Sự kiện cháy Công ty Rạng Đông và quyền được biết của người dân?

An Viên

Sự kiện cháy Công ty Rạng Đông làm gợi nhớ về sự kiện Mayak thời kỳ Liên Xô. Và liệu đám cháy Nhà máy Rạng Đông có liên quan đến Quyền tiếp cận thông tin hay không?

Thông tin bất nhất và chậm trễ?

Một ngày sau khi vụ cháy Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông xảy ra (29.8), UBND phường Hạ Đình (Hà Nội), khuyến nghị người dân không ăn rau, hoa quả, gia cầm, cá, heo được nuôi trong vòng bán kính 1km kể từ tâm đám cháy tại Công ty Rạng Đông trong vòng 21 ngày.

Hai ngày sau (31.8), UBND quận Thanh Xuân (Hà Nội) đã kiểm điểm nghiêm khắc đối với UBND phường Hạ Đình vì đã ban hành văn bản vượt quá thẩm quyền và chưa đủ cơ sở, khiến người dân hoang mang, lo lắng sau vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông.

Hệ quả dẫn chiếu từ vụ kiếm điểm nghiêm khắc này đến từ việc sau khi đám cháy xảy ra, vào chiều 31.8, Sở TN&MT Hà Nội cùng với UBND quận đã lấy kết quả test nhanh môi trường trong và ngoài khu vực xảy ra vụ cháy tại Công ty Cổ phần Bóng đèn Phích nước Rạng Đông, đối với thông số thủy ngân. Kết quả, các vị trí trên đều bằng 0 ug/m3 (microgam/mét khối). Tuy nhiên, điều này được báo Tiền Phong cho rằng, kết quả “bị nhiều chuyên gia môi trường nghi ngờ tính chính xác.”

Theo TS Hoàng Dương Tùng, nguyên Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Môi trường, không thể nói kết quả thủy ngân trong môi trường bằng 0 mà phải là thiết bị test nhanh không phát hiện ra thủy ngân trong môi trường.

Tiếp đó, hướng gió thổi vào ngày 28.8, ngày xảy ra vụ cháy cũng được chuyên gia Đào Nhật Đình nhận định, nó có thể ảnh hưởng lây sang khu vực hồ Hạ Đình.

Trước nghi ngờ của dư luận xã hội, trong cuộc họp báo Chính phủ vào tối ngày 4.9, Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục thông tin. Theo đó, Thứ trưởng Bộ này, ông Võ Tuấn Nhân cho biết, vụ cháy ở Công ty Rạng Đông đã làm phát tán ra môi trường từ 15,1 – 27,2 kg thuỷ ngân. Đồng thời ra khuyến cáo, người dân trong vùng phạm vi bán kính cách hàng rào nhà kho cháy đến 500m phòng ngừa phơi nhiễm và tổ chức theo dõi sức khỏe thường xuyên, định kỳ.

Nhìn chung, toàn bộ thông tin và chỉ đạo của chính quyền liên quan đến sự kiện cháy Công ty Rạng Đông là thiếu sự thống nhất và tính kịp thời. Bởi phải mất 7 ngày mới bắt đầu xử lý và kiểm soát tốt vấn đề môi trường sau sự cố cháy nổ. Còn trước đó, về mặt thông tin báo chí, các phát ngôn và khuyến nghị đưa ra vẫn chưa thực sự rõ ràng, chi số kết quả quan trắc thủy ngân cũng chưa tiếp cận đến đại bộ phận người dân.

Quyền được biết về sự cố này của người dân?

Fanpage Tôi Biết – một trang truyền tải thông tin về Quyền được ghi nhận trong Luật tiếp cận thông tin đã đặt vấn đề: chưa có kết quả chính thức từ cơ quan chức năng. Mọi suy đoán đều ở mức “có thể”. Và liệu đám cháy Nhà máy Rạng Đông có liên quan đến Quyền tiếp cận thông tin hay không?

Theo Điều 6, Luật tiếp cận thông tin, trong đó, có nhóm “thông tin công dân được tiếp cận có điều kiện”. Dựa trên điều luật này, thông tin liên quan đến vụ cháy lại không nằm trong sự điều chỉnh.

Trong khi đó, nếu xét ở Điều 6 về Thông tin công dân không được tiếp cận, thì có thể vụ cháy sẽ được hiểu là nằm ở khoản 2, theo đó thông tin tiếp cận sẽ ảnh hưởng xấu đến “trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng”.

