“Tư duy đột phá” nào cho Đại hội 13?

Chiến Sỹ

Hình minh hoạ. 200 Uỷ viên Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản VN tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016

Hình minh hoạ. 200 Uỷ viên Ban Chấp hành TƯ Đảng Cộng sản VN tại lễ bế mạc đại hội 12 ở Hà Nội hôm 28/1/2016 – Reuters

Theo giới chuyên môn, “tư duy đột phá” là tư duy ở trình độ cao, ít nhất là cao hơn tư duy thông thường bốn – năm bậc (thông thường, kinh nghiệm, logic, tổng hợp…). Đại hội 13 tới đây liệu có diễn ra bước ngoặt nào về đường lối hay nhân sự, tùy thuộc vào “tư duy đột phá” của Ban lãnh đạo hiện nay. Đại hội sẽ họp trực tuyến (Như Quốc hội hay Hội nghị Cấp cao ASEAN)? Đại hội sẽ bầu trực tiếp Tổng Bí thư? Mà lại sẽ bầu giữa hai candidate, chứ không phải chỉ bầu một người duy nhất giữa Cả Trọng hay Bí thư Vượng? Tất cả chỉ là kỳ vọng… hay vô vọng đối với những ai quan tâm?

Đầu tháng này, Ban Tuyên giáo đã tổ chức một hội nghị báo cáo viên, nghe Phó chủ tịch thường trực Hội đồng Lý luận Phùng Hữu Phú báo cáo chuyên đề về những điểm mới trong dự thảo văn kiện trình Đại hội 13 của Đảng. Theo ông Phú, văn kiện lần này có ba cái mới. Cái mới thứ nhất liên quan đến chủ đề Đại hội. Theo ông Phú, đó là lần này sẽ gắn “xây dựng, chỉnh đốn hệ thống chính trị” với công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng.

Cái mới thứ hai là việc đặt ra mục tiêu “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển theo định hướng XHCN”. Ông Phú giải thích, đây là đổi mới về nhận thức vì trước đây ta đặt mục tiêu trở thành “nước công nghiệp, hiện đại theo định hướng XHCN”, còn lần này mục tiêu là “nước phát triển”. Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận trung ương cũng tiết lộ thêm, lộ trình phát triển đất nước thời kỳ quá độ lên XHCN là “vấn đề lâu nay rất vướng, cũng chưa làm được và đang tiếp tục nghiên cứu”.

Cái mới thứ ba, vẫn theo ông Phó Chủ tịch, văn kiện Đại hội 13 cũng dự báo các vấn đề hệ trọng trong giai đoạn tới, trong đó xác định vấn đề Biển Đông vẫn là một thách thức rất lớn. “Sau COVID-19, chúng ta đã thấy thái độ của Trung Quốc ở Biển Đông. Điều này khẳng định chắc chắn Trung Quốc không bao giờ từ bỏ ý đồ thao túng Biển Đông, cao nhất là độc chiếm theo hình lưỡi bò; không làm được thì ít nhất là kiểm soát, thao túng, khai thác. Vậy, phải ứng phó thế nào?”, ông Phùng Hữu Phú nêu câu hỏi và tự trả lời: xử lý vấn đề Biển Đông là lâu dài, “bài toán hóc búa, thử thách nghiêm trọng” của nhiều thế hệ.

Nghe ông Phó Chủ tịch thuyết trình 3 cái mới nói trên, kể cả khi biết được những cái mới ấy trong Dự thảo các văn kiện trình Đại hội dày 168 trang vẫn thuộc diện tài liệu lưu hành nội bộ, “thần dân nước Việt” thở dài ngao ngán. Nếu so với cách đây mấy năm, lúc ông Nguyễn Phú Trọng từng tuyên bố xanh rờn, tình hình Biển Đông không có gì mới, thì quả thật sự thừa nhận Biển Đông là bài toán hóc búa lần này là một bước tiến bộ “vượt bậc” của Bộ Chính trị và Ban Bí thư. Nhưng “vô ra vẫn thằng cha lúc nãy!” Nếu so 3 điều được cho là mới nói trên với quá trình xây dựng các văn kiện từ các nhiệm kỳ năm năm của khóa 10, 11 và 12, hay lùi lại với 10 năm thực hiện Cương lĩnh bổ sung 2011, hay 30 năm thực hiện Cương lĩnh 1991, hay 35 năm đổi mới. Tất cả là… “vũ như cận” (vẫn như cũ!!!)

