Hoài Nguyễn
Tin tức về thân nhân các ông Nguyễn Đức Thạch, ông Phạm Chí Thành đã được ‘thăm gặp’ ngay trong giai đoạn đang điều tra vụ án, liệu có phải đang mở ra một tiền lệ cho việc luật sư cũng có thể gặp thân chủ của mình ngay ở giai đoạn điều tra ở nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia?
Lâu nay, khi luật sư nhận bảo vệ thân chủ ở nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia, gần như chưa có ai được gặp thân chủ trong giai đoạn điều tra, và trớ trêu thay đây lại là quy định của pháp luật Việt Nam.
Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam có quy định rằng, viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân Tối cao có thể quyết định tạm giam nghi can phạm các tội về an ninh quốc gia cho đến khi kết thúc điều tra (điều 173, khoản 5), và có thể không cho can phạm tiếp xúc với người bào chữa cho đến khi kết thúc điều tra (điều 74).
“Điều 74. Thời điểm người bào chữa tham gia tố tụng
Người bào chữa tham gia tố tụng từ khi khởi tố bị can.
Trường hợp bắt, tạm giữ người thì người bào chữa tham gia tố tụng từ khi người bị bắt có mặt tại trụ sở của Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra hoặc từ khi có quyết định tạm giữ.
Trường hợp cần giữ bí mật điều tra đối với các tội xâm phạm an ninh quốc gia thì Viện trưởng Viện Kiểm sát có thẩm quyền quyết định để người bào chữa tham gia tố tụng từ khi kết thúc điều tra”.
Từ quy định tố tụng như điều luật viện dẫn, cho thấy rất có thể với trường hợp ông Trần Đức Thạch và ông Phạm Chí Thành, hiện tại tuy chưa kết thúc điều tra, song các yêu cầu về bí mật điều tra đã không còn đặt ra nữa. Và chính điều đó đã đặt ra câu hỏi: Thế nào là bí mật điều tra trong nhóm tội danh xâm phạm an ninh quốc gia?
Theo lời kể của luật sư Đặng Đình Mạnh (Đoàn Luật sư TP.HCM), thì liên quan án xâm phạm an ninh quốc gia mà ông có tham gia bào chữa, lần đó Tòa án Nhân dân tỉnh Nghệ An đã từ chối cho ông thực hiện quyền sao chụp hồ sơ vụ án hình sự. Sau khi ông khiếu nại, thì nhận được văn bản phản hồi khẳng định việc từ chối là “đúng quy định pháp luật”, vì hồ sơ vụ án này “thuộc nhóm tội xâm phạm an ninh quốc gia là tài liệu bí mật của nhà nước”.
Ở Việt Nam, các luật sư quen thuộc với tình cảnh quy trình tố tụng của án an ninh quốc gia thường được “đặc quyền” nằm ngoài quy trình tố tụng của các loại án khác. Nên việc bảo vệ của các luật sư đối với thân chủ trong các vụ án an ninh hầu như là vô vọng. Chính lẽ đó nên trong các vụ án này, người ta thường thấy chỉ loanh quanh vài gương mặt luật sư quen thuộc.
Cá nhân người viết cho rằng sở dĩ ‘luật sư toàn thua’ trong các ‘án chính trị’, vì đã bị trói tay ngay từ đầu.
Trước đây, theo quy định tại Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 thì chủ thể tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ bao gồm: Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Đây là những cơ quan tiến hành tố tụng có trách nhiệm chứng minh tội phạm.
Về nguyên tắc, các cơ quan này phải áp dụng mọi biện pháp hợp pháp để xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ, làm rõ những chứng cứ xác định có tội và chứng cứ xác định vô tội, những tình tiết tăng nặng và những tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị can, bị cáo.
Như vậy, có thể thấy được điểm bất hợp lý trong quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự 2003 khi luật sư tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội “có vị trí ngang hàng” với cơ quan buộc tội, nhưng lại không được coi trọng, không được thừa nhận một cách trực tiếp là chủ thể tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ.
Việc thu thập chứng cứ của luật sư theo quy định trước đây chỉ được quy định một cách gián tiếp là việc “có thể đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày những vấn đề có liên quan đến vụ án”.
Để hạn chế rào cản này trong việc thu thập chứng cứ của luật sư, khoản 2 Điều 88 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 đã bổ sung quy định: “Để thu thập chứng cứ, người bào chữa có quyền gặp người mà mình bào chữa, bị hại, người làm chứng và những người khác biết về vụ án để hỏi, nghe họ trình bày về những vấn đề liên quan đến vụ án; đề nghị cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp tài liệu, đồ vật, dữ liệu điện tử liên quan đến việc bào chữa”.
Điều đó đồng nghĩa, lần đầu tiên tố tụng hình sự Việt Nam đã trực tiếp thừa nhận “Luật sư là chủ thể có quyền thu thập chứng cứ” trong quá trình thực hiện hoạt động gỡ tội cho thân chủ của mình. Đây là một quy định được ghi nhận là rất tiến bộ, thể hiện sự đổi mới trong tư duy lập pháp khẳng định vị trí, vai trò quan trọng của luật sư trong việc góp phần làm rõ sự thật khách quan của vụ án.
Tuy nhiên, trớ trêu thay, với nhóm tội danh xâm phạm an ninh quốc gia, thì luật sư lại trở về tình cảnh “tham gia tố tụng với tư cách người bào chữa cho người bị buộc tội “có vị trí ngang hàng” với cơ quan buộc tội, nhưng lại không được coi trọng, không được thừa nhận một cách trực tiếp là chủ thể tiến hành hoạt động thu thập chứng cứ”.
Trong tình cảnh đó, xem ra không thua mới là lạ!
H.N.
VNTB gửi BVN