Nhà đương cuộc cộng sản Việt Nam không phạm sai lầm và cũng không đổi mới

Trần Văn Chánh

Khoảng 20 năm nay, tôi đã viết hàng trăm bài đăng trên các báo chí công khai trong nước (kẹt lắm không đăng đâu được mới phải gởi lên mạng internet vài ba bài), phần nhiều thuộc loại chính luận, liên quan đủ mọi vấn đề quốc kế dân sinh hệ trọng, theo hướng phê bình góp ý thẳng thắn cho các nhà đương cuộc với ước mong đất nước Việt Nam chúng ta ngày một khá hơn và người dân lao động bớt phải lao đao lận đận trong một trong một xã hội tiếng là xã hội chủ nghĩa nhưng đầy rẫy bất công mà hố ngăn cách giàu nghèo ngày một thêm giãn rộng, các hiện tượng tham nhũng tiêu cực ngày một thêm gia tăng, tội ác và đạo đức xã hội xuống cấp như lao dốc đến mức vô phương cứu chữa!

Trong khi vận dụng ngòi bút một cách đầy thiện ý như vậy, tôi đã cố ý không dùng tới chữ Đảng (hay Đại hội Đảng, Nghị quyết Đảng. Điều lệ Đảng…) vì không muốn trực tiếp đụng chạm vào cái gọi “vùng cấm”, một thứ cấm kỵ vô hình không có văn bản pháp luật quy định mà ai muốn góp ý gì cũng phải liệu hồn! Và để tránh dùng chữ “Đảng” vốn mang một hàm ý đỏ hoét và dữ dội, tôi đã phải thay thế bằng một số từ ngữ nghe nhẹ nhàng hơn, như Nhà nước, Chính phủ, hoặc “nhà cầm quyền”, “nhà đương cuộc”, “nhà chức trách”, hoặc lịch sự hơn nữa là “những người có trách nhiệm”…

Tôi chỉ là một phần tử quá bé nhỏ, một công dân không chức vụ, cùng lúc và song song với tôi còn có hàng trăm, hàng ngàn vị nhân sĩ trí thức, cán bộ công nhân viên chức nhà nước và thường dân, họ cũng tận tình góp ý vì được nhà cầm quyền “của dân, do dân, vì dân” khích lệ, mục đích là để góp phần đổi mới diện mạo đất nước về các mặt chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội…. Nhưng sau nhiều chục năm tỏ bày trung thực chính kiến đủ kiểu đủ nơi, mọi người đều cảm thấy rõ ý kiến của mình dường như lạc lõng vô vọng trước sự lúng túng bất lực của cái tổ chức thành trì xơ cứng có trách nhiệm lãnh đạo toàn diện đất nước, vì những điều gì cần được khắc phục thì trái lại chỉ có tăng thêm hoặc biến tướng một cách thiên hình vạn trạng (như nạn đặc quyền đặc lợi, chạy chức chạy quyền, tham nhũng hối lộ, tai nạn giao thông, ô nhiễm môi trường, nhiễm độc thực phẩm, bằng dỏm bằng giả, gian lận thi cử…), số cán bộ cấp cao vào tù ngày một đông thêm, tệ nạn xã hội không giảm… Giả định đem tất cả những điều mọi người góp ý phân loại ra gom lại thành sách, thì cũng phải trên chục ngàn quyển dày cộp, phải xây một thư viện “dân ý” rộng bằng Thư viện Quốc gia chứa cũng không đủ!