Cũng với tinh thần “xưa như Diễm” ấy, văn kiện còn đưa ra những định hướng, đầu tiên là cho năm năm tới của nhiệm kỳ khóa 13, gắn với tầm nhìn 2030 (100 năm thành lập Đảng), tiếp theo là 100 năm thành lập nước (năm 2045). Nghe phân khúc các cột mốc này nó cứ hao hao như sự phân chia các giai đoạn của mấy ông bên Tàu, cũng kỷ niệm ngày lập quốc, lập Đảng. Mặc dầu ông Phú nói “chưa có đại hội nào mà văn kiện có tầm đánh giá, bao quát rộng như vậy”, nhưng ấy là ông nói lấy được, nói cho ông và các “bò đỏ” nghe, chứ còn người dân thì nghĩ khác lắm ông ơi!

Người dân biết rất rõ rằng, nói như ông Phú trình bày chỉ là một cách diễn ngôn cũ rích, sáo mòn. Tất cả những thông tin ông đưa ra về cái gọi là “điều mới” thực ra chỉ là một trò “nhảy múa của từ ngữ”. Chính ông Phú thừa nhận, trước đây Việt Nam dùng khái niệm "bước đi ban đầu", "chặng đường đầu", "giai đoạn đầu". Có lần nào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp xúc cử tri, có người hỏi: bao giờ chúng ta có chủ nghĩa xã hội? Tổng bí thư trả lời chúng ta chưa nghiên cứu tường minh vấn đề này, có khi trăm năm nữa cũng chưa có chủ nghĩa xã hội. Thế thì thời kỳ quá độ là bao lâu, có mấy chặng đường thì chưa rõ. Ông Phú cho biết, đây là vấn đề sẽ cố gắng tập trung làm rõ trong thời gian tới.

Đúng như đánh giá của đại biểu hàng đầu từ xã hội dân sự, TSKH Nguyễn Quang A, chưa có hy vọng vào sự thay đổi thực chất nào. Ông Phùng Hữu Phú nói là mới, đến 2050 là nước phát triển theo định hướng XHCN, nhưng đó thật ra là một sự thừa nhận thất bại về nỗ lực đưa Việt Nam thành nước công nghiệp hiện đại vào 2020. Nay đổi thành phát triển nhưng lại kèm cái đuôi xã hội chủ nghĩa thì đến 2050 họ rất dễ bảo là thành công vì cái đuôi XHCN rất tù mù, không thể lượng hóa. Tất cả chỉ là một trò "rhetoric" hay lối nói để bám giữ quyền lực mà thôi.

Hình minh hoạ. Người lính hải quân Việt Nam đứng canh ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa hôm 17/1/2013

Hình minh hoạ. Người lính hải quân Việt Nam đứng canh ở đảo Thuyền Chài thuộc quần đảo Trường Sa hôm 17/1/2013 – Reuters

Trở lại “vấn đề Biển Đông”, một chủ đề được truyền thông nhà nước xiển dương như là một trong ba “điểm mới” của Dự thảo Báo cáo chính trị thì các chuyên gia từ đầu đã không mấy tin tưởng. TS. Phạm Quý Thọ cho rằng, thiếu chiến lược toàn diện về biển khiến đất nước đã không thể ‘mạnh về biển’. Trong lịch sử là tư duy ‘ứng phó’ về chống xâm lược từ biển và trong thời bình là ‘tư duy kinh tế’ bị níu kéo bởi ý thức hệ XHCN là nguyên nhân quan trọng dẫn đến bế tắc. Nay trong bối cảnh Trung Quốc trỗi dậy, tham vọng địa chính trị, hung hăng tại Biển Đông và một ‘trật tự thế giới mới’ đang hình thành, Việt Nam vẫn không có “tư duy đột phá” để xây dựng chiến lược biển xứng tầm. Đặc biệt trong bối cảnh bàn tay Trung Quốc thọc khá sâu và công việc nhân sự Đại hội, các quan chức cho dù ở các địa phương hay trên trung ương, đều “ngậm miệng ăn tiền” trước các hoạt động theo kiểu “múa gậy vườn hoang” của Trung Quốc. Họ “kiên định” trong việc giành ghế và giữ ghế hơn là việc đưa ra bất cứ “giải pháp đột phá” nào để giải tỏa các bế tắc.

