Giàn khoan JDC Hakuryu-5 và tàu hộ vệ ở ngoài khơi Vũng Tàu. Suốt ba tháng qua, các tàu Trung Quốc liên tục quấy phá hoạt động giàn khoan này tại bãi Tư Chính. Ảnh tư liệu chụp ngày 29/04/2019.REUTERS/Maxim Shemetov/File Photo
Chiếc tàu Hải Dương Địa Chất 8 từ mấy tháng nay vẫn ngang dọc trên bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, hôm qua 24/10/2019 đã tạm rời đi, nhưng mối đe dọa xâm lấn Biển Đông vẫn luôn đè nặng.
Vừa qua Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam khóa 11, nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương, đã có hai bài viết đầy tâm huyết về tình hình Biển Đông, gây tác động rộng rãi, đã được lan truyền nhanh chóng trên mạng. RFI hân hạnh được trao đổi với ông Vũ Ngọc Hoàng về vấn đề này.
Kính chào tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, trước hết xin rất cảm ơn ông đã vui lòng dành thì giờ cho thính giả RFI hôm nay. Thưa ông, trong bài viết ông đã phản bác lý lẽ nếu kiện Trung Quốc sẽ tạo cớ cho Bắc Kinh gây chiến với Việt Nam…
Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng (Photo courtesy of Thanh Nien)Thanh Niên
Trước đây trong bài viết đầu tiên tôi cũng đã nói về việc này. Quan điểm của tôi là phải kiện, nhưng cũng có những ý kiến khác. Người ta bảo mình và Trung Quốc đang «hữu nghị» với nhau, kiện là tạo cớ cho Trung Quốc lấn tới. Nhưng tôi phản bác, bây giờ họ chẳng cần hữu nghị gì cả, họ cứ đến lấn chiếm biển rồi xâm phạm liên tục như thế, còn mình cứ lệ thuộc vào «tình hữu nghị», không dám kiện người ta.
Mình càng nhân nhượng họ càng lấn tới! Có thể có những lúc nhân nhượng với nhau việc này việc khác, nhưng không thể vi phạm nguyên tắc tôn trọng chủ quyền. Và việc nhân nhượng cũng phải dựa trên tình hữu nghị thực lòng, chứ không theo cái kiểu để cho một bên cứ lấn tới thì không được. Tôi không đồng ý với quan điểm đó và đã có nêu trong bài viết.
Thưa ông, có nghĩa đây là quyền tự vệ chính đáng của Việt Nam…
Đúng thế, quyền tự vệ chính đáng, chứ đâu ai muốn kiện ai làm gì. Tự vệ thì phải dựa vào luật pháp quốc tế, vào dư luận của cộng đồng quốc tế, có người làm trọng tài một cách khách quan… Chứ chỉ còn giữa hai bên Việt Nam và Trung Quốc với nhau thì không xong.
Họ thì muốn song phương, không muốn đa phương. Nhưng thực tế đã chứng minh là song phương không giải quyết được, mà Trung Quốc thì cứ cưỡng ép. Thế nên phải quốc tế hóa, phải đa phương, chứ song phương không giải quyết được gì.
Nhưng nhiều người lo ngại về hệ quả của việc kiện trong khi Việt Nam đang lệ thuộc Trung Quốc về nhiều mặt?
Tôi nghĩ thế này. Trong quá trình quan hệ, có những mối liên hệ ràng buộc lẫn nhau, có chuyện đó thật. Nhưng về cơ bản đến nay Việt Nam vẫn là một quốc gia độc lập có chủ quyền, chứ không phải là một thuộc quốc của Trung Quốc. Việt Nam có tự do độc lập của Việt Nam, nên có quyền kiện Trung Quốc chứ.
Thưa ông có ý kiến cho là Philippines đã kiện và đã thắng Trung Quốc, nhưng rốt cuộc Bắc Kinh đâu có chấp hành cho nên đi kiện làm gì, ông nghĩ thế nào?
Tôi nghĩ điều quan trọng nhất của việc kiện là làm cho rõ chân lý, đúng sai thuộc về bên nào, để làm cơ sở cho những cuộc đấu tranh tiếp theo. Trung Quốc cố tình không chấp nhận kết quả xử kiện, đó là việc của họ. Nhưng dư luận thế giới tiến bộ, dư luận loài người sẽ đứng về bên ứng xử có văn hóa, chứ không về phía liều lĩnh, bất chấp, ngang tàng… Đừng nghĩ rằng tòa xử cho thắng, sau đó Trung Quốc chấp hành hết, không có ý kiến gì, chuyện đó không thể có. Chúng ta đã quá biết bản chất của Trung Quốc rồi !
