1. Từ sự sốt sắng của Bộ trưởng Giao thông Nhật Bản
Ngày 19/6 vừa qua, việc Quốc hội cương quyết nói không với dự án ĐSCT thật giống một lời từ chối nhã nhặn với những nước đang có ý tốt rót vốn ODA vào dự án này. Địa chỉ gần nhất lời từ chối ấy được gửi đến là nước Nhật – nơi hứa hẹn sẽ trở thành đối tác cung cấp công nghệ tàu cao tốc Shinkansen cho Việt Nam.
“ĐSCT cũng hay đấy nhưng chúng tôi chưa thấy lợi ích thực sự của nó ở đâu, hơn nữa tiềm lực kinh tế hiện tại cũng chưa cho phép chúng tôi tiếp nhận sự hỗ trợ đầy hảo ý của các vị” – đó là những gì Quốc hội đã thay nhân dân Việt Nam nói ra, dù chưa chính thức thể hiện qua kênh ngoại giao nào.
Thiết nghĩ, cuộc chơi nên tạm dừng ở đây cho đến một lúc thích hợp hơn. Việt Nam đang có rất nhiều việc phải làm: một đại lễ tưng bừng và tốn kém cuối năm nay, một Đại hội Đảng hứa hẹn nhiều sự đổi thay lớn lao trong năm tới, tiếp đó sẽ là cuộc bầu cử Quốc hội khóa XIII và thành lập Chính phủ mới. Điểm qua mấy việc chính để thấy đất nước chúng ta trong thời gian tới sẽ vô cùng bận rộn và khó có thể sớm đưa vấn đề ĐSCT trở lại bàn nghị sự.
Vậy mà, ngày 22/6 trên tờ Bloomberg, trong bài báo với nhan đề đầy ý nghĩa Japan to Cooperate With Vietnam on Reviving Bullet-Train Network Project (tạm dịch: Nhật Bản hợp tác với Việt Nam khôi phục dự án đường sắt cao tốc), Bộ trưởng Bộ Giao thông Nhật Bản vẫn sốt sắng: “Chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với Chính phủ Việt Nam để công nghệ tàu cao tốc Nhật Bản được ứng dụng tại đây”.
Vẫn biết, kết quả biểu quyết của Quốc hội không có nghĩa mọi cánh cửa dành cho ĐSCT đã khép lại. Thực chất, theo lời Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng trong buổi tiếp xúc cử tri ngày 23/6, Quốc hội chỉ yêu cầu Chính phủ chuẩn bị cho “chín” mới trình tiếp, cả về tính khả thi, trình độ kinh tế, sự phù hợp.
Song, trong các phiên chất vấn sôi nổi tại nghị trường, các vấn đề khiến Quốc hội chưa hài lòng với dự án này không phải vấn đề ngắn hạn mà là vấn đề dài hạn. Không thể chỉ sau một thời gian ngắn ngủi mà những trở ngại liên quan tới hiệu quả kinh tế, khả năng vay vốn và trả nợ của Việt Nam có thể được Chính phủ hóa giải nhanh chóng – bởi ai cũng biết đó là những vấn đề có thật chứ không phải vấn đề thuộc về khả năng diễn đạt, trình bày dự án của Chính phủ.
Hẳn vị Bộ trưởng Bộ Giao thông của xứ Phù Tang nổi tiếng thông minh cũng hiểu được điều này, vậy hà cớ gì mà ông vẫn nhiệt tình và sốt sắng như vậy? Tất nhiên Nhật Bản vẫn có thể hợp tác với Việt Nam để nghiên cứu dự án này, nhưng có lẽ từ nay cho đến hết nhiệm kỳ của ông, ông có thể tạm nghỉ ngơi vì cú sốc vừa qua đối với người Việt Nam khiến chúng tôi, ít nhất trong một vài năm tới, vẫn còn rất tỉnh táo và cảnh giác.
Cũng có thể ông Bộ trưởng thực sự sốt sắng mong người dân nước chúng tôi được khai sáng và hưởng cái thú vui tao nhã hết sức văn minh nhưng cũng vô cùng tốn kém – đi tàu cao tốc. Nếu vậy, chúng tôi vẫn sẵn sàng mở nhiều cánh cửa khác cho ông và ngành công nghiệp đường sắt nước Nhật, hình thức BOT chẳng hạn! Còn nếu không phải vậy thì tôi xin lỗi phải đặt câu hỏi: Ông sốt sắng chẳng qua vì sự sốt sắng ấy đẻ ra tiền?