Thoạt nghĩ, ai cũng có thể cho rằng sở dĩ có tình trạng ù lì kéo dài như trên là vì nhà đương cuộc cộng sản Việt Nam (CSVN) đã phạm phải nhiều sai lầm đáng trách và một cách có hệ thống, nhưng nghĩ kỹ lại thì không phải thế. Bởi một lẽ đơn giản, sai lầm là do bệnh ấu trĩ hoặc thiếu hiểu biết, thiếu kinh nghiệm và một khi được người khác chỉ ra nhắc nhở thì phải có phương cách sửa chữa, sớm hoặc muộn. Ở đây, trái lại, người ta không thiếu kinh nghiệm, mà lại có rất nhiều kinh nghiệm, chủ yếu là kinh nghiệm “làm lơ” hoặc trấn áp khi cần. Theo cách nhìn này thì các nhà đương cuộc CSVN không phạm một sai lầm nào cả, mà chủ trương chính sách của họ là nhất quán xuyên suốt như thế như thế, “nhất mạch tương thừa”, dù người đứng đầu có thể khác nhau, được công khai ghi trong các bản nghị quyết hoặc ngấm ngầm chỉ thị từ bên trong, về điều mà họ cần phải làm, mà nếu không làm vậy thì họ không còn là họ nữa, đã biến sang một bản chất khác. Ví như chủ nghĩa lý lịch, việc chọn người theo phương thức quy hoạch và cơ cấu (vô các cơ quan chính quyền, đoàn thể, Quốc hội…) có tác dụng xấu tiêu diệt người tài đức, để chen vào những kẻ cơ hội bất tài phá hại quốc gia, thì CSVN về cơ bản chưa bao giờ chịu khắc phục sửa chữa bằng những giải pháp cụ thể. Hoặc như Cải cách ruộng đất (CCRĐ), hợp tác hóa nông nghiệp, chế độ quan liêu bao cấp… đã đưa nhân dân miền Bắc trong thời gian dài (1954-1975) vào cái tình thế hiểm nghèo khốn khổ không thể tưởng tượng, các nhà lãnh đạo cấp cao bên trên đều trông thấy rõ đó, nhưng chẳng hề biết xót xa động lòng, và sau khi hi sinh hàng triệu nhân mạng để “giải phóng” miền Nam năm 1975 rồi thì bao nhiêu phương thức/mô hình cũ của miền Bắc XHCN cũng đều được đem ra áp dụng đầy đủ, trong việc cũng hợp tác hóa nông nghiệp, cũng cải tạo tư sản, và nhất là còn thêm các trại tù cải tạo vô cùng khắc nghiệt, khiến cho sinh linh đồ khổ, lòng người ly tán, tạo nên một phong trào thuyền nhân người Việt bỏ xứ ra đi một cách đau đớn trên lộ trình biển hiểm nguy với quy mô chưa từng thấy trong lịch sử. Làm cho dân khổ bằng chính sách bần cùng hóa đã là sai lầm có tội rồi, nhưng họ đâu cho đó là sai lầm, nên vẫn cứ tiếp tục áp dụng vào miền Nam Việt Nam sau ngày đất nước thống nhất. Đường lối văn nghệ cũng vậy thôi, tiêu diệt mọi sáng kiến và trí sáng tạo văn nghệ cá nhân, làm tê liệt tự do tư tưởng, để chỉ cho ra những sản phẩm giáo điều cổ vũ đấu tranh giai cấp cùng lòng thù hận, ai làm trái sẽ không còn đất sống, mà tiêu biểu là vụ án Nhân Văn Giai Phẩm (1955-1958). Họ phải làm và cần làm như vậy để triệt tiêu những mầm mống và tàn dư của chủ nghĩa tư bản, để cho tầng lớp hữu sản không thể ngóc đầu dậy được, bao nhiêu lợi quyền về tay nhân dân nhưng thực tế và chủ yếu là vào tay những người được phân công quản lý mọi mặt chính trị-kinh tế-văn hóa-xã hội ở các cấp từ trung ương xuống đến các thôn xã, với kết quả thực tế là hình thành nên một giai cấp mới mà người ta còn gọi tư sản đỏ, cũng là nguyên nhân gốc rễ của tình trạng tham nhũng hối lộ và thu nhập tài chính bất lương có sự câu kết lẫn nhau giữa các nhóm lợi ích, vô phương cứ chữa!

