Mất cân bằng trong kinh tế toàn cầu: nhà nước và chính sách công nghiệp (Bài 15)

Đoàn Hưng Quốc

Trung Quốc và Nam Hàn là hai quốc gia thành công với chính sách công nghiệp quốc gia (National Industrial Policy). Việt Nam thất bại khi những “quả đấm thép” chỉ mang đến thất thoát, nợ nần và cơ hội tham nhũng. Hoa Kỳ dù không có chiến lược công nghệ do nhà nước đề ra nhưng vẫn dẫn đầu trong nhiều ngành kỹ thuật tiên tiến nhờ vào khu vực tư nhân đầy sáng tạo và năng động. Tuy nhiên ngày càng thêm nhiều lời kêu gọi chính quyền Mỹ nên khẩn cấp hỗ trợ doanh nghiệp tư nhân trước đà cạnh tranh của đối thủ chiến lược là Trung Quốc.

Tiêu biểu cho chính sách công nghệ quốc gia của Trung Quốc là kế hoạch “Made in China 2025” đầu tư ồ ạt nhằm dẫn đầu hay ngang bằng với Âu-Mỹ-Nhật trong 10 ngành công nghiệp chiến lược bao gồm Điện toán, Trí tuệ nhân tạo, Điện tái tạo, 5G, Hàng không, Y khoa, v.v… Sách lược nói trên là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và việc Hoa Kỳ lập rào cản đối với công ty Huawei nhằm kềm hãm đà tiến của Trung Quốc. Ngược lại chính mối lo sợ này cũng cho thấy nhịp độ tăng trưởng đáng sợ của Bắc Kinh là hiện thực.

Bên cạnh sách lược công khai “Made in China 2025” nhà nước còn hỗ trợ doanh nghiệp nội địa qua nhiều cách khác nhau: ưu tiên cho các công ty Trung Quốc dành thị phần trọng điểm thay vì mua hàng hóa Tây Phương; kiềm giá đồng Nhân Dân Tệ nhằm hỗ trợ xuất khẩu; ép buộc hãng xưởng Âu-Mỹ chuyển giao công nghệ; cung cấp vốn và đất đai giá rẻ cho doanh nghiệp nội địa; áp dụng chính sách hộ khẩu để nhà nước và doanh nghiệp chú trọng vào đầu tư thay vì chi phí an sinh xã hội cho công nhân viên; xây dựng cơ sở hạ tầng; gởi sinh viên ra nước ngoài du học và đào tạo kỹ sư trong nước; thúc đẩy cạnh tranh giữa các đại công ty Huawei và ZTE, giữa Alibaba – Tencent – Baidu nhưng vẫn mở cơ hội cho các công ty nhỏ như OnePlus, Xaomi tiến lên bất ngờ chiếm lĩnh thị phần nhằm khuyến khích thị trường không mất tính năng động. Cho nên chiến lược phát triển quốc gia của Trung Quốc rất toàn diện bao gồm mọi lãnh vực từ mậu dịch, tiền tệ, ngân hàng, công nghiệp mũi nhọn, quản lý đất đai và lương bổng, đầu tư vào hạ tầng & giáo dục; nay được hỗ trợ bởi kế hoạch vòng đai con đường, Ngân hàng phát triển hạ tầng châu Á (Asian Infrastructure Investment Bank) và khối mậu dịch RCEP. Nếu nền kinh tế Trung Quốc vượt qua Hoa Kỳ năm 2030 để hỗ trợ các kế hoạch nói trên thành công thì tác động sẽ ngang bằng hay hơn cả nỗ lực xây dựng IMF, World Bank và kế hoạch Marshall của Mỹ từ sau Thế chiến thứ hai.

Nhà nước Nam Hàn đặt trọng tâm vào 3 khu vực trọng điểm gồm điện thoại di động, mỹ phẩm và giải trí (K-Pop, K-drama). Bộ Kế hoạch và Bộ Ngoại giao tham gia vận động cho K-Pop và K-drama lan tràn khắp thế giới để quảng bá cho thương hiệu Hàn Quốc, qua đó giới thiệu ngành phục vụ sắc đẹp cùng những sản phẩm điện tử của Samsung, LG và xe hơi Hyundai. Mô hình của Nam Hàn là phát triển qua các đại tập đoàn Chaebol.

