Phạm Chí Dũng
Nhóm nhân sỹ mang Tuyên bố Biển Đông đến Quốc hội đi qua Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh ở Hà Nội hôm 8/8/2019. (Ảnh chụp video đăng trên Facebook A Nguyen Quang).
Vụ Bãi Tư Chính lần 3 (năm 2019) là một bằng chứng hùng hồn về hố phân cách ‘ý Đảng – lòng dân’ đã thẳm sâu đến mức bất chấp lần đầu tiên chính thể độc tài ở Việt Nam hé lộ ý định – nhưng không phải bằng những kênh tuyên giáo và báo Đảng mà thông qua hệ thống một số dư luận viên – huy động quần chúng để ‘đồng hành cùng Đảng và Nhà nước ta’ phản đối tàu Trung Quốc xâm phạm Bãi Tư Chính, phản ứng của người dân lại quá lặng lẽ, thờ ơ và quay lưng.
Chửi bới mọi chuyện, trừ Trung Quốc
Nguồn cơn đầu tiên của tình trạng trống vắng phản ứng trên, trớ trêu thay, lại chính là ‘gậy ông đập lưng ông’ đối với chính sách che tai bịt mắt của chính quyền Việt Nam: trong suốt một thời gian rất dài, chính quyền này đã bưng bít hầu hết thông tin về các vụ tàu Trung Quốc gây hấn và khiêu khích ở Biển Đông, báo chí nhà nước không được phép đăng tải những tin tức này, hoặc có đăng thì cũng rất hạn chế vì bị ‘vòng kim cô’ Ban Tuyên giáo Trung ương siết chặt.
Trong hai vụ Bãi Tư Chính bị Trung Quốc bao vây ‘tống tiền’ lần đầu vào tháng 7 năm 2017 và lần thứ hai vào tháng 3 năm 2018, thậm chí phía Việt Nam còn không dám gửi công hàm phản đối và cũng chẳng phát ra bất cứ thông tin nào cho nhân dân về trạng thái bất lực đã trở thành thâm căn mãn tính đó.
Trong vụ Bãi Tư Chính lần 3, dù nhóm tàu Hải Dương 8 của Trung Quốc đã xâm nhập khu vực này từ đầu tháng 6 năm 2019, nhưng phải đến gần cuối tháng 7 cùng năm Bộ Ngoại giao Việt Nam mới dám công bố hành động ‘trao công hàm phản đối Trung Quốc’.
Kết quả là đại đa số người dân, nhất là những người còn bận tối mặt mũi mưu sinh đến nỗi cũng không còn thời gian để đọc tin tức qua mạng xã hội, đã không thể biết được tin tức thực chất về ‘đồng chí Bốn Tốt’ chơi xấu với ‘Đảng em’ Việt Nam như thế nào.
Kết quả là ở mọi nơi trong các đô thị loại một tại Việt Nam, người dân vẫn thoải mái nhậu nhẹt và thư giãn bằng cách chửi bới vô số bất công của chế độ cầm quyền, trừ khái niệm ‘phản đối Trung Quốc’.
Sau khi tàu Hải Dương 8 tạm rút khỏi Bãi Tư Chính để về đảo Đá Chữ Thập bổ sung nhiên liệu, một làn sóng ‘tự sướng’ bất thần tràn ngập trên mặt báo Đảng về ‘nhờ công tác vận động và đấu tranh khéo léo, linh hoạt và kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta nên đã buộc tàu Trung Quốc phải rút khỏi Bãi Tư Chính’. Nhưng với rất nhiều người dân, họ lại thật sự ngạc nhiên vì đã không hề biết tàu Hải Dương 8 vào Bãi Tư Chính khi nào, nay lại thấy báo Đảng thông tin là rút ra.
Tiền từ dầu khí thuộc về kẻ nào?
Trong thực tế, chỉ có một bộ phận dân chúng theo dõi thường xuyên mạng xã hội mới nắm được tin tức về các vụ xâm phạm của tàu Trung Quốc vào Bãi Tư Chính, biết được phần nào mục đích của những vụ xâm phạm này lẫn cái cách đối phó bằng ‘biện pháp hòa bình’ của chính quyền cùng lực lượng ‘hải quân bám bờ’ của Việt Nam mà giống hệt thủ pháp ngụy biện và man trá với người dân trong khi không làm cho Bắc Kinh co vòi chút nào.
Nhưng đến đây, lại xảy ra một mâu thuẫn mà rất có thể khiến toàn thể Bộ Chính trị và hệ thống ‘còn Đảng còn mình’ phải giật mình: một số người dân cho rằng họ chẳng cần có trách nhiệm gì đối với những vụ xâm phạm chủ quyền quốc gia, bởi ‘mọi việc đã có Đảng và Nhà nước lo’ – như một lối tuyên giáo và đán áp tư tưởng được truyền bá từ nhiều năm nay bởi các lực lượng tuyên giáo và công an. Thứ nữa, dù các mỏ dầu ở Bãi Tư Chính là tài nguyên quốc gia, nhưng thực tế có bao nhiêu phần trăm tài nguyên dầu khí khai thác đến tay dân chúng thì lại là một nỗi ngờ vực rất lớn.
