Bãi Tư Chính, nhớ lại và suy nghĩ

Chu Vĩnh Hải

Quần đảo Trường Sa và bãi Tư Chính đối với tôi rất quen thuộc. Hơn 20 năm trước, vào tháng 4-1999, khi tôi đang là phóng viên ở báo Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi đã được cử đi tác nghiệp báo chí ở quần đảo Trường Sa và bãi Tư Chính đề truyền thông về việc Việt Nam thực thi chủ quyền ở hai khu vực quan trọng đó.

https://1.bp.blogspot.com/-Wp8shppgj0k/XVl4723YILI/AAAAAAAADwk/tDeEaWKhfPYbnjEJ1dD-6-FPH_gP54lJACLcBGAs/s640/truong%2Bsa%2B1999.JPG

Nhà báo Chu Vĩnh Hải (bên trái) ở Trường Sa vào năm 1999.

Khi còn là một phóng viên của báo Bà Rịa-Vũng Tàu, tôi được phân công chuyên trách viết về ngành công nghiệp dầu khí, kinh tế biển và biển-đảo. Đây là những mảng nội dung mà cánh nhà báo rất ngán ngại vì khó tiếp cận nguồn tin và tính khô khan của vấn đề và sự kiện. Tuy vậy, tôi đã hoàn thành chức nghiệp của mình theo một cách mà ít ai ngờ tới với cách viết và cách nhìn nhận khác lạ. Các tác phẩm báo chí của tôi đã gây ấn tượng mạnh đối với nhiều người và nhiều quan chức. Bắt đầu từ năm 1997, Ban Văn hóa, Tư tưởng Trung ương phối hợp chặt chẽ với Hội nhà báo Việt Nam, Bộ Quốc phòng Việt Nam để thực hiện chiến lược truyền thông-tuyên truyền về biển đảo, khi ở Nha Trang, khi ở đảo Phú Quý, khi ở đảo Phú Quốc, khi ở Vũng Tàu… Là phóng viên chuyên trách, tôi luôn luôn hiện diện ở các sự kiện đó.

Một sáng cuối tháng 3-1999, nhà báo Phạm Quốc Toàn, Tổng biên tập báo Bà Rịa-Vũng Tàu gọi tôi lên phòng làm việc của ông. Ông nói với tôi:

– Câu chuyện hôm nay phải bí mật, chỉ có hai chúng ta được biết. Vì vấn đề an toàn, đơn giản thế thôi. Anh được chọn đi tác nghiệp báo chí ở Trường Sa và DK1 (Cụm kinh tế dịch vụ khoa học kỹ thuật tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu). Anh tự biết công việc của anh là gì. Đoàn đi của Bộ Quốc phòng. Rất ít nhà báo dân sự trong chuyến đi đó của Quân chủng Hải quân. Anh có 10 ngày để chuẩn bị cho chuyến đi.

Quỹ thời gian quá eo hẹp cho việc tích tụ những kiến thức, hiểu biết cần và đủ về hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, về khu vực DK1 để phục vụ cho bài viết. Để chạy đua với thời gian, suốt ngày tôi vùi mình vào các thư viện, kho lưu trữ và tủ sách cá nhân. 15 đầu sách trong và ngoài nước, hàng trăm bài báo đã được tôi nghiên cứu kỹ lưỡng và ghi chép tỉ mỉ.

Sách vở, báo chí và kiến thức thực tiễn từ nhiều năm đã mang đến cho tôi một cái nhìn khá tổng thể về một phần lãnh thổ thiêng liêng của Tổ quốc, giúp tôi tự tin bước vào một cuộc hành trình nhiều ý nghĩa. Trong suốt 11 ngày ròng rã, con tàu cứu hộ Titan của Quân chủng Hải quân đã đưa tôi đến 6 đảo trong số hơn 100 đảo của quần đảo Trường Sa, 2 trong số hàng chục nhà giàn ở DK1. Đó là nhà giàn Trạm kinh tế dịch vụ khoa học kỹ thuật Quế Đường 2 và Trạm kinh tế dịch vụ khoa học kỹ thuật Tư Chính 3. Do được thiết kế và thi công vào năm 1994 và năm 1997 nên hai nhà giàn này được coi là có cấu trúc đẹp nhất trong số các nhà giàn ở DK1 cho đến thời điểm 1999. Cấu trúc bên trong của hai nhà giàn khoáng đạt, gọn gàng và khoa học chẳng khác nào một căn hộ sang trọng. Nhìn từ xa, mỗi nhà giàn hiên ngang như một thủy thần trong truyện thần thoại vươn mình lên trên mặt biển để nắm bắt, phán xét mọi điều, để khẳng định sức mạnh tiềm tàng của mình.

Chuyến đi kết thúc, với những tư liệu sống động có được, tôi đã viết một phóng sự dài 5 kỳ có tên Tổ quốc nơi đầu sóng ngọn gió. Phóng sự này đoạt giải nhì ở thể loại phóng sự điều tra của Giải thưởng báo chí năm 2000 của Hội nhà báo Việt Nam (nay được nâng cấp lên Giải thưởng báo chí Quốc gia).

Kỳ 5 của phóng sự này có tựa đề “Mắt thần giữa thềm lục địa” đề cập đến DK1 nói chung, nhà giàn Quế Đường 2 và Tư Chính 3 nói riêng. Tôi chép lại một đoạn trong kỳ 5 này: “Biết tôi là cư dân của tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu, cán bộ và chiến sĩ nhà giàn vui lắm, quấn quýt bên tôi tưởng như anh em, bạn bè lâu ngày gặp lại. Họ hỏi về con đường tình yêu Quang Trung-Trần Phú ở Bãi Trước nay còn dập dìu tài tử giai nhân nữa không? Khách du lịch đến Vũng Tàu còn đông nữa không? Có còn nạn đua xe ở đường Thùy Vân nữa không? v.v và v.v… Có một chiến sĩ trẻ măng hỏi tôi một câu rất cụ thể và hồn nhiên khiến tôi nhớ mãi: Cô Loan bán hàng trước cổng Lữ đoàn 171 nay còn bán nữa không?”.