Trong năm 1956, khi cuộc CCRĐ long trời lở đất đã bể đổ hết rồi, với cả trăm ngàn người bị đấu tố kết tội oan và bị giết, người ta bắt buộc phải đứng ra tổ chức nhận khuyết điểm. Họ mời một giáo sư tên tuổi ra thuyết trình về nguyên nhân của những sai lầm trong CCRĐ, vị này được lời như cởi tấm lòng, thẳng thắn phân tích nói ra hết các sự thật và đề nghị một loạt giải pháp cơ bản theo hướng cải cách chính trị. Vị giáo sư tài giỏi trung thực mà hồn nhiên này sau đó bị “rút phép thông công” phải kéo lê cuộc đời của người trí thức khốn khổ cho đến ngày tàn lụi. Trong khi đó, những nhà lãnh đạo trực tiếp cuộc CCRĐ thì tuy có bị tập thể kiểm điểm để nhận kỷ luật nhưng cũng chỉ thể hiện dưới hình thức chuyển công tác khác, về sau có người còn ngoi lên lại để nắm vị trí đứng đầu nhất nước. Hầu như không ai tự từ chức hoặc bị cách chức về đuổi gà cho vợ!

Năm 1960, khi nhà lãnh đạo Khruschev của nước đàn anh Liên Xô đứng ra hô hào “xét lại” thì cả nhóm những người cầm quyền trong nước hoang mang, “ủa sao lạ vậy?”, họ yêu cầu một ông có tư cách hàn lâm về chủ nghĩa Mác-Lê ra giải thích. Ông này cũng thật tình, nói ra hơi hướm ủng hộ xét lại, thế là đời ông bắt đầu khốn khổ với hai lần ngồi nhà tù CS…

Cho nên mới nói, các nhà đương cuộc CSVN không nghe lời nói phải quấy của ai bao giờ và cũng không hề phạm sai lầm. Chỉ là do họ cố ý cần làm những việc phải làm, kiên trì nguyên tắc lập trường cơ bản, sau khi đã bàn bạc kỹ trong bộ máy tổ chức chính trị ở cấp quyết định cao nhất. Ai chỉ ra việc họ làm mà nói đó là sai lầm thì đồng nghĩa với sự khốn khổ, như thể có tội, bị nghi kỵ, bị cho là có kẻ địch bên ngoài lợi dụng câu kết chống phá, mất quan điểm lập trường, rồi bị hạ tầng công tác, cho đi lao động khổ sai cải tạo tư tưởng, hoặc thậm chí ngồi tù…

Do không bao giờ vô tình phạm sai lầm vì bệnh ấu trĩ hay vì thiếu kinh nghiệm thực tiễn nên CSVN cũng không bao giờ chủ động chịu đổi mới. Chính phủ liên hiệp năm 1946 quy tụ các thành phần trí thức sáng giá trong nước chẳng qua chỉ là sách lược chính trị tạm thời, mà mắt thiên hạ. Quốc hội thời đó cũng vậy, và cái bản hiến pháp đẻ ra trong giai đoạn này được nhiều người khen là dân chủ nhất trên thực tế tính cho đến mãi hôm nay cũng không có một điều nào được thực hiện, nhất là về các quyền công dân liên quan đến tự do ngôn luận, biểu tình, lập hội… Cho đến Hiến pháp năm 2013, sau nhiều lần chỉnh sửa hình thức câu chữ, bản chất cũng chỉ là một.

Tương tự như vậy, các bản nghị quyết Đại hội (5 năm một kỳ) đi cùng với phương hướng nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội, cũng chỉ là chỉnh sửa câu chữ, còn các nguyên tắc cơ bản như nào là chủ nghĩa Mác-Lê, nào là quốc doanh chủ đạo, nào là đất đai thuộc sở hữu toàn dân do nhà nước quản lý… thì vẫn y nguyên. Khi tình hình đất nước đi tới chỗ hiểm nguy vào những năm đầu thập niên 1980 của thế kỷ trước, do hậu quả của bản hiến pháp và các bản nghị quyết giáo điều đưa lại, người ta bắt buộc phải sửa thêm một vài chủ trương như khoán sản phẩm, xóa bỏ chế độ quan liêu bao cấp, chấp nhận kinh tế nhiều thành phần nhưng quốc doanh vẫn giữ vai trò chủ đạo; về sau, tiến thêm bước nữa là kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, cổ phần hóa doanh nghiệp, phát triển kinh tế tư nhân… Những thay đổi loại này chính là do áp lực của cuộc sống và những đòi hỏi từ phía người dân, hoặc từ dưới lên, chứ bản thân các nhà lãnh đạo CSVN không bao giờ chủ động tự sửa đổi để đi trước một bước. Lý luận của họ, nói là để hướng dẫn cho hành động cách mạng hoặc phương pháp quản lý kinh tế-xã hội, thật ra chỉ là một mớ giáo điều cũ kỹ lạc hậu đi ngược với trào lưu tiến hóa của văn minh nhân loại. Trong số những cán bộ cấp dưới thiện chí, nhờ va chạm thực tiễn sinh động của đời sống mà giác ngộ chân lý, ai can đảm “cầm đèn chạy trước ôtô” có khi còn tự rước lấy tai họa vào thân, mà ở đây chúng ta không tiện nêu ra dài dòng với quá nhiều thí dụ!

