Mạng sống Hồ Duy Hải và sinh mệnh của công lý

Lê Thanh Phong

Cho dù Hồ Duy Hải có chịu án tử, thì ai dám chắc là đã loại được tội phạm thực sự ra khỏi xã hội? Vụ án Hồ Duy Hải đang là thước đo sinh mệnh của công lý.

Hội đồng thẩm phán TAND Tối cao không chấp nhận kháng nghị của Viện trưởng Viện KSND Tối cao, buộc Hồ Duy Hải phải chấp nhận án tử hình tổng cộng hai tội: Giết người, Cướp tài sản.

Quyết định này tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận, đặc biệt là các chuyên gia pháp luật. Ở đâu còn có những tranh luận, phản biện, ở đó dân chủ có đời sống, có sức sống.

Sinh mệnh của con người vô cùng quý giá, cho nên mới có nhiều bước của tố tụng từ điều tra, kiểm sát, xét xử. Quá trình xét xử phải qua hai phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm. Nhưng chưa hết, còn một cửa cho sinh mệnh của con người nữa, đó là giám đốc thẩm.

Và nếu như quyết định giám đốc thẩm vẫn chưa tỏ tường, còn “điểm mờ” nào đó, thì vẫn còn những cánh cửa khác để bảo vệ sinh mệnh con người, nếu như thực sự có oan sai.

Hồ Duy Hải có bị oan sai không? Chưa thể khẳng định điều đó.

Hồ Duy Hải có là thủ phạm giết người không? Đây chính là điểm mờ chưa được làm sáng tỏ, báo chí, các luật gia đã phân tích rất nhiều, suốt cả chục năm qua, tưởng không cần phải nhắc lại.

Chứng cứ buộc tội Hồ Duy Hải một khi còn những điểm mờ (dù là nhỏ) và một khi chưa làm sáng tỏ những điều này, thì chưa thể khẳng định bản chất vụ án là ở đâu.

Công lý là ánh sáng, soi chiếu đến mọi góc tối, đến tận cùng bóng tối. Dù chỉ một điểm mờ chiếm 1 phần trăm của vùng sáng công lý, thì cũng không thể kết luận có tội, đó mới là công lý thực sự.

Cho nên, còn một hoài nghi về chứng cứ buộc tội Hồ Duy Hải, thì chưa thể kết tội. Chưa nói tới việc nguyên tắc suy đoán vô tội có thể nói là một trong những giá trị văn minh ở trình độ cao nhất của nhân loại.

Những điều tra viên tham gia vụ án từ đầu phải nói là đã quá cẩu thả, vụ án hai mạng người nhưng xem như vụ án bình thường. Từ sự tùy tiện ban đầu dẫn đến những sai sót trong thủ tục tố tụng, khiến cho vụ án ngày càng bế tắc, ngày càng đi vào ngõ cụt.

Cho dù Hồ Duy Hải có chịu án tử, thì ai dám chắc là đã loại được tội phạm thực sự ra khỏi xã hội?

Sinh mệnh công dân và quyền con người được đặt lên cao nhất, và còn nữa, cùng với sinh mệnh của công dân là sinh mệnh của công lý.

Quyết định xử lý theo pháp luật một tội phạm hình sự là bảo vệ sinh mệnh của công lý. Và đôi khi, dừng lại quyết định vì chưa đủ chứng cứ thuyết phục không chỉ là bảo vệ mạng sống một con người, mà còn là bảo vệ sinh mệnh công lý.

L.T.P.

Nguồn: laodong.vn

This entry was posted in án oan, Giám đốc thẩm, Pháp luật Việt Nam, Vụ án Hồ Duy Hải. Bookmark the permalink.