Thiếu trường công và xã hội hóa giáo dục

Võ Thị Hải Minh

Câu chuyện thiếu trường công chỉ là hệ lụy dễ thấy của chủ trương xã hội hóa giáo dục mà Việt Nam khởi xướng gần 30 năm trước. 

Khi năm học mới sắp bắt đầu, tình trạng thiếu trường Trung học phổ thông (THPT) ở các thành phố lớn lại trở nên nóng hơn bao giờ hết. Cuộc chạy đua để vào trường công lập là một cuộc chiến khi tỉ lệ trượt ngày càng cao. Trong năm học 2023-2024 vừa qua, ở TP. HCM, trong 98 nghìn thí sinh đăng ký dự thi lớp 10 công lập (tăng 2.300 em so với năm ngoái), chỉ có hơn 71 nghìn em được chọn vào 113 trường THPT công lập trên toàn thành phố1. Tình hình ở Hà Nội còn căng thẳng hơn khi trong 105 nghìn em học sinh, chỉ chọn lấy 72 nghìn em2

Như vậy ở hai thành phố lớn của đất nước, có khoảng một phần ba số sĩ tử sẽ không được vào học trường công THPT. Lựa chọn khác của các em là các trường trung cấp nghề, hệ giáo dục thường xuyên, giáo dục nghề nghiệp hoặc các trường THPT dân lập, “công lập tự chủ” với học phí cao hàng chục lần, thậm chí hàng trăm lần so với khối trường công. 

Tình trạng thiếu trường công lập không phải là chuyện riêng của Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh mà là thực trạng chung của cả nước, đặc biệt là ở các đô thị lớn, có tốc độ gia tăng dân số cơ học nhanh. 

Truyền thông và các diễn đàn quốc hội đã tốn nhiều thời gian và giấy mực để mổ xẻ các nguyên nhân: Một là, quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, xây dựng trường lớp không kịp với tốc độ tăng dân số. Hai là, hoạt động hướng nghiệp dạy nghề chưa làm đến nơi đến chốn khiến việc lựa chọn vào trung cấp nghề sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở không phải là điều khả dĩ. Ba là, do quá trình xã hội hóa chưa được thúc đẩy mạnh mẽ. 

Giáo dục phổ thông trung học không được xem là bắt buộc ở Việt Nam và Nhà nước xem người dùng được hưởng lợi từ giáo dục trung học phổ thông, nghề/kỹ thuật và giáo dục đại học nên cần phải đóng góp nhiều hơn vào chi phí.

Nhưng nguyên nhân thứ ba là một ngộ nhận. Nhiều người không biết rằng càng thúc đẩy xã hội hóa thì tình trạng thiếu trường công có thể sẽ ngày một trầm trọng. Theo đó, nhà nước mời khối doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đầu tư vào giáo dục, trong đó có cả xây dựng trường mới, để giảm gánh nặng ngân sách. Nếu nhà nước ngày một rút chân khỏi lĩnh vực giáo dục, sự “bơ vơ” của hàng nghìn học sinh trước ngưỡng cửa trung học phổ thông mới chỉ là một hệ quả dễ thấy. 

Đầu tư công chững lại

Đầu tư công cho giáo dục vẫn ít ỏi với nhu cầu phát triển giáo dục và đào tạo. Nghị quyết số 29-NQ/TW ngày 4/11/2013 đề ra mục tiêu ngân sách nhà nước chi cho giáo dục và đào tạo tối thiểu ở mức 20% tổng chi ngân sách. Tuy nhiên, trong 10 năm qua, ngân sách chi cho giáo dục và đào tạo chỉ ở mức 15,7 -19,1%. chưa năm nào đạt mức tối thiểu là 20% như mục tiêu đã đề ra. Báo cáo dự toán ngân sách cho giáo dục năm 2022 của 63 tỉnh, thành cho thấy chỉ 50% địa phương đạt tỷ lệ chi cho giảng dạy và học tập tối thiểu3.

Chương trình nghị sự Giáo dục 2030, được các Quốc gia Thành viên UNESCO thông qua năm 2015, khuyến nghị chi tiêu quốc gia cho giáo dục nên chiếm từ 15 đến 20% tổng chi tiêu công cũng như 4 đến 6% GDP. Tuy t lệ chi cho giáo dục so với tổng chi ngân sách của Việt Nam đạt mức khuyến nghị của UNESCO, so với tăng trưởng kinh tế Việt Nam đang có xu hướng giảm chi tiêu cho giáo dục. Cụ thể trong giai đoạn từ năm 2004 đến 2017, phân bổ ngân sách nhà nước cho ngành giáo dục chiếm t lệ khoảng 5% GDP4.  Từ năm 2018 trở đi mức chi tiêu trung bình cho giáo dục giảm xuống còn 4,1% GDP5.

