Giấc mơ hão huyền

Nguyễn Đình Cống

Tin về cái chết của 39 người trong thùng xe đông lạnh tại Anh làm cho nhiều người đau lòng, thương xót. Càng thương họ, càng thêm căm giận những thế lực đã trực tiếp và gián tiếp gây ra tội ác. Trong những thế lực đó có cả thể chế chính trị tại đất nước họ. Bài viết “Tôi buồn, tôi tức giận, tôi thương” của Đoàn Bảo Châu (Báo Tiếng Dân ngày 27/10) và nhiều bài khác (Ngô Trường An, Trung Bảo, Nguyễn Quang Bô, Huỳnh Ngọc Chênh, Dương Quốc Chính, Nguyễn Ngọc Chu, Khải Đơn, Nguyễn Đăng Hương, Nguyễn Tuấn Khoa, Thạch Đạt Lang, Phan Ngọc Minh, Thụy My, Doanh Toại, Lê Nguyễn Hương Trà, Đinh Minh Tuấn, Trương Nhân Tuấn, Phạm Minh Vũ, Vũ Ngọc Yên v.v…) đã nói lên điều đó.

Tôi nghe sự quan tâm của Chính phủ về việc công dân Việt có ai trong số 39 nạn nhân ở Anh. Rồi nào là điện khẩn, công văn của Thủ tướng cho bộ này bộ nọ, cho UBND tỉnh ấy tỉnh kia, nào chỉ thị cho Đại sứ quán phải gấp rút xác minh danh tính nạn nhân, tìm nguyên nhân,truy bắt thủ phạm v.v… Nghe rồi suy nghĩ. Trong việc này có mấy phần là sự quan tâm thật lòng của ông Thủ tướng đến công dân và mấy phần là sự tuyên truyền. Tôi nằm, miên man trong việc tìm chứng cứ để có kết luận rồi ngủ thiếp đi, và trong mơ thấy được mời dự thính một cuộc họp của Chính phủ. Tôi được thông báo rằng các anh Nguyễn Khắc Mai, Nguyễn Trung, Chu Hảo, Lê Mã Lương, Mạc Văn Trang cũng được mời dự thính như vậy.

Đó là cuộc họp của Thủ tướng với các bộ, các ngành để bàn việc nâng cao vai trò của Việt Nam trên trường quốc tế, tạo uy tín cho Chính phủ, tạo niềm tin và phấn khởi cho toàn dân. Thủ tướng yêu cầu phải nêu lên một lĩnh vực mà Việt Nam chiếm loại nhất của thế giới để, một là lập kỷ lục, hai là được UNESCO công nhận, ba là đem ra để báo cáo ở Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc. Từ đó đem tuyên truyền mạnh mẽ và rộng rãi trong nước và thế giới. Chính phủ đã dự kiến chi một khoản vài ngàn tỷ cho việc này.

Thủ tướng nói: Vấn đề tôi muốn nêu ra là: “Việt Nam nhạy cảm và quan tâm đến nhân quyền”, xin nêu các căn cứ, các dẫn chứng để mọi người thảo luận.

Về trong nước, hễ Chính phủ biết được có công dân nào bị thiệt mạng do bão lũ hoặc tai nạn lao động, thì lập tức gửi điện thăm hỏi, chỉ đạo các cấp các ngành quan tâm, cử cán bộ đến tận nơi úy lạo. Khi biết tin sắp có bão lụt thì Chính phủ điện khẩn khắp các nơi, chỉ đạo những công việc cụ thể. Rồi phong trào xóa đói giảm nghèo. Lo cho dân đến thế là cùng.

Về người Việt đi ra nước ngoài, khi có ai bị chết hoặc mất tích thì Chính phủ điện khẩn cho các bộ, các ngành, các địa phương và Đại sứ quán liên quan, chỉ thị đủ mọi việc cụ thể, tận tình, chu đáo. Chính quyền cử người đến từng gia đình nạn nhân thăm hỏi, giúp đỡ.

Chính phủ rất quan tâm, khen thưởng kịp thời những hành động dũng cảm cứu giúp người bị tai nạn.

