Việt Nam liên tục có các phiên tòa ‘tuyên truyền chống nhà nước’

11 tháng 12 2019

RFA: Việt Nam bắt 12 nhà báo trong năm 2019

Việt Nam bỏ tù 12 nhà báo trong năm 2019 và là một trong nhóm 10 nước hàng đầu thế giới có biện pháp đàn áp đối với báo giới chỉ trích chính phủ.

Thông cáo báo chí của Ủy Ban Bảo vệ Ký giả – CPJ, trụ sở tại Hoa Kỳ, công bố ngày 11 tháng 12 kết luận như vừa nêu. Cụ thể trên toàn thế giới có ít nhất 250 nhà báo bị bỏ tù trong năm 2019. Năm ngoái con số cũng tương tự chỉ nhỉnh hơn một chút là 255.

Trung Quốc là nước bỏ tù nhà báo nhiều nhất trong năm nay, với ít nhất là 48 người, trở thành quốc gia đứng đầu đàn áp giới ký giả trong năm 2019. Theo CPJ thì số lượng nhà báo tại Hoa Lục bị bỏ tù tăng đều đặn mỗi năm kể từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền và củng cố kiểm soát chính trị tại đất nước đông dân nhất thế giới này.

Tại Việt Nam, kể sau kỳ đại hội đảng lần thứ 12 vào tháng Giêng năm 2016 và ông Nguyễn Phú Trọng tái đắc cử chức tổng bí thư, biện pháp đàn áp được nhận định tăng mạnh hơn so với trước đó. Nhà báo mới nhất bị bắt vào ngày 21 tháng 11 vừa qua là ông Phạm Chí Dũng, chủ tịch Hội Nhà Báo Độc Lập.

CPJ tổng kết đa số những nhà báo bị bỏ tù đều đối diện với cáo buộc chống nhà nước hoặc bị cho là đưa tin giả.

Theo CPJ thì chừng 8% những nhà báo bị bỏ tù trên thế giới trong năm 2019 là nữ giới; giảm so với tỷ lệ 13% vào năm ngoái.

CPJ cho rằng các nhà báo không thể bị cầm tù chỉ vì thực thi nhiệm vụ đưa tin của họ.

Các nhà báo bị chính quyền Việt Nam bắt giữ. Từ trái qua: nhà báo Phạm Chí Dũng, nhà báo Trương Duy Nhất, nhà báo Phạm Văn Hóa. Photo: RFA

Nhiều phiên toà với cáo buộc tuyên truyền chống lại chính quyền nhân dân đã được tổ chức trong thời gian gần đây tại Việt Nam.

Và kết quả là ngày càng có nhiều nhà hoạt động bị giam cầm, và thậm chí chết khi đang ở trong tù.

Mới đây nhất, nhà hoạt động Đào Quang Thực, 58 tuổi, nguyên giáo viên Trường tiểu học Triệu Phúc Lịch, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình, bị kết án 13 năm tù và 5 năm quản chế với tội danh “Hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân,” đã qua đời khi đang thụ án tại Trại giam số 6 (tỉnh Nghệ An).

Ông Thực đã nhập viện cấp cứu ngày 13/4 do sức khỏe ngày càng giảm khi ở trong tù.

Nhiều phiên toà với cáo buộc tuyên truyền chống lại chính quyền nhân dân đã liên tục được tổ chức trong thời gian gần đây. Bản quyền hình ảnh AFP/GETTY IMAGES

Ông Thực bị bắt ngày 6/10/2017 với cáo buộc theo điều 79 Bộ luật Hình sự – “Âm mưu hoạt động nhằm lật đổ chính quyền nhân dân”.

Theo đài VOA, trước đó, trong các bài viết đăng trên trang Facebook cá nhân, ông Thực phản đối Formosa trong vụ xả độc làm cá chết kéo dài dọc theo hàng trăm cây số bờ biển miền Trung và những tranh chấp về chủ quyền biển đảo của Việt Nam với Trung Quốc trên biển Đông.

