Nguyễn Thông
3 tháng 11. 2024
Ông Tô Lâm viết (hoặc ai viết giùm) khi nào thì tôi không rõ, chỉ biết chiều 13.10.2024 báo chí quốc doanh đồng loạt đăng bài “Chống lãng phí” đứng tên ông, ở cương vị Tổng bí thư, Chủ tịch nước, hai vị trí cao vót trong “bộ tứ”. Điều này có nghĩa đây là mệnh lệnh của quốc gia.
Kể từ khi ngồi ghế tổng bí thư, lúc kiêm luôn cả chủ tịch nước, ông Tô Lâm có những phát ngôn rất “đổi mới”, xé rào, tích cực, phá vỡ vùng cấm, được hầu hết dư luận xã hội, dân chúng đồng tình, đánh giá cao. Nhiều người bảo đó là tư duy, tinh thần kiểu Gorbachov, hiếm xuất hiện ở xứ này gần thế kỷ nay.
Suốt bao năm, nếu người nói không phải quan chức đứng đầu sẽ bị xử lý “tội” vạ miệng, chịu lên bờ xuống ruộng, nát đám cỏ gà. Những Trần Độ, Trần Xuân Bách, Hồ Đức Việt… là ví dụ. Dân mà phát ngôn vậy có khi bị bắt, đi tù do tội “chống lại đảng, nhà nước”, “lợi dụng quyền tự do, dân chủ”.
Về sự “vạch áo cho người xem lưng”, ông Tô Lâm dũng cảm, thẳng thắn hơn nhiều so với ông “En nờ vê en nờ” Nguyễn Văn Linh thập niên 80 – 90. Ông Linh chỉ dám “Nói và làm” mon men những điều vụn vặt chứ không bao giờ dám đụng chạm tới thể chế, bộ máy thượng tầng, đến những thứ được coi là cấm kỵ có thể liên quan tới sự tồn vong của chế độ. Lâu nay người ta đã idol/thần tượng hóa ông Linh quá đáng so với những gì ông ấy có.
Ông Lâm lại càng hơn hẳn người tiền nhiệm chỉ biết ngụp lặn trong mớ lý luận bùng nhùng, tự mãn “ôi, ta là ta mà ta cứ say ta”. Ông này tôi không cần biên thêm gì bởi thiên hạ đều biết cả rồi. Sau này lịch sử công bằng sẽ phán xét.
Nhưng, oái oăm thay đời luôn có chữ “nhưng”, giữa lời nói với việc làm luôn có khoảng cách, thậm chí tường thành vô hình không vượt qua được. Nói lời hay là một chuyện, mà cơ bản phải chứng minh được cái hay ấy trong thực tế. Nếu chỉ nói hay, thì ai bằng diễn viên, nghệ sĩ sân khấu. Và sân khấu chính trị xứ này hơn 2/3 thế kỷ qua đầy nghệ sĩ nói hay hàng đầu. Nhân dân từng thất vọng quá nhiều về họ nên ít lòng tin vào họ, lời họ nói.
Chỉ mong lần này ông Tô không phải nghệ sĩ. Dẫu hiểu làm chính trị rất cần lựa thời cơ để hành động chính xác, “dục tốc bất đạt”, nhưng sự mong đợi của dân, nhất là dân đã từng bị lừa, không cho phép thời cơ nằm mãi trong thời gian vô tận, trong tương lai mờ mịt.
Trong bài nghị luận chính trị xã hội đúng công thức đủ cả 3 phần mở bài (đặt vấn đề), thân bài (giải quyết vấn đề), kết luận (kết thúc vấn đề) rất chi hàn lâm nói trên, ông Lâm chỉ rõ “lãng phí còn diễn ra khá phổ biến, dưới nhiều dạng thức khác nhau, đã và đang gây ra nhiều hệ lụy nghiêm trọng cho phát triển. Trong đó, gây suy giảm nguồn lực con người, nguồn lực tài chính, giảm hiệu quả sản xuất, tăng gánh nặng chi phí, gây cạn kiệt tài nguyên, gia tăng khoảng cách giàu nghèo. Hơn thế, lãng phí còn gây suy giảm lòng tin của người dân với Đảng, Nhà nước, tạo rào cản vô hình trong phát triển kinh tế – xã hội, bỏ lỡ thời cơ phát triển của đất nước” (trích nguyên văn).
