Nguy cơ chiến tranh nước gia tăng trên sông Mê Kông

David Hutt

Đỗ Tùng (Danlambao) dịch

Trung Cộng với khả năng mới được củng cố để ngăn chặn nước sông Mê Kông chảy đến các quốc gia vùng Đông Nam Á cho thấy một điểm nóng mới trong khu vực này.

Sông Mê Kông, một con sông lớn bắt nguồn từ Trung Cộng (TC) và chảy ngoằn ngèo qua năm quốc gia Đông Nam Á, đang nổi lên như một điểm nóng mới về an ninh, tương tự như những xung đột đang leo thang ở Biển Đông.

TC đã xây dựng 11 đập và có kế hoạch cho 8 đập khác dọc theo phần thượng nguồn của dòng sông Mê Kông, là con sông bắt nguồn từ cao nguyên Tây Tạng, trải dài qua phần lớn lục địa Đông Nam Á (ĐNA), và kết thúc ở đồng bằng sông Mê Kông là vựa lúa của Việt Nam.

Các con đập này ngoài việc gây ra những hậu quả về môi trường, còn mang yếu tố chiến lược mới nổi, là đã làm giảm lợi thế của các quốc gia ĐNA đối với TC và các dự định rộng lớn hơn cho khu vực lân cận.

TC hiện có khả năng ngăn chặn hoàn toàn dòng nước chảy xuống các quốc gia hạ nguồn, một điểm áp lực có thể được sử dụng để phá hoại nền kinh tế nông nghiệp của các nước ở hạ nguồn và tạo sự khan hiếm lương thực trong trường hợp xảy ra xung đột.

Các nhà phân tích cho rằng Bắc Kinh cũng có thể sử dụng lợi thế này để đe dọa các nước ĐNA phải nể sợ hay dọa trừng phạt nước nào chống lại chính sách bành trướng của TC, gồm cả vấn đề Biển Đông hay các kế hoạch trong khu vực về Sáng kiến Vành đai và Con đường.

Sau cuộc họp cấp Bộ trưởng về Sáng kiến Hạ lưu sông Mê Kông tại Bangkok, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo phát biểu vào ngày 1 tháng 8: "Chúng tôi thấy một loạt những công trình đập xây dựng lan tràn ở vùng thượng nguồn nhằm kiểm soát dòng chảy về phía hạ lưu". Trong khi đó các học giả đề cập về sông Mê Kông như một điểm nóng mới nổi "kế tiếp Biển Đông".

Một nhà phân tích độc lập, Eugene Chow, đã mô tả vào năm 2017 rằng các con đập của TC là những vũ khí "được giấu ngay trước mắt, cho phép TC bắt giữ một phần tư dân số thế giới làm con tin mà không cần bắn một phát đạn nào."

Các quốc gia ở hạ nguồn dễ bị tổn thương vì các con đập của TC là điều dễ thấy. Năm 2016, các chính phủ trong vùng ĐNA đã phải cầu xin TC xả thêm nước từ các đập thượng nguồn để giúp làm giảm bớt nạn hạn hán khắc nghiệt. Bắc Kinh đã đáp ứng, nhưng các nhà phân tích lưu ý rằng sự kiện đó cho thấy mức độ kiểm soát mà TC gần đây đã có được đối với con sông quan trọng này.

Ông Brahma Chellaney, giáo sư nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại Tân Đề Li, mới đây đã viết: "Lần tới TC có thể đòi hỏi một điều kiện gì đó để đáp lại, và khi một quốc gia đang khát nước một cách tuyệt vọng thì khó có thể từ chối. Nói tóm lại, TC có thể sử dụng các con đập của mình như một thứ vũ khí về nước."

"Khi hạn hán trở nên thường xuyên và khắc nghiệt hơn, hệ thống đập ở thượng nguồn sẽ tăng thêm ưu thế của TC đối với các nước ở vùng hạ lưu," ông Chellaney nói thêm.

Một tình huống tương tự đã xuất hiện vào đầu năm nay. Khi viên chức TC mở cửa đập Cảnh Hồng (Jinghong Dam) cho mục đích bảo trì, nó đã gây ra lũ lụt vùng hạ lưu ở Lào và Thái Lan và theo báo cáo cho biết đã phá hủy mùa màng và ngư nghiệp.

