Sự thật mất lòng: Quan ngại cho trình độ khoa học của Giáo sư, Tiến sĩ Việt Nam

Chu Mộng Long

Tôi ngồi nghe cả đêm về báo cáo của Tiến sĩ Phạm Thị Kiều Ly trên Youtube. Cô ta nói về khó khăn và công phu của việc đi sưu tầm, nghiên cứu thư tịch, chứng cứ về chữ "tiền quốc ngữ" của các Giáo sĩ được lưu trữ của các thư viện phương Tây và những phát hiện quan trọng cho luận án Tiến sĩ mà cô đã bảo vệ thành công ở Pháp.

Bây giờ thì được đọc bài báo này trên Tia sáng (*) qua chia sẻ trên mạng của các Giáo sư, Tiến sĩ trong nước. Bài báo được ngợi ca như một huyền thoại mới về việc nghiên cứu chữ quốc ngữ.

Không phủ nhận ý đồ tốt về việc quảng bá công lao của những nhà truyền Giáo đối với chữ quốc ngữ, nhưng cách làm như thế này cũng ngang bằng với sự phủ nhận chữ quốc ngữ của nhóm Phật tử Lê Cung, Nguyễn Đắc Xuân…

Trước tiên, nói về "những công phu và phát hiện mới mẻ" của tác giả Phạm Thị Kiều Ly.

Tôi nghe cô ta báo cáo và đọc hết bài báo này, về mặt tư liệu, nếu ai chưa hề đọc các sách viết về chữ quốc ngữ lâu nay, rất dễ ngộ nhận đây là "những phát hiện mới mẻ". Không biết trong luận án có gì mới không, chứ sự thực, qua báo cáo của cô và qua bài viết trên Tia sáng, nếu đem so với gần cả trăm công trình viết về chữ quốc ngữ đã công bố thì là không có gì mới. Các bản chụp được khoe ra ở đây, một là, dù cô ta có công phu cỡ nào thì cũng đã được những người đi trước tiếp cận và đưa vào trong rất nhiều công trình; hai là, nhiều hình ảnh gần như y chang tư liệu đã được công bố trên các sách báo và thậm chí mạng. Không tin các bạn cứ search trên Google là thấy ngay. Sự xào đi nấu lại là hoạt động không chỉ Phạm Thị Kiều Ly mà phổ biến của Giáo sư Tiến sĩ Việt Nam.

Những kiến giải trong từng luận điểm của bài báo cũng không có gì mới. Ai chẳng biết "Việc ghi âm tiếng Việt bằng chữ alphabet được bắt đầu khi các Thừa sai Dòng Tên tới Đàng Trong từ năm 1615, rồi tiếp theo là Đàng Ngoài từ 1626"? Ai chẳng biết mục đích tạo chữ quốc ngữ của các Giáo sĩ phương Tây là để phục vụ cho giao tiếp và truyền giáo? Ai chẳng biết, trong sự sáng chế chữ quốc ngữ phải là công lao của nhiều người, trong đó có người Việt? Ai chẳng biết chữ "tiền quốc ngữ" được ghi theo cách thẩm âm và phát âm của mấy ông Tây ngọng tiếng Việt, trừ phi có không ít nhà khoa học Việt ngộ nhận đó là sự phát âm của người Việt trước thế kỷ 16, 17? Ai chẳng biết các bước ngoặt của lịch sử phát triển chữ quốc ngữ, từ Đàng Trong ra Đàng Ngoài, từ cuộc gặp gỡ Ma Cao đến quay lại Việt Nam, từ việc ghi chép và sử dụng cá nhân đến hợp thành bộ Từ điển Việt-Bồ-La mà tác giả phải kể lại dài dòng, trừ phi tác giả muốn xào lại lần nữa những điều nhiều người đã viết để quảng bá cho những người lười đọc sách? v.v…

Vậy mà nhiều Giáo sư, Tiến sĩ tán dương như là lần đầu tiên Phạm Thị Kiều Ly phát minh ra sao Hỏa vậy. Cái tội lười đọc sách nên mới dẫn đến hiện tượng nhìn đâu cũng thấy mới mà không phân biệt cái gì mới, cái gì đã cũ. Đó là lý do, có nhiều luận văn, luận án, học viên đạo văn cả rổ, nhưng cả hội đồng toàn Giáo sư, Tiến sĩ không nhận ra.

Điều mà người đọc đang cần là các sự kiện và tình huống lịch sử sinh ra chữ quốc ngữ, từ đó đi đến những vấn đề cốt tử của học thuật như sự cố định và biến đổi ngữ âm Việt trong quá trình ghi âm bằng chữ Latinh, tinh thần thoát Hán và nhu cầu văn minh của chính người Việt v.v. thì tác giả gần như mù tịt.