Đoạn văn trích nguyên vẹn trên, có một “câu” thiếu chủ ngữ, không nói rõ ai/cái gì “gây suy giảm nguồn lực con người”. Thứ câu què cụt này rất phổ biến ở đội ngũ trợ lý, thư ký của các sếp to, trong các văn bản của nhà nước. Đó là mối nguy cho tiếng Việt. Thôi, sự này để bàn sau.
Đọc toàn bài “Chống lãng phí” của ông Tô Lâm, rà kính soi từng câu từng chữ, tôi không thấy ông ấy đề cập tới những thứ lãng phí đang diễn ra công khai, hằng ngày, những lãng phí đã được luật hóa bằng nghị định này, chỉ thị nọ của đảng, nhà nước.
Đặc biệt, bài viết đứng tên ông Tô Lâm hoàn toàn không đả động gì tới bệnh hình thức mạn tính gây cực kỳ lãng phí đã thành thứ tệ nạn kinh khủng hết thuốc chữa ở xứ này, cũng không chỉ ra sự duy trì quá nhiều tổ chức hội đoàn, ban bệ, cánh tay phải tay trái, cánh dài cánh ngắn rất vô tích sự ngốn ngân sách từ tiền thuế của dân.
Tới hôm 26.10, phát biểu tại Quốc hội với tư cách đại biểu quốc hội, Tổng bí thư Tô Lâm trăn trở: “Lãng phí xảy ra nhiều lắm. Tại sao mình lại vướng mình, làm khó mình đến vậy? Quy định làm sao mà để cuối cùng mình không thực hiện được? Nhà nước còn không làm được thì sao doanh nghiệp làm được?“. Ông hàng xóm nhà tôi đọc xong cười bảo: Vẫn chung chung.
Lâu nay, người đời thường ngại đụng chạm, ngại ý kiến ý cò về phát ngôn của lãnh tụ, cấp cao, tránh voi chẳng xấu mặt nào… với quan niệm đó là vùng cấm, nói ra cũng chả giải quyết được gì, có khi không phải đầu lại phải tai, nát đám cỏ gà, rước vạ vào thân. Nhưng tôi thì khác. Nói được những điều có ích cho số đông dân chúng, cho cộng đồng chịu nhiều thiệt thòi thì cứ nói. Trung ngôn nghịch nhĩ. Thiệt mình chịu.
Sự góp ý không nhằm vào cá nhân, vụ “chống lãng phí” này chẳng hạn, bởi ông Lâm phát ngôn không vì cá nhân ông, nhưng đó là sự đại diện, thay mặt cho bộ máy lãnh đạo do ông ấy đứng đầu. Ổng chống, tại sao mình không ủng hộ, không chống? Tôi tuyệt đối ủng hộ ông ấy chống lãng phí bởi đó là thứ tệ nạn bản thân tôi rất ghét.
Từ thượng cổ tới giờ, chẳng có bộ máy nào toàn diện, tuyệt hảo, không sai. Vậy thì, nếu ta có ý thức xây dựng, mong muốn cuộc sống và xã hội tốt hơn, thì nói ra với ý thức xây dựng là điều tốt, tích cực. Vấn đề ở chỗ, bộ máy cầm quyền có biết lắng nghe những điều “trung ngôn nghịch nhĩ” hay không. Tôi sực nhớ câu thơ của cụ Lê Đạt (nhóm Nhân văn Giai phẩm): “Anh muốn đảng gọi anh đến nơi/Hội ý về cuộc sống/Điều động anh vào bộ tâm hồn quần chúng/Giúp trung ương xây dựng những con người”. Tôi chẳng bằng móng tay út cụ Đạt, nhưng học cụ, dù biết cụ từng bị lên bờ xuống ruộng.
Trong vệt bài này, tôi chỉ nhấn đến nội dung “lãng phí”, “chống lãng phí”, chỉ ra những khiếm khuyết, góp thêm vào chủ đề ông Tô Lâm đã nêu trong bài huấn thị/chỉ đạo đang được tung hô, ca ngợi.
