Hoàng Kim
Áp dụng xuất khẩu gạo có hạn ngạch là Chính phủ đã thực hiện tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực.
Để tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực không gây thiệt hại cho nông dân và doanh nghiệp, Chính phủ cần có một Ban Điều hành xuất khẩu gạo trực thuộc Chính phủ. Do Chính phủ không có Ban Điều hành xuất khẩu gạo trong tình trạng khẩn cấp về an ninh lương thực nên sự yếu kém của Bộ Công thương và Bộ Tài chính khiến cho xuất khẩu gạo lúng túng như gà mắc tóc, hiện nay Bộ Công thương và Bộ Tài chính đang đổ thừa cho nhau.
Yếu kém của Bộ Công thương
Bộ Công thương không nắm được việc xuất khẩu gạo của Hiệp hội Lương thực Việt Nam, đến nỗi tham mưu Chính phủ tối thì ngừng xuất khẩu gạo, sáng hôm sau lại đề nghị xuất, làm Thủ tướng Chính phủ mất mặt với toàn dân.
Trong thời gian Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo vì lý do an ninh lương thực, lẽ ra, nếp phải được xuất bình thường thì do không biết nếp có nằm trong an ninh lương thực không, mà Bộ Công thương cấm cả xuất khẩu nếp, trong 20 ngày ngừng xuất khẩu chúng ta có thể xuất khoảng 500.000 tấn nếp, nông dân cắt nếp ở huyện Tân Hồng tỉnh Đồng tháp không phải mất 400 đồng/kg vì cấm xuất khẩu, doanh nghiệp xuất khẩu gạo không tồn đọng nếp trong kho.
Trong thời gian Chính phủ ngừng xuất khẩu, Bộ Công thương không hề điều tra lượng gạo của doanh nghiệp đang ở cảng chờ xuất, không điều tra các hợp đồng có thời gian giao hàng vào tháng 4 để ưu tiên cho những hợp đồng này, nhằm tránh thiệt hại lưu cảng và đền hợp đồng cho doanh nghiệp.
Khi có lệnh cho xuất 400.000 tấn gạo vào tháng 4, Bộ Công thương giao cho Tổng cục Hải quan đăng ký đấu thầu theo kiểu nhanh tay thì được, bất chấp thiệt hại của doanh nghiệp, lại cho đăng ký vào nửa đêm Chúa nhật, thời gian đăng ký chỉ trong khoảng 3 giờ, một doanh nghiệp chiếm đến gần 100.000 tấn gạo tức 1/4 lượng gạo cho xuất, và nhiều danh nghiệp xù hợp đồng bán gạo cho Tổng cục Dự trữ cũng được cho xuất khẩu cả chục ngàn tấn. Cách mở tờ khai lúc nửa đêm này đang bị tất cả các doanh nghiệp xuất khẩu gạo phản đối.
Yếu kém của Bộ Tài Chính
Bộ Tài chính và Tổng cục dự trữ với trách nhiệm mua gạo dự trữ đã không hoàn thành nhiệm vụ, đến nay, nông dân đã thu hoạch hết lúa đông xuân, nhưng Tổng cục Dự trữ chỉ mua được 7.700 tấn gạo trên tổng số 230.000 tấn gạo (lúa dự trữ đã quy thành gạo) đây là điều tắc trách lớn, nếu Chính phủ cần gạo cứu trợ lúc này thì lấy gạo ở đâu?
Bộ Tài chính thay vì tập trung chấn chỉnh việc thực hiện các hợp đồng đấu thầu đã ký, lại lợi dụng tình hình dịch bệnh người dân hoảng loạn mua lương thực dự trữ, dù chỉ một vài lần, ở một vài nơi đã nâng tầm thành an ninh lương thực quốc gia, khiến cho Thủ tướng Chính phủ phải ngừng xuất khẩu vì lo an ninh lương thực cho quốc gia.
Tổng cục Dự trữ không mua đủ gạo 15% tấm (gạo IR 50404), Bộ Tài chính yêu cầu Chính phủ ngừng xuất khẩu gạo tẻ thường, dù gạo tẻ thường không có trong danh mục gạo xuất khẩu, làm rối xuất khẩu gạo, đây là hành vi sai trái của Bộ Tài chính.
Thủ tướng Chính phủ không thể dựa vào tham mưu của những bộ ngành yếu kém, đưa ra những đề nghị và yêu cầu sai trái.
