Việt Nam nguy cơ trở thành điểm đến của tội phạm người Trung Quốc

RFA 2019-09-16

Tweet

Khách Trung Quốc sang du lịch Việt Nam (Ảnh minh họa). AFP

Quản lý lỏng lẻo…

Truyền thông trong nước hôm 11/9 cho hay một đường dây sản xuất ma túy với số lượng được cho là rất lớn do nhóm người Trung Quốc điều hành tại tỉnh Bình Định đã bị cơ quan chức năng Việt Nam kiểm tra và phát hiện. Bốn người trong số 6 nghi phạm người Trung Quốc liên quan đến đường dây sản xuất ma túy đã bị tỉnh Bình Định xử phạt vi phạm hành chính về tội “hành vi cư trú bất hợp pháp” với mức phạt gần 100 triệu đồng. Một mức phạt không đủ sức răn đe?

Trước đó, hôm 9/9 Bộ Công an cũng tiến hành bắt giữ 8 đối tượng người Trung Quốc có hành vi sản xuất ma túy tại tỉnh Kon Tum, thu giữ hàng chục tấn hóa chất, tiền chất được dùng để sản xuất ma túy, 20 tấn máy móc, thiết bị sản xuất… Đặc biệt, người cầm đầu đường dây sản xuất ma túy này là Cai Zili đã từng bị TQ bắt giữ và phạt tù vì hành vi tương tự. Sau khi được ân xá tại TQ, Cai Zili đã chọn đến VN và lại phạm tội.

Điểm đáng lưu ý trong các vụ phạm tội của người TQ tại Việt Nam là Công An VN phát hiện tội phạm rất trễ. Ví dụ như vụ gần 400 người TQ phạm tội về điều hành đường dây đánh bạc tại khu đô thị Our City, Hải Phòng, sau 6 tháng hoạt động trái phép thì Công An VN mới khám phá ra sào huyệt này. Còn vụ phát hiện xưởng sản xuất ma túy tại Kon Tum phải mất hơn 10 tháng, Công an mới ra tay. Trong 10 tháng đó, các đối tượng người TQ vận chuyển hóa chất, máy móc, thiết bị và điều hành xưởng nhưng chính quyền địa phương hoàn toàn không hay biết.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Quyền phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội vào năm 2013 có phát biểu rằng, cơ quan điều tra Việt Nam là một trong những cơ quan giỏi nhất thế giới, phá án rất nhanh. Như vậy đối với những sự vụ người Trung Quốc phạm tội nhưng phát hiện chậm là do sự quản lý lỏng lẻo của cơ quan chức năng địa phương hay vì nguyên do nào khác.

Nhà báo Võ Văn Tạo nhận định, không ai có thể bác bỏ được kết luận rằng việc quản lý lỏng lẻo của các cấp địa phương: “Bởi vì họ không quyết tâm làm thôi chứ làm là cái gì cũng phải ra. Ví dụ như vụ Trịnh Xuân Thanh đó, chạy sang tận Đức rồi mà bằng cách này cách khác thì an ninh Việt Nam cũng sang bắt cóc đem về. Tại sao không được, họ biết quá đi chứ, an ninh khu vực hằng ngày nắm từng hộ từng gia đình, tai mắt khắp nơi những việc to lù lù như thế mà bảo không biết. Chỉ có những đứa con nít mới tin lập luận như thế, còn những người có hiểu biết đều cho rằng có sự bảo kê, từng khu vực cho đến cấp tỉnh đều có thông đồng hết”.

Đồng ý với nhà báo Võ Văn Tạo, luật sư Hà Huy Sơn cho biết thêm: “…nó thuộc về trách nhiệm của cơ quan chức năng Việt Nam và cụ thể là các cơ quan công an từ địa phương cho tới Trung ương vì trong thực tế khi người dân xây dựng hay sửa chữa một căn nhà hay bất kì việc gì dù là nhỏ thì công an Việt Nam đều phát hiện được hết vì có hệ thống cảnh sát khu vực, lĩnh vực nào thì có an ninh và cảnh sát kiểm soát lĩnh vực đó nên tôi cho rằng để sự việc xảy ra lớn và kéo dài như vậy thì không thể không nói đến trách nhiệm của cơ quan công an từ địa phương đến Trung ương”.

Việc xử lý gây nhiều tranh cãi

Vào ngày 26/8/2019, Tân Hoa Xã của Trung Quốc loan tin về việc Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc, cơ quan lập pháp hàng đầu của Bắc Kinh đã phê chuẩn hiệp ước dẫn độ nghi phạm với Việt Nam.

Hiệp ước dẫn độ gồm 22 điều khoản bao gồm các vấn đề như nghĩa vụ dẫn độ, tội phạm đủ điều kiện dẫn độ, quy định từ chối dẫn độ và giải quyết tranh chấp. Được ủy quyền bởi Hội đồng Nhà nước, nhóm đàm phán Trung Quốc gồm các quan chức từ nhiều bộ khác nhau và bắt đầu hội đàm với phía Việt Nam vào tháng 10 năm 2013.

Hai bên đã ký hiệp ước vào ngày 7/4/2015 tại Bắc Kinh nhưng chưa chính thức có hiệu lực.

Tuy nhiên, theo điều 27 của Hiệp định tương trợ tư pháp Việt Nam đã ký với Trung Quốc, Việt Nam cũng có thể từ chối tương trợ tư pháp về các vấn đề hình sự.

