Nhà nông gian nan đưa con lên ‘kinh’ ứng thí

Ở điểm thi ĐH tại Trường tiểu học Thái Thịnh, những người cha, người mẹ chân đất gọi nhau bằng những cái tên trìu mến như "bà tấn rưỡi", "ông tấn hai". Ảnh: Hoàng Thùy.

Ở điểm thi ĐH tại Trường tiểu học Thái Thịnh, những người cha, người mẹ chân đất gọi nhau bằng những cái tên trìu mến như "bà tấn rưỡi", "ông tấn hai". Ảnh: Hoàng Thùy.

Mang nhiều đồ nên hai mẹ con đi hai xe ôm đến điểm thi, được một lúc thì hai xe mất dấu, bà Hoa hốt hoảng sợ “mất con”, bắt xe ôm quay lại, lòng vòng tìm kiếm.

Quê ở Vũ Thư, Thái Bình, nhà làm nông nên bà Nguyễn Thị Hoa quanh năm chỉ biết làm bạn với cái cày, cái cuốc. Chưa một lần được lên phố thế mà bà lại được giao trọng trách đưa cô con gái ra Hà Nội thi đại học vì lẽ “đàn bà con gái biết chi tiêu hơn”.

Đi từ tờ mờ sáng, đến trưa thì xe tới bến. Hai mẹ con vừa bước xuống, đồ đạc còn lỉnh kỉnh, lái xe ôm đã tranh nhau mời mọc, tranh nhau xách đồ. Bà Hoa tặc lưỡi, thôi thì mình nhà quê, đường sá có biết gì nên nhờ họ vậy.

Sợ đi chung xe, “bị công an bắt thì bà trả tiền đấy nhé”, bà Hoa tá hỏa bởi bà ở nhà quê, tiền đưa con đi thi còn phải giật gấu vá vai lấy đâu ra mà trả công an.

Vậy là đành thuê 2 xe, mỗi xe chở một người giá 30.000 đồng cho an toàn, dù quãng đường bà dò hỏi chỉ là 2 km. Xe bon bon chạy, lúc đầu còn thấy hai ông xe ôm đi cạnh nhau, được một lúc bà không để ý, quay lại đã không thấy con gái đâu nữa. Bà Hoa hốt hoảng hét lái xe dừng lại tìm con.

Ông xe ôm “chiều khách”, chở bà quay lại, rồi loanh quanh các phố cho bà tìm. Chỗ nào cũng mới, chỗ nào cũng lạ mà bóng dáng con gái chẳng thấy đâu. Bà Hoa càng ngày càng lo lắng hơn. Rồi bà nghĩ dại, nhỡ con gái bị bắt cóc, đem bán thì biết làm thế nào. Nước mắt bà rơi, mặn chát và bà chợt nghĩ ra, hay cứ về cổng trường thi xem nó đã về đấy chưa.

Đến cổng trường thi thấy cô con gái đang đứng ở đó, bà mừng như bắt được vàng. Nhưng lúc này, cái giá mà bà phải trả cho quãng đường 2 km không phải 60.000 đồng nữa mà phải thêm 30.000 đồng tiền quay lại tìm con.

Câu chuyện của bà Trịnh Thị Nhàn (Nam Định) mấy ngày qua vẫn là đề tài bàn tán của những phụ huynh đưa con đi thi ở cổng Trường ĐH Văn hóa. Số là bà ở quê, nơi xa nhất bà đi cũng chỉ là xuống huyện nhà. Đợt này đưa con ra Hà Nội, bà phải ngồi xe ôtô tới hơn 200 cây số nên ăn được bao nhiêu nôn hết. Đứa con gái cũng lần đầu “lên tỉnh” nên dù tỉnh táo hơn mẹ thì người cũng oải ra vì mệt.

Lúc xe đến nơi, con mải dìu mẹ, mẹ mải đỡ con chờ khách đi hết mới xuống nên không ai để ý đến hành lý. Đến lúc sực nhớ đến đồ, gọi nhà xe mở cốp thì ôi thôi, cốp xe trống không, túi đồ của hai mẹ con đã không cánh mà bay. Bao nhiêu quần áo, đồ đạc, sách vở vậy là đi tong. Hai mẹ con òa lên khóc, không biết lấy quần áo đâu mà mặc, đồ đạc đâu mà dùng.