Nhà nước rút chân, tư nhân thế chân? 

Ý định xã hội hóa (XHH) giáo dục của nhà nước đã được nhen nhóm từ gần 30 năm về trước, kể từ khi Việt Nam thực hiện chính sách đổi mới kinh tế, chủ trương xây dựng nền kinh tế đa thành phần. Cụ thể, Nghị quyết số 90/1997/NQ-CP ngày 21/8/1997 của Chính phủ về phương hướng và chủ trương XHH các hoạt động giáo dục, y tế và văn hóa ban hành được coi là cơ sở đầu tiên mở ra chặng đường XHH trong lĩnh vực giáo dục hiện nay. Nghị quyết khuyến khích phát triển các loại trường, lớp bán công, dân lập, tư thục tại thành phố, thị xã, thị trấn và những vùng có kinh tế thuận lợi. Nghị quyết đề ra tỷ lệ hướng dẫn về mức độ phát triển bán công, dân lập và tư thục ở thành phố, thị xã, thị trấn là: đại bộ phận giáo dục mầm non; 10-15% đối với cấp tiểu học; 25% đối với cấp trung học cơ sở; 50% đối với cấp trung học phổ thông.

Phụ huynh xếp hàng trắng đêm để giành nhận đơn tuyển sinh vào trường tiểu học Vạn Bảo ở Hà Nội.

Các chính sách về sau ngày càng nhấn mạnh quan điểm này. Chẳng hạn, Nghị quyết số 29-NQ/TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo do Ban Chấp hành Trung ương Đảng ban hành ngày 4/11/2013 tiếp tục nhấn mạnh chủ trương XHH giáo dục nhằm giảm sức ép ngân sách nhà nước và mở rộng các chủ thể trong xã hội tham gia đầu tư vào lĩnh vực giáo dục.

Nghị quyết số 35/NQ-CP ngày 04/6/2019 của Chính phủ về tăng cường các nguồn lực xã hội cho đầu tư cho giáo dục giai đoạn 2019-2025 đặt mục tiêu phấn đấu đến năm 2020, tỷ lệ cơ sở và số học sinh theo học tại các trường phổ thông ngoài công lập đạt lần lượt là 2,3% và 2,6%; đến năm 2025, tỷ lệ lần lượt là 2,7% và 3%. 

Luật Giáo dục số 43/2019/QH14 được Quốc hội thông qua ngày 14/6/2019 tiếp tục là cơ sở pháp lý quan trọng để hoàn thiện cơ chế, chính sách XHH. Luật có điều khoản riêng về thực hiện cơ chế XHH lĩnh vực giáo dục: đa dạng hóa các loại hình cơ sở giáo dục và hình thức giáo dục; khuyến khích, huy động và tạo điều kiện để tổ chức, cá nhân tham gia phát triển sự nghiệp giáo dục; khuyến khích phát triển cơ sở giáo dục dân lập, tư thục đáp ứng nhu cầu xã hội về giáo dục chất lượng cao. 

Các chính sách xã hội hóa qua từng thời kỳ đã cho thấy nhà nước ta có chủ trương thúc đẩy việc thực hiện XHH ngày càng sâu hơn và mạnh mẽ hơn. Nghị quyết số 90 cho rằng “xã hội hóa… không có nghĩa là giảm nhẹ trách nhiệm của nhà nước, giảm bớt ngân sách nhà nước”. Tuy nhiên, thực tế cho thấy mục tiêu của chủ trương này là khai thác các nguồn lực ngoài xã hội và giảm dần đầu tư công của nhà nước cho giáo dục. Điều này thể hiện rõ trong đầu tư công của Việt Nam trong nhiều năm qua, lĩnh vực nào đẩy mạnh tư nhân hóa sẽ gắn liền với quá trình giảm hoặc không tăng đầu tư công. Các chuyên gia cũng nhận định rằng các biện pháp xã hội hóa của Việt Nam không khác xu hướng “tư nhân hóa” trên thế giới6. Các văn bản chính sách gần đây không đặt mục tiêu cụ thể về mức độ thu hút vốn tư nhân đối với từng cấp học phổ thông. Dù vậy, ta có thể hiểu rằng Nhà nước muốn đẩy mạnh xã hội hóa ở cấp trung học phổ thông và đại học. Cấp tiểu học và trung học cơ sở hiện nay vẫn được xem là cần phải phổ cập và ít nhất giáo dục tiểu học phải được miễn phí để tối đa cơ hội tiếp cận của mọi tầng lớp người dân. Trong khi đó giáo dục phổ thông trung học không được xem là bắt buộc ở Việt Nam và nhà nước cho rằng người học được hưởng lợi từ giáo dục trung học phổ thông, trung tâm dạy nghề/kỹ thuật và giáo dục đại học nên cần phải đóng góp nhiều hơn vào chi phí.