Trong một tuyên bố gửi đến truyền thông, ông Phil Robertson, Phó Giám đốc phụ trách khu vực châu Á thuộc tổ chức Theo dõi nhân quyền quốc tế (Human Rights Watch) nhấn mạnh:

“Cái chết của ông Đào Quang Thực sau một vụ đột quỵ một lần nữa đặt ra vấn đề về điều kiện nhà tù khủng khiếp của Việt Nam. Cái chết của ông phải được điều tra một cách minh bạch, vô tư, và có báo cáo công khai về những gì đã xảy ra với ông…

“Trong khi chúng ta chưa thể kết luận bất cứ điều gì về những gì đã xảy ra với ông Đào Quang Thực, cái chết của ông đặt ra nhiều câu hỏi cần phải được chính quyền trả lời. Chẳng hạn, tại sao giám thị trại giam không cho phép đưa thi thể của ông về nhà chôn cất. Họ có điều gì muốn che giấu? Rõ ràng rằng có rất nhiều chuyện chính quyền cần giải thích”.

Gia tăng trấn áp

Nhà hoạt động Đào Quang Thực là một trong những trường hợp lãnh án tù do liên quan đến các hoạt động trên Facebook.

‘Liệu các cá nhân có bị trừng phạt bởi các hoạt động online’ là một trong những nội dung được đưa vào đánh giá trong báo cáo báo cáo “Freedom on the Net 2019” (Tự do trên mạng 2019), do tổ chức Freedom House công bố tháng 11 vừa rồi. Và với nội dung này, Việt Nam nhận được số 0 tròn trĩnh trên tổng cộng 6 điểm, góp vào thành tích bết bát số điểm 24 trên tổng số 100, và do vậy được xếp vào nhóm các nước không có tự do internet.

Báo cáo này viết rằng, Việt Nam tiếp tục tiến hành đàn áp đáng kể chống lại quyền tự do ngôn luận trực tuyến. Việc các cá nhân bị truy tố bởi các hoạt động trực tuyến là phổ biến và một số blogger và người bảo vệ nhân quyền đã nhận án tù dài.

Theo báo cáo này, chỉ trong năm 2018, ít nhất 42 nhà hoạt động nhân quyền và blogger đã bị lãnh án tù.

Còn Tổ chức Theo dõi nhân quyền thì cho rằng, số tù chính trị tại Việt Nam hiện vượt quá con số 130. Trong khi đó, dự án 88 (định danh theo điều 88 Bộ luật Hình sự Việt Nam – thì số các nhà hoạt động bị cầm tù là 269 và 143 người khác có nguy cơ bị bắt.

Mấy tuần gần đây, có thêm nhiều người bị cáo buộc tội danh “phát tán, tuyên truyền thông tin, tài liệu nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam” ra tòa.

Hầu hết họ đều liên quan đến việc sử dụng tài khoản Facebook để chia sẻ hay đăng tải các bài viết mà báo chí nhà nước Việt Nam gọi là “có nội dung xuyên tạc, kích động chống đối chính quyền lên mạng xã hội”.

Chẳng hạn, cuối tháng 11, Tòa án nhân dân tỉnh An Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm bị cáo Trần Thanh Giang (sinh năm 1971) với tội danh trên.

Theo cáo trạng, từ năm 2014 đến ngày 1/3/2019, anh Giang đã tạo tài khoản Facebook ‘Giang Tran Thanh’ sau đó đổi thành ‘Thanh Chan’, và sử dụng tài khoản này để đăng tải, chia sẻ, bình luận các bài viết, hình ảnh hay video được cho là có nội dung tuyên truyền những luận điệu xuyên tạc, phỉ báng chính quyền nhân dân, xúc phạm Đảng Cộng sản và các cá nhân lãnh đạo của Việt Nam.

Còn tại Bạc Liêu, cũng vào cuối tháng 11, anh Nguyễn Chí Vững (sinh năm 1981) bị đưa ra toà với cáo buộc là đã tạo lập 2 tài khoản Facebook để livestream, đưa ra các thông tin “xuyên tạc, kích động tư tưởng, hoạt động chống phá Đảng, Nhà nước.”