Nhưng khi những vụ cháy ở những địa điểm mà có khả năng phát tán ra chất gây độc hại (thủy ngân) ra môi trường sống của mọi người, mà cộng đồng lại không được tiếp cận thông tin thì liệu đó là sự thiếu sót của các nhà làm luật?

Thậm chí, trường hợp liên quan đến hướng gió vào ngày 28.8 có thể lây sang khu vực hồ Hạ Đình. Theo Facebooker Dang Ngoc Quang, vụ cháy ở Nhà máy Rạng Đông kéo dài 5 tiếng trong đêm, còn thời gian đi xe từ đây sang Nhà máy nước Hạ đình chỉ có 1 phút qua khoảng cách 250 mét theo Google Map (trong khi trả lời Chuyển động 24h, đại diện Tổng cục Môi trường cho biết, bán kính ảnh hưởng của vụ cháy có thể lên tới 1,5km). Lượng chất độc chứa thủy ngân trong 1 triệu 600 nghìn bóng đèn compact không biết rơi ở đâu. Trong khi di hại của nhiễm độc thủy ngân là rất lâu dài. Và liệu đã có ai che bể lắng lọc của Nhà máy nước Hạ Đình?

Nếu xét trên cơ sở này, thì chất độc thủy ngân có thể lắng xuống đất, hoặc trong trường hợp bể lắng lọc của Nhà máy nước Hạ Đình không được che chắn trong suốt thời gian xảy ra vụ cháy thì có thể (tức thiếu quy trình ứng phó sự cố môi trường), chất độc chứa thủy ngân đã phân bổ đi từng hộ dân (?).

Cần sửa đổi bổ sung Luật tiếp cận thông tin?

Tuy nhiên, điều may mắn là tủ chứa thủy ngân nguyên liệu của nhà máy còn nguyên, nên rủi ro chất độc thủy ngân có thể ở mức an toàn. Nhưng qua đó cho thấy hai vấn đề:

Một là, khi các nhà máy có tiềm ẩn chất độc nguy hại đặt trong khu dân cư, thì các công trình trọng yếu phải có quy trình ứng phó sự cố môi trường. Trong trường hợp xảy ra biến cố, thì các công trình trọng yếu cần nhanh chóng, kịp thời thông tin cho người dân, nhất là các Nhà máy nước.

Hai là, cần phải bổ sung và sửa chữa Luật tiếp cận thông tin, theo đó phải đưa các sự cố có ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng của người dân vào thông tin mà công dân được phép tiếp cận. Điều này gia cố thêm quy trình thông tin chính thống được ban ra, vừa đảm bảo hạn chế mức thấp nhất lượng tin tin giả – gây thất thiệt trên mạng xã hội. Thay vì, không điều chỉnh trong quyền thông tin, khiến người dân bối rối, nhưng lại sử dụng Luật An ninh mạng để răn đe những người đưa tin như hiện nay.

Sự kiện cháy Công ty Rạng Đông gợi nhớ lại sự kiện bồn chứa chất thải hạt nhân ở nhà máy Mayak phát nổ năm 1957 và khả năng “che giấu thảm họa” của chính quyền Xô Viết. Sự kiện Mayak được đánh giá là một trong những thảm họa hạt nhân tồi tệ nhất lịch sử. Lý do, trước khi đám mây phóng xạ tan hoàn toàn, nó đã ảnh hưởng đến lượng lớn dân cư ở 22 ngôi làng. Mức độ thương vong trong thảm họa này chưa bao giờ được công bố, nhưng theo các nguồn tin độc lập, con số này có thể lên tới 10.000 người, chủ yếu vì ung thư và các bệnh rối loạn gene do nhiễm phóng xạ. Về phía chính quyền Xô Viết, chỉ tiến hành kỷ luật giám đốc nhà máy Mayak bị vì tội “buông lỏng kỷ luật công nghiệp”. Bản thân quan điểm chính thức của Liên Xô và Nga về sau này, đều không gọi đây là một tai nạn (hay thảm họa), mà sử dụng cụm từ “tình trạng ô nhiễm khẩn cấp do con người gây ra” để mô tả sự cố tại Mayak.

A.V.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Nạn ô nhiễm môi trường ở Việt Nam. Bookmark the permalink.