Thành Luân
Việt Nam đã có một số dự án sản xuất, kinh doanh Ferrochrome song hầu hết đều rơi vào tình trạng bết bát.
Các báo khi đề cập đến Tập đoàn Mintal đều làm cho độc giả hiểu rằng Mintal là một tập đoàn Hồng Kông với cách ghi “Tập đoàn Mintal (Hongkong – Trung Quốc)” hay “Mintal, tập đoàn lớn của Hồng Kông”.
Nhưng Mintal có phải là tập đoàn của Hồng Kông không?
Trang Bloomberg cho biết Mintal là tập đoàn có tổng hành dinh tại thành phố Baotou, Nội Mông (Inner Mongolia) (xem hình).
Tại sao các báo phải cố tình làm cho độc giả Việt Nam nghĩ rằng Mintal là tập đoàn Hồng Kông?
Trong khi Trung Quốc không ngừng chiếm đóng, xâm lấn biển, đảo Việt Nam – hiện Hải Dương Địa Chất 8 (Haiyang Dizhi 8) chỉ ở cách Phan Thiết hơn trăm kilomet –, lãnh đạo Thanh Hoá vẫn đón rước chào mời tập đoàn Trung Quốc đến giao đất đầu tư ở những vị trí hiểm yếu ven biển, đó là lý do Mintal được che giấu thân phận để mang danh tập đoàn Hồng Kông.
Lãnh đạo Thanh Hóa có phải là người Việt Nam không nhỉ? Hay đó chỉ là con đẻ của ĐCSVN, chỉ chui ra từ cái lỗ nẻ của Đảng? Mà… hình như không phải chỉ một mình lãnh đạo Thanh Hóa đang hong hóng đồng tiền từ các tập đoàn kinh tế Trung Cộng thì phải.
Bauxite Việt Nam
Quan tâm đến thông tin Tập đoàn Mintal (Hongkong – Trung Quốc) đề xuất đầu tư nhà máy sản xuất Ferrochrome Carbon, thép không gỉ và kim loại màu tại khu kinh tế Nghi Sơn (Thanh Hóa) với tổng kinh phí thực hiện là 2 tỷ USD, PGS.TS Tô Duy Phương, Phó Chủ tịch thường trực, Tổng thư ký Hội Đúc Luyện kim Hà Nội lưu ý một số điểm liên quan đến vấn đề môi trường.
Ông cho biết, nỗi lo về môi trường ra sao tùy thuộc vào công nghệ mà nhà đầu tư sử dụng. Nếu công nghệ hiện đại thì thậm chí khí thải bị triệt tiêu và nước thải cũng được xử lý để có thể tái sử dụng.
Theo thông tin về buổi làm việc giữa Tập đoàn Mintal với lãnh đạo UBND tỉnh Thanh Hóa được đăng tải trên truyền thông, đại diện tập đoàn giới thiệu họ có nhà máy sản xuất các loại hình sản phẩm Ferrochrome Carbon, thép không gỉ, kim loại màu tại Trung Quốc, Nam Phi và Pakistan.
Lễ ký kết Biên bản ghi nhớ hợp tác đầu tư dự án Nhà máy sản xuất Ferrochrom Carbon, thép không gỉ và kim loại màu tại Khu kinh tế Nghi Sơn giữa Tập đoàn Mintal với Ban quản lý Khu kinh tế Nghi Sơn và Các khu công nghiệp. Ảnh: Cổng TTĐT Thanh Hóa
Về công nghệ sản xuất, lãnh đạo tập đoàn này cho biết đang ứng dụng sản xuất theo công nghệ tiên tiến nhất thế giới hiện nay của Phần Lan về sản xuất Ferrochrome Carbon và công nghệ sản xuất thép không gỉ, kim loại màu của Nhật Bản. Công nghệ này cho phép triệt tiêu toàn bộ khí thải và nước thải sẽ được tái sử dụng tuần hoàn trong sản xuất; có thể tiết kiệm được 1 tỷ số điện/năm, 90% lưu huỳnh thải ra môi trường, 75 nghìn tấn than đốt/năm…
“Nếu tập đoàn Trung Quốc đưa sang Việt Nam công nghệ tiên tiến, hiện đại đúng như họ đang áp dụng ở các nước khác thì không sao, nhưng nếu họ tháo dỡ, đưa những nhà máy “cổ lỗ sĩ”, công nghệ lạc hậu mà họ không còn dùng trong nước họ nữa sang Việt Nam thì đấy lại điều rất đáng lo.
