Một trong những giá trị văn minh của nhà nước phương Tây đó là sự hình thành thể chế Tam quyền phân lập (Powers Separation), theo đó các quy định trong bản Hiến pháp tạo cơ sở cho sự tồn tại độc lập, kiềm chế lẫn nhau, giám sát hoạt động lẫn nhau của ba nhánh quyền lực đươc tổ chức song song: lập pháp, hành pháp và tư pháp. Trong đó:
Lập pháp: biểu hiện ý chí chung của quốc gia. Nó thuộc về toàn thể nhân dân, được trao cho hội nghị đại biểu nhân dân – Quốc hội.
Hành pháp: Là việc thực hiện luật pháp đã được thiết lập.
Tư pháp: là để trừng trị tội phạm và giải quyết sự xung đột giữa các cá nhân. Các thẩm phán được lựa chọn từ dân và xử án chỉ tuân theo pháp luật
Những nhà nước nào càng tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc này, hay nói cách khác là hình thức này được thực hiện một cách chặt chẽ, quy cũ thì bộ máy nhà nước đó sẽ được vận hành thuận lợi hơn, trơn tru hơn và hiệu quả hơn. Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, Thụy Điển, Na Uy, Đan Mạnh, Hoa Kỳ, Pháp… là những quốc gia tuân thủ thể chế này và thực tế đây là những nước tiên tiến, giàu có và an bình thuộc hạng nhất thế giới.
Xin được nói thêm là thể chế Tam quyền phân lập mặc dù là thành tựu của xã hội tư bản chủ nghĩa (TBCN) nhưng nó không chỉ phù hợp riêng cho xã hội TBCN hay của chế độ đa đảng mà nó là sản phẩm của xã hội văn minh, của chung loài người và ra đời với mục tiêu là hoàn thiện cơ cấu tổ chức của nhà nước. Nó hoàn toàn “vận hành” được trong bất kỳ xã hội nào, không ngoại trừ xã hội có một đảng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới trong thời đại ngày nay, dù có theo các thể chế chính trị khác nhau: quân chủ chuyên chế, quân chủ lập hiến, dân chủ đại nghị, dân chủ cộng hòa, dân chủ xã hội… đều cơ cấu nhà nước ít nhiều chia làm ba nhánh theo thể chế này (trừ Công quốc Vaticano: Giáo hoàng là người nắm trong tay cả ba quyền trên).
Việt Nam (từ 1945 trở đi) là quốc gia cũng đươc tạo dựng theo nguyên tắc trên. Hiến pháp 1946, bản Hiến pháp dân chủ nhất Đông Nam Á lúc đó, đã ngầm định tổ chức Nhà nước theo thể chế Tam quyền phân lập với ba nhánh rất rõ ràng: Lập pháp (Quốc hội), Tư pháp (hệ thống tòa án) và Hành pháp (Chính phủ). Điều đáng nói là trong bản Hiến pháp 1946 không đề cập đến vai trò lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam như Điều 4 Hiến pháp 1992 sửa đổi.
Hiến pháp 1946 và Hiến pháp 1992 sửa đổi đều khẳng định Quốc hội là cơ quan có quyền lực cao nhất nước, nghĩa là có quyền đồng ý (yea) hoặc phủ quyết (nay) các nghị trình từ Chính phủ. Tuy nhiên, trong lịch sử gần 65 năm hoạt động của mình, Quốc hội chưa một lần nói không những gi đến từ Chính phủ. Đây là một điểm hết sức kì dị đối với vận mệnh quốc gia vì trong thời gian dài hơn 2/3 thế kỷ, mọi đệ trình của Chính phủ đều hoàn thiện, hoàn mỹ và hợp lòng dân hoặc là Quốc hội ta chỉ là anh nghị gật, hay gọi là ông phỗng đá vậy.
Việc Quốc hội nước ta đã bác dự án ĐSCT do Chính phủ đệ trình vào chiều ngày 19/6 là một sự kiện vô cùng trọng đại của nước ta trong thập niên đầu của thế kỷ XXI. Nó trọng đại vì lần đầu tiên trong lịch sử kể từ khi có Quốc hội đến nay, Quốc hội mới nói theo cách riêng của mình; vì lần đầu tiên nhiều đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đã dám vượt qua chính mình, vượt qua sự đe dọa muôn vạn hình thù của “quyền lực tối thượng”; vì lần đầu tiên, trách nhiệm, lương tri và tài năng của ĐBQH tỏa sáng, minh triết vì đã bước đầu làm phá sản dự án có quá nhiều điểm mù mờ, rủi ro và chứa đầy mầm họa như chiếc hộp Pandora.
Tôi tin là “Sự kiện 19/6” hay “Tinh thần 19/6” này đã lấy đi nước mắt của rất nhiều người, nó làm cho nhiều người bồi hồi xúc động, khóe mắt nhòe cay vì không ai nghĩ nó sẽ có kết quả tốt đẹp đến thế mặc dù trong tâm tưởng của hàng triệu người dân Việt luôn khát khao dự án này sẽ bị bác bỏ. Lần đầu tiên, sau nhiều năm hay nhiều thập kỷ đối với tôi hay đối với bạn, người dân Việt mới được òa khóc sung sướng cho sự chiến thắng của cái thiện, cái minh triết đối với sự xuẩn ngốc, u mê, ích kỷ và lòng tham.
Niềm vui đó mới chỉ đến một nửa vì chắc chắn dự án này sẽ được trình lại Quốc hội xem xét. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, hiện đại hóa hệ thống đường sắt Bắc – Nam là cần thiết cho sự phát triển kinh tế vì hệ thống đường sắt Việt Nam đã có tuổi xấp xỉ một thế kỷ, nhưng trong các phương án về hiện đại hóa đường sắt, xét trong điều kiện tài chính, lợi ích kinh tế ta nên chọn phương án cải tổ đường sắt khổ 1.435 mm mà nhiều chuyên gia trong và ngoài nước đã trình bày.
Dù niềm vui mới có một nửa nhưng đó cũng là một niềm vui lớn. Để niềm vui đó trở nên đầy trọn hay để có dược những niềm vui tương tự như thế đòi hỏi các ĐBQH phát huy tinh thần trách nhiệm, sự sáng suốt và tiếng nói độc lập của Quốc hội; báo chí với sức mạnh là “quyền lực thứ tư” đảm nhiệm sứ mạng truyền đạt tiếng nói, nguyện vọng của cử tri cần làm tốt vai trò của mình hơn nữa. Nhân dân sẽ luôn kề vai sát cánh với ĐBQH và báo chí trong chiến tuyến gian nan này để vực dậy đất nước gấm hoa “từ độ mang gươm đi mở cõi”.
Nếu cho phép được nói một điều về Sự kiện 19/6, tôi xin gọi đó là Viên đá đầu tiên cho lộ trình tái xác lập thể chế Tam quyền phân lập ở Việt Nam. Chúng ta có quyền hi vọng ngành lập pháp sẽ tiến triển theo chiều hướng tốt đẹp hơn kể từ “cột mốc 19/6”.
PNU
Thừa Thiên Huế, 25/06/2010
HT Mạng Bauxite Việt Nam biên tập