Cứ mỗi lần lên nhà giàn, đoàn công tác đều ráng dành một khoảng thời gian ít ỏi của mình để giao lưu văn hóa văn nghệ với cán bộ chiến sĩ ở nhà giàn. Các cô văn công thì hát. Còn những ai không hát được thì đọc một vài bài thơ, kể vài câu chuyện tiếu lâm. Lòng yêu nước, quyết tâm bảo vệ chủ quyền đã làm cho mọi người nhanh chóng xích lại gần nhau.

Tôi nhớ lại chuyến đi của hơn 20 năm trước, kể lại vài chi tiết để khẳng định rằng, đã có một thời Việt Nam thể hiện mạnh mẽ ý chí bảo vệ chủ quyền ở quần đảo Trường Sa, khu vực DK1 nói chung và bãi Tư Chính nói riêng. Nhắc lại câu chuyện 20 năm trước, tôi muốn khẳng định rằng, đã một thời chính quyền Việt Nam rất cảnh giác với Đường lưỡi bò phi lý và ngang ngược của Trung Quốc.

Vào năm 1988, Việt Nam đã đi trước Trung Quốc về việc thực thi chủ quyền đối với bãi Tư Chính nói riêng và nhiều vùng biển rộng lớn khác được gọi là Cụm kinh tế dịch vụ khoa học kỹ thuật tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu (gọi tắt là DK1) (*). Vào năm 1988, tuy kinh tế rất ngặt nghèo, nhưng Việt Nam đã thực hiện chiến lược CQ 88 (Chủ quyền 88) tiến hành xây lắp nhiều nhà giàn ở bãi Tư Chính, Huyền Trân, Ba Kè… để khẳng định chủ quyền và bảo vệ chủ quyền. Ở một số nơi chưa có điều kiện xây lắp nhà giàn, Việt Nam cho kéo ponton (một loại xà lan boong nổi) ra để khẳng định chủ quyền. Các doanh nghiệp dầu khí ở Vũng Tàu là những đơn vị thực hiện việc thi công và xây lắp các nhà giàn này. Quá trình xây lắp nhà giàn hơn 10 năm đã không gặp phải những phản ứng từ phía Trung Quốc.

Năm 1992, như để thăm dò thái độ của Việt Nam, phía Trung Quốc âm thầm cấp phép cho hãng dầu Crestone của Mỹ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính. Khi tàu thăm dò địa chấn của Crestone hoạt động trái phép ở bãi Tư Chính của Việt Nam, phía Việt Nam đã phái hai tàu hải quân xua đuổi quyết liệt. Trung Quốc cũng điều hai tàu hải quân ra đối đầu với hai tàu hải quân Việt Nam, nhưng trước thái độ mạnh mẽ và kiên quyết của hải quân Việt Nam, hai tàu hải quân Trung Quốc và tàu thăm dò địa chấn của Crestone đã phải ngậm ngùi rút khỏi bãi Tư Chính.

Vào năm 1994, phía Trung Quốc lại âm thầm cấp phép cho hãng dầu Mobil của Mỹ hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí tại bãi Tư Chính. Và Việt Nam đã phản ứng dữ dội và mạnh mẽ hơn sự kiện 1992 bằng cách cho nhiều tàu chiến ra xua đuổi. Hải quân Trung Quốc và tàu thăm dò của Mobil đành phải rút đi trong hậm hực.

Thế đó, Việt Nam đã từng có một thời mạnh mẽ và quyết liệt trước một Trung Quốc mưu đồ độc chiếm Biển Đông.

Thế nhưng, giờ đây, sự mạnh mẽ và quyết liệt ấy gần như đã biến mất. Ngày mồng 3-7-2019, tàu thăm dò địa chấn Haiyang Dizhi 8 và nhiều tàu hộ tống khác của Trung Quốc ngang nhiên vi phạm chủ quyền Việt Nam ở bãi Tư Chính, ngay lập tức báo chí nước ngoài và mạng xã hội ào ạt thông tin. Thế nhưng đến ngày 16-7, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới công khai thông tin với lời lẽ yết ớt và thiếu chi tiết. Các cơ quan chức năng của Việt Nam cũng không tạo điều kiện cho các phóng viên trong nước và phóng viên quốc tế đến trực tiếp hiện trường để đưa tin. Với sự thiếu vắng của truyền thông và tin tức xung quanh bãi Tư Chính, nhiều quốc gia có cảm tình với Việt Nam trong vấn đề chủ quyền đã không thể lên tiếng bảo vệ Việt Nam.

Ngày 13-8, tàu Haiyang Dizhi 8 và nhóm tàu hộ tống của Trung Quốc lại tái xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính, thế nhưng đến chiều ngày 16-8, Bộ Ngoại giao Việt Nam mới thông tin về vụ việc dù mạng xã hội và báo chí nước ngoài đã tràn ngập thông tin. Sự chậm trễ về thông tin có lẽ đã phản ánh sự phản ứng yếu ớt của Việt Nam trước sự xâm phạm ngang ngược của Trung Quốc.

Nếu còn yếu ớt, Việt Nam sẽ chịu nhiều mất mát về chủ