Tôi nghĩ là kiện sớm thì tốt hơn, càng sớm càng tốt, nhưng bây giờ vẫn chưa muộn. Đừng nghĩ là đã trễ nên không đặt vấn đề kiện nữa
Ông có thấy là báo chí và chính quyền Việt Nam rất ít nói về tình hình bãi Tư Chính, người dân Việt Nam không được thông tin về chủ quyền đất nước?
Tôi thấy gần đây báo chính thống đã bắt đầu nói, và thỉnh thoảng Bộ Ngoại giao lên tiếng. Theo quan điểm của tôi, đáng lý báo chí Việt Nam phải đưa tin nhiều hơn, đầy đủ và kịp thời, liên tục hơn. Vừa rồi thì báo chí Việt Nam cũng khá dè dặt. Cho đến bây giờ nhờ các kênh khác, thông tin trên mạng cộng với báo chính thống nên nhân dân Việt Nam cũng hiểu nhiều về tình hình đấy.
Nhưng trên mặt trận tuyên truyền hình như Trung Quốc đang chiếm ưu thế?
Đúng là Trung Quốc đẩy mạnh tuyên truyền, không phải mới gần đây mà nhiều năm nay họ đã nói về đường lưỡi bò, nói rằng Biển Đông là của họ… Bây giờ trên thực địa họ đưa tàu thăm dò đến, neo đậu ở đó. Trung Quốc tuyên truyền nhiều hơn Việt Nam.
Có người cho rằng điều quan trọng là lẽ phải thuộc về ta, nhưng tư duy đó không đúng. Cần phải nói cho mọi người hiểu, và cần phải nói nhiều hơn nữa cho rõ thông tin, để cộng đồng, để người dân trong nước, kể cả nhân dân Trung Quốc và nhân dân thế giới biết. Nhân dân Trung Quốc nhiều người hiểu không đúng bởi vì lâu nay Bắc Kinh tuyên truyền một chiều. Thế nên tuyên truyền cho họ là điều rất cần. Tôi tiếc là các cơ quan chức năng, báo chí chưa làm thật tốt việc này.
Lúc trước trong vụ giàn khoan Hải Dương Thạch Du 981 Việt Nam lại tuyên truyền rất tốt, có các cơ quan báo chí quốc tế trong đó có báo chí Pháp đến tận nơi chứng kiến, còn lần này thì không thấy có động tĩnh gì.
Tôi không biết vì sao bây giờ lại không mời báo chí nước ngoài, tôi cũng không rõ lý do. Chứ còn quan điểm của tôi là ngửa bài hết cho báo chí biết càng rộng rãi càng tốt thái độ và hành vi của Trung Quốc. Không việc gì mà phải hạn chế thông tin. Và tôi nghĩ chắc cũng có lý do khách quan nào đó.
Giờ đây Trung Quốc có vẻ lại càng ngang ngược hơn trước. Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam mà Bắc Kinh lại nói rằng thuộc chủ quyền của họ, và mới đây tại diễn đàn Hương Sơn còn tuyên bố là «lãnh thổ cố hữu» của Trung Quốc, «của tổ tiên để lại, không thể để mất một tấc»…
Rất là ngạo mạn, ngang ngược, họ nói không biết ngượng! Những người tự trọng không thể nói như thế được. Trước đây thì ít hơn, bây giờ ngay bãi Tư Chính họ cũng nói là của họ. Tất tần tật Biển Đông là của họ hết, và họ bảo Việt Nam là xâm phạm! Vu cáo Việt Nam như thế mà họ nói một cách tự nhiên được. Tôi coi đó cũng là vấn đề văn hóa.
Thưa ông phải chăng như vậy họ đã quyết liệt hành động, vì họ cảm thấy Việt Nam có vẻ nhu nhược?
Họ quyết liệt, họ thô bạo, liều lĩnh và vô văn hóa. Họ nghĩ rằng như thế là thắng, nhưng tư duy của họ đã sai về chiến lược rồi! Lịch sử nhân loại không thể được dẫn dắt bởi sự hung bạo. Tư duy họ sai, nhưng vì có sức mạnh nên họ cứ làm càn.
Trong tình trạng mạnh được yếu thua như thế này, Việt Nam có vẻ quá cô đơn trong việc bảo vệ chủ quyền của mình trên Biển Đông?
Cho nên tôi mới đề nghị là phải kiện, phải có liên minh và hợp tác với các nước, với những nước tôn trọng chủ quyền của Việt Nam. Cần phải kiện, phải đưa ra Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, cần phải làm cho cả thế giới biết chính nghĩa thuộc về đâu, kể cả liên minh để khai thác và bảo vệ vùng biển.