Bất bình đẳng trong tiếp cận giáo dục

Các gia đình ở Việt Nam vốn đã dành tỉ lệ lớn trong tổng chi tiêu cho giáo dục, ngay từ các cấp phổ thông, cao hơn mức trung bình của OECD và một số quốc gia tương đương không thuộc OECD7. Và, càng học lên cao, thì gánh nặng chi trả cho việc học tập của con cái càng lớn. Thực tế, ngân sách nhà nước hỗ trợ hơn 80% chi phí cho mỗi học sinh tiểu học, nhưng con số này giảm xuống còn hơn 65% khi em đó bước vào trung học phổ thông. Trong khi chỉ có gần 100 nghìn trẻ ở lứa tuổi tiểu học không được đến trường trên cả nước thì số trẻ em không tới trường ở cấp trung học phổ thông cao hơn tám lần con số đó. 

Như đã nói, sự khốc liệt gia tăng trong cuộc đua vào các trường trung học phổ thông công lập chỉ là một hệ quả của chủ trương xã hội hóa giáo dục. Có khả năng trong tương lai, không chỉ việc xây trường công lập mới sẽ ngày càng chậm đi hay chững lại mà còn chính các trường công lập đang tồn tại hiện nay chuyển sang cơ chế tự chủ – tức doanh thu chủ yếu sẽ đến từ học phí. Và như vậy, học phí cấp học này sẽ ngày càng tăng. Điều này sẽ khoét sâu thêm bất bình đẳng giữa các tầng lớp xã hội. Trong khi con em từ gia đình khá giả sẽ ngày càng nhiều lựa chọn thì các trẻ em nghèo sẽ càng khó có thể học tiếp. 

Việc đầu tư cho con cái học trung học phổ thông hiện đã là gánh nặng đối với các gia đình nghèo. Theo phân tích của UNICEF dựa trên kết quả khảo sát đo lường các chỉ số mục tiêu phát triển bền vững đối với trẻ em và phụ nữ được thực hiện bởi Tổng cục Thông kê trong năm 2021-20228, trên toàn quốc, 1% trẻ em trong độ tuổi tiểu học không được đến trường. Ở cấp trung học cơ sở, tỷ lệ trẻ em không được đến trường tăng lên 5%, và ở cấp trung học phổ thông, 22% trẻ em không được đến trường.

Ở các cấp học, trẻ em nghèo nhất có tỷ lệ nghỉ học cao hơn mức trung bình toàn quốc. Khoảng cách về tỷ lệ nghỉ học giữa trẻ em ở nhóm giàu nhất và nghèo nhất tăng theo trình độ học vấn: là 1% đối với tiểu học, 13% đối với trung học cơ sở và 45% đối với trung học phổ thông. 

Cũng theo phân tích này, trong năm 2021-2022, khoảng 59% trẻ em Việt Nam hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông nhưng con số này tăng lên 92% đối với các hộ gia đình giàu nhất và giảm xuống 31% đối với các hộ gia đình nghèo nhất. Dưới một nửa số trẻ em Việt Nam ở vùng nông thôn hoàn thành chương trình giáo dục trung học phổ thông.

Ở giáo dục đại học – nơi diễn ra mạnh mẽ nhất xu hướng xã hội hóa cũng là nơi chứng kiến sự bất bình đẳng lớn nhất trong tiếp cận giáo dục. Chi phí cho cấp học này cao gấp 3-4 lần so với trung học phổ thông. Một nghiên cứu gần đây9 cho thấy tỉ lệ học đại học của các gia đình giàu có nhất là gần 40% trong khi con số đó ở các hộ nghèo nhất chỉ là 3%.  

Cách tiếp cận chính sách như trên sẽ khiến Việt Nam khó có thể thực hiện việc phổ cập trung học phổ thông, chưa nói đến việc tăng cường giáo dục và đào tạo có chất lượng ở cấp học này. Việc thiếu ưu tiên đầu tư công cho cấp phổ thông trung học và đại học về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển nguồn nhân lực và năng lực cạnh tranh kinh tế của Việt Nam trong khu vực và trên toàn cầu. 