Đối với nước ngoài, khi biết được nơi nào đó có tin vui dù lớn hay nhỏ, có tin buồn từ bình thường trở lên Việt Nam đều nhanh chóng gửi điện chúc mừng hoặc chia buồn. Trong nhiều việc, không phải chỉ có một điện mà nhiều. Nào là điện của Chủ tịch nước, của Tổng Bí thư Đảng, của Thủ tướng Chính phủ, của Chủ tịch quốc hội, của Bộ trưởng Ngoại giao. Thế là Nhà nước chúng ta không những quan tâm đến dân Việt Nam mà còn quan tâm đến toàn thế giới.

Nếu tập hợp đủ các loại điện như kể trên thì chắc rằng mỗi năm sẽ được một tệp dày vài ngàn trang. Đem chúng ra mà trưng bày sẽ làm lác mắt nhiều kẻ. Thử hỏi, ngoài Việt Nam, có nước nào làm được như thế.

Thủ tướng đề nghị các đại biểu nêu ý kiến, xây dựng quan điểm, sau đó về cơ quan tập hợp chứng cứ, cung cấp cho Bộ Ngoại giao để làm hồ sơ. Sau việc này chắc chắn uy tín của Việt Nam sẽ được nâng lên nhiều lắm.

Tiếp theo, một số quan chức phát biểu ủng hộ đề xuất của Thủ tướng, ca ngợi sự sáng suốt, sự nhạy bén của ông. Cũng có ý kiến hỏi rằng về việc này ý kiến của Bộ Chính trị như thế nào. Thủ tướng cho biết chưa thông qua hội nghị tập thể, nhưng đã bàn riêng với Tổng bí thư, Chủ tịch Quốc hội và vài anh chị khác trong Bộ Chính trị. Họ đều nhất trí. Có thể sẽ đem việc này thành một chỉ tiêu trong Nghị quyết của Đại hội 13.

Đến lượt các trí thức dự thính phát biểu. Tôi xin nói đầu tiên.

Tôi cho rằng, như được trình bày, có một số việc về hình thức là tốt, là cần, nhưng phải xem xét đến thực chất, có việc không nên hoặc cần làm theo cách khác.

Những việc có hình thức tốt như quan tâm, giúp đỡ nạn nhân thì việc làm được với lòng chân thành quá cách xa với sự tuyên truyền. Hình như làm ít mà nói nhiều, mục tiêu chính của công việc là để phô diễn thì phải.

Phong trào “Vì người nghèo” có vẻ rất rầm rộ, nhưng sai phương hướng và cách làm nên hiệu quả thấp, tạo ra một số người phấn đấu để được nghèo mãi mãi, và làm phát sinh một số kẻ lợi dụng kiếm chác. Chữ “Vì” trong cụm từ vì người nghèo nghe không xuôi. Không biết ai là người đầu tiên dùng cụm từ ấy và mọi người dùng theo. Gọi là phong trào “Giúp người gặp khó” thì hay hơn. Trong ngôn ngữ Việt thường dùng chữ VÌ cho những đối tượng đáng tôn trọng hoặc quý mến. Còn người nghèo có ba bảy loại, trong đó có loại vì lười và ngu mà nghèo thì tại sao ta lại vì họ?

Về việc chống bão, chống lũ – Thông tin đại chúng đã loan báo kịp thời, lãnh đạo và nhân dân các địa phương đã biết những việc cần làm. Thế thì những bức điện khẩn dài dòng của Ban Phòng chống thiên tai, của Chính phủ gửi đi khắp nơi nhằm mục đích gì, chứng tỏ điều gì?

Nếu cho rằng đề phòng lãnh đạo các tỉnh huyện không xem báo, không nghe đài nên không biết bão lũ sắp xẩy ra tại địa phương thì cấp trên chỉ cần điện khẩn rất ngắn gọn, với vài chữ “Bão lũ sắp xẩy ra, cần hành động”. Thế là đủ. Hành động cụ thể như thư thế nào cấp dưới phải tự biết. Đặc biệt của một lệnh khẩn là phải hết sức cô đọng, càng ngắn càng có sức mạnh. Cái thói “dạy đĩ vén váy” chỉ là của loại người kém trí tuệ mà cứ muốn tỏ ra ta đây quan tâm… Việc chỉ thị cho cấp dưới những việc cụ thể, chi tiết, vụn vặt chứng tỏ cấp trên không tin vào họ, coi thường họ, lại tạo ra cho họ thói quen xấu, trông chờ chỉ đạo của trên.

