Phạm Minh Vũ
Hình ảnh: Thanh Niên online
Căn cứ quân sự này hình thành bởi máu của 64 chiến sỹ Hải Quân VN. Nó có ngày hôm nay cũng nhờ một lệnh phát đi “không được nổ súng” bởi tên hèn tướng Lê Đức Anh.
Binh sĩ đánh vào Đồng Tâm lúc đó Tô Lâm hoặc Nguyễn Xuân Phúc hay Nguyễn Phú Trọng hạ lệnh “không được nổ súng” thì Cụ Kình đâu phải chết? Cụ Kình chết bởi vì các Ông ấy muốn thế.
Đem gần cả một sư đoàn đi cướp đất ở Đồng Tâm ấy, ra Gạc Ma lấy lại chủ quyền của ta, để trả thù cho 64 chiến sỹ hy sinh ở đó thì hay biết mấy? Thì vinh quang, thì vĩ đại biết mấy?
Giờ đây, 64 chiến sỹ hy sinh ở Gạc Ma bảo vệ chủ quyền quốc gia, mà chẳng có lãnh đạo nào ký truy phong liệt sỹ chống Trung cộng cứu nước, chẳng ai phát động học tập làm theo tấm gương vệ quốc như 64 chiến sỹ ấy.
Các chiến sỹ ấy đã bị lãng quên, tên tuổi các vị bị bọn cầm quyền hèn với giặc chôn vùi dưới đáy biển.
Phải chi, các vị ngày đó đừng hy sinh cho tổ quốc, các vị té giếng khi giết dân có khi các vị được truyền thông ca ngợi hết lời nào là Anh Hùng, nào là dũng cảm. Được lãnh đạo đảng nhà nước tới thăm viếng, được phát động học tập làm theo hành động cướp đất giết dân ấy… chứ đâu phải tên tuổi các vị bị lãng quên như vậy đâu?
Thật một nỗi căm hờn quân bán nước!
P.M.V.
Nguồn: FB Phạm Minh Vũ
***
Hình ảnh mới nhất Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma
Trong 7 bãi đá mà Trung Quốc cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn.
Gạc Ma nhin từ boong tàu 561. Ảnh: M.T.H
Đầu tháng 1.2020, PV Thanh Niên theo tàu 561 thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân ra công tác tại quần đảo Trường Sa (Khánh Hòa) đã ghi nhận việc xây dựng trái phép của Trung Quốc trên đá Gạc Ma mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ ngày 14.3.1988.
Hải đăng trên đá Gạc Ma được đưa vào sử dụng từ tháng 4.2016
Từ tháng 7.2013, lực lượng kỹ thuật hải quân và Tập đoàn xây dựng giao thông Trung Quốc đã ồ ạt đưa phương tiện, nhân lực xuống Trường Sa để xây dựng căn cứ, biến 7 bãi đá mà họ cưỡng chiếm của Việt Nam từ những năm 80 – 90 của thế kỷ trước thành đảo nhân tạo. Trong số này, Gạc Ma được họ tập trung xây dựng đầu tiên và đến nay đã hình thành căn cứ lớn của Trung Quốc.
Hiện tại, phía Trung Quốc đã tôn tạo, xây dựng trên diện tích hơn 13 ha ở đá Gạc Ma. Bên cạnh đó, họ còn nạo vét luồng theo hướng bắc – nam với chiều dài 900 – 1.000 m, rộng khoảng 250 – 400 m, thuận tiện cho các tàu trọng tải 4.000 tấn ra vào âu tàu phía trong bãi và cập cảng phía bắc.
Các công trình của Trung Quốc xây dựng trái phép trên đá Gạc Ma gồm: Tòa nhà kiên cố cao 26 – 27 m gồm 8 tầng, 4 góc nhà đều bố trí các lỗ châu mai. Trên nóc nhà bố trí 2 radar hàng hải, 2 ăng ten parabol và 1 thiết bị đảm bảo bay cùng một số thiết bị thông tin liên lạc khác.
Tháp viễn thông thu phát sóng 4G và radar. Ảnh: M.T.H
Trên tầng 6 của tòa nhà có lắp radar điều khiển hỏa lực, hệ thống kính ngắm quang học hiện đại. Tầng 5 được lắp 2 bệ pháo 30 mm (loại 7 nòng) và tầng 1 lắp 2 bệ pháo 76 mm.
Ngoài hệ thống súng pháo trên nhà 8 tầng, còn có 1 vị trí hỏa lực lắp đặt pháo 76 mm, pháo 30 mm quay hướng đông bắc luôn có lính trực canh 24/24 trong tư thế sẵn sàng khai hỏa.
Tháp pháo 76 mm và tháp radar đối không được che chắn bằng những cây phi lao. Ảnh: M.T.H
Ở khoảng cách gần 8 km, từ đảo Cô Lin nhìn sang Gạc Ma lúc trời quang mây tạnh hiếm hoi, chúng tôi nhìn rõ qua ống kính tele máy ảnh, thấy các công trình khác trên bãi Gạc Ma như: 2 tháp radar đối không – đảm bảo bay, 1 tháp viễn thông thu phát sóng 4G cao khoảng 50 m, 2 cột điện gió cùng hệ thống pin mặt trời, 1 hải đăng cao 50 m, bán kính chiếu xa khoảng 40 km…
Gạc Ma cách đảo Cô Lin gần 8 km và Len Đao gần 13 km. 2 đảo này do bộ đội thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân đóng giữ từ nhiều năm nay, nên khi xây dựng tôn tạo trái phép, phía Trung Quốc đã đầu tư rất kỹ lưỡng vào các công trình có công năng tiếp tế – vận chuyển.
Radar hàng hải và các thiết bị thông tin liên lạc trên nóc tòa nhà 8 tầng Ảnh: M.T.H
Hiện phía Trung Quốc đã hoàn tất và đưa vào sử dụng 1 bãi đáp trực thăng ở phía đông nam với diện tích 33 x 33 m, 1 cầu cảng ở phía tây bắc của Gạc Ma với chiều dài khoảng 100 m và 1 bến nghiêng rộng 20 – 30 m, phục vụ việc cơ động của các loại xe vận tải, xe bánh xích từ tàu vận tải đổ bộ lên bãi.
Một cán bộ thuộc Bộ Tư lệnh Vùng 4 Hải quân cho biết: Từ giữa năm 2017, ngoài việc lắp đặt thêm 2 hệ thống radar đối hải, phía Trung Quốc còn đưa cây phi lao (cây dương) ra trồng để chắn gió mặn, cát bay và nhất là đối phó với công tác trinh sát, nắm tình hình của Hải quân Việt Nam. Các cây mang ra Gạc Ma đều là những gốc to đã trưởng thành, được trồng trong các hố đất đường kính 3 – 5 m. Đến nay, các cây đã lớn rất nhanh, cao gần 10 m và đang dần che các công trình trên bề mặt bãi đá Gạc Ma, từ ngoài nhìn vào rất khó nhận dạng các mục tiêu, công trình.
M.T.H.