“May mắn là ví tiền, túi đựng giấy tờ của con bé để trong cặp nó đeo bên người, nếu không thì không biết ra sao nữa”, bà Nhàn chua xót kể.

Rồi bà đành trích số tiền lộ phí ít ỏi của hai mẹ con đi mua mỗi người một bộ quần áo để có cái mà thay. Và để có thể lo cho chi phí phát sinh ấy, hai mẹ con đành phải nhịn ăn, nhịn uống để thi xong còn có tiền về quê.

Ông bố người Quảng Xương, Thanh Hóa này đứng ở cổng trường suốt cả buổi sáng chờ con gái đi thi vào Đại học Thủy Lợi, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thùy.

Ông bố người Quảng Xương, Thanh Hóa này đứng ở cổng trường suốt cả buổi sáng chờ con gái đi thi vào Đại học Thủy Lợi, Hà Nội. Ảnh: Hoàng Thùy.

Đã nghe nhiều về kem Tràng Tiền “vừa ngon, vừa bổ, vừa rẻ” nên khi đưa em ra Hà Nội thi, Nguyễn Thị Tuyên (Hà Trung, Thanh Hóa) đã tranh thủ dẫn em gái đến thưởng thức. Trời nắng nóng nên người mua chen chân nhau. Khi đang đứng chờ người bán kem đưa hàng, Tuyên thấy người đàn bà đứng sau cứ chen lên, kéo cái túi xách cô đang đeo trên người. Tuyên quay lại đề phòng, nhưng khi người bán hàng gọi nhận kem, cô lại quên ngay và giơ hai tay nhận kem.

Ăn xong, hai chị em còn dạo một vòng hồ. Đến khi cô em đòi về, Tuyên móc ví tìm tiền lẻ để trả tiền xe bus mới tá hỏa vì chiếc ví đã không cánh mà bay. Nhớ lại người phụ nữ lúc mua kem, hai chị em vội vàng quay lại nhưng khác gì tìm kim đáy bể. Số tiền 1 triệu bạc coi như đi tong. Cô em khóc lớn vì sợ hết tiền, không được thi đại học. Thế là vừa dỗ em, Tuyên vừa tìm cách liên hệ với mấy đứa bạn đang học ngoài này nhờ “trợ giúp”.

“May mà có số điện thoại mấy đứa bạn cũ đang học ngoài này, không thì mình chỉ có nước chết thôi, không ngờ trộm ngoài này tinh vi thế”, Tuyên nghẹn ngào nói.

Chỉ qua 3 buổi chờ con ở điểm thi Tiểu học Thái Thịnh, các ông bố, bà mẹ nghèo đã trở nên thân thiết. Họ gọi cô Lê Thị Vinh (Thái Bình) là “bà tấn rưỡi”. Không phải vì cô béo, không phải vì cô quê đất lúa, mà bởi để có tiền cho con đi thi, cô đã phải vét rương, vét bồ được tấn rưỡi lúa bán lấy tiền đem đi.

Rồi câu nói của anh Đào Duy Hưởng (ở Thanh Hải, Thanh Liêm, Hà Nam) đã khuấy động không khí, làm những phụ huynh đang ngồi dưới cái nắng 40 độ thấy bật cười nhưng cũng đầy chua xót: “Đưa con đi thi mà vừa mừng vừa lo. Con không đỗ thì con nhục, con mà đỗ thì bố nhục”.

Anh cho biết, quê anh muốn bán lúa đưa con đi thi còn không bán được vì hàng xáo không mua, anh phải vay lãi đưa cháu đi. “Vợ làm ruộng chồng thợ xây, đủ ăn là may chứ nói gì đến tiền tiết kiệm. Một chốc một lát ra Hà Nội thôi mà hai vợ chồng làm cả năm không đủ tiền trả nợ. Nhưng cháu nó học giỏi, bắt nó nghỉ học thì mình day dứt. Thôi thì hy sinh đời bố, củng cố đời con vậy”, anh Hưởng chua xót nói.

HT

Nguồn: http://vnexpress.net/GL/Doi-song/2010/07/3BA1DB4D/

This entry was posted in Giáo dục. Bookmark the permalink.