‘Chính sách hình sự đặc biệt’ thực chất là cái gì?

Thường Sơn

Khái niệm ‘chính sách hình sự đặc biệt’ nằm trong kết luận điều tra của Bộ Công an nhưng lại không nằm trong bất kỳ quy định nào của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015.

https://1.bp.blogspot.com/-QspRe3SC940/XXDT5teCTlI/AAAAAAAAf5A/s9SeykCO9ngcfjY0F8H0c5Buk9RR_LgVQCLcBGAs/s640/images%2B%25281%2529.jpg

Chính sách hình sự đặc biệt’ thực chất là cái gì?

Theo kết luận điều tra của Bộ Công an, Phạm Nhật Vũ được đánh giá là “đã thành khẩn khai báo hành vi phạm tội, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra, chủ động hủy bỏ thỏa thuận và hợp đồng chuyển nhượng cổ phần, tự nguyện trả lại Mobifone toàn bộ số tiền cả gốc và lãi, chi phí dự án góp phần tối đa làm giảm thiệt hại cho nhà nước. Ngoài ra gia đình bị can Vũ được cho là có công với cách mạng, bản thân bị can có nhiều đóng góp với Giáo hội Phật giáo Việt Nam, các Hội chất độc màu da cam và các hoạt động an sinh xã hội…”

Còn cựu Bộ trưởng Thông tin kiêm Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn thì được cho là “thành khẩn khai báo, có nhiều thành tích trong công tác và tự nguyện nộp lại tiền hưởng lợi bất chính”.

Trong khi đó, Nguyễn Bắc Son chỉ “được xem xét các tình tiết giảm nhẹ vì có nhiều thành tích trong công tác, có mong muốn nộp khắc phục số tiền nhận hối lộ”.

Tuy nhiên nếu căn cứ vào quy định của Bộ luật Hình sự với khung án tử hình dành cho hành vi nhận hối lộ từ 500 triệu đồng trở lên, thì cả Nguyễn Bắc Son lẫn Trương Minh Tuấn đều không thoát, bởi số tiền nhận hối lộ của hai quan chức này lần lượt là 3 triệu USD và 200.000 USD – theo kết luận điều tra Bộ Công an.

Còn theo rất nhiều dư luận, những con số nhận hối lộ trên là quá nhỏ so với số tiền thực đã ‘ngậm’ của hai bị can Son và Tuấn.

Trong số các quan chức dính dáng đến vụ ăn chia ‘Mobifone mua AVG’ khiến ngân sách thất thoát ít nhất 7000 tỷ đồng, Nguyễn Bắc Son bị dư luận xem là ‘ăn đậm’, với tỷ lệ dành cho Son có thể lên đến 10 – 15% trong số 7000 tỷ bị thất thoát, tức phải đến hàng ngàn tỷ đồng.

Vậy Bộ Công an đã căn cứ vào đâu để kiến nghị ‘chính sách hình sự đặc biệt’ áp dụng cho Phạm Nhật Vũ và Trương Minh Tuấn?

Phạm Nhật Vũ là em ruột của tỷ phú đô la Phạm Nhật Vượng – chủ Tập đoàn Vingroup, người được cho là có ‘quan hệ đặc biệt’ với rất nhiều quan chức cao cấp trong Bộ Chính trị Đảng. Nhiều nguồn tin cho biết Phạm Nhật Vượng đã bỏ tiền túi của mình để ‘khắc phục hậu quả’ cho Phạm Nhật Vũ trong vụ AVG.

Còn cựu Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương Trương Minh Tuấn đã phải ‘ói ra’ 200.000 USD (theo kết luận điều tra Bộ Công an), nhưng theo một số dư luận thì Tuấn còn phải ‘nhả’ cả căn hộ triệu đô nhận từ Phạm Nhật Vũ.

Vả lại nếu so với thủ trưởng Nguyễn Bắc Son đầy thủ đoạn khi nhận hàng đống đô la nhưng không hề đặt bút ký phê duyệt hợp đồng vụ AVG, Trương Minh Tuấn ‘ăn’ ít hơn dù phải đưa đầu ra ký duyệt hợp đồng thảm họa này. Cộng thêm ‘thành tích công tác’ của Tuấn, mà thực chất Tuấn đã từng là ‘gà’ của Nguyễn Phú Trọng, được ông Trọng đưa lên ghế Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông vào năm 2016 và sau đó còn được cho kiêm chức Phó trưởng ban Tuyên giáo Trung ương, rất có thể Trương Minh Tuấn đã được Nguyễn Phú Trọng rủ lòng thương xót để không những không bị dựa cột hay chịu án chung thân mà còn có thể hưởng mức án nhẹ nhàng khi ra tòa.

Khái niệm ‘chính sách hình sự đặc biệt’ nằm trong kết luận điều tra của Bộ Công an nhưng lại không nằm trong bất kỳ quy định nào của Bộ luật Hình sự năm 2015 và Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015. Chính khái niệm ‘chính sách hình sự đặc biệt’ được lồng ghép một cách tùy tiện và độc đoán như thế đã khiến dư luận phản ứng mạnh mẽ và cho rằng Bộ Công an đã hành xử vô pháp khi tự ý đưa vào kết luận điều tra ‘quy định’ đó.

T.S.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Pháp Luật. Bookmark the permalink.