Ngay như Nghị quyết VI (1986) được coi là bước ngoặt đổi mới cũng thực chất không phải đổi mới, vì nó giống như một người ngồi trong phòng tự đóng bít các cửa, đến khi ngộp quá chịu không nổi phải mở hé tí cửa cho không khí sạch luồng vào rồi mừng rỡ cho là đã khám phá được chân lý tuyệt diệu! Nếu cố rộng lòng cho Nghị quyết VI (1986) một điểm son, thì điểm được này có thể gọi chính danh là “sửa sai” hơn là “đổi mới”, mà cũng chỉ sửa lại từ những điều tầm bậy do chính mình tạo ra từ đầu mà thôi!

Tại sao dám nói vậy? Đó là vì đổi mới thì phải mang lại hiệu quả tích cực, đằng này từ khi có “đổi mới”, đời sống nhân dân về phương diện vật chất tuy có chỗ đáng khen là dễ thở hơn so với thời ngăn sông cấm chợ (giai đoạn 1975-1985), nhưng mọi thứ tệ hại tiêu cực như quốc nạn tham nhũng, hố ngăn cách giàu nghèo, nạn tha hóa tranh giành quyền lực, tình trạng xuống cấp đạo đức và tội ác gia tăng đã đạt đến mức lâm nguy, âm mưu quỷ kế và tâm lý thờ tiền đã trở thành đặc điểm của thời đại Việt Nam xã hội chủ nghĩa. Điều này có nghĩa là chỉ đổi mới trên hình thức hoặc một cách nửa vời mà không có sự tiến bộ lành mạnh thật sự, trái lại coi như đã bị hiệu ứng ngược thoái trào, và như vậy thà không “đổi mới” còn hơn, hoặc phải đổi theo một hướng khác hẳn.

Người dân thường chỉ nhìn vào các hiện tượng bề ngoài để đánh giá, như thấy hết nạn đói, sản xuất lương thực gia tăng (còn dư ra để xuất khẩu), đường xá cầu cống xe cộ ngày một thêm nhiều, nhà cao tầng mọc lên tua tủa, hàng quán tràn đầy, tiện nghi tiêu dùng phong phú dễ kiếm… thì cảm thấy lạc quan vui vẻ, cho nhà cầm quyền là thông minh tài giỏi, mà ít khi chịu xét đến khía cạnh phát triển cân bằng về mặt bảo vệ môi sinh, công bằng xã hội, điều kiện chăm sóc y tế và giáo dục cho người nghèo, sự băng hoại trong đời sống đạo đức và mối quan hệ con người…

Đặc biệt, đối với đại đa số nông dân vùng sâu vùng xa, đồng bào miền núi, dân nghèo thành thị, người tàn tật, các cụ già thuộc diện thương binh liệt sĩ, bà mẹ Việt Nam anh hùng…, hễ thấy mỗi tháng được nhà nước cấp cho vài trăm ngàn, hoặc được cất cho cái nhà tình thương/nhà tình nghĩa thì đã đủ vui mừng chấp nhận, cho là mình đã được may mắn sống trong thời đại hoàng kim được điều khiển bởi những nhà chính trị nhân đức đại tài. Họ không thắc mắc đòi hỏi những gì cao hơn có tính cách xa xỉ, như là tự do dân chủ, và như người ta thường nói, dân nào thì chính phủ ấy, người dân đã không đấu tranh thì phải “tự làm tự chịu”.

