Trịnh Hồng Duẩn
Dù đánh giá các quan điểm nhận định trái chiều về Thông cáo báo chí của IJAVN là quyền tự do biểu đạt, nhưng cần khẳng định sự tiêu cực của nó.
Trước hết, tôi tin rằng, những hội viên IJAVN không giữ trong mình “tư duy xúi giục”, và bản thân Thông cáo báo chí của Hội cũng không phản ánh xu hướng “tư duy xúi giục”.
Vì sao?
Bởi “xúi giục là hành vi kích động bằng lời nói, cử chỉ, vật chất hoặc bằng bất cứ thủ đoạn nào nhằm làm cho người khác thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật hoặc phạm tội”.
Làm sao có thể là “tư duy xúi giục” khi mà khuyến nghị chỉ mong muốn xem xét thoả thuận thương mại vì yếu tố nhân quyền đang xấu đi? Làm sao có thể là “tư duy xúi giục” mà mà Thông cáo báo chí thể hiện sự quan tâm đến nhân quyền và đề cập đến sự lưu tâm nhân quyền từ EU? Và đó có phải là nhằm khiến “người khác” (ở đây là nghị sĩ EU) “thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật và phạm tội”?
Không và hoàn toàn không!
Khi ông Phạm Chí Dũng bị bắt tạm giam, tôi tin rằng, hầu như hội viên và thành viên ban điều hành còn lại của IJAVN đã thể hiện đoàn kết và lên tiếng, lên tiếng bởi trước hết họ là những người viết báo không định hướng, luôn tuân thủ tôn chỉ ôn hoà nghề nghiệp của Hội và sát cánh với bất kỳ một cá nhân nào bị bắt giam vì thực hiện quyền tự do biểu đạt của mình. Thông cáo ra đời trong bối cảnh như vậy.
Thông cáo báo chí, và đoạn khuyến nghị khẩn cấp tới EU có phải “xúi giục” và “phản dân hại nước”?Quan điểm cá nhân của tôi cho rằng, bản chất của bản Thông cáo là tốt, phản ánh phần nào tinh thần lá thư trước đó của ông Phạm Chí Dũng. Đó là, muốn các bên gồm EU và Việt Nam tôn trọng giao kết nhân quyền được ghi nhận trong Hiệp định thương mại tự do.
Đó là đòi hỏi chính đáng.
Chính kiến trên cũng thể hiện lòng can đảm khi rủi ro hoá an toàn cá nhân để bảo vệ quyền tự do con người mà người Việt xứng đáng được hưởng cùng với các các lợi ích kinh tế – xã hội khác. Và vì thế, hãy xem khuyến nghị xuất phát không chỉ từ khát vọng về quyền con người, mà còn là một khuyến nghị muốn đảm bảo bền vững trong phát triển của quốc gia Việt Nam trong tương lai. Bởi nhân quyền là cơ sở, nền tảng của phát triển, công bình xã hội. Và đó cũng là lý do vì sao, trong các giao kết thương mại lớn gần đây mà Nhà nước Việt Nam ký kết, đều đính kèm các điều kiện liên quan đến nhân quyền.
Nếu bảo khuyến nghị của IJAVN là “tư duy xúi giục” hay thậm chí là “phản dân hay nước” thì điều đó hoàn toàn là quan điểm tiêu cực, khiến tính chất “xây dựng lâu dài” trong khuyến nghị bị triệt tiêu hoàn toàn.
Bởi theo lối nghĩ áp đặt và tiêu cực đó, thì khác gì chúng ta tự đặt mình ra khỏi quyền con người và cầu vịn vào sự ban ơn nhân quyền? Đi xa hơn, thì với lối nghĩ đó, chúng ta có thể xem các khuyến nghị từ tổ chức Ký giả không biên giới, các nghị sĩ EU,… gần đây là “xúi giục”?
IJAVN do người Việt trong nước sáng lập, hội viên phần lớn là người Việt trong nước. Do vậy, mỗi bước phát triển kinh tế mà người dân lao động hay chủ doanh nghiệp có thể được thụ hưởng trên thực tế là một nét chấm son mà bản thân mỗi người Việt đều vui mừng. Tôi tin rằng, ông Phạm Chí Dũng và Ban điều hành, từng hội viên IJAVN đều sẽ định hình như vậy.