Bây giờ thì tôi nói đến khái niệm, thuật ngữ chìa khóa mà Phạm Thị Kiều Ly dùng trong bài báo này: "Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt". Với khái niệm "La-tinh hóa", tôi khẳng định, tư duy và trình độ khoa học của Phạm Thị Kiều Ly không cao hơn nhóm Nguyễn Đắc Xuân. Không chỉ Phạm Thị Kiều Ly, các Giáo sư, Tiến sĩ khi share (chia sẻ) bài báo này để tung hô mà không nhận ra cái sai ngay ở tiêu đề bài báo, thì rõ ràng đã lộ diện cả một ổ ăn theo nói leo, phản học thuật.

"Hóa" là từ Hán, đặt sau tính từ hoặc danh từ, biểu thị chuyển biến thành trạng thái hay tính chất nào đó theo chuẩn định trước của tính từ hoặc danh từ chính, ví dụ như: “lục hóa” 綠化, “ác hóa” 惡化, “điện khí hóa” 電氣化, “khoa học hóa” 科學化, “hiện đại hóa” 現代化… Nói "La-tinh hóa", có nghĩa là từ khi được ghi âm bằng chữ Latinh, tiếng Việt đã thành tiếng Latinh? Vậy thì từ khi đế chế La Mã thống trị châu Âu, tất cả các thứ tiếng Hy Lạp, tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Đức… đều biến thành tiếng Latinh?

Trên thế giới, hàng trăm quốc gia, dân tộc chỉ dùng chung trong giới hạn hơn chục hệ ký tự, nhưng có bị đồng hóa không, hay tiếng nói của từng dân tộc vẫn bảo tồn? Chẳng hạn, khu vực các dân tộc dùng chữ Hán có bị Hán hóa, khu vực các dân tộc dùng chữ Khmer có bị Khmer hóa, khu vực các dân tộc dùng chữ Slav (hay Cyrill) có bị Slav hóa… như cách nói tùy tiện của các khoa học gia Việt Nam?

Thảo nào, trong bài báo, Phạm Thị Kiều Ly tự cho (mà không thấy chứng minh) rằng quá trình "La-tinh hóa" tiếng Việt có cả quá trình bị "ngữ pháp hóa": "Các Thừa sai đều dùng ngữ pháp La-tinh như một mô hình để miêu tả các ngôn ngữ của các dân tộc trên thế giới và ghi âm các ngôn ngữ đó bằng chữ alphabet để dễ bề học tiếng".

Dùng mô hình âm vị học chứ sao lại là "mô hình ngữ pháp"? Phải chăng cô ta muốn nói tiếng Việt đã bị "La tinh hóa" cả về ngữ pháp? Ngữ pháp thể hiện trật tự của tư duy, nếu ngữ pháp Việt có giống với ngữ pháp Latinh là sự trùng hợp chứ làm gì có chuyện đem ngữ pháp Latinh áp đặt cho ngữ pháp Việt? Một ngàn năm Bắc thuộc, cha ông ta dùng văn tự Hán với ngữ pháp Hán mà chưa đồng hóa được tiếng Việt với tiếng Hán, huống hồ mấy ông Giáo sĩ Tây truyền đạo trong giới hạn của khu vực Giáo dân mà "Latinh hóa" được tiếng Việt cả về ngữ âm lẫn ngữ pháp?

Không cần nói nhiều về trình độ học thuật, nhiều Giáo sư, Tiến sĩ tự hào "biết chữ Hán sẽ viết chuẩn tiếng Việt", liệu chính các Giáo sư, Tiến sĩ đó có đạt chuẩn tối thiểu về trình độ tiếng Việt chưa? Nếu niềm tự hào đó là đúng thì cách nói "La-tinh hóa tiếng Việt" trong trường hợp này đã chuẩn chưa hay là một cách dùng tùy tiện, đại khái của anh dân quê vô học? Bênh vực công lao của các giáo sĩ phương Tây trong việc sáng chế chữ quốc ngữ theo cách "La-tinh hóa tiếng Việt", khác nào chửi mấy ông Tây đã phá hoại tiếng Việt, biến tiếng Việt thành tiếng dân tộc khác? Trong khi sự thực, người Việt nếu không dùng ký tự La tinh mà dùng chữ Nôm, chữ Slav hay Khmer chẳng hạn, tiếng Việt vẫn là tiếng Việt chứ không có chuyện "hóa" thành thứ tiếng nào khác!

(*) Nội dung đầy đủ bài báo“ Lịch sử chữ Quốc ngữ từ 1615 đến 1861: Quá trình La-tinh hóa tiếng Việt trong trào lưu ngữ học truyền giáo” của PTKL được đăng tải trên tiasang.com.vn.

C.M.L.

Nguồn: FB Chu Mộng Long

This entry was posted in Chữ quốc ngữ. Bookmark the permalink.