Cũng giống như nước láng giềng Trung Quốc có cùng chế độ chính trị, các nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam thường không ưa bọn trí thức phản biện. Chỉ trí thức nô dịch chuyên phụ họa cho đường lối chính sách mới được trọng dụng, chẳng hạn như các ông hiệu trưởng đại học, các tổng biên tập báo, một số nghị viên Quốc hội, Hội đồng nhân dân và thành viên Mặt trận Tổ quốc các cấp. Một số ít trong hạng người này cũng có chí khí và thực tâm cải cách, nhưng nếu hăng hái quá thì sớm muộn cũng mất chức. Các nhà lãnh đạo chính trị luôn khéo biết dùng những cụm từ có nghĩa lấp lửng như “xét lại”, “diễn biến hòa bình”, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” để chụp mũ bắt tội lên những người có “ý kiến khác”, khiến chẳng ai còn dám hở môi vì sợ bị phê bình, mất điểm. Trong khi đó, nếu xét cho thật sự công bằng tỉnh táo và hợp với quy luật khoa học, một cá nhân con người hay một thực thể chính trị, nếu không biết luôn xét lại để tỉnh thức, phản tư, từ đó “tự diễn biến” “tự chuyển hóa” và diễn biến một cách hòa bình (thay vì bạo động) theo hướng tích cực, thì không bao giờ có thể khá lên được.

Nói về sự cải cách thể chế chính trị ở Việt Nam, đa số người ta thường nhắc đến sự vô lý trong Điều 4 Hiến pháp nói về quyền lãnh đạo đất nước và Điều 53 về chế độ sở hữu đất đai (thuộc toàn dân do nhà nước quản lý), từ đó đòi hỏi phải đa nguyên đa đảng, xã hội công dân, bầu cử – ứng cử tự do (không có cơ cấu, hiệp thương), tam quyền phân lập, mọi công dân đều được tự do phát biểu chính kiến, được biểu tình, lập hội, điều gì pháp luật không cấm thì được làm… Trong bối cảnh chính trị thực tế hiện nay, những đòi hỏi như thế này là tế nhị vô cùng, bởi vì như trên đã nói, các nhà chính trị CSVN khi khéo léo hạn chế tự do dân chủ trên thực tế bằng cách sử dụng một kỹ thuật ngôn từ mị dân độc đáo và gieo niềm hi vọng để nhân dân chờ đợi, họ không vô ý phạm sai lầm và cũng không đổi mới, hoặc chỉ muốn đổi mới một cách nửa vời hình thức, chệch choạc không hiệu quả.

Tuy nhiên, trước tình hình xã hội có nhiều biến đổi và trước đòi hỏi, áp lực của thực tế đời sống, một tổ chức chính trị dù cứng cổ tới đâu, không chịu đổi mới cũng bắt buộc phải thay đổi. Nếu bình tâm và công bằng mà xét, vẫn có một số nhà lãnh đạo chính trị Việt Nam sáng suốt đầy thiện chí có thực tâm cải cách để ít nhất tránh khỏi nguy cơ sụp đổ cho tổ chức cầm quyền, hoặc để tiếp tục được nắm quyền lãnh đạo một cách ung dung hơn mà không sợ bị nhân dân bất bình chửi bới, nhưng họ đành chịu sự bất lực, không thi hành được.

Vì sao vậy? Chính là vì ban lãnh đạo tối cao của đất nước không do dân bầu lên bằng thể thức đầu phiếu dân chủ, mà tự mình bầu mình lên, theo kiểu quy hoạch cơ cấu, rồi vận hành bộ máy bằng phương thức tập thể quyết định, được biện hộ bằng lý luận giáo điều của ban tuyên giáo trung ương, với xung quanh một hệ thống chính trị phụ họa gồm quốc hội, hội đồng nhân dân, mặt trận tổ quốc, công đoàn, các đoàn thể (thanh niên, phụ nữ…) và các hội nghề nghiệp (như Hội Nhà văn, Hội Sử học…), trở thành một hệ thống chính trị liên hoàn khép kín trong vũng lầy tù túng, ở đó người ta rình rập nhau về quan điểm lập trường, khiến mọi cá nhân đều bị tan biến vào cái tập thể mênh mông trừu tượng, con người trở nên hèn đớn tự giấu lương tri không dám phát biểu thật chính kiến, mà phải ép lòng đồng nhất chính kiến với tập thể đa số, đôi khi có người muốn lặng im cũng chưa chắc được yên ổn trong cái tập thể vốn đã bị tha hóa toàn diện; ai làm trái sẽ bị khốn khổ, hoặc ít nhất không được thăng tiến cho bản thân mình và cả cho con cháu, người thân của mình.