2. Đến sự sốt sắng của UBND Thành phố Hà Nội
Khi niềm vui của sự kiện 19/6 chưa kịp dứt, người dân Hà Nội lại hởi lòng hởi dạ bởi các quan ngành điện đã nhón tay làm phúc ngừng cắt điện luân phiên để giúp người dân thoát khỏi cảnh thoi thóp vì thiếu điện. (Chẳng may sự rộng lượng của ngành điện lại rơi vào những ngày mát trời nhất nên người dân chưa thấu hết sự may mắn này). Ấy vậy mà UBND Hà Nội lại chẳng có thời gian để hưởng chung niềm vui ấy với người dân.
Vì sao ư? Hà Nội đang sốt sắng chuẩn bị xây dựng năm cổng chào trên các tuyến đường Pháp Vân – Cầu Giẽ, Bắc Thăng Long, Quốc lộ 5, Quốc lộ 1A, Láng – Hòa Lạc với tổng vốn đầu tư dự kiến lên tới 50 tỷ đồng.
Tốn kém, lãng phí, không cần thiết là những điều tôi không cần phân tích lại bởi đó là các lý do đã được hàng trăm bài báo nêu lên khi viết về những công việc hệ trọng tương tự của UBND TP Hà Nội tiến tới Đại lễ 1000 năm Thăng Long.
Điều tôi băn khoăn là: theo thông tin của báo VnExpress, trong số năm cổng chào trên, có ít nhất ba cổng phải tiến hành giải tỏa, thu hồi đất của dân (cổng chào thứ nhất trên đường Pháp Vân – Cầu Giẽ thuộc thôn Cổ Trai, xã Đại Xuyên, huyện Phú Xuyên; cổng chào thứ hai trên tuyến Bắc Thăng Long – Nội Bài, thuộc thôn Thạch Lỗi, xã Thanh Xuân, huyện Sóc Sơn; cổng chào thứ ba trên Quốc lộ 1 đi Lạng Sơn – Bắc Ninh, xã Ninh Hiệp, Gia Lâm). Tổng số đất cần thu hồi lên tới 14.000m2.
Giải tỏa thu hồi đất vốn đã là điều vạn bất đắc dĩ mới phải làm; giải tỏa để xây dựng những công trình trời ơi đất hỡi như 5 chiếc cổng chào hoành tráng nhưng vô nghĩa lại càng không đáng. Hơn nữa, Phó chủ tịch UBND TP Hà Nội Phí Thái Bình đã chỉ đạo các huyện nơi đặt cổng chào tiến hành thu hồi đất để bàn giao cho chủ đầu tư trước 1/7 để tổ chức thi công đúng tiến độ. Chỉ còn một tuần nữa, liệu như vậy có sốt sắng quá không?
Tôi cũng băn khoăn tại sao UBND TP Hà Nội sốt sắng thu hồi đất để xây dựng 5 cổng chào này đến vậy, trong khi đây là thời điểm người dân đang hết sức nhạy cảm với những “công trình ngàn năm.” Lẽ nào UBND TP Hà Nội cũng giống như vị Bộ trưởng người Nhật kia, không nhận ra sự cảnh giác và tỉnh táo của người dân?
Hoặc giả sử sự sốt sắng này là do UBND TP Hà Nội quá háo hức muốn làm mọi việc chu toàn để chuẩn bị cho đại lễ. Vậy, cũng là để chu toàn cho sự kiện trọng đại này, tại sao không thấy ai sốt sắng xây thêm nhiều bệnh viện để đáp ứng nhu cầu đang quá tải của Thủ đô mở rộng, hay đơn giản là lo cho dân đủ điện sống qua mùa hè để đợi ăn mừng đại lễ? Việc các vị sốt sắng làm những “đại sự” không đâu để rồi chuốc lấy sự phản đối của người dân buộc tôi phải đặt câu hỏi tương tự như câu hỏi dành cho Bộ trưởng Bộ Giao thông Nhật Bản.
Tôi tin, câu hỏi đó không bao giờ có câu trả lời đích đáng!
KD