Niềm tin đó xuất phát từ góc nhìn của một độc giả lâu năm, bởi ngay trong số bài vở được đăng tải trên IJAVN liên quan đến EVFTA, thể hiện đồng nhất một quan điểm bất di bất dịch: cam kết nhân quyền phải đi liền với thực thi nhân quyền.
Thực tế cho thấy?
Vào tháng Ba năm 2019, Đối thoại nhân quyền Việt Nam – EU được tổ chức lần thứ 8. Trong phiên đối thoại này, phía EU “nhấn mạnh vào sự cần thiết đạt được tiến bộ quan trọng trong các quyền về chính trị và dân sự” cũng như “nhắc lại vai trò rất quan trọng của các tổ chức xã hội dân sự trong việc thúc đẩy và bảo vệ các quyền con người cũng như trong việc tăng cường sự phát triển kinh tế-xã hội bền vững”.
Thế nhưng, kể từ tháng Ba đến nay, các vụ bắt giữ và kết án đối với những người bất đồng chính kiến liên tục xảy ra, với mức án tù dành cho ngày nặng nề hơn.
Nếu không đạt được sự thực thi sau cam kết, thì tình hình nhân quyền Việt Nam theo góc nhìn “nhấn mạnh, nhắc lại” của EU sẽ không bao giờ đạt được. Hay nói trắng ra, nhân quyền và cam kết trong Hiệp định thương mại này chỉ mang tính hình thức.
Trong Lời mở đầu Công ước về Quyền dân sự và Chính trị mà Việt Nam gia nhập từ năm 1982 có đoạn dẫn: “Thừa nhận rằng, theo Tuyên ngôn toàn thế giới về quyền con người thì chỉ có thể đạt được lý tưởng về con người tự do không phải chịu sợ hãi và thiếu thốn, nếu tạo được những điều kiện để mỗi người có thể hưởng các quyền dân sự và chính trị cũng như các quyền kinh tế, xã hội văn hoá của mình”.
Vậy đến nay, con người ở Việt Nam có thực sự có tự do và không chịu sợ hãi khi thực thi quyền dân sự – chính trị hay không?
Ngày 26 tháng Chín, 2019, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã ban hành Quyết định số 1252/QĐ-TTg Phê duyệt Kế hoạch tăng cường thực thi hiệu quả Công ước quốc tế về các quyền dân sự và chính trị và các khuyến nghị của Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc.
Thế nhưng, từ tháng Chín đến nay, hãy xem đã có bao nhiêu người bị truy đuổi, bắt bớ và giam cầm vì thực hiện quyền “tự do dân sự – chính trị”.
Do vậy, lá thư cá nhân của ông Phạm Chí Dũng và Thông cáo báo chí của IJAVN phù hợp trong bối cảnh mà nhân quyền Việt Nam trong lĩnh vực dân sự – chính trị chưa có điểm sáng, cần phải thay đổi để phù hợp với cam kết và thực thi trong thực tế. Thay vì nghĩ đó là “xúi giục” hay “phản dân hại nước”.
Giả thuyết rằng, “khuyến nghị” trên cơ sở tổ chức hội nghề nghiệp (IJAVN) hay cá nhân (ông Phạm Chí Dũng) đều không đạt được sự quan tâm đúng mức nào về nhân quyền nào từ cả phía nhà nước Việt Nam và EU, thì hãy nhìn nhận “khuyến nghị” đó như là một nét chấm phá về lương tri con người, trách nhiệm của công dân có lương tâm trong tiến trình thúc đẩy nhân quyền ở Việt Nam, vì lợi quyền bền vững của quốc gia – dân tộc Việt Nam. Và cũng thông qua cách ứng xử với “khuyến nghị” (thờ ơ, lãnh đạm), người Việt có thể ghi nhận sự xói mòn lương tri con người, trách nhiệm tuân thủ công ước quốc gia (Việt Nam), và sự giữ gìn các giá trị nhân quyền của EU.
T.H.D.
VNTB gửi BVN