Sau khi việc sửa chữa đập kết thúc, các viên chức TC tích nước vào hồ chứa lúc đó đã cạn nước, việc này làm cho mực nước ở hạ lưu xuống thấp (vì không có nước xả từ đập Cảnh Hồng – ND). Vì việc sửa chữa đập xảy ra nhằm lúc vùng ĐNA đang bị một đợt hạn hán vào tháng 7, mực nước sông đã giảm xuống mức thấp nhất trong nhiều thập niên, khiến một số quốc gia ĐNA lại phải yêu cầu Bắc Kinh xả thêm nước xuống hạ nguồn.

Vào thời điểm đó, tòa Đại sứ TC tại Thái Lan tuyên bố rằng việc Bắc Kinh chăm sóc dòng sông "thể hiện sự ràng buộc tự nhiên của sự tương trợ." Yang Yang, phát ngôn viên của tòa Đại sứ TC phát biểu: "TC rất chú ý đến những mối quan tâm và yêu cầu của các quốc gia ở hạ nguồn."

Bắc Kinh tuyên bố những cáo buộc rằng TC vũ khí hóa dòng sông là không có thật và chỉ nhằm mô tả một cách không công bằng TC là một kẻ bắt nạt trong khu vực. Nhưng các mối đe dọa tiềm năng và các lợi thế thực tế quyết định chính sách đối ngoại. Ông Prem Premrudee Deoruong của tổ chức Theo dõi Đầu tư về Đập ở Lào, một nhóm về môi trường, đã phát biểu vào tháng 7 vừa qua về sông Mê Kông như sau: "Hiện nay TC đã hoàn toàn nắm sự kiểm soát dòng sông. Từ giờ trở đi, nỗi lo ngại là dòng sông sẽ bị kiểm soát bởi những người xây đập."

Thật vậy, nếu sự hung hãn của TC ở Biển Đông được coi là một hình thức "ngoại giao của pháo hạm", thì hành động của họ đối với sông Mê Kông tuy tế nhị hơn nhưng là một thứ "ngoại giao khóa vòi" có tiềm năng mạnh mẽ hơn.

Việt Nam là quốc gia ở cuối sông Mê Kông – và cũng là quốc gia chống đối to tiếng nhất về các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông – sẽ bị ảnh hưởng nhiều nhất nếu TC có động thái ngăn chận dòng chảy của sông Mê Kông.

Một bài báo được xuất bản vào tháng 8 trên Tạp chí Quốc phòng, một ấn phẩm do Bộ Quốc phòng Việt Nam điều hành, đã thừa nhận như thế mặc dù, như thường lệ, được che đậy trong thứ ngôn ngữ vô thưởng vô phạt.

Bài báo có đoạn viết: "Việt Nam là một quốc gia dễ bị thiên tai, vì vậy tiềm năng mất mùa rất cao. Nếu điều này xảy ra, ngay cả trong thời bình, đất nước sẽ gặp nhiều khó khăn; nếu điều đó xảy ra trong thời chiến, khó khăn sẽ gấp bội. Vì vậy, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia là một vấn đề chiến lược".

Chẳng hạn, Bắc Kinh có thể đe dọa cắt đứt nguồn cung cấp nước từ sông Mê Kông trừ khi Hà Nội đáp ứng đòi hỏi của họ ở Biển Đông.

Bắc Kinh có thể đe dọa tương tự với Lào, một quốc gia phụ thuộc rất nhiều vào các đập thủy điện, trong số đó có nhiều công trình đã được xây dựng bằng các khoản tiền vay của TC và bởi các công ty xây dựng của TC.

TC cũng đang xây dựng các dự án đập ở Lào và Campuchia (trong khi một dự án lớn đã bị đình chỉ ở Miến Điện), đây là một cách hữu ích để tìm kiếm doanh thu mới cho các công ty xây dựng lớn của TC khi tại đất nước họ tăng trưởng kinh tế và cơ hội thương mại đã bị chậm lại.