Vì vậy, Chính phủ cần phải nhanh chóng thành lập Ban điều hành xuất khẩu gạo trực thuộc Chính phủ do một phó thủ tướng làm trưởng ban, để nhanh chóng đưa xuất khẩu gạo vào nề nếp (chỉ phó thủ tướng mới điều hành được 2 ông bộ trưởng).
Hoạt động của Ban Điều hành xuất khẩu gạo
Có 2 vấn đề cần làm nhanh đồng thời:
1- Về an ninh lương thực:
– Cần tính chính xác số lượng gạo bảo đảm an ninh lương thực.
– Yêu cầu Thanh tra Nhà nước thanh tra toàn bộ hoạt động đấu thầu của Tổng cục Dự trữ, tại sao đến tháng 4 mà kho dự trữ trống không.
– Nhanh chóng hoàn thành mua gạo bảo đảm an ninh lương thực đến đầu vụ hè thu khoảng đầu tháng 6,
– Thanh tra toàn bộ hợp đồng Cục dự trữ đã ký, kiểm tra kho của các đơn vị ký hợp đồng, nếu có gạo 15% tấm thì buộc phải thực hiện hợp đồng chứ không cho xù hợp đồng, vì gạo này doanh nghiệp mua để thực hiện hợp đồng, nay giá gạo lên trên 500 đồng/kg, mà tiền bảo đảm đấu thầu chỉ khoảng 160 đồng/kg, cho hủy thầu Nhà nước sẽ tốn tiền chênh lệch giá còn doanh nghiệp thì hưởng trọn. Những doanh nghiệp đấu thầu mà không có gạo 15% tấm trong kho, thì phạt theo luật và cấm không cho đấu thầu trong tương lai.
– Cần thanh tra các doanh nghiệp xù thầu hoạt động năm 2019. Năm 2019 giá lúa hạ từ đầu vụ đông xuân đến hết vụ hè thu, doanh nghiệp mua lúa dự trữ chậm sẽ lời nhiều do đấu thầu giá cao nhưng mua lúa giá thấp, có thể do lời nhiều năm 2019 nên năm nay doanh nghiệp tiếp tục chậm trễ mua gạo nhập kho.
Ban Điều hành cần hoàn thiện cách mua lúa dự trữ, nên đầu thầu sớm lúc nông dân bắt đầu thu hoạch lúa Đông Xuân, chứ mở thầu tháng 3 quá trể.
2- Về Xuất khẩu gạo
An ninh lương thực đã được bảo đảm cần dỡ bỏ hạn mức xuất khẩu gạo.
Trước mắt cần cho phép xuất khẩu số lượng gạo và nếp đang nằm dưới cảng, cho phép xuất khẩu không giới hạn số lượng nếp đang tồn kho, đồng thời kiểm tra toàn bộ hợp đồng xuất khẩu gạo của doanh nghiệp: Hợp đồng nào có thời hạn xuất khẩu gạo trước thì cho xuất trước, để doanh nghiệp không phải bồi thường hợp đồng.
Tiến tới cho xuất khẩu gạo không hạn mức.
Phương hướng sắp tới
Giải quyết vấn đề hiện nay, chỉ mới giải quyết lúa đông xuân của nông dân, còn lúa hè thu chưa tính đến, nếu giá gạo thế giới cao không bán để giá gạo hạ nông dân sẽ thiệt thòi như năm 2008, nên Ban Điều hành cần lấy ý kiến nông dân để bán gạo hè thu với giá thích hợp.
Ban Điều hành xuất khẩu gạo quốc gia cần cải tiến cơ chế bán gạo bằng cách đi đấu thầu với giá sàn do các nước nhập khẩu gạo ấn định, tìm ra cơ chế mà Việt Nam có thể ấn định giá bán gạo xuất khẩu.
Ban Điều hành xuất khẩu gạo quốc gia cần quan tâm đến quyền lợi nông dân, bằng cách phân chia lợi nhuận từ lúa gạo giữa nông dân và Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) một cách công bằng, chứ không để nông dân lời chết đói 30% so với giá thành còn VFA được lời đầu tấn gạo tùy ý.
Thành phần Ban điều hành xuất khẩu gạo
– Phó Thủ tướng: Trưởng ban
– Bộ công thương: Phó ban
– Bộ Tài chính: Phó ban
– Hội Nông dân: ủy viên
– VFA: ủy viên
– Giáo sư Võ Tòng Xuân: cố vấn
– Tiến sĩ Lê Đăng Doanh: cố vấn
H.K.
Tác giả gửi BVN