Lãng phí cái gì?
Trước hết là lãng phí ngân sách. Ngân sách không phải từ trên giời rơi xuống, không do đảng và nhà nước đẻ ra, mà là tiền (ngân), từ mồ hôi, nước mắt, máu của nhân dân tạo thành; là tiền thuế do dân và doanh nghiệp đóng góp; tiền bán tài nguyên đất nước. Lãng phí là có tội. Tội nặng.
Chỉ có điều, các vị hô hào chống lãng phí, cần phải biến lời nói thành việc làm, thành hành vi cụ thể. Đừng có mồm nói tiết kiệm, chống lãng phí, nhưng tay phung phí, coi máu mồ hôi nước mắt nhân dân như rác như bùn.
Ngày 26.10.2024, báo Tiền Phong có bài trong đó nêu ý kiến của bà Phạm Thị Thanh Trà – Bộ trưởng Nội vụ. Bà Trà cho biết: “Trên thế giới chưa có nước nào có đơn vị hành chính cấp huyện, xã nhiều như Việt Nam, kể cả đơn vị hành chính cấp tỉnh cũng vậy.
Vì thế, cũng chưa có đất nước nào mà chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người lớn như Việt Nam, khi chi thường xuyên cho tổ chức bộ máy và con người chiếm đến 62%, không còn nguồn lực để chi cho đầu tư.
Nhắc lại tinh thần của Tổng Bí thư Tô Lâm về việc sắp xếp lại bộ máy, trong đó có cả hệ thống hành chính nhà nước, cả cơ quan Quốc hội, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị xã hội, các cơ quan Đảng, đặc biệt các đơn vị hành chính, bà Trà cho rằng các cấp các ngành cần tinh thần sẵn sàng, chứ không chỉ sắp xếp đơn vị cấp huyện, cấp xã“.
Chính ông Tô Lâm, ngày 31.10 thảo luận tổ tại Quốc hội, ông khẳng định tiếp “Không tinh gọn bộ máy thì không phát triển được“.
Đúng tinh thần ấy, được ông Tô Lâm và bà Trà chỉ dẫn, chúng ta có thể thấy sự lãng phí đang nhan nhản, tràn lan, khắp nơi, mọi cấp, diễn ra công khai, từ nhiều năm nay ở xứ này.
Điều dễ thấy nhất, đó là sự tồn tại của các tổ chức hội đoàn, tổ chức, lực lượng ngoại vi của đảng cầm quyền.
Trước hết là Mặt trận tổ quốc.
Tôi thử hỏi các ông bà dân chúng, vậy Mặt trận tổ quốc làm nhiệm vụ gì cho đất nước này? Rất chung chung, mơ hồ. Cứ lâu lâu xuân thu nhị kỳ nó chỉ mần việc hiệp thương chọn người cho đảng để cơ cấu vào bộ máy cán bộ. Thế thôi, tôi chả thấy nó gánh việc gì khác. Nên giải tán cái đoàn thể chính trị-xã hội này. Nó là một phần của bộ máy cai trị tam trùng (đảng, nhà nước, mặt trận), ngốn ngân sách kinh khủng. Nó có bộ máy riêng từ trung ương tới tận cơ sở cấp xã. Tiền để nuôi nó cũng đủ hành dân lên bờ xuống ruộng. Cần dẹp.
Ngoài Trung Quốc, Lào, Cuba, Triều Tiên, chỉ còn xứ ta dung dưỡng thứ của nợ này. Những nước văn minh, giàu có, chả nước nào nuôi mặt trận mặt triếc. Những nước không có tổ chức mặt trận sẽ như thế nào? Khách quan mà nói, rất nhiều quốc gia nghèo, chậm phát triển không có tổ chức kiểu mặt trận. Nhưng không phải do không có mặt trận mà nghèo. Còn những quốc gia có mặt trận, hầu hết nghèo. Và dễ thấy nhất, tất cả những nước giàu có, phát triển vượt bậc, người dân sung sướng hạnh phúc đều không có mặt trận.