Đầu những năm 2000, Ủy ban sông Mê Kông – gồm Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam – dự đoán nền kinh tế của các nước thành viên sẽ hưởng lợi ích kinh tế lên đến khoảng 30 tỷ đô-la từ việc xây dựng các đập nước dọc theo các phần tương ứng của sông Mê Kông.

Nhưng tờ Nữu Ước Thời Báo trong tuần này nói rằng con số đó đã được điều chỉnh giảm mạnh xuống mức lỗ 7 tỷ đô la.

Xuất cảng điện và khoáng sản hầm mỏ chiếm khoảng một phần ba tổng sản phẩm quốc nội của Lào. Nếu TC đe dọa sẽ ngăn chặn dòng nước chảy vào Lào, thì việc này sẽ nhanh chóng gây bất ổn toàn bộ nền kinh tế của Lào, là một nước không giáp biển.

Một điều chắc chắn rằng Bắc Kinh không thể lựa chọn tắt nguồn cung cấp nước cho, ví dụ riêng Việt Nam, vì việc cắt dòng chảy sông Mê Kông xuống hạ nguồn cũng sẽ ảnh hưởng đến Lào, Miến Điện, Thái Lan và Campuchia.

Một động thái như vậy nếu được thực hiện thì sẽ là một hình phạt tập thể đối với tất cả các nước ĐNA, chứ không thể là một đáp trả những hành động của một quốc gia riêng biệt nào. Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, một đe dọa như thế sẽ làm suy yếu sự đoàn kết của các nước ĐNA.

Chẳng hạn, liệu Bangkok có ủng hộ các yêu sách của Hà Nội ở Biển Đông nếu Thái Lan có thể bị ảnh hưởng bởi một phản ứng trừng phạt của Bắc Kinh trên sông Mê Kông? Cách tiếp cận e dè của Thái Lan đối với các tranh chấp trên biển khi họ làm Chủ tịch luân phiên của Hiệp hội các quốc gia ĐNA (ASEAN) trong năm nay cho thấy họ cân nhắc lợi ích quốc gia của họ trong khi điều khiển nghị trình của một khối rộng lớn hơn.

Nhưng nếu có một cuộc "chiến tranh nước" ở Đông Nam Á, xung đột trên sông Mê Kông sẽ phức tạp hơn nhiều so với các tranh chấp đang diễn ra ở Biển Đông. Cốt lõi những tranh chấp ở Biển đông là những đặc điểm gì trong khu vực hàng hải thuộc về quốc gia nào. Các tranh chấp trên biển có thể được giải quyết theo luật pháp quốc tế, nếu Bắc Kinh đồng ý.

Đối với sông Mê Kông, chủ quyền về đường thủy không có tranh chấp. Đoạn sông Mê Kông nằm trong lãnh thổ TC thuộc chủ quyền của TC, không thể tranh cãi. Cách Bắc Kinh quản lý đoạn sông này như thế nào là trách nhiệm duy nhất của họ và không thể được xác định hoặc chịu ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế hoặc các quốc gia Mê Kông khác.

Do đó đây không phải là một câu hỏi về chủ quyền quốc gia mà là quyền sở hữu chung – một khuôn khổ và khái niệm ít rõ ràng hơn theo luật pháp quốc tế và trong cộng đồng quốc tế. Điều rõ ràng là TC đang nắm giữ các con bài, vì họ là quốc gia ở thượng nguồn.

Các quốc gia ĐNA dọc sông Mê Kông đã cố gắng nhưng thất bại trong việc thương lượng tập thể. Năm 1995, họ ra mắt Ủy ban sông Mê Kông (MRC) nhằm tạo cảm giác đoàn kết và phát triển chính sách chung cho dòng sông.

Nhưng "tinh thần đồng đội" đã được chứng minh là khó duy trì. Năm 2010, MRC khuyến nghị Lào nên hoãn lại 10 năm đối với việc xây đập. Viêng Chăn từ chối các đề xuất của MRC, và có lý do để nghĩ rằng Lào đã bị áp lực của Bắc Kinh trong quyết định đó.