Cuối cùng, vấn đề dân chủ hóa trong Đảng và trong xã hội hầu như hoàn toàn thiếu vắng trong các văn kiện trình Đại hội càng khiến cho dư luận công khai bày tỏ nỗi thất vọng sâu sắc và toàn diện của ngay những chuyên gia trong lòng chế độ. TS. Mai Thanh Sơn (Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam) phát biểu với truyền thông quốc tế: “Khi mà ngay cả những nhà lý luận của Đảng cũng trực tiếp hay gián tiếp thừa nhận sự khủng hoảng về lý luận, tôi thực sự không kỳ vọng gì ở sự đổi mới của ĐCSVN trong Đại hội 13 tới đây”.

Để thực sự đổi mới toàn diện và sâu rộng, theo TS. Sơn, có rất nhiều việc cần làm trong giai đoạn chuẩn bị, nhưng có 3 nhiệm vụ ưu tiên. Thứ nhất là thay đổi nhận thức/lý luận, lấy lợi ích quốc gia/dân tộc/nhân dân làm nền tảng cơ bản. Thứ hai là điều chỉnh những khuôn mẫu trong phát triển cũng như huy động sự tham gia hiện nay, nhằm có thể phát huy tối đa sự đóng góp của tất cả các thành phần kinh tế, các giai tầng xã hội, kể cả các nhà phản biện. Và thứ ba là đánh giá lại toàn bộ các nguồn lực cho phát triển (ở tất cả các lĩnh vực kinh tế, chính trị, an ninh – quốc phòng, xã hội và văn hoá), trên cơ sở đó xây dựng các chiến lược mới, chính sách và giải pháp khả thi mới…

Nhưng facebooker Bùi Văn Thuận thì bình luận một cách chua chát hơn: Mỗi kỳ Đại hội Đảng toàn quốc, đều được tô vẽ là những “sự kiện vĩ đại”, “quang vinh muôn năm”, “đỉnh cao muôn trượng” trên các phương tiện tuyên truyền của Đảng. Chúng đối lập hoàn toàn với thực tế cướp bóc, khủng bố và hằng hà những trò bẩn thỉu, lưu manh mà chế độ cai trị đổ lên đầu dân đen. Bắt những dân oan điển hình, kiên cường chống cướp đất, chống khủng bố, cũng là một cách giúp Đại hội Đảng và bộ mặt Đảng thêm “rực rỡ, thành công tốt đẹp” trong khâu tuyên truyền.

Việc sáng 24/6, bà Cấn Thị Thêu và 2 con trai bà là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư cùng chị Nguyễn Thị Tâm bị chính quyền bắt khẩn cấp lại là một vụ khủng bố mới. Hiện chưa rõ họ bị bắt hay chỉ bị câu lưu giam giữ trái pháp luật dưới danh nghĩa triệu tập làm việc. Và nếu bị bắt, cũng chưa rõ chế độ sẽ vu cho họ tội danh gì. Chỉ biết rằng, các vụ bắt bớ hàng loạt ở Việt Nam hiện nay đều nằm trong chiến dịch “làm sạch địa bàn” trước sự kiện Đại hội 13./.

C.S.

_____

Các đường link tham khảo:

  1. http://xuandienhannom.blogspot.com/2020/06/gia-dinh-nha-hoat-ong-trinh-ba-phuong-3.html

  2. https://www.bbc.com/vietnamese/world-53038847

  3. http://www.tintuchangngay.org/2020/06/ts-pham-quy-tho-ai-hoi-13-van-e-bien.html

  4. http://www.tintuchangngay.org/2020/06/bui-van-thuan-tai-sao-bac-kinh-yeu-cau.html

* Bài viết không thể hiện quan điểm của Đài Á Châu Tự Do

Nguồn: rfa.org/vietnamese

This entry was posted in Đại hội 13. Bookmark the permalink.