Kiên định ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ vì không muốn phải nhận sai lầm

Diễm Thi, RFA

Một cảnh sát đứng trước tấm áp phích kỷ niệm 90 năm Đảng Cộng sản Việt Nam tại Hà Nội vào ngày 3 tháng 2 năm 2020. AFP

Không có gì mới

Dự thảo văn kiện trình đại hội đảng lần thứ 13 do Ban Tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam tổ chức sáng 10 tháng 6 được nói có những điểm mới. Một trong những điểm được cho là mới do Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú báo cáo là, “phấn đấu đến giữa thế kỷ 21, nước ta trở thành nước phát triển định hướng xã hội chủ nghĩa”.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A nhận định:

Tôi nghĩ câu đấy là một sự thừa nhận thất bại của đường lối họ đặt ra, là đến 2020 nước Việt Nam trở thành một nước công nghiệp phát triển theo định hướng XHCN. Mục tiêu đó không thể đạt được. Bây giờ lại đặt ra đến giữa thế kỷ 21 thì tôi nghĩ không có gì mới cả.

Cái cụm từ “định hướng XHCN” nó không có một ý nghĩa gì cả. Bản thân họ cũng hiểu điều đấy nhưng họ buộc phải nói vậy bởi cái đầu của họ nó thế. Họ đã giương cao ngọn cờ XHCN 70 năm nay. Bây giờ chẳng lẽ lại bảo bỏ XHCN đi để theo tư bản chủ nghĩa thì nó ‘hôi’ quá!”.

Tiêu chuẩn CNXH đến nay chưa có gì có thể lượng hóa được mà lại cứ nêu ra. Như vậy họ dẫn người dân đến một cái mơ hồ, cái không thể cân đo đong đếm, tức là không thể nào kiểm chứng được. Đây là một hình thức theo tôi là lừa mị!

TS. Đinh Đức Long

Với tuyên bố của Phó chủ tịch Hội đồng Lý luận Trung ương Phùng Hữu Phú, Tiến sĩ Đinh Đức Long cho rằng đây chỉ là cái bánh vẽ, bởi cho đến bây giờ chưa thấy đưa ra tiêu chuẩn thế nào là XHCN. Ông nhắc lại tại đại hội đảng khóa trước họ nói đến năm 2020 nước ta cơ bản là một nước công nghiệp hóa. Bây giờ 2020 rồi mà chả thấy đâu mà cũng chưa thấy họ kiểm điểm coi vì sao họ chưa làm được và ai chịu trách nhiệm. Ông nói thêm:

Thứ nhất là họ chả định nghĩa thế nào là XHCN. Thế giới chưa có mô hình nào là CNXH hoàn thiện cả. Ông Nguyễn Phú Trọng từng nói là đến cuối thế kỷ này chưa biết có CNXH hoàn thiện chưa. Làm sao thực hiện cái mà đến bây giờ chưa ai “sờ” thấy?

Tiêu chuẩn CNXH đến nay chưa có gì có thể lượng hóa được mà lại cứ nêu ra. Như vậy họ dẫn người dân đến một cái mơ hồ, cái không thể cân đo đong đếm, tức là không thể nào kiểm chứng được. Đây là một hình thức theo tôi là lừa mị!”.

Ngày 6 tháng 6 năm 2019, ông Tổng bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có bài viết “Chuẩn bị và tổ chức thật tốt đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ 13 của Đảng”. Bài viết được một số tờ báo trong nước đăng nguyên văn.

Theo đó, kiên định mục tiêu, lý tưởng độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội trên nền tảng chủ nghĩa Mác – Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh; tăng cường vai trò lãnh đạo của đảng, đề cao trách nhiệm của các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, nhất là người đứng đầu, là 2 trong số các quan điểm định hướng mà ông Trọng yêu cầu phải thực hiện tốt.