Mấy nhận xét vừa nêu ra trên đây thật ra đã cũ rích, không ít người nhận ra nhưng cứ chấp nhận, lờ đi như không biết, chỉ lo tập trung thăng tiến chức vụ hoặc nhảy ra ngoài kinh doanh kiếm sống, làm giàu. Kẻ nào thông minh vượt lên được cả về địa vị lẫn tiền bạc thì bắt buộc phải câu kết với các nhà đương cuộc, tạo thành chủ nghĩa xã hội thân hữu, chủ nghĩa tư bản cuồng nhiệt. Chỉ tội đại đa số đám dân nghèo lép vế trong bữa tiệc chung cuộc đời, vì thế chúng ta còn có lý do rất chính đáng để đấu tranh cho sự công bằng xã hội bằng cách đòi hỏi cải cách thể chế.

Nhưng như trên đã nói, các nhà lãnh đạo CSVN không phạm sai lầm mà cũng không đổi mới, hoặc chỉ chấp nhận đổi mới lưng chừng; khi cần đổi mới thật sự thì vướng phải bi kịch bị kẹt không nhúc nhích được, không dám nói ra được. Người ta bảo người CS vừa là tội đồ, vừa là nạn nhân của chính họ, chính là vì thế: họ mất hết mọi quyền tự do! Rốt cuộc, tất cả mọi người Việt Nam trong chế độ XHCN, kể cả dân và cán bộ, đều như phải sống trong một cơn lên đồng tập thể, mất hết ý chí và quyền làm chủ bản thân, và cũng không “làm chủ tập thể” XHCN được! Từ đó đâm ra có nhiều tật xấu giả dối, người làm cơ quan nhà nước thì phải sống hai mặt, trở thành kịch sĩ, mắt nhìn nhau nghi kỵ; chứng bệnh vô cảm và tự kỷ gặp môi trường thuận lợi được phát triển trên diện rộng. Cái gọi là “sự đồng cảm” (empathy), lương tâm, dũng khí, bụng giúp người… lần lần biến mất, và có một cụm từ để chỉ khá đích xác cho trạng thái tâm thần này được gọi là chứng rối loạn thần kinh tập thể (collective neurosis), do chính cái thể chế chính trị lạc hậu gây ra.

Các nhà chính trị CSVN bây giờ đã trở thành nạn nhân thì chính họ không thể tự cứu lấy mình được, điều này có nghĩa công cuộc đổi mới chính trị một cách thực chất cần phải có những lực tác động từ bên ngoài, tức từ phía nhân dân, và chính nhân dân đến lượt mình sẽ trở thành vị cứu tinh cho những người CS thoát khỏi hoàn cảnh bế tắc rất bi kịch của họ. Trước đây các nhà hoạt động chính trị CS tự hào được tiếng tốt cứu dân ra khỏi ách thống trị của thực dân, thì giờ đây dân tế độ lại họ, cũng là chuyện bình thường, rất hợp với truyền thống nhân đạo tình nghĩa của người dân Việt. Để làm được điều tốt đẹp này, trước mắt chúng ta tạm không nên đá động đến mấy điều đang bị cấm kỵ như đa nguyên đa đảng, xã hội công dân, tam quyền phân lập… Người dân Việt Nam vì thế chỉ cần đấu tranh quyết liệt để đòi thực thi dân chủ theo đúng những gì đã được ghi trong Hiến pháp hiện hành năm 2013. Nếu làm theo cách này, người dân Việt Nam đại khái sẽ được:

1) Việc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu Hội đồng nhân dân được tiến hành theo nguyên tắc phổ thông, bình đẳng, trực tiếp và bỏ phiếu kín (Hiến pháp, Điều 7).

2) Công dân đủ mười tám tuổi trở lên có quyền bầu cử và đủ hai mươi mốt tuổi trở lên có quyền ứng cử vào Quốc hội, Hội đồng nhân dân. Việc thực hiện các quyền này do luật định (Điều 27).