Về các vụ tai nạn. Thủ tướng có tấm lòng nhân ái thì thật tâm thăm hỏi, chia buồn, có thể đến tận nơi chia sẻ tai họa. Việc các ngành các cấp phải làm gì họ phải tự biết, tự làm. Liệu Bộ trưởng Tô Lâm có cần nhận được điện khẩn mới cho công an điều tra? Liệu Chủ tịch UBND các tỉnh thành liên quan có nhận được điện khẩn mới biết quan tâm đến dân chúng trong vùng? Nếu quả thật các vị ấy phải nhận được điện khẩn của Thủ tướng mới hành động thì nên bãi nhiệm hết và thay bằng người khác có năng lực hơn. Phải chăng cấp trên chấp nhận và dùng cấp dưới kém năng lực thì cấp trên ấy cũng chẳng ra gì.

Để biết Nhà nước này quan tâm đến người dân, đến nhân quyền như thế nào còn cần phải nhìn vào một mặt rất quan trọng của đời sống. Đó là sự đối xử của Chính quyền với dân khi họ cần đến sự giải quyết các việc có liên quan. Xin ghi nhận sự thành công ở một vài nơi về “Tiếp dân tại một cửa”, về một số tiến bộ ở vài địa phương trong cải cách hành chính, Nhưng tại nhiều nơi vẫn tồn tại cách làm “Hành là Chính”. Khi dân có công chuyện đến cửa công, đa số viên chức tiếp họ nghĩ đến việc gây khó khăn, “miệng nam mô nhưng bụng bồ dao găm”. “Hành” để người cần việc phải “nôn” ra, nhưng nhiều trường hợp người dân không biết “đưa phong bì” bằng cách nào và bao nhiêu cho phải. Về việc này, tôi, những người quen biết và rất đông có nhiều dẫn chứng cụ thể, sinh động.

Về trong nước. Hãy xem Thủ tướng làm gì, như thế nào khi những dân oan bị cướp đất, bị kết tội (có nhiều án tử hình) khi không hề phạm pháp (chỉ nhận tội bừa vì bị bức cung), khi có rất nhiều người bị chết trong đồn công an, khi các cuộc biểu tình ôn hòa bị đàn áp, khi đội cờ đỏ khủng bố giáo dân và phá hoại thánh đường, khi các tù nhân lương tâm bị đối xử hà khắc, quá vô nhân đạo, khi môi trường bị tàn phá, hủy diệt làm cho cuộc sống của hàng triệu người dân bị điêu đứng v.v…

Về các Sứ quán. Tôi đã ở 4 nước trong thời gian dài, đã đi qua nhiều nước, đã có khá nhiều dẫn chứng về việc “nhân viên sứ quán có nhiều hình thức và thủ đoạn moi tiền”. Để moi được họ phải tạo khó khăn cho người ta, hành hạ người ta. Gần đây, đọc bài báo “Thái độ vô trách nhiệm đối với công dân ở Nam Mỹ” của Trang Nguyễn (Báo Tiếng Dân ngày 12/10/2019) mà uất hận, mà xót xa. Bài báo kể chuyện một thanh niên người Việt, du lịch ở Pêru, bị mất hộ chiếu. Để xin cấp lại, anh bị đẩy chạy vòng quanh giữa cơ quan ngoại giao của Việt Nam ở Peru, Chile, Brazil, tốn nhiều thời gian và tiền bạc mà vẫn chưa tìm thấy lối thoát. Anh bị “hành” vì không biết “nôn” ra cho ai, bao nhiêu, bằng cách nào.

Về điện chúc mừng, thăm hỏi gửi đến các nước…

Tôi tạm dừng một chút để lấy hơi thì bị ai đó vỗ vào vai nhắc nhở: Giáo sư nói đã quá dài, hãy để cho người khác. Thế là tôi bừng tỉnh. Kết thúc một giấc mơ hão huyền. Phải chăng đây là hiện tượng mà Freud đã nghiên cứu và mô tả. Nhiều ngày tháng tôi chuẩn bị đối thoại với ông Võ Văn Thưởng ở Ban Tuyên giáo mà không được trả lời nên nhập tâm mà sinh ra giấc mơ như thế. Vâng, giấc mơ hão huyền và hoang tưởng.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Chính phủ, Thủ tướng. Bookmark the permalink.