Muốn biết mặt trận cần hay không cần, mỗi người cứ tự hỏi trong cuộc đời mình đã khi nào mặt trận quan tâm, hỏi han, giúp đỡ chưa. Tôi khẳng định có, nhưng không đáng kể, có khi cả triệu người mới gặp một vài trường hợp. Những người hàng xóm nhà tôi thậm chí không biết mặt trận là gì, tồn tại hay không.
Tiếp nữa là Hội Phụ nữ.
Thế tôi lại hỏi các ông các bà, đàn ông có hội riêng không mà cứ phải lập riêng hội phụ nữ? Ra cái vẻ tôn trọng phụ nữ, đề cao phụ nữ! Cứ để bình thường thì mới thực là tôn trọng, chứ đã ưu tiên, đặc cách, chẳng qua chỉ là sự bố thí, xót xa, thương hại, mủi lòng. Mà nó cũng chả làm được trò quái gì ngoài việc lâu lâu múa may nhận tiền 8.3 hoặc 20.10.
Hãy coi xem, khi Bộ Giáo dục ra cái dự thảo về sinh viên bán dâm, nó dám mở mồm lên tiếng được nửa nhời, thì tôi chớ kể. Khi cô gái ở chung cư tại thành phố Thuận An tỉnh Bình Dương bị nhà chức việc phá cửa phòng vào tận nhà túm điệu đi ngoáy mũi trong cơn dịch Covid, không hề thấy hội phụ nữ lên tiếng. Cho tới lúc này, nó vẫn câm nín chả bảo vệ gì được chị em đàn bà của nó. Để chỉ tốn cơm dân nuôi. Dẹp.
Đoàn Thanh niên, Công đoàn, Hội Nông dân, Hội Nghệ sĩ, Hội Nhà báo… đại loại đều thế cả. Xuân thu nhị kỳ chỉ thấy họp hành, bầu bán, cử người, chọn ghế, chứ cái đối tượng mà nó đại diện chẳng được nhờ vả gì. Đoàn Thanh niên chẳng hạn, nếu có chăng, chỉ đảng được lợi, bởi đảng sinh ra nó để làm “cánh tay phải”, làm nguồn cung cấp lực lượng kế tiếp.
Mà cũng lạ, chỉ nhắm tới mỗi đối tượng người trẻ (thanh niên), họ đẻ ra cả Hội Liên hiệp Thanh niên lẫn Đoàn Thanh niên, có từ cấp trung ương tới địa phương cơ sở. Tốn kém ư, bày vẽ ư, dẫm chân lên nhau ư, kệ, cứ phải nhiều cho hoành tráng. Tôi đã từng tòng sự một tờ báo thuộc đám đoàn hội ấy, nhiều lúc cứ ngơ ngác tự hỏi vậy thì cơ quan đơn vị mình trực thuộc đứa nào. Có lần hỏi Tổng Biên tập, ổng bảo thuộc tất, cả đoàn lẫn hội, bởi thực ra chúng chỉ là một.
Mấy thứ đoàn hội ấy, nói chính xác, là sản phẩm của khối cộng sản, chủ nghĩa xã hội khi xưa. Liên Xô có cái gì, đàn em bắt chước thứ ấy. Khối XHCN tan rã, chúng bị chết theo hoặc tồn tại vật vờ ở vài nước “kiên định”, chỉ làm vướng víu con đường đi lên của nhân dân, dân tộc. Sản phẩm nhất thời, lạc hậu, hết giá trị, thậm chí gây tốn kém, trở ngại, không mạnh dạn bỏ đi thì để làm gì cho tốn tiền nuôi.
Những hội đoàn, tổ chức xã hội vẫn cho tồn tại nhưng phải tự lo tài chính, không thể nuôi báo cô mãi được. Đừng lấy cớ đó là hệ thống chính trị mà tồn tại hoa lá cành. Thôi thì đảng cầm quyền đã đi một nhẽ, chứ đúng ra đảng cũng phải “độc lập TỰ LO hạnh phúc” như những nước dân chủ văn minh. Nước họ có đầy đảng, đảng nào cầm quyền cũng được, nhưng dân không phải nuôi, không tồn tại nhà nước “lưỡng đầu chế”, song trùng, thậm chí tam tứ trùng như xứ này.