Cách tiếp cận của một số nước phát triển

Nhiều nghiên cứu nhấn mạnh tầm quan trọng của giáo dục trung học phổ thông, coi đây là giai đoạn quan trọng để chuẩn bị cho các em cả k năng nghề nghiệp lẫn k năng sống trong xã hội. Thậm chí giáo dục trung học cơ sở và trung học phổ thông còn có những đóng góp thiết yếu đối với sự tự lực, tự cường của một quốc gia10

Ở New Zealand và Úc11, giáo dục phổ thông (có hai cấp, cấp 1 và cấp 2) là bắt buộc đối với trẻ em trong độ tuổi 6-16. Với quy định này, giáo dục phổ thông là miễn phí và chính phủ Úc và New Zealand đảm bảo các em trong độ tuổi này được đến trường. Mặc dù các gia đình giàu có có thể lựa chọn trường tư thục với học phí đắt đỏ, nhưng chính phủ luôn đảm bảo trường công có đủ chỗ để các em trong độ tuổi bắt buộc đến trường được tiếp cận giáo dục. 

Một số nước phát triển khác còn đi xa hơn New Zealand và Úc. Phần Lan12, một trong những quốc gia có nền giáo dục tiên tiến nhất thế giới, còn nỗ lực tìm mọi cách để “giữ chân” các em trong hệ thống giáo dục. Học phí đương nhiên là miễn phí, nhưng họ còn hỗ trợ tất cả các chi tiêu thiết yếu khác xung quanh việc đến trường bao gồm cả bữa trưa, xe buýt,… để giảm bớt gánh nặng tài chính cho các gia đình. Mỗi học sinh được hỗ trợ tổng gần 12 nghìn USD từ cấp tiểu học cho đến đại học, cao hơn mức trung bình của OECD là 10 nghìn USD. 

Gần hơn với Việt Nam, Singapore cũng là một mẫu hình tiêu biểu cho việc bao phủ giáo dục phổ thông. Tlệ tốt nghiệp cấp ba của nước này hiện nay là hơn 90%. Học sinh của Singapore chỉ phải đóng học phí rất thấp so với chất lượng hàng đầu thế giới (trung bình một lớp học của nước này chỉ có chưa đến 30 học sinh; giáo viên được trả lương cao và liên tục được huấn luyện và đào tạo hằng năm; các trường công lập vừa được nhà nước tăng đầu tư, vừa được càng nhiều quyền tự chủ về chương trình học và cách thức đánh giá học sinh). Nước này cũng giảm mạnh cả học phí giáo dục đại học. Học sinh đến từ gia đình có thu nhập thấp hoặc từ khối dân tộc thiểu số có thể được miễn phí toàn bộ chi phí học đại học (từ học phí, học liệu…)13.

Tài liệu tham khảo: 

1 Tuyển sinh đầu cấp ở TPHCM: Học sinh chịu áp lực lớn do thiếu trường lớp? (thesaigontimes.vn)

2 33 nghìn học sinh rớt lớp 10 trường công và “Hà Nội là một điển hình” (laodong.vn)

Đầu tư cho giáo dục 10 năm không đạt mức 20% – Báo VnExpress

4 Đầu tư cho giáo dục đại học ở Việt Nam đang quá thấp – Tuổi Trẻ Online (tuoitre.vn)

5 Education financing in Asia-Pacific – UNESCO Digital Library

6 https://tiasang.com.vn/tin-noi-bat/tieu-diem/xa-hoi-hoa-giao-duc-hay-tu-nhan-hoa-giao-duc/

7 World Bank Document

8https://www.unicef.org/vietnam/media/8761/file/Gi%C3%A1o%20d%E1%BB%A5c.pdf

https://js.vnu.edu.vn/PaM/article/view/4163

10 http://eolss.net/Sample-Chapters/C11/E1-12-03-02.pdf

11 Giáo dục phổ thông kéo dài 13 năm: cấp tiểu học (kéo dài từ 7-8 năm) và cấp 2 (5-6 năm), 

12 Các nước dành nhiều nguồn lực để phát triển giáo dục (kinhtedothi.vn)

13 https://urbanedjournal.gse.upenn.edu/volume-14-issue-1-fall-2017-15-years-urban-education-special-anniversary-edition-journal/new

V.T.H.M.

Võ Thị Hải Minh

Tiến sĩ tốt nghiệp Đại học Victoria, Wellington, New Zealand. Hiện chị đang công tác trong lĩnh vực phân tích và tư vấn chính sách công cho Chính phủ New Zealand.

Nguồn: Tia Sáng

  

This entry was posted in Đầu tư công, Giáo dục, Ngân sách cho giáo dục, Tia Sáng, Võ Thị Hải Minh. Bookmark the permalink.