Yến Như
“Nếu xảy ra một cuộc đàn áp đẫm máu thì rất có thể Đồng Tâm là mồi lửa thiêu cháy thể chế này”.
Facebooker Chú Tễu trong đêm ngày 6/1/2020 đã đăng trạng thái “SOS”, cảnh báo “Đồng tâm bị cắt internet [cắt cả đường truyền điện thoại]. Có thể đêm nay chúng tấn công Đồng Tâm”.
Trước đó, theo Trịnh Bá Phương, nhà hoạt động liên quan đến quyền đất đai, anh đã thông tin trên trang Facebook cá nhân mình về “chiêu trò” mấy ngày gần đây của chính quyền TP. Hà Nội, từ “tập chống biểu tình, cho đến cho công an đi truyền miệng sẽ tắm máu dân Đồng Tâm, quân đội ôm súng, một mặt cho người canh gác… nhằm cô lập, phân rã người dân Đồng Tâm”, trước khi tiến hành cái mà anh miêu tả là “cuộc cưỡng chế đẫm máu”.
Tối 6/1/2020, rạng ngày 7/1, trang Đồng Tâm Media, chuyên đăng tải các livestream của người dân Đồng Tâm và các phản ứng liên quan ông Lê Đình Kình và những người đang “quyết hy sinh cả xương máu để giữ đất” đã bị báo cáo và biến mất trên mạng xã hội Facebook. Trước đó, vào đêm ngày 6/1/2020, Đồng Tâm Media đã đăng tải video ghi nhận quan điểm của ông Lê Đình Kình và một số người có liên quan về quan điểm quyết giữ đất, cũng như cảnh báo đối với các nhân viên vũ trang, bán vũ trang nên “cân nhắc” nếu được điều động về Đồng Tâm.
Dùi cui không thể giải quyết được vấn đề
Cho đến nay, quan điểm của người dân Đồng Tâm là mong muốn thực hiện giải quyết vấn đề đất đai bằng đối thoại, dựa trên các cơ sở pháp lý. Và phản kháng trước việc “cưỡng chế” của chính quyền thành phố không phải là giải pháp được ưu tiên mà người dân xã này lựa chọn.
Thực tế, câu chuyện năm 2017 phải là một bài học về lựa chọn giải quyết tranh chấp đất đai giữa chính quyền và người dân, hơn là nhìn nhận đó là một “thất bại” của chính quyền. Để từ đó có ý nghĩ sai lầm là sử dụng quyền lực nhà nước để buộc người dân tuân thủ theo mệnh lệnh của chính quyền.
Dùi cui hay súng đạn có thể giúp chính quyền có được một chiến thắng trong trấn áp, hiệp đồng tác chiến như đã từng diễn ra vào năm 2012 đối với trường hợp ông Đoàn Văn Vươn (Hải Phòng). Và khi máu người dân đổ bởi “họng súng chính quyền”, thì cũng đồng thời nó làm vỡ nát niềm tin của người dân đối với chính thể, và khiến cho chính thể trở thành một lực lượng đối kháng trong dân.
Thực tế, khi người dân Đồng Tâm gửi đơn thư cầu cứu đối với các tổ chức nhân quyền và Liên Hiệp Quốc đã là một thể hiện cho sự “quyết tử” của chính họ, cũng như cho thấy niềm tin mất mát rất lớn đối với cách giải quyết thiên về đe dọa và trấn áp của chính quyền Hà Nội.
Tác động của vấn đề đất đai tại Đồng Tâm không hề nhỏ, do đó chính quyền Hà Nội nên nghiêm túc xem xét lại bài học “nổi dậy của nông dân Thái Bình”. Bài học về đêm 26 rạng ngày 27/6/1997 ở xã An Ninh (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) với hàng ngàn nông dân nổi dậy “đánh phá trụ sở chính quyền” và nhà cửa của cán bộ trong xã hội mà nguyên nhân xuất phát từ khiếu kiện của nông dân về vấn đề dân chủ và công bằng xã hội trong nông thôn, dần “dồn nén” trở thành bạo lực, răn đe vào tháng 5/1997. Điều đáng nói, bạo lực được góp phần không nhỏ bởi chất xúc tác mang tên “cảnh sát cơ động” (phương pháp xử lý vấn đề thiếu khôn ngoan của những người đại diện cho quyền lực nhà nước) khiến các cuộc biểu tình ôn hòa trở thành bạo lực, không còn kiểm soát.
Đồng Tâm cần đối thoại, hòa giải
Trong một nghiên cứu về tranh chấp đất đai và khuyến nghị giải quyết tranh chấp của UNDP Việt Nam vào năm 2014, có đề cập phương pháp hòa giải, đại hòa giải ở Trung Quốc và tố tụng hành chính tại Việt Nam.
Các phương pháp này được hướng đến như là một trong những cơ chế ngăn ngừa những tác động tích tụ [mâu thuẫn] trong xã hội, tránh để các tranh chấp đất đai bùng phát thành các khiếu kiện tâp thể. Tuy nhiên, việc duy trì “tiếng nói quyết định trong việc trưng mua đất và hầu như không có trách nhiệm giải trình trong quy trình ra quyết định” khiến các xung đột không được triệt tiêu mà còn làm gia tăng xung đột, đưa đến giải quyết không chính thức bằng con đường phản kháng đầy bạo lực. Và sự kiện tranh chấp dẫn đến biểu tình ở thôn Ô Khảm tại Trung Quốc là một minh chứng rõ nét trong cách thức xử lý không hợp lý làm bùng phát mâu thuẫn giữa dân với chính quyền.
“Giáo dục, đối thoại, hòa giải cơ sở” phải là phương pháp tối ưu nhất để giải quyết vấn đề Đồng Tâm, thay vì sử dụng lực lượng vũ trang, bán vũ trang nhằm “trấn áp” người dân. Bởi phương pháp này chỉ làm “cho những bức xúc tạm thời bị đè nén âm ỉ, và đến một lúc nào đó chúng sẽ bùng phát thành những xung đột sâu sắc đến mức không kiểm soát được”.
Đó là lý do vì sao trong một phản hồi chia sẻ của Facebooker Chú Tễu, Facebooker Trung Thành đã bày tỏ: Nếu xảy ra một cuộc đàn áp đẫm máu thì rất có thể Đồng Tâm là mồi lửa thiêu cháy thể chế này.
Vào năm 2017, chính quyền Hà Nội huy động lực lượng vũ trang cưỡng chế đất tại Đồng Tâm, tuy nhiên chiến dịch này không thành công, và người dân Đồng Tâm đã “tạm giữ” 31 viên cảnh sát cơ động, đồng thời đưa ra bản yêu sách đối với ông Chủ tịch TP. Hà Nội, Nguyễn Đức Chung.
Y.N.
VNTB gửi BVN