Còn lại mấy cái đoàn hội nếu không giải tán được thì cũng để chúng tự lo, đừng bắt dân gánh mãi. Hãy dành số tiền khủng lâu nay nuôi mấy thứ trang trí ấy chi cho quốc phòng, nuôi lính, đảm bảo tốt cuộc sống và thân nhân của người lính, nhất là những người ngày đêm giữ biển đảo; nâng cao đời sống nhân dân, nhất là những người nghèo, vùng sâu vùng xa. Họ có vững vàng thì mới có sức mạnh chống ngoại xâm, kiến thiết đất nước, thúc đẩy sự phát triển, đem lại ấm no hạnh phúc cho dân.
Nói chung, mọi dạng đoàn thể, kể cả đảng, cứ việc hoạt động thoải mái, chỉ có điều tự lo chi phí hoạt động, đừng xà xẻo tiền thuế của dân, bắt dân phải nuôi. Còn không chịu được thì nên dẹp.
Điều thứ nhì, rất quan trọng trong công cuộc “chống lãng phí” là dẹp bệnh hình thức. Không thấy ông Tô Lâm nhắc tới.
Dân và doanh nghiệp làm ra tiền, nhà nước bán tài nguyên ra tiền, đem giao tiền ấy vào tay mấy ông miệng nói tiết kiệm, tay vung phung phí, khác nào gửi trứng cho ác.
Ở một nước còn nghèo, ngân sách eo hẹp cạn kiệt, phần lớn dân chúng dạng thu nhập thấp như xứ ta, thì tiết kiệm được đồng nào hay đồng ấy.
Quan chức nhà nước, bộ máy nhà nước phải làm gương tiết kiệm để trước hết không lãng phí ngân sách, thứ hai là để dân noi theo.
Bớt ngay, bớt triệt để tình trạng khẩu hiệu cờ quạt hoa hoét tràn lan. Đừng dẫm vào vết “Lọng cắm rợp trời quan sứ đến/Váy lê quét đất mụ đầm ra” như hồi xưa nữa, chướng mắt lắm.
Băng rôn, cờ xí khẩu hiệu chăng đầy đường. Tôi hỏi các ông, có khi nào các ông vừa chạy xe vừa đọc nội dung những câu khẩu hiệu chăng ngang đường không. Loạng quạng, ngã bỏ mẹ.
Tôi từng thấy một câu khẩu hiệu chăng ngang đường ở quận 8 (Sài Gòn), tò mò dừng xe lại đếm được 68 chữ, nhỏ lít nhít, nội dung hô hào dân chúng tiết kiệm. Chuyện như đùa!
Tôi muốn hỏi Ban Tuyên giáo, ai đọc? Chả hạn các ông đi qua đó có nghểnh cổ lên đọc xong rồi mới đi tiếp không?
Đó là chưa nói phố phường sặc sỡ trông như cái sân khấu, đẹp đâu chẳng thấy, chỉ thấy nhức mắt, mất vẻ mỹ quan.
Tôi nhớ một người bạn tôi, anh Nguyễn Thế Khải (sếp công ty du lịch Hoàn Mỹ nổi tiếng) đi nước ngoài như đi chợ, từng đến trăm mấy chục nước, sinh thời (anh mất do dịch Covid năm 2021) có lần kể tôi nghe, rằng hầu như những nước anh đến, nhất là Mỹ, Nhật, Đức, Anh, Canada khắp phố phường gần như không có cờ quạt, băng rôn, khẩu hiệu; chạy xe trên xa lộ cao tốc hàng nghìn cây số bói không ra câu khẩu hiệu, mà chỉ có những biển chỉ dẫn, chỉ đường.
Có một dạo, hơn chục năm trước, để dẹp bệnh hình thức, tránh tốn kém phiền phức, hoa hòe hoa sói, ông Nguyễn Phú Trọng khi mới nhậm chức tổng bí thư yêu cầu trong những cuộc đi thăm và làm việc của ông, nơi ông đến, nơi ông làm việc không được căng băng rôn khẩu hiệu, không đón rước cờ quạt, không hoa hoét. Ông Trọng cũng đề nghị các đồng chí của ông làm như vậy. Sự gương mẫu của ngài tổng diễn ra được một thời gian ngắn, rồi hình như chính ông cũng chán, cũng quên, mà cũng chẳng thấy đồng chí nào ủng hộ, làm theo. Vẫn băng rôn cờ phướn rợp trời, đón rước linh đình.
