TP – Chị Bùi Thị Lại, ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội dậy từ sáng sớm để đưa em trai lên trung tâm thành phố đi thi. Ba năm liên tiếp chị đều đưa em trai đi thi.
Chị Bùi Thị Lại bảo:
– Thằng em trai em thi ba lần hỏng cả ba. Nhưng nó vẫn quyết tâm thi lần thứ tư. Nó bảo: giỏi như ông Tú Xương còn hỏng thi 7 lần, em mới 3 lần, có sao đâu “khoa này thi hỏng có khoa sau”. Bố mẹ em cũng quyết phải cho nó vào đại học bằng được.
Cứ mỗi lần em nó đi thi, mẹ dậy sớm thổi xôi nếp đậu, bố quần áo chỉnh tề thắp hương cầu khấn tổ tiên, bà con cô bác đến đưa tiễn trang trọng lắm. Ở quê em bây giờ làm ruộng lam lũ, nên khát vọng thoát nghèo, đổi đời dồn mỗi vào chuyện học của thằng em. Thôi thì vì tương lai con em chúng ta, chị lại cơm đùm, cơm nắm đưa em đi, dù lên đây còn mệt hơn đi cày, đi cấy.
+ Lên thành phố đưa em đi thi sao lại mệt hơn đi cày đi cấy?
– Em sống ở quê nó quen rồi, lên đây chật chội, ô tô xe máy lao hoa cả mắt. Cái gì cũng phải mua, không xin được như ở quê. Mà cứ mỗi lần thi đại học là một dịp giá cả tăng. Được cái ở đây không mất điện như ở quê.
Cũng may mấy năm nay có các cô các chú sinh viên tình nguyện hướng dẫn nhiệt tình lắm. Nhìn thấy màu áo xanh của các cô chú là em yên tâm, không sợ đám cò mồi lừa. Mà chị em em đang ở trọ không mất tiền đâu chú ạ.
+ Chị vừa nói lên thành phố cái gì cũng phải mua, vậy mà ở nhà trọ lại không mất tiền à?
– Thằng em trai đọc trên mạng thấy có một chị loan tin cho các sỹ tử ở trọ miễn phí. Nhà chị ấy rộng, mà chị ấy lại thương các em học trò nghèo phải thuê nhà trọ giá cắt cổ. Chị em em ban đầu tưởng là lại trò lừa đảo gì đây, nhưng đến nơi thì đúng là bà chủ nhà tốt bụng thật.
Bà ấy còn mua cả nước cho các sỹ tử đi thi uống. Em cảm động rơi nước mắt. Sự giúp đỡ này quý giá hơn cả tiền. Vì các em học sinh ra thành phố đi thi, ấn tượng ban đầu quan trọng lắm. Ấn tượng đẹp sẽ tạo cho các em hưng phấn làm bài và ngược lại. Lòng tốt của con người như hạt giống gieo những mầm Thiện ấy.
+ Với chị, ấn tượng của lần đưa em trai lên Hà Nội đi thi này là gì?
– Em thấy xã hội ngày càng quan tâm đến việc học. Đến kỳ thi đại học tất cả báo chí, truyền hình đều đưa tin. Chính quyền chỉ đạo không được cắt điện, không để tắc đường vào ngày thi. Gia đình nào có con em đi thi đều trở thành một sự kiện.
Một đất nước quan tâm việc học hành là một đất nước có tương lai. Nhưng mà em cảm giác thi cử của chúng ta vẫn còn có gì đó lộn xộn, nặng nề, chưa đi vào thực chất lắm. Thằng em em năm ngoái cả ba môn được 8 điểm mà có 7 trường đại học gửi giấy báo đỗ về làng. Nhưng nó nhất quyết không học các trường đó. Nó bảo phải vào được trường Bách khoa nó mới học.
+ Môn thi đầu tiên, em chị làm bài tốt không?
– Môn Toán khó, nó làm chỉ được nửa đề. Em bảo: “Thôi, năm nay không đậu thì về làm ruộng hoặc đi buôn em ạ. Lập nghiệp có nhất thiết phải đậu đại học đâu”. Nhưng nó bảo: “Nhất định em phải thi đậu trường Bách khoa, năm nay không đậu sang năm lại thi tiếp”.
Tôi cũng mừng là em mình có chí, nhưng kiểu này có khi sang năm lại đưa nó đi thi đại học. Rồi “Thi xong tất cả lại về” , năm sau đến hẹn lại… thi. Em nghĩ là phải cải tiến kỳ thi sao cho gọn nhẹ thực chất hơn nữa, chứ cứ đưa em trai đi thi thế này, em cũng thấy oải.
Bố em thì quyết bắt em trai em phải có cái bằng đại học cho mở mày mở mặt với xóm làng. Nhưng nó mà lỡ đỗ đại học thì chưa biết lấy tiền đâu mà học đây. Trong khi, nhà có mấy sào ruộng vườn không có ai làm, phải cho thuê rồi. Nghĩ câu: Mày không thi đỗ thì chết với tao, nhưng nếu mày thi đỗ thì tao chết với mày. Nghe nó cứ ngậm ngùi thế nào…
PN
Nguồn: http://www.tienphong.vn/Thoi-Su/505679/Thi-xong-tat-ca-lai-ve.html