Việt Nam là một trong số ít các quốc gia độc đảng còn lại trên thế giới.
Những năm gần đây, trong khi kinh tế trong nước tăng trưởng nhanh, giới quan sát cũng nhận thấy tình hình kiểm soát chính trị-xã hội trong nước có phần gia tăng.
Giáo sư Ngô Vĩnh Long từ Đại học Maine, Hoa Kỳ, đã làm một cuộc nghiên cứu về vấn đề này, trình bày tại Hội thảo về các thể chế độc đoán Á châu tại Hong Kong. Giáo sư cho biết:
GS Ngô Vĩnh Long: Người ta thường cho rằng khi kinh tế phát triển thì xã hội sẽ có dân chủ hóa. Thế nhưng ở Việt Nam, hay Trung Quốc, nhất là trong 5-10 năm qua, tình trạng chuyên quyền và sử dụng quyền lực một cách độc đoán có thể nói lại càng ngày càng tăng.
Theo tôi có ba lý do.
Thứ nhất, phát triển kinh tế càng ngày càng tập trung tiền bạc vào trong tay một số nhóm lợi ích trong nước. Mà tiền này, tư bản này không phải là tư bản trong nước mà là tư bản nước ngoài.
Thực ra cũng có một số tư bản thu được trong nước, nhưng chủ yếu là thông qua dạng lấy đất của dân để đóng góp, hùn vốn với tư bản nước ngoài. Tiền của nước ngoài đóng vai trò quan trọng hơn.
Vì thế ta thấy các cuộc đàn áp thường có liên quan đến các món tư bản rất khổng lồ. Và những người chỉ trích Chính phủ, những chỉ trích nào nhắm vào các khoản tư bản khổng lồ thì chắc chắn sẽ bị đàn áp.
Chuyên quyền đang làm cho một vài nhóm mạnh hơn, giàu lên, nhưng lại dẫn đến việc Đảng và chính quyền bị suy yếu đi và dần dần bị mất tính chính danh.
GS Ngô Vĩnh Long
Thứ hai, chính quyền hiện nay chuyên quyền hơn, nhưng không phải một cách mù quáng. Sự chuyên quyền hiện nay không phải vì cộng sản hay không cộng sản mà vì lợi ích là phần nhiều.
Thứ ba, sự chuyên quyền được thao túng vì các nhóm có thể ngăn chặn việc này đã bị tiêu diệt từ trước. Trong lịch sử, ta thấy từ thời chính quyền ông Thiệu, trước và sau Hiệp định Paris, nhóm gọi là “thành phần thứ ba” đã bị đàn áp, hàng trăm nghìn người bị bỏ tù.
Khi Mặt trận Giải phóng đánh chiếm miền Nam, thì thành phần thứ ba này cũng bị dẹp luôn.
BBC: Thưa, ý của Giáo sư là vấn đề chuyên quyền ở Việt Nam hiện nay không có liên quan nhiều tới ý thức hệ, mà chủ yếu tập trung vào quyền lợi của các nhóm lợi ích?
GS Ngô Vĩnh Long: Vâng, hiện giờ đó là chuyện quyền lợi của các nhóm. Và họ có thể làm được như vậy là vì các thành phần đối kháng đã bị loại bỏ.
Chuyên quyền đang làm cho một vài nhóm mạnh hơn, giàu lên, nhưng lại dẫn đến việc Đảng và chính quyền bị suy yếu đi và dần dần bị mất tính chính danh.
Mà nếu như vậy, thì hết sức nguy hại cho đất nước Việt Nam.
Nhiều người nói về đa đảng thế này thế kia, nhưng tôi cho rằng trước hết cần phải dân chủ hóa ngay trong Đảng đã. Bởi vì nếu không, thì mối nguy không những cho Đảng, mà cho cả đất nước, dân tộc là rất lớn.
BBC: Và chúng ta đã chứng kiến những sự bất bình, bức xúc ở trong dân chúng. Chắc hẳn đó là đe dọa cho ổn định xã hội, thưa ông?
GS Ngô Vĩnh Long: Không chỉ trong dân, mà còn có tình trạng bức xúc, bất bình ở ngay trong Đảng nữa. Nếu như các lãnh đạo Việt Nam khôn ngoan, thì phải tập trung giải quyết cái mâu thuẫn bên trong này trước.
BBC: Thưa ông có nói tới “thành phần thứ ba”, mà chúng ta tạm hiểu là đối kháng chính trị. Ở miền Bắc thời kỳ trước chiến tranh đã có thành phần thứ ba này hay chưa?
GS Ngô Vĩnh Long: Lực lượng này đã có hiện diện ở miền Bắc, nhưng khi chiến tranh bắt đầu, thì họ cũng bị loại bỏ. Thoạt tiên là quá trình hợp tác hóa miền Bắc, đẩy mạnh hợp tác hóa để lấy sức người, sức của đánh giặc. Rồi thì “Trăm hoa đua nở”,v.v. Những ai có tư tưởng khác biệt đều bị bắt im tiếng hết.
Miền Bắc dẹp trước, rồi đến miền Nam cũng dẹp luôn.
Có người nói về những năm Đổi mới sau này và sự manh nha của cải cách chính trị. Tôi thì không đồng ý lắm.
Giai đoạn các ông Nguyễn Văn Linh hay Võ Văn Kiệt sau đó, có hiện tượng được gọi là “Vượt rào”, hay “Xé rào”. Nhưng nói “Xé rào” là cải cách chính trị thì không đúng.
Không phải cải cách chính trị, mà là việc Đảng và Nhà nước phải quay sang nhờ cậy, dựa vào nhân dân trong khi bị nước ngoài bao vây kinh tế và chính trị.
Khi dựa vào dân, thì họ buộc phải “dân chủ hóa” để cho dân có thể thở được đôi chút. Nhưng xét kỹ thì họ đâu có lập ra được cơ chế gì để cho người dân có thể phản biện hay chống lại chuyên quyền?
Nguồn: http://www.bbc.co.uk/vietnamese/vietnam/2010/07/100701_ngovinhlong_inv.shtml