Và còn nhiều trường hợp khác cũng ra toà với cáo buộc tương tự trong thời gian gần đây như Phạm Văn Điệp (ở Thanh Hoá); Đoàn Viết Hoan, Võ Thường Trung, Ngô Xuân Thành và Nguyễn Đình Khuê; Huỳnh Minh Tâm và Huỳnh Thị Tố Nga (đều ở Đồng Nai).

Theo quy định của Bộ luật Hình sự Việt Nam, những người bị cáo buộc tội danh này có thể sẽ bị phạt tù từ 5 đến 12 năm; trong các trường hợp đặc biệt nghiêm trọng có thể bị án tù từ 10 đến 20 năm.

Tiến bộ nhân quyền trở nên khó khăn hơn

Ông Phil Robertson bình luận với BBC News Tiếng Việt rằng lý‎ do thời gian gần đây Việt Nam gia tăng xét xử các vụ án liên quan dến hành vi “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, là vì:

”Chính phủ Việt Nam muốn tranh thủ lúc cộng đồng quốc tế đang bị phân tâm và không chú tâm nhiều đến các vấn đề nhân quyền ở VN để dẹp yên các tiếng nói bất đồng, cũng như đe dọa những người khác đang manh nha ý định như vậy”.

Theo ông Phil Robertson, khi không có bằng chứng nghiêm trọng để buộc tội các nhà hoạt động, chính quyền sẽ viện đến điều 117 Bộ luật Hình sự. Bởi thực tế là việc tìm ra một số post [bài đăng] hoặc tuyên bố trên Facebook và rồi dùng nó để buộc tội họ với điều 117, tuyên truyền chống nhà nước, là khá dễ dàng.

Tác giả David Hutt trong bài viết “Việt Nam tấn công vào một nhà báo” trên Asia Times, nói về trường hợp nhà báo tự do Phạm Chí Dũng, người vừa bị Công an thành phố Hồ Chí Minh bắt giữ vì cáo buộc theo điều 117 Bộ luật Hình sự sửa đổi nói trên, cũng nhận định rằng, nỗ lực của Đảng Cộng Sản Việt Nam nhằm trấn áp những tiếng nói bất đồng chưa biết đến bao giờ mới kết thúc.

Ông Hutt lý giải rằng đó là do các chính quyền Mỹ liên tiếp nuông chiều Đảng Cộng sản Việt Nam vì cho rằng, Hoa Kỳ phải duy trì liên minh chiến lược với Hà Nội vì Việt Nam chống đối lại sự bành trướng của Bắc Kinh trên Biển Đông.

Ông Nguyễn Văn Hóa bị cáo buộc kích động các cuộc biểu tình chống chính quyền qua các bài đăng trên Facebook. Bản quyền hình ảnh VIETNAM NEWS AGENCY/GETTY IMAGES

Còn với ông Phil Robertson, trong khi người biểu tình và các nhà hoạt động rất kiên trì và dũng cảm đứng lên đòi sự tôn trọng các quyền con người, thì chính quyền Việt Nam cũng rất kiên trì trong việc phớt lờ các quyền đó. Bởi vậy, tiến bộ về nhân quyền tại Việt Nam hiện trở nên khó khăn hơn.

Tổ chức Theo dõi nhân quyền đã nhiều lần yêu cầu chính quyền Việt Nam trả tự do ngay lập tức cho tất cả các tù chính trị bị giam giữ, chấm dứt các cuộc tấn công nhắm vào các nhà hoạt động; tôn trọng các quyền dân sự và chính trị cốt lõi.

Ông Phil Robertson cũng kêu gọi các nhà ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam, cũng như đại diện Liên hiệp quốc tại Hà Nội, lên tiếng kêu gọi Việt Nam tuân thủ các cam kết quốc tế về nhân quyền.

Nguồn: https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-50727150

This entry was posted in Nhân Quyền, Đàn áp báo chí. Bookmark the permalink.