Dạ, nhưng người ta vẫn sợ nếu liên minh với một nước nào khác, đặc biệt là Mỹ chẳng hạn, thì Trung Quốc có thể lấy cớ đó để tấn công Việt Nam…
Tôi nghĩ không phải cứ có liên minh thì họ tấn công. Và thật ra liên minh kinh tế có thể tiến hành bất kỳ lúc nào, còn liên minh chiến đấu thì chỉ khi nào có xung đột mới xảy ra. Việc xung đột thì đó là Trung Quốc chủ động mà? Họ muốn dùng sức mạnh quân sự để chiếm biển, còn Việt Nam là tự vệ, chứ không phải do Việt Nam gây ra. Có điều rất vô lý là khi tự vệ chính đáng thì lại bảo là «do anh tạo cớ nên tôi phải tấn công anh». Tự vệ sao lại là tạo cớ? Đó là một lý lẽ chẳng khoa học gì cả.
Trong Đảng Cộng sản Việt Nam liệu có còn tư tưởng Trung Quốc dù sao cũng là nước xã hội chủ nghĩa, trong khi Mỹ là kẻ thù cũ?
Tôi nghĩ rằng cách suy nghĩ đó bây giờ cơ bản hết rồi, nếu có thì cũng cá biệt, ít thôi, chứ mọi người đã hiểu rồi. Mỹ thì đã là đối tác lâu nay. Chiến tranh giữa Việt Nam với Mỹ xảy ra cách đây đã nửa thế kỷ rồi, và còn cũ hơn cuộc chiến tranh với Trung Quốc ở biên giới phía Bắc. Cuộc chiến chống Trung Quốc xâm lược ở biên giới còn mới hơn, và sau đó còn kéo dài mười năm nữa.
Với Mỹ thì lâu nay đã gọi nhau là đối tác toàn diện rồi. Từ ngày thiết lập đối tác toàn diện đến nay thì chúng tôi thấy là Mỹ cũng đàng hoàng, và quan hệ ngày càng tốt lên – tới giờ này tôi có nhận xét như vậy.
Như vậy chính Trung Quốc bằng sự hung hăng của mình đã đẩy Việt Nam về phía khác?
Đúng rồi, chính Trung Quốc chứ không ai khác đã đẩy cho Việt Nam xa ra. Họ vừa đẩy Việt Nam ra vì muốn chiếm biển, nhưng họ cũng không muốn xa hẳn mà vẫn trong tầm tay của họ. Tuy nhiên anh không thể muốn đủ thứ như vậy được, rất vô lý.
Tóm lại theo ông hiện tại Việt Nam cần phải làm những gì?
Trong bài viết tôi cũng đã nói. Thứ nhất, Việt Nam phải tiếp tục thông tin cho nhân dân trong nước, nhân dân Trung Quốc và thế giới hiểu rõ. Thứ hai là đưa ra Hội Đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc, Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thảo luận, rồi kiện lên các tòa án trọng tài quốc tế. Đó là những công việc phải làm trước mắt.
Bên cạnh đó Việt Nam còn phải dân chủ hóa nữa phải không ạ?
À, phải nói như thế này. Dân chủ hóa là vấn đề chiến lược rất quan trọng, tôi cho đó là một trong những vấn đề cốt lõi mà đất nước Việt Nam phải quan tâm.
Từ ngày thành lập nước năm 1945 đã nêu ra khẩu hiệu, hồi đó đã đặt tên nước với từ «dân chủ» rồi mà. «Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa », mục tiêu đã được đưa ra sớm như vậy. Từ đó đến nay trên thực tế cũng có những bước tiến đáng ghi nhận, chứ không phải là không có tiến bộ gì.
Nhưng vẫn chưa xong, còn phải tiếp tục dân chủ hóa. Và chỉ có dân chủ mới tập hợp được cả dân tộc này để bảo vệ Tổ quốc và phát triển quốc gia. Dân chủ quan trọng như vậy đó, vừa là bản chất của một chế độ tốt đẹp, vừa là sức mạnh của dân tộc để giữ nước được trường tồn, vừa để phát triển tiến lên.
Muốn xây dựng xã hội tốt đẹp cũng là do nhân dân xây, và xây cho nhân dân, cho nên dân chủ là vấn đề của hiện tại và của tương lai. Đừng nghĩ chỉ giải quyết mấy bữa, mấy năm là xong. Không, đó là một câu chuyện dài và phải phấn đấu liên tục, tích cực để đạt được mục tiêu dân chủ.
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn Tiến sĩ Vũ Ngọc Hoàng, nguyên Phó ban Khoa giáo Trung ương, đã vui lòng dành thì giờ trả lời phỏng vấn của RFI Việt ngữ.
T.M.