Rất nhiều lần coi tivi tôi thấy ông Trọng tiếp khách, trong phòng tiếp vẫn trên giời dưới hoa, khiếp! Đừng bảo nghi lễ quốc gia, quan hệ quốc tế, sự mến khách, hoặc tạo đầu ra cho người trồng hoa, v.v. thì phải vậy. Nói thẳng là đốt tiền, còn người trồng hoa “không mợ thì chợ vẫn đông”, lo gì đầu ra cho sản phẩm mà cứ phải đốt vào trò hình thức lòe loẹt.
Cứ coi nơi quan chức đảng, nhà nước tiếp khách mà xem. Hoa hoét xanh đỏ tím vàng bày ngập tràn từ trên xuống dưới. Dường như cái bệnh hình thức lòe loẹt đã ăn thâm căn cố đế vào máu của họ rồi. Chả biết những vị khách nước ngoài được họ tiếp có sung sướng không hay lại cười thầm, chê cái thói trưởng giả học làm sang.
Nước người ta có tiếp tổng thống hoặc thủ tướng chả có món hoa hòe hoa sói thâm căn cố đế kiểu xứ này. Tôi nhận thấy, khi tiếp khách, dù là quốc khách, rất giản dị. Chính tivi ta phát chứ không phải thế lực thù địch dựng chuyện để so sánh nói xấu ta. Chỉ cái bàn với mấy cái ghế bình thường, ngồi trao đổi đại sự, cấm có hoa hoét cờ xí gì.
Chả nhẽ cứ phải cờ đèn kèn trống hoa hoét cho nhiều thì mới là lịch sự, trang trọng hiếu khách?
Xem những tấm ảnh, đoạn phim về nguyên thủ, lãnh đạo xứ người tiếp khách mà thấy ngược hẳn với mình. Còn nơi đâu giàu hơn như Mỹ như Nhật, Na Uy, Thụy Điển, vậy mà cái bàn cái ghế cũng hết sức giản dị bình thường, chả cần hoa này bông nọ. Họ cốt ở cái thực chất, đâu màng tới phù hoa giả tạo. Cái tên cuốn tiểu thuyết nổi tiếng “Hội chợ phù hoa” của nhà văn người Anh William Thackeray nhẽ ra phải dành cho xứ An Nam này.
Nước nghèo, dân đói, nhưng sự xa hoa có thừa. Tôi không cực đoan đến mức xem thường bộ mặt quốc gia. Tiếp khách, nghi lễ, hội hè kỷ niệm, họp hành, tất nhiên cũng phải đạt sự đàng hoàng, long trọng nhất định. Còn quan trên trông xuống người ta trông vào nữa chứ. Nhưng các nhà cai trị xứ ta mắc cái bệnh thích ném tiền qua cửa sổ. Nói một đằng làm một nẻo.
Miệng xoen xoét hô hào tiết kiệm, “tiết kiệm là quốc sách” nhưng xài tiền thì vô tội vạ. Ông nào cũng đòi nhà to sở đẹp, xe sang tiền tỷ, đến cái ghế ngồi cũng phải nhung lụa, phượng múa rồng bay. Hơn cả hoàng đế Trung Hoa. Năm nào cũng vận động học tập tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, sơ kết, tổng kết, tìm gương điển hình, nhưng chính các ông bà ấy lại khăng khăng không học cụ. Cụ là điển hình về tiết kiệm, giản dị, không bày vẽ, từ căn nhà ở, chỗ ăn chỗ ngủ, nơi làm việc, cái ghế ngồi… Còn con cháu cụ bây giờ cứ làm ngược lại. Vậy thì học cụ ở chỗ nào?
Một nước luôn phải lo đối phó với kẻ ngoại bang xâm lược, phải chuẩn bị đối phó chiến tranh có thể xảy ra bất cứ lúc nào bởi dã tâm của “bạn” lộ rất rõ, mà biện pháp cây tre chỉ mang tính nhất thời, phập phù, thì việc tăng cường quân đội, trang bị vũ khí, chi phí tối đa cho quốc phòng để bảo vệ đất nước là cần thiết.