Nhìn chung, thời nay không ai dùng công nghệ lạc hậu nữa. Ngày xưa, lò điện hồ quang luyện thép một giờ chạy tốn hàng ngàn kw/h (số điện), mỗi lần phóng hồ quang là cả một vùng bụi mù. Nhưng bây giờ các nhà máy trên thế giới đã dùng điện cực siêu công suất, không thấy khói bụi gì nữa.
Nhưng nói như thế không có nghĩa là chúng ta không cảnh giác bởi Việt Nam đã có nhiều bài học với việc doanh nghiệp Trung Quốc “nói một đàng, làm một nẻo”, PGS.TS Tô Duy Phương nói.
Vị chuyên gia luyện kim cho biết, trước khi xây dựng dự án bao giờ cũng phải có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Trong báo cáo này, nhà đầu tư và đơn vị tư vấn phải đưa ra các giải pháp kỹ thuật để xử lý khí thải, nước thải… và phải được các cơ quan quản lý, chuyên môn như Bộ Tài nguyên-Môi trường, các chuyên gia độc lập đánh giá, xem xét. Khi được các cơ quan chức năng phê duyệt thì dự án mới được tiến hành.
Điều đáng lo ngại là thường trong báo cáo đánh giá tác động môi trường đánh giá rất hay để dự án được phê duyệt và triển khai xây dựng. PGS.TS Tô Duy Phương cho biết, Việt Nam không phải không có các nhà máy sản xuất Ferrochrome carbon, trong đó có thể kể đến Cromit Cổ Định Thanh Hóa-TKV, Cromit Nam Việt…, thế nhưng chúng cũng chỉ hoạt động cầm chừng hay đắp chiếu.
“Vấn đề chính vẫn là công nghệ. Để tính giá thành đầu ra Ferrochrome Carbon phải dựa vào 2 yếu tố: điện cực và điện năng tiêu thụ.
Chẳng hạn, ngày xưa để ra được 1kg Ferrochrome Carbon thì phải tiêu tốn mất 9kWh, nhưng giờ đây người ta dùng điện cực siêu công suất thì chỉ mất 2-3kWh.
Nhiều doanh nghiệp Việt tham rẻ, máy móc, thiết bị cũ nước ngoài thải ra mình lại mua về để rồi không dùng được. Bởi dây chuyền lạc hậu nên điện cực không phải là siêu công suất, mỗi lần đánh điện thì cháy rất nhanh, tiêu hao nhiều năng lượng. Việc đó đẩy giá thành sản xuất Ferrochrome lên cao, làm sao bán được?!”, PGS.TS Tô Duy Phương nói.
GS.TSKH Phạm Phố cũng nhắc lại một số dự án sản xuất, kinh doanh Ferrochrome dang dở, hoạt động bết bát của Việt Nam và coi đó như lời cảnh báo cần thận trọng hơn trong đầu tư sản xuất Ferrochrome.
Theo đó, trước đây Viện Luyện kim màu rồi nhiều dự án ở Thanh Hóa cũng đầu tư sản xuất Ferrochrome, tuy nhiên các dự án đó đều không đến nơi đến chốn, sản phẩm sản xuất ra tiêu thụ trong nước thì ít mà xuất khẩu thì không được.
“Việt Nam cũng có một số doanh nghiệp, đơn vị sản xuất Ferrochrome nhưng không có vốn, công nghệ lạc hậu nên sản phẩm sản xuất ra chất lượng kém, hàm lượng chrome trong ferro rất thấp nên không bán được, chưa kể chrome trong mỏ cromit ở Thanh Hóa cũng thấp.
Vấn đề cơ bản là phải có đầu ra. Hiện Việt Nam chủ yếu sản xuất thép xây dựng mà ít sản xuất các loại thép chế tạo máy, thép hợp kim nên nhu cầu sử dụng chrome không đáng kể, trong khi đó lại không xuất khẩu được sản phẩm nên bế tắc”, vị chuyên gia cho biết.
