EVFTA VÀ TƯƠNG LAI VIỆT NAM

Dương Quốc Chính

Hôm nọ mình đã định viết về đề tài này, nhưng chưa kịp viết thì đã thấy anh Lê Công Định, một chuyên gia về luật quốc tế, đã viết tương đối đầy đủ, như ảnh đính kèm. Bài viết của anh cho thấy một không khí lạc quan tràn ngập! Về cơ bản, mình cũng có suy nghĩ giống anh Định, nhưng không hoàn toàn lạc quan như vậy. Vì thế, stt này mình sẽ bổ sung những nội dung cần phải xem xét, không hẳn là bi quan mà chỉ là không lạc quan tếu.

Cây gậy và củ cà rốt

Nhìn lại cách đối xử của Mỹ và TQ để có thể thấy được tương lai VN.

Chính sách của Mỹ với TQ kể từ sau cuộc chiến tranh Triều Tiên (Mỹ – Trung đối đầu trực diện bằng chiến tranh nóng) trải qua 3 phương thức khá khác biệt.

Ban đầu, Mỹ bao vây cấm vận TQ, như với các nước CS khác, kinh tế TQ có thời điểm rơi vào khốn cùng, nhưng không sụp đổ.

Sau đó, Mỹ bắt tay với TQ, từ năm 1972, để khai thác mối bất hòa Xô – Trung. TQ lợi dụng triệt để mối quan hệ đó để cải cách kinh tế. Thậm chí, Đặng Tiểu Bình còn mời Milton Friedman, một chuyên gia về kinh tế tự do hàng đầu của Mỹ, sang TQ để tham vấn về tự do hóa nền kinh tế. Trong khi đó, LX và Đông Âu vẫn kiên định kinh tế kế hoạch và tiếp tục đối đầu chiến tranh lạnh với Mỹ. Kết quả và LX và Đông Âu sụp đổ. Còn TQ thì có được 20 năm rảnh tay để vực dậy nền kinh tế.

Như vậy, bao vây cấm vận khiến các cường quốc CS như LX, Đông Âu phải sụp đổ và bắt tay hợp tác đã biến TQ từ một nước CS nghèo hèn rũ bùn đứng dậy sáng lòa, thành nền kinh tế đứng thứ 2 thế giới về quy mô, nhưng chế độ CS TQ vẫn được duy trì bền vững.

Thoạt nhìn thì đúng như vậy, nhưng không tuyệt đối chính xác. Vì bao vây cấm vận không bóp chết được Cuba và Bắc Triều Tiên; và bắt tay hợp tác (30 năm) cũng chưa biến VN và Lào thành cường quốc.

Có nghĩa là hợp tác quốc tế, toàn cầu hóa, cũng chỉ là một điều kiện cần để thúc đẩy sự phát triển kinh tế, chứ không phải là điều kiện đủ. Để phát triển được thì còn cần một số yếu tố khác nữa, như nội lực, hòa hợp dân tộc, địa chính trị…

Một số người cho rằng, Mỹ đã sai lầm khi bắt tay, hỗ trợ TQ đổi mới kinh tế. Nên TQ mới phát triển được như hiện nay, khiến Mỹ lại phải đối đầu về thương mại, để cắt bớt nanh vuốt của con hổ. Thực ra không hoàn toàn thế, mỗi đối sách ngoại giao đều có giá trị ở mỗi thời điểm. Mỹ phải làm thế mới có thể cô lập LX, khiến LX và Đông Âu sụp đổ.

Cách Mỹ và phương Tây hợp tác với TQ hay các nước độc tài, đang phát triển khác đều nằm trong một trào lưu chung của thế giới, đó là toàn cầu hóa. Các hiệp ước thương mại giữa các quốc gia, vùng lãnh thổ, tổ chức quốc tế… chính là một phần của toàn cầu hóa nền kinh tế. EVFTA cũng không ngoại lệ.

Trong khi đối đầu, nhất là đối đầu trong chiến tranh lạnh (bao vây, cấm vận) là cây gậy, thì toàn cầu hóa, hợp tác kinh tế (kèm theo các đòi hỏi về nhân quyền, dân chủ) chính là củ cà rốt.

2 đảng của Mỹ vẫn có quan điểm đối nghịch nhau về cây gậy và củ cà rốt.

Đảng Dân Chủ (cánh tả) vẫn có xu hướng dùng củ cà rốt, ủng hộ toàn cầu hóa, để diễn biến các nước độc tài, toàn trị thông qua các hiệp ước thương mại kiểu CP TPP (Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương) mà VN từng kỳ vọng, nhưng đã bị TT Donald Trump đạp bỏ!

Vì vậy, EVFTA, hiệp định tương tự với đối tác EU được thế chỗ, đó là lý do khiến VN hoan hỉ! Quan điểm của EU khá tương đồng với đảng DC của Mỹ. Nhìn chung, chính sách của EU còn tả hơn cả đảng DC Mỹ. Chính vì thế nên phe hữu nắm quyền ở Anh muốn ly khai EU bằng Brexit. Có lẽ Anh sẽ đi theo con đường của Mỹ, chống lại toàn cầu hóa.