Để có tiền làm điều đó, đừng chỉ nghĩ đến chuyện tăng thêm các sắc thuế, tận thu nguồn lực từ dân chúng, doanh nghiệp, bán tài nguyên cạn kiệt… mà còn phải giảm bớt triệt để những chi phí lãng phí, vô bổ, chặn đứng tình trạng tiền nghìn tỷ lọt vào túi bọn tham nhũng, tiêu xài hoang phí.
Điều cần làm ngay là siết lại chi phí cho bộ máy cầm quyền đang quá rườm rà, quá to nhưng ít hiệu quả.
Hệ thống lưỡng đầu chế thời Lê – Trịnh ít ra còn có hiệu quả, chứ kiểu song trùng, tam trùng, tứ trùng thời nay rõ ràng là thứ gánh nặng cho dân, cho đất nước. Đảng có thể nhận tất quyền lãnh đạo và thực hiện, chứ kiểu chia mâm bát, ghế này ban nọ tồn tại song song với chính quyền thì dân nào gánh nổi bộ máy hoành tráng cồng kềnh ấy?!
Ai cũng có thể nhận ra sự tồn tại dẫm đạp lên nhau đó ở mọi cấp, mọi lĩnh vực. Có Trung ương Đảng bên cạnh Nhà nước/Chính phủ/Quốc hội; có Ban Tuyên giáo bên Bộ Thông tin/Bộ Giáo dục; có Ban Kinh tế bên các bộ về kinh tế; Ban Đối ngoại bên Bộ Ngoại giao; Ban Nội chính và Ủy ban Kiểm tra trung ương bên Bộ Công an, Viện Kiểm sát, tòa án; có Ban Tổ chức trong khi đã có Bộ Nội vụ; có Ban Dân vận trong khi đã có Bộ Lao động-Xã hội… Mà phải nói rằng bộ máy, nhân sự của các ban chả thua kém gì bộ máy của hành pháp, thậm chí còn khủng hơn, hoành tráng hơn, trụ sở bề thế hơn, chi phí tốn kém hơn, và dĩ nhiên quyền to hơn.
Trung ương thế nào thì các cấp địa phương đều vậy. Cấp ủy, ủy ban, hội đồng nhân dân, mặt trận, hội đoàn… đều cùng tồn tại, từ tỉnh/thành tới tận xã. Không chỉ ăn vào ngân sách, còn chiếm bao trụ sở, nhà to cửa rộng, xe cộ xăng dầu, người phục vụ. Tiền đâu chịu nổi. Điều này ai cũng thấy.
Cần cắt phăng, giảm ngay những cán bộ (từ trên xuống dưới) của đủ mọi ban bệ, ngành, tổ chức chỉ đủng đỉnh hằng tháng lĩnh lương, hội hè đàn đúm, họp hành liên miên mà không làm được bao nhiêu cho dân cho nước, cho xã hội. Loại này, theo tôi, chiếm đến 1/3 trong bộ máy cai trị từ trung ương xuống địa phương.
Để có cán bộ tất nhiên có lựa chọn và bầu cử. Nhưng bầu bán ở xứ nay bao năm nay rất hình thức, vẽ vời. Đảng cầm quyền, lãnh đạo, chỉ đạo, quyết định mọi việc, nhất là về nhân sự. Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chấp hành trung ương, Đại hội toàn quốc đã thông qua, đã quyết rồi, ai làm gì, ai ghế nào… thì cứ thế mà thực hiện. Tại sao lại còn bầu bán? Đã có cuộc bầu nào dám trái ý đảng chưa? Chưa. Đừng lấy lý do làm thế để thực hiện dân chủ, đúng quy trình. Cán bộ, nhất là cán bộ lãnh đạo cấp cao, đã được chọn rồi, chắc như đinh đóng cột rồi, thì dân chủ, quy trình cũng là thừa, bệnh hình thức, gây “lãng phí thì giờ và tiền bạc của nhân dân” (lời cụ Hồ).
(Còn tiếp)
N.T.
Nguồn: FB Nguyễn Thông