Việt Nam noi theo Hàn Quốc với các “quả đấm thép” theo kiểu Chaebol nhưng thất bại. Nền kinh tế Việt Nam phát triển nhờ vào đầu tư từ nước ngoài, giá nhân công rẻ và khu vực tư nhân năng động trong khi nhà nước là một loại ký sinh trùng hút sức sống từ máu mủ quốc gia. Các “quả đấm thép” cùng những công trình xây dựng hạ tầng (đường xá, xe lửa, đô thị, v.v…) là cơ hội cho tham nhũng, thất thoát và nợ nước ngoài. Hiện vài tập đoàn tư nhân tại Việt Nam bỏ vốn vào sản xuất điện thoại cầm tay và xe hơi, nhưng nếu không chỉ lắp ráp và dán nhãn (và được nhà nước cung cấp đất đai và phân lời giá rẻ dùng vào “việc” khác) mà còn muốn tiến lên vẽ mẫu (design) và dành thị trường thì đây là những ngành công nghiệp phức tạp nhiều cạnh tranh nhất thế giới. Chưa có dấu hiệu nào cho thấy cả nhà nước lẫn tư nhân Việt Nam có tầm nhìn chiến lược lâu dài thay vì những “bốc hốt” ngắn hạn.

Trở lại với Trung Quốc và Hàn Quốc, không thể phủ nhận sự thành công của hai nước này cho dù còn nhiều hậu quả tiêu cực phát sinh từ những lãng phí và lạm dụng trong chiến lược phát triển quốc gia. Thế giới hiện chỉ có 3 công ty BAT (Baidu-Alibaba-Tencent) cùng Huawei của Trung Quốc mang đủ tầm vóc cạnh tranh với FAAMG (Facebook-Amazon-Apple-Microsoft-Google – xin lưu ý là người viết đổi chữ N của NetFlix thành M của Microsoft) của Hoa Kỳ, tức là Mỹ-Trung bỏ xa Âu Châu và Nhật Bản. Trong một nước trước đây chỉ được thế giới biết đến qua chiến tranh Triều Tiên thì nay giới trẻ toàn cầu lại bị thu hút bởi các siêu sao K-Pop và điện thoại Galaxy của Samsung.

Hoa Kỳ không có chiến lược công nghiệp quốc gia như Trung Quốc và Nam Hàn. Hai trường hợp riêng lẻ nổi tiếng trong quá khứ là chương trình Manhattan (nhằm chế tạo quả bom nguyên tử đầu tiên trong Thế chiến thứ hai) và Apollo (phi hành gia đầu tiên lên mặt trăng), còn gần đây nhất là Kế hoạch Xanh (Green New Deal) do Đảng Dân chủ tung ra trong mùa bầu cử. Ngược lại Hoa Kỳ đầu tư rất nhiều vào quốc phòng, rồi từ đó dùng làm bệ phóng cho tư nhân phát triển trở thành các công nghệ mũi nhọn – tiêu biểu là Internet vốn bắt nguồn từ ARPANET của DoD (Bộ Quốc phòng). Mỹ cũng có quỹ nghiên cứu để tài trợ cho các đại học và phòng thí nghiệm trong nhiều lãnh vực như sinh học (biology), vật lý cơ bản (fundamental physics) và nano technology. Tuy nhiên trong những năm gần đây các quỹ nghiên cứu này bị cắt giảm khiến có nhiều lời kêu gọi là chính quyền Hoa Kỳ phải quan tâm đầu tư nhiều hơn cho tương lai trong cuộc chạy đua với Trung Quốc.

Khuyết điểm của khu vực tư nhân nơi nhắm vào lãi tức ngắn hạn nên không đầu tư dài hạn. Khủng hoảng siêu vi Covid-19 hiện thời cũng như vấn nạn về môi trường toàn cầu cho thấy có những vấn đề mà chỉ nhà nước mới có thể huy động được nhân vật lực để giải quyết. Ngược lại nhà nước khi lạc đường tạo ra phí phạm, tham nhũng và lãng phí, tệ là Việt Nam, xấu nữa như Iran, Venezuala còn bần cùng đến mức Bắc Hàn, Cuba.