3) Ở nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, các quyền con người, quyền công dân về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội được công nhận, tôn trọng, bảo vệ, bảo đảm theo Hiến pháp và pháp luật (Điều 14).

4) Mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội (Điều 16).

5) Mọi người có quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo, theo hoặc không theo một tôn giáo nào. Các tôn giáo bình đẳng trước pháp luật (Điều 24).

6) Công dân có quyền tự do ngôn luận, tự do báo chí, tiếp cận thông tin, hội họp, lập hội, biểu tình. Việc thực hiện các quyền này do pháp luật quy định (Điều 25).

Quyền công dân gì đã ghi rõ trong Hiến pháp mà chưa được thể hiện trên thực tế thì người dân phải đòi (như quyền biểu tình…). Muốn có được nền dân chủ thực chất thì dân chúng cần phải tranh đấu chứ không đợi các cấp chính quyền từ tâm ban phát. Nhân dân phải “đối lập”, giám sát chính quyền thì mới có một chính phủ tốt, vì dân chủ không phải từ trên trời rơi xuống, nhất định phải trải qua những đấu tranh lý tính; không hiểu được đấu tranh giành quyền lợi, thì tất yếu phải chịu sự thống trị của nền độc tài.

Cứ đòi thực thi đúng, đủ bản Hiến pháp do chính các nhà đương cuộc hiện tại lập ra là được, theo cách “lấy gậy ông đập lưng ông”. Một khi đã có được quyền tự do bầu cử ứng cử, quyền tự do ngôn luận, báo chí, lập hội, biểu tình… như Hiến pháp quy định, thì tuy không nói đến đa nguyên đa đảng, xã hội công dân, tam quyền phân lập…, những thứ này lần lần cũng sẽ đạt được theo nhu cầu bức xúc của toàn xã hội.

Tuy nhiên Hiến pháp năm 2013 cũng cần phải được tu chính ở vài điều khoản quan trọng, đặc biệt ở Điều 51 “kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo”, và Điều 53 “Đất đai… là tài sản công thuộc sở hữu toàn dân do Nhà nước đại diện chủ sở hữu và thống nhất quản lý”. Chính cái nguyên tắc “đất đai thuộc sở hữu toàn dân” này là cái bẫy lừa tinh vi, một trong những cội nguồn trực tiếp gây ra tệ nạn thu nhập đất đai bất chính của không ít cán bộ CS chức quyền, cũng là nguyên nhân của tình trạng động loạn xã hội kéo dài thể hiện qua hàng trăm hàng ngàn cuộc khiếu kiện đông người trong dân từ trước tới nay, trên toàn quốc, mà thời sự mới nhất là vụ Đồng Tâm (huyện Mỹ Đức, Hà Nội), dẫn đến tội ác nhà cầm quyền phải động binh đến mấy ngàn người trấn áp, tiêu diệt người đồng chí cộng sản tuổi cao của mình là cụ Lê Đình Kình! Hành động quá thể này đã gieo thêm mầm thù hận và tạo nên hình thế đối lập giữa nhân dân với các nhà chức trách CS.

Ngoài ra, về mặt ngôn từ, bản Hiến pháp tu chính cũng cần sửa lại một số câu chữ “lưỡng nghĩa” rất dễ bị suy diễn và áp dụng tùy tiện.

Nếu không có những thay đổi căn bản đại khái như trên thì nhà cầm quyền CSVN coi như vẫn tiếp tục “cố ý làm trái”, không có gì đáng gọi “đổi mới”.

Cuối cùng, những người CSVN có muốn được nhân dân mình cứu thoát ra khỏi trạng thái bối rối lúng túng trong tấn đại bi kịch như trên đã mô tả hay không, thì đây là một thách thức rất lớn mang tầm vóc lịch sử mà ban lãnh đạo tối cao của họ cần phải bình tâm cân nhắc suy nghĩ, trong quá trình chuẩn bị cho kỳ Đại hội XIII sắp diễn ra vào năm sau.

25.6.2020

T.V.C.

Tác giả gửi cho viet-studies ngày 25-6-20

Nguồn: hviet-studies.net

This entry was posted in Bản chất thể chế, Thể chế Cộng sản. Bookmark the permalink.