Bởi trong thực tế, tiền từ dầu khí được khoan hút và bán cho nước ngoài được sử dụng cho ngân sách trung ương là chính. Một phần lớn của nguồn thu đó – chiếm đến khoảng 75% – lại được chi phí cho đội ngũ gần 3 triệu công chức viên chức, với ít nhất 30% trong số đó thuộc loại ‘sáng cắp ô đi, tối cắp ô về’, không mang lại hiệu quả xã hội nào phục vụ cho người dân đóng thuế, chưa kể hàng bầy đàn công chức chỉ chăm chăm thực thi chính sách ‘hành là chính’ cùng nạn nhũng nhiễu vòi vĩnh bất tận khiến người dân muốn phát điên.
Số còn lại của nguồn thu từ khai thác dầu khí – khoảng 25% – được ngân sách trung ương chi cho các ‘dự án phát triển’ – như một cái mỏ khổng lồ với rất nhiều dự án xây dựng cơ bản mà đã khiến phát sinh nạn tham nhũng kinh hoàng và chưa bao giờ có điểm dừng.
Nói tóm lại, tài nguyên dầu khí là có thực, khai thác dầu khí và bán cho nước ngoài cũng là có thực, nhưng số tiền đó có chi dùng cho các quỹ an sinh của người dân hay không và chi dùng bao nhiêu thì vẫn quá trừu tượng, nếu không nói là không hề hiện hữu vì quá ít ỏi.
Trong khi chẳng nhận được lợi ích nào từ khai thác dầu khí, nguồn lợi duy nhất còn lại của người dân, cụ thể là ngư dân, là đánh bắt hải sản trên biển cả thì lại bị hết quy định này đến quy định khác của các ‘cơ quan chủ quản’ như Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kể cả cơ quan biên phòng ‘hành là chính’, chẳng hạn như tàu phải dài từ 15 mét trở lên mới được ra biển… Chưa kể đến khi ra tới biển lớn, những chiếc tàu đánh cá nhỏ xíu của Việt Nam lại bị tàu hải cảnh và các tài đánh cá bọc sắp của Trung Quốc đẩy đuổi, truy đuổi, đâm va và bắn giết…
Nhưng trong khi số cái chết của ngư dân đã chất cao thành núi trong nhiều năm qua, cho tới nay vẫn chẳng có bất kỳ một cuộc điều tra tới nơi tới chốn nào của lực lượng hải quân, cảnh sát biển và bộ đội biên phòng Việt Nam, để cuối cùng tất cả đều chìm xuồng trong thế ‘đại cục’ với Trung Quốc, còn người dân đành ôm hận chết không thể nhắm mắt.
Vậy thì dân có cần quan tâm đến Bãi Tư Chính hay những khu vực màu mỡ dầu khí khác hay không? Và dân phải bảo vệ nó để làm gì, trong khi dầu và khí đó ‘đã có Đảng và Nhà nước lo’, và tiền thu từ dầu khí thuộc về các nhóm lợi ích chủ đầu tư và ngân sách chứ chẳng hề đến tay người dân?
Họa mất nước
Bãi Tư Chính, cho dù là một phần lãnh thổ của Việt Nam và ‘thuộc vùng chủ quyền không thể tranh cãi của Việt’ như cách tuyên bố đầy dũng khí trên bàn giấy của Bộ Ngoại giao, nhưng lại bị ghẻ lạnh bởi không ít con dân nước Việt.
Đó là một nghịch lý kinh khủng, đã từng tồn tại và bùng nổ không ít lần trong chiều dài các triều đại phong kiến Việt Nam – những triều đại thời hậu Lê, hậu Đinh, hậu Lý, hậu Trần chỉ biết vun vén quyền lực và lợi ích cho chúng trong khi thẳng tay đàn áp và bóc lột người dân. Để kết quả là những triều đại đó đều rơi gọn vào tay quân xâm lược đến từ phương Bắc mà chẳng nhận được một giọt nước mắt chia sẻ nào của dân nghèo.
Đó là bài học lịch sử cực kỳ đắt giá. Nhưng khốn thay, những kẻ đã loại bỏ chế độ phong kiến tập quyền để xây dựng ‘xã hội cộng sản’ lại chẳng rút ra được bài học đáng giá nào từ lịch sử. Vua chúa được thay bằng độc tài, tham nhũng vẫn hoàn tham nhũng, bóc lột vẫn nguyên bóc lột, cùng tệ hèn nhược trước Trung Quốc vẫn chẳng có gì thay đổi.
Sau khi lịch sử ‘bốn ngàn năm dựng nước và giữ nước’ đã trôi qua không thèm ngoái lại, một lần nữa dân tộc Việt Nam phải đối mặt với mối nguy hiểm quá cận kề vào thế kỷ 21: mất nước!
P.C.D.
Tác giả gửi BVN