trump lại được tái đắc cử thì lịch sử sẽ ghi chép thế nào?
C.T.
(06/10/2020)
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả.
Tác giả gửi BVN