Số phận của MRC đã bị đóng lại vào năm 2015 khi Bắc Kinh đưa ra cơ chế Hợp tác Lancang-Mekong của riêng TC (Lancang là tên đoạn sông Mê Kông năm trong lãnh thổ TC – chú thích của người dịch), một giải pháp thay thế được tài trợ tốt hơn và thông qua đó TC đã thúc đẩy lợi ích của họ vượt trên lợi ích của bốn quốc gia ở hạ nguồn.

Những lo ngại chiến lược về sự kiểm soát của TC đối với sông Mê Kông đang vang lên ngoài khu vực ĐNA. Vào năm 2012, các cơ quan tình báo Hoa Kỳ đã cảnh báo rằng "trong 10 năm tới, các vấn đề về nước sẽ góp phần gây mất ổn định ở các quốc gia quan trọng đối với lợi ích an ninh của nước Mỹ."

Bảy năm sau, có vẻ như Washington đang ngày càng tập trung vào vấn đề này.

Vào tháng 8 vừa qua Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Pompeo, đã ghi nhận rằng "dòng sông ở mức thấp nhất trong một thập niên – một vấn đề liên quan đến quyết định của TC trong việc tắt nguồn nước ở thượng lưu". Vị Ngoại trưởng nói thêm, "TC cũng có kế hoạch khai thông lòng sông. TC đang tiến hành các cuộc tuần tra trên sông ở ngoài lãnh thổ của họ".

Một tài liệu của Nghị viện Châu Âu công bố năm ngoái đã ghi nhận rằng "TC không tham khảo các quốc gia ở hạ nguồn về các dự án xây dựng đập của họ; TC cũng thường xuyên xả những lượng lớn nước từ các hồ chứa với rất ít cảnh báo trước nên đã tàn phá vùng hạ lưu".

Nhưng cộng đồng quốc tế có ít lựa chọn hơn để tác động đến các vấn đề của Mê Kông so với ở Biển Đông, là nơi Mỹ, Nhật Bản và các quốc gia châu Âu đã tham gia vào các hoạt động nhằm bảo đảm "tự do hàng hải".

Cho đến nay vẫn chưa rõ là các nước bên ngoài có thể hoặc sẽ tạo áp lực tương tự để chống lại Trung Quốc trên sông Mê Kông.

Gần đây Washington đã ra mắt Hiệp định Đối tác Điện lực Mê Kông giữa Nhật Bản và Hoa Kỳ, nhằm mục đích giúp phát triển nguồn cung cấp điện trong khu vực. Vào tháng 8, Pompeo đã công bố gói hỗ trợ mới trị giá 14 triệu đô la để chống lại tội phạm xuyên quốc gia và buôn lậu trên sông Mê Kông.

Nhiều khoản tiền như vậy dành cho sông Mê Kông có thể sớm trở thành hiện thực.

Tháng trước, quốc hội Hoa Kỳ đã tranh luận về việc có nên hay không tạo ra một "Quỹ chống ảnh hưởng Trung Quốc" có giá trị khoảng 375 triệu đô la Mỹ, trong đó ít nhất 25 triệu đô la "sẽ được cung cấp để hỗ trợ cho Miến Điện, Thái Lan, Lào, Campuchia và Việt Nam thực thi và chống lại chương trình tội phạm xuyên quốc gia trên sông Mê Kông".

Nhưng bất kỳ cuộc tuần tra nào được Mỹ hậu thuẫn hoặc tài trợ sẽ trở nên vô hiệu nếu Trung Quốc quyết định thực hiện các biện pháp ngăn dòng nước sông Mê Kông chảy vào Đông Nam Á để tạo ra một cuộc khủng hoảng mới ở khu vực này.

D.H.

Bản gốc:

https://www.asiatimes.com/2019/10/article/water-war-risk-rising-on-the-mekong/?fbclid=IwAR3E.vXh1c1RHoMexn3C_vFFdYciBV40WaOZXN12QxoXaYm4TNMVj0OyeVTY

Người dịch: Đ.T.

Nguồn bản dịch: https://danlambaovn.blogspot.com/2019/10/nguy-co-chien-tranh-nuoc-gia-tang-tren.html

This entry was posted in Mekong. Bookmark the permalink.