Bởi vậy, nếu Tập đoàn Mintal của Hongkong đầu tư nhà máy sản xuất Ferrochrome, thép không gỉ và kim loại màu ở Nghi Sơn, GS.TSKH Phạm Phố kỳ vọng với công nghệ tiên tiến, họ sẽ nâng cao được chất lượng sản phẩm, một phần để dùng trong nước, còn lại phục vụ xuất khẩu.
“Nhiều nước sản xuất thép không gỉ thiếu Ferrocrom, còn Việt Nam không bán được. Hy vọng tập đoàn của Hongkong sẽ giúp cải thiện điều này”, ông nói và một lần nữa khẳng định, nếu nhà đầu tư sử dụng công nghệ hiện đại thì không đáng lo, vấn đề là cam kết của nhà đầu tư và yêu cầu, sự kiểm tra, giám sát của phía Việt Nam như thế nào.
Trong một bài viết vào tháng 8/2014, báo Đầu tư dẫn thông tin từ Sở Công thương tỉnh Thanh Hóa cho biết, trên địa bàn tỉnh có 6 dự án đầu tư sản xuất – kinh doanh Ferrochrome. Tuy nhiên, sau vài năm triển khai thực hiện và tổ chức sản xuất, các dự án đều rơi vào tình trạng bết bát và bộc lộ nhiều bất cập.
Cụ thể, về năng lực tài chính, ngoài Công ty TNHH Cromit Nam Việt và Công ty cổ phần Cromit Cổ Định Thanh Hóa – TKV có khả năng về nguồn vốn, 4 chủ đầu tư còn lại là Công ty TNHH Ferrochrome Thanh Hóa, Công ty cổ phần Luyện kim Việt Mỹ, Công ty cổ phần Ferrochrome Việt Nam và Công ty cổ phần Khoáng sản Sông Đà Thanh Hóa đều rất khó khăn.
Bên cạnh đó, các đơn vị chủ đầu tư thiếu kinh nghiệm, hầu hết chưa kinh qua lĩnh vực khai khoáng và chế biến Ferrochrome. Thậm chí, nhiều dự án được thực hiện bởi các nhà đầu tư trái ngành, như Nhà máy sản xuất Ferrochrome của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt (chủ đầu tư là một doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực chế biến hải sản), Nhà máy sản xuất Ferrochrome Sông Đà Thanh Hóa của Công ty cổ phần Khoáng sản Sông Đà Thanh Hóa (chủ đầu tư chuyên về thi công xây dựng các công trình dân dụng)…
Tình trạng trên đã dẫn đến việc các chủ đầu tư thiếu chuyên môn trong việc lựa chọn quy mô công suất, công nghệ thiết bị phù hợp, không có chiến lược về thị trường tiêu thụ, khó khăn trong công tác vận hành máy móc thiết bị…
Tại thời điểm lập dự án đầu tư (năm 2007, 2008), hầu hết chủ đầu tư các dự án Ferrochrome tại Thanh Hóa đều lựa chọn công nghệ lò luyện hồ quang điện xoay chiều bán kín. Nhược điểm của công nghệ này lại là khó khống chế được nhiệt độ lò, tính ổn định thấp, thường gây tắc lò và đặc biệt là cho ra sản phẩm chất lượng thấp, không đồng đều.
Đơn cử, dây chuyền sản xuất của Công ty cổ phần Cromit Nam Việt thường xảy ra sự cố tắc lò hoặc cho ra sản phẩm có chất lượng chưa đạt yêu cầu; hàm lượng crom trong Ferrochrome chỉ đạt 55-58%, trong khi để xuất khẩu thì phải đạt tối thiểu 68%, dẫn đến giá bán sản phẩm thấp, kinh doanh không hiệu quả và doanh nghiệp phải đóng cửa.
T.L.
Nguồn: https://baodatviet.vn/khoa-hoc/khoa-hoc/tq-muon-rot-ty-usd-vao-nghi-son-da-co-bai-hoc-3386114/