Trong khi nền chính trị của Mỹ bị phân hóa như hiện thời thì Hoa Kỳ khó lòng đạt được đồng thuận cho một chương trình công nghiệp quốc gia với tầm vóc tương tự như “Made In China 2025”. Ưu điểm của nước Mỹ nơi mượn tiền với lãi xuất cực rẻ mà lại không tận dụng cơ hội này để vay mượn đầu tư vào giáo dục và hạ tầng (infrastructure spending), trong khi các mạng lưới tải điện (electrical grid), giao thông công cộng, phi trường vì xây từ sau cuộc Đại Khủng hoảng 1929 đến nay nên thua sút rất xa so với Á Châu. Hy vọng sau cuộc bầu cử 2020 Hành pháp và Quốc hội sẽ đồng ý với ngân khoản từ 1500-2000 tỷ USD đầu tư vào hạ tầng bên cạnh những chấn chỉnh cần thiết trong giáo dục và y tế.

Ưu điểm thứ nhì của Hoa Kỳ là lãnh vực tư nhân đầy sáng tạo và năng động. Người Mỹ không sợ thất bại (thất bại là mẹ thành công) nên dám bỏ công ăn việc làm vững chắc để mạo hiểm khai phá những lãnh vực mới đầy rủi ro – điều mà không hệ thống quan lại (bureaucracy) của một nhà nước nào dù là độc tài sáng suốt có thể thay thế được. Vấn đề là chính quyền Hoa Kỳ cần tăng ngân khoảng và thay đổi luật thuế để hỗ trợ cho các đại học và doanh nghiệp tư nhân khai phá những lãnh vưc mới. Riêng các công nghiệp đã được định hình như trí tuệ nhân tạo, sinh học, nano-technology, v.v… nhưng cần vốn rất cao thì nhà nước phải tăng cường đầu tư vào nghiên cứu công lẫn tư không để cho Trung Quốc qua mặt chỉ vì bỏ ra nhiều tiền hơn.

Ưu điểm thứ ba của nước Mỹ là thu hút nhân tài từ khắp thế giới. Sau Thế chiến thứ hai các nhân tài đến từ Âu Châu có cùng màu da và nền văn hóa với dân bản xứ; ngày nay nhân tài đến từ Trung Quốc, Ấn Độ, Việt Nam, Iran, v.v… đủ mọi màu da và tôn giáo nên khi được trọng dụng không khỏi tránh hiềm khích và va chạm với nền văn hóa bản xứ.

Bài học của các công ty Facebook, Google cho thấy công nghiệp mới có thể đem đến tự do và tiến bộ hoặc bị lạm dụng dùng vào kiểm soát đời sống tư nhân. Doanh nghiệp tư cần những hướng dẫn của nhà nước để sử dụng vào mục tiêu tốt. Hiện chỉ có ba nền kinh tế của Âu Châu, Hoa Kỳ và Trung Quốc có đủ năng lực đề ra những tiêu chuẩn toàn cầu về đạo đức (social responsibility) trong các ứng dụng về mạng xã hội, 5G, trí tuệ nhân tạo và sinh hóa (biotech thay đổi tế bào cải tạo con người). Âu Châu thua sút về kỹ thuật nên chỉ còn Mỹ-Trung là quyết định cho tương lai của thế kỷ thứ 21, và nếu chậm trễ thì nhân loại chỉ có hai chọn lựa giữa mô hình anh cả (big brother) của nền tư bản không kềm chế kiểu Mỹ, hay mô hình độc tài toàn trị theo kiểu Trung Quốc.

Bài này phân tích về vai trò của nhà nước trong chính sách phát triển quốc gia. Bài sau sẽ tìm hiểu vai trò của nhà nước trong khủng hoảng kinh tế.

Đ.H.Q.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in toàn cầu hóa. Bookmark the permalink.