Trung Quốc tập trận ở Biển Đông năm 2017
Thông cáo chung của ba cường quốc được đưa ra hôm 29/8, ngay sau khi Mỹ đưa tàu vào sát các đảo nhân tạo của Trung Quốc trên Biển Đông.
Thông cáo chung của Anh, Pháp, Đức hôm 29/8 viết:
“Chúng tôi quan ngại về tình hình trên Biển Đông hiện nay có thể dẫn đến sự bất an và bất ổn trong khu vực.”
“Chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia ven biển tại khu vực Biển Đông thực hiện các biện pháp giảm căng thẳng và góp phần duy trì và thúc đẩy hòa bình, an ninh, ổn định và an toàn trong khu vực, bao gồm cả quyền của các quốc gia ven biển trong vùng biển chủ quyền, bao gồm quyền tự do và quyền hàng hải trong và trên Biển Đông.”
“Là các quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật biển (UNCLOS), Pháp, Đức và Vương quốc Anh nhấn mạnh mối quan tâm của mình đối với việc áp dụng ở mức độ toàn cầu Công ước này. Công ước UNCLOS đặt ra các khuôn khổ pháp lý toàn diện mà mọi hoạt động được tiến hành ở các vùng biển, bao gồm Biển Đông, phải tuân thủ; điều này tạo cơ sở cho hợp tác quốc gia, khu vực và toàn cầu trong lĩnh vực hàng hải. Đức, Pháp và Anh nhắc lại việc tuân thủ này bằng Phán quyết của Tòa Trọng tài Thường trực trong khuôn khổ UNCLOS vào ngày 12/7/2016.”
“Pháp, Đức và Vương quốc Anh hoan nghênh các cuộc đàm phán đang diễn ra giữa các quốc gia thành viên ASEAN và Trung Quốc nhằm đạt được Bộ quy tắc Ứng xử hiệu quả, hợp tác, tuân thủ luật pháp và phù hợp với UNCLOS ở Biển Đông và hi vọng tiến trình này sớm đạt được kết quả.”
Việt – Trung căng thẳng ở Bãi Tư Chính
Chuyên gia Ryan Martinson đăng bản đồ vị trí tàu Hải Dương Địa Chất 8 trong buổi sáng ngày 24/8 (giờ Việt Nam)
Trong khi đó, việc Trung Quốc đưa tàu Hải Dương Địa chất 8 tới thăm dò tại khu vực Bãi Tư Chính thuộc vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam đã gây căng thẳng giữa hai nước trong hai tháng qua.
Kể từ đầu tháng Bảy tới nay, các tàu của Việt Nam và Trung Quốc đã liên tục trong tình trạng đối đầu tại Bãi Tư Chính.
Hôm 24/8, tàu khảo sát của Trung Quốc, với sự hộ tống của ít nhất bốn tàu khác, mở rộng hoạt động tới khu vực sát với bờ biển của Việt Nam hơn, ngay sau khi Úc và Mỹ lên tiếng tỏ ý quan ngại về các hoạt động của Bắc Kinh tại Biển Đông.
Mỹ là nước đầu tiên công khai lên tiếng phê phán Trung Quốc bắt nạt nước láng giềng trên Biển Đông. Mỹ cũng lên án việc Trung Quốc đưa tàu khảo sát và nhóm tàu hộ tống có vũ trang vào vùng biển ngoài khơi Việt Nam hôm 13/8, nói đây là “việc Bắc Kinh leo thang nhằm hăm dọa các bên khác có tuyên bố quyền khai thác các nguồn tài nguyên ở Biển Đông”.
Mỹ cũng cam kết sẽ “thúc đẩy an toàn năng lượng cho các đối tác và đồng minh ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương và đảm bảo việc khai thác dầu khí trong khu vực sẽ không bị gián đoạn” theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ.
Hôm 23/8, Thủ tướng Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc phát biểu trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Scott Morrison tại Hà Nội: “Chúng tôi vô cùng quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông và đồng ý hợp tác trong việc duy trì hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải và hàng không.” Đây là các bình luận công khai đầu tiên của ông Phúc về vụ việc trên Biển Đông, theo Reuters.
Việt Nam đã lên tiếng nhiều lần yêu cầu Trung Quốc rút toàn bộ tàu khỏi Bãi Tư Chính.
Mỹ – Trung thách thức nhau ở Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn
Tàu khu trục Wayne E. Meyer thuộc lớp Arleigh Burke của Mỹ hôm thứ Tư 28/8 vào sát phạm vi 12 hải lý quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Sa.
Với việc để khu trục hạm Wayne E. Meyer thực thi quyền tự do đi lại trên biển, bà Reann Mommsen, phát ngôn viên Hạm đội 7 của hải quân Mỹ nói, là nhằm “thách thức các yêu sách quá quắt trên biển và bảo toàn quyền tiếp cận vào tuyến đường biển theo quy định của luật quốc tế”.
Trong một động thái đáp trả, Bộ Tư lệnh Tác chiến Miền Nam của Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung Quốc đã gửi tàu thuyền và phi cơ ra theo dõi, giám sát hoạt động của tàu Mỹ.
Quân đội Trung Quốc hôm 29/8 nói tàu khu trục Wayne E. Meyer đã “xâm phạm vùng lãnh hải Trung Quốc” khi không được phép của chính quyền Bắc Kinh, đồng thời cảnh cáo, yêu cầu tàu Mỹ rời đi.
“Thực tế này chứng minh rằng cái gọi là ‘tự do đi lại’ của Hoa Kỳ thực sự chính là sự xác quyết quyền bá chủ trên biển, phớt lờ luật pháp quốc tế, làm tổn hại nghiêm trọng chủ quyền và các lợi ích an ninh của Trung Quốc, và làm tổn hại nghiêm trọng đến hòa bình, ổn định trong vùng Biển Nam Trung Hoa (cách Trung Quốc gọi Biển Đông),” phát ngôn viên quân đội Lý Hoa Mẫn nói.
“Chúng tôi thúc giục phía Mỹ hãy ngay lập tức chấm dứt các hành động mang tính khiêu khích như vậy, nhằm tránh để xảy ra những sự việc ngoài mong muốn.”
Vùng biển quanh Đá Chữ Thập và Đá Vành Khăn thuộc Quần đảo Trường Salà nơi có tranh chấp giữa Việt Nam, Trung Quốc, Philippines và Đài Loan, nhưng Trung Quốc đã cơi nới thành đảo nhân tạo và xây cất các “cơ sở vật chất có khả năng dùng cho mục tiêu quân sự”.
Trên Đá Vành Khăn, Bắc Kinh đã xây cất đường băng và bãi đáp máy bay, còn Đá Chữ Thập được xây cất tòa nhà bê tông với hệ thống antenna radar cao tần.
Đá Chữ Thập cũng là nơi mà tàu Hải Dương Địa Chất 8 của Trung Quốc được cho là đã ghé vào để tiếp liệu sau khi tạm rút khỏi khu vực Bãi Tư Chính ở ngoài khơi Việt Nam khoảng gần một tuần hồi đầu tháng Tám.
Ngay trước khi khu trục hạm Wayne E. Meyer vào sát các đảo nhân tạo, Bắc Kinh hôm 27/8 đã từ chối việc để một chiến hạm Mỹ ghé thành phố cảng Thanh Đảo của Trung Quốc.
Trung Quốc và Hoa Kỳ đã liên tục đấu khẩu về điều mà Washington nói rằng Bắc Kinh quân sự hóa Biển Đông qua việc xây cất các cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo, các bãi đá ở đây.