Trong một lần trả lời phỏng vấn RFA về vấn đề XHCN, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa nhận xét rằng sau hơn 40 năm xây dựng xã hội chủ nghĩa thì chủ nghĩa này đang có dấu hiệu tàn tạ. Ông giải thích:

“Chúng ta khó quên khẩu hiệu “tiến nhanh tiến mạnh tiến vững chắc lên xã hội chủ nghĩa” do Việt Nam đề ra sau năm 1975. Sự thật thì giới lý luận của Hà Nội không định nghĩa được “xã hội chủ nghĩa” là gì mà đòi xóa bỏ tất cả những gì họ cho là không thuộc xã hội chủ nghĩa, gọi đó là “cải tạo”. Vì tính chủ quan duy ý chí khi có toàn quyền trong tay, họ đòi cải tạo “quan hệ sản xuất” để từ đó nâng “phương thức sản xuất” lên một trình độ cao hơn, là phương thức sản xuất xã hội chủ nghĩa”.

Không thể bỏ cụm từ “định hướng XHCN”?

Năm 2013, khi phát biểu về dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, ông Nguyễn Phú Trọng có nói rằng, “Đổi mới chỉ là một giai đoạn, còn xây dựng CNXH còn lâu dài lắm. Đến hết thế kỷ này không biết đã có CNXH hoàn thiện ở Việt Nam hay chưa. Cho nên nếu có sửa thì phải nói là “đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử trong công cuộc đổi mới đưa đất nước đi lên CNXH” sẽ chuẩn hơn”.

Theo nhiều nhà quan sát thì XHCN là một khái niệm mơ hồ nhưng Việt Nam vẫn phải bám theo những từ ngữ đó dù thực chất không phải như vậy.

Tiến sĩ Đinh Đức Long phân tích rằng, trước đây kinh tế là quan liêu bao cấp tập trung, bây giờ thì kinh tế thị trường. Mà kinh tế thị trường là đặc trưng của chủ nghĩa tư bản. Họ làm rồi nhưng họ vẫn thêm cái đuôi CNXH. Ông giải thích lý do vẫn giữ câu chữ XHCN:

Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là XHCN cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi!

TS. Nguyễn Quang A

Cái đấy nó có lý do mà theo tôi hiểu là lý do về chính trị. Bây giờ, khi Việt Nam ký các hiệp định thương mại song phương, đa phương hoạt động theo chuẩn mực quốc tế thì thực chất là đi theo nền kinh tế tư bản chủ nghĩa rồi. Họ vẫn giữa cái đuôi XHCN là để an dân thôi. Họ muốn giữ với mục đích an ủi những người đã ngã xuống, những cựu chiến binh, những người già, những người cả đời đi theo lý tưởng chủ nghĩa cộng sản, lý tưởng CNXH.

Nếu họ bỏ chữ XHCN thì hóa ra họ thừa nhận khẩu hiệu mấy chục năm nay của họ sai à? Cộng sản thì họ nói một đường làm một đường khác. Họ không bao giờ nhận sai dù trên thực tế họ có sửa sai”.

Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, khi kinh tế bị khủng hoảng, sản xuất suy sụp và lạm phát tăng, Hà Nội phải tiến hành đổi mới, là áp dụng quy luật thị trường nhưng giới lãnh đạo vẫn tiếc cái đuôi xã hội chủ nghĩa.

Tiến sĩ Nguyễn Quang A thì cho rằng, không cần quan tâm đến từ ngữ của họ. Họ phải bám lấy những từ ngữ đấy bởi nếu không bám lấy từ ngữ “định hướng XHCN” thì họ tự vả vào mồm mình rằng họ phản bội chính cái đường lối, cái mục tiêu từ ban đầu. Thử nhìn lại thực tế của 25, 30 năm qua thì không có một cái gì gọi là định hướng XHCN cả nhưng họ cứ phải bám lấy những từ đấy. Ông nói thêm:

Thực sự chế độ kinh tế mà họ xây dựng ở Việt Nam hiện nay là một chế độ tư bản chủ nghĩa man rợ, không có gì là XHCN cả. Họ phục vụ tư bản và bản thân họ là những tư bản giàu nhưng họ vẫn giữ những từ ngữ đấy để lừa mị thôi!”.

Chế độ độc đảng và xã hội chủ nghĩa là chế độ chính trị hiện nay ở Việt Nam. Thực tế trên thế giới cho thấy đến nay, chưa có nước nào theo chế độ độc đảng và XHCN mà thực hiện được lý tưởng do chính họ đưa ra là “dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh”.

D.T.

Nguồn: RFA

This entry was posted in Chủ nghĩa xã hội. Bookmark the permalink.