Đảng Cộng Hòa, đại diện cho cánh hữu, thì đang chống lại xu hướng toàn cầu hóa, vì cho rằng Mỹ đã bị thiệt thòi, bị lợi dụng bởi các nước khác. Thậm chí, Mỹ sẵn sàng gây chiến tranh thương mại với cách nước khác, nếu thấy quyền lợi của Mỹ không đảm bảo trong quan hệ kinh tế song phương. Chiến tranh thương mại là thể nhẹ của giải pháp cây gậy, nếu bị đẩy lên cao trào, thì nó chính là bao vây, cấm vận. Đại khái đối sách ngoại giao của Mỹ cứ loanh quanh giữa đánh và đàm như vậy, chỉ khác nhau về cường độ mà thôi.

EVFTA và tương lai VN

VN kỳ vọng vào EVFTA như đã từng kỳ vọng vào CP TPP, hi vọng là VN sẽ được như TQ hiện tại mà vẫn duy trì được chế độ CS.

Còn anh em dân chủ (DC) thì kỳ vọng là dựa vào các ràng buộc kèm theo (kiểu bia kèm lạc) về DC và tự do của EVFTA sẽ là sức ép khiến chính quyền phải cải cách dân chủ, tôn trọng pháp quyền. Stt của anh Định là đại diện cho kỳ vọng đó.

Nhưng, như phân tích ở trên với các ví dụ các nước CS khác, thì phát triển kinh tế cũng chưa chắc sẽ phải kèm theo dân chủ hóa, cho dù có thể sẽ khiến cho tự do hóa được mở rộng. Các nước dầu mỏ Trung Đông, đồng minh thân cận của Mỹ, rất giàu có, nhưng cũng chả cần/có dân chủ.

Như vậy, sức ép từ bên ngoài, như EVFTA, không phải là điều kiện cần và đủ để có thể dân chủ hóa nền chính trị độc tài. Nó chỉ là một tác nhân để thúc đẩy mà thôi.

TQ tuy hội nhập kinh tế quốc tế rất sâu và rộng, nhưng họ vẫn có chính trị khá chuyên chế, thậm chí xếp hạng dân chủ thì họ còn thua VN. Họ kiểm soát dư luận, truyền thông và tôn giáo vẫn chặt chẽ hơn VN.

Nhưng không phải điều đó đã dập tắt hoàn toàn hi vọng dân chủ cho VN. Vì VN tuy là phiên bản clone xấu xí của TQ, nhưng VN không phải là TQ. TQ có thế mạnh hơn VN rất nhiều khi đàm phán các hiệp định thương mại, vì quy mô dân số, nguồn nhân lực… Nên TQ có vi phạm HĐ về nhân quyền, thì phương Tây cũng phải lờ đi, để kiếm tiền. VN cũng có một phần lợi thế tương tự, nhưng quy mô kém hơn nhiều. Nên VN không thể bố láo mất dạy như TQ.

Dịch Covid-19 là cơ hội lớn để TQ phải giảm sức ảnh hưởng tới các nước khác, nhất là VN, vì kinh tế TQ sẽ sụt giảm nghiêm trọng, biết đâu có thể phát triển âm trong năm nay? Đây là cơ hội hiếm có để EU chiếm chỗ về quan hệ thương mại. Nếu kinh tế TQ suy sụp lâu dài thì cơ hội VN thoát Trung (chưa chắc đã thoát được cộng) là tương đối lớn. Nếu may mắn hơn, thì màu sắc CS sẽ phai nhạt hơn ở VN.

Ký hiệp định EVFTA mới khiến VN được qua vòng gửi xe để xuất khẩu vào EU thôi. Còn vô vàn các rào cản về chất lượng sản phẩm khác nữa mà các doanh nghiệp xuất khẩu phải vượt qua để đạt tiêu chuẩn EU.

Trong khi đó, TQ là thị trường dễ tính, hợp với khả năng xuất khẩu của VN. Ví như dưa hấu đang giải cứu, nó không phải là loại ngon nhất, thua dưa Long An đang bán đầy siêu thị, nhưng trước đây TQ vẫn mua rất nhiều.

Vì thế, nên nếu VN không nâng cao được chất lượng sản phẩm thì việc ôm chân TQ là tối ưu!

Hơn nữa, sau khi dập dịch, thị trường TQ sẽ còn dễ tính hơn, cần nhiều hàng lởm hơn, nên VN càng dễ xuất khẩu sang TQ. Việc quái gì phải bán sang EU cho nó khó khăn.

Vì vậy, có ngả được sang phía văn minh hay không là phụ thuộc vào chính các doanh nghiệp VN.

Như mình đã phân tích ở các stt trước. VN chỉ có thể dân chủ hóa bền vững khi dựa vào 2 yếu tố nội tại, MỘT là khi quy mô chính phủ phải nhỏ lại, kèm với việc cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước. Nhà nước quản lý càng ít thì PĐ sẽ càng đông. HAI là hiểu biết về kinh tế, chính trị, tự do, dân chủ… của đa số dân chúng phải được nâng cao, thì họ mới có nhu cầu cần tự do và dân chủ.

CS TQ bền vững được chủ yếu dựa vào việc ngu dân về các kiến thức nói trên.

VN dân chủ hóa nhanh hay chậm chủ yếu phụ thuộc vào 2 yếu tố trên được cải thiện nhanh hay chậm. Điều đó phụ thuộc hành động của toàn dân, trong đó anh em DC là sức ép chính. Chả có chính quyền nào chịu thay đổi nếu không có sức ép từ người dân.

Điều đó tùy thuộc hành động của bạn, chỉ thuộc vào bạn mà thôi.

D.Q.C.

Nguồn: FB Dương Quốc Chính

This entry was posted in EVFTA. Bookmark the permalink.