Một cửa khẩu biên giới Lào Cai giữa Việt Nam và Trung Quốc. AFP

Thế nhưng trong thực tế, phần đông các vụ án liên quan đến người TQ, thường người phạm tội sẽ bị trục xuất hoặc dẫn độ về TQ để tiếp tục xử lý. Như vụ việc xảy ra vào trung tuần tháng 8, truyền thông Việt Nam loan tin về việc ba thanh niên mang quốc tịch Trung Quốc đã giết hại một người lái xe taxi tại Sơn La và vứt xác xuống sông, nhưng lại được trục xuất về Trung Quốc; hay vụ việc Bộ Công an Việt Nam dẫn độ 28 người Trung Quốc giao cho Cục công an thành phố Đông Hưng của Trung Quốc xử lý về hành vi điều hành sàn chứng khoán giả tại Việt Nam, cùng nhiều vụ việc khác, khiến người dân vô cùng lo ngại. Họ lo rằng, tội phạm TQ sẽ coi VN là điểm đến “an toàn” để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật?

Luật sư Đặng Đình Mạnh cho rằng, hầu như tại Việt Nam không ai nghe đến hiệp ước dẫn độ được ký kết giữa hai nước, chỉ đến khi phía Trung Quốc thông tin việc Quốc hội thông qua hiệp ước dẫn độ với Việt Nam thì người dân mới ngã ngửa và bắt đầu lo ngại, tìm hiểu.

Luật sư Đặng Đình Mạnh giải thích: “Thật ra nhiều người cứ lầm tưởng, cứ người TQ phạm tội tại VN sẽ được dẫn độ về TQ, nhưng không phải vậy, vì vấn đề dẫn độ được đặt ra khi mà quyền tài phán quốc gia không thực hiện được, vì lý do đối tượng vi phạm pháp luật họ bỏ trốn qua một nước khác thì khi đó quốc gia có quyền tài phán họ mới viện dẫn luật dẫn độ giữa hai quốc gia về nước để họ thực hiện quyền tài phán của họ. Luật dẫn độ nó chỉ sử dụng cho những tội liên quan về hình sự mà thôi”.

Tuy nhiên, đối với trường hợp hơn 300 người có hành vi tổ chức đánh bạc trên lãnh thổ Việt Nam thì quyền tài phán Việt Nam có đủ thẩm quyền xử lý và xét xử theo luật hình sự Việt Nam?

Nhà báo Võ Văn Tạo bình luận sự việc: “Tôi nghĩ hiệp định đó cần phải được đưa ra thảo luận và xem xét lại, làm sao phải giữ được chủ quyền, công dân nước ngoài phạm tội tại nước mình thì có quyền xử lý một cách nghiêm túc. Tất nhiên do quan hệ ngoại giao quốc tế thì tùy những quốc gia”.

Còn Luật sư Hà Huy Sơn từ Hà Nội cho chúng tôi biết, khung hình phạt theo Bộ Luật hình sự Việt Nam thì hành vi sản xuất ma túy với số lượng lớn như vậy phải bị xử phạt rất nghiêm và thậm chí tử hình.

Nhà báo Võ Văn Tạo từ Nha Trang nhận định về vụ việc: “Theo chúng tôi hiểu thì qua giải thích của các báo Việt Nam đăng, những người có trách nhiệm trong ngành thì có nói giữa VN và TQ có hiệp định về dẫn độ tội phạm. Khi đó chúng tôi và cộng đồng mới ngã ngửa ra là không biết hiệp định đó nội dung như thế nào. Lẽ ra nếu có hiệp định đó thì phải công bố cho người dân Việt Nam biết, nhưng đến khi xảy ra rồi thì mới nói có hiệp định như thế, gây sự bất ngờ”.

Luật sư Đặng Đình Mạnh từ Sài Gòn nhận định: “Trước đây có vụ đánh bạc ở khu vực phía Bắc lên tới hơn 300 người, phạm tội trên lãnh thổ VN mà không bị xử lý mà đưa về TQ. Khi mà người dân đã ý thức được rằng việc không thực hiện quyền tài phán thì nó sẽ ảnh hưởng đến chủ quyền Quốc gia như thế nào và người dân để ý tới thì họ cho rằng rất có thể sự việc liên quan đến mấy xưởng sản xuất ma túy với số lượng rất lớn bị phát hiện thì có thể có những hậu quả pháp lý như vậy, cũng được đưa về TQ để xử lý. Nhưng thật ra điều này chưa hẳn, ban đầu việc xử phạt hành chính thì ở mức chỉ phạt họ về vấn đề cư trú không hợp pháp, chứ chưa xử lý gì về vấn đề tội phạm vì chưa có thông tin gì về vấn đề xử lý này”.

Ngày 15/9/2019, Cục Cảnh sát điều tra về tội phạm ma túy Bộ Công an cho biết đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can bắt tạm giam nhóm đối tượng TQ nằm trong đường dây sản xuất ma túy ở Kontum và Bình Định. Đồng thời, Bộ cũng cho rằng đang phối hợp với phía TQ tiếp tục mở rộng điều tra đường dây phạm tội này. Đó được coi là động thái mạnh tay hơn của Công an Việt Nam đến thời điểm này đối với các đối tượng phạm tội người TQ tuy nhiên việc xử lý sau đó sẽ như thế nào vẫn còn là dấu chấm hỏi. Theo ý kiến của phần đông những người chúng tôi tiếp xúc khi hỏi về vấn đề này họ đều hồ nghi và nghĩ rằng: rồi sẽ lại trao trả tội phạm về cho TQ xử lý?

Nguồn: https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-may-become-next-destination-of-chinese-criminals-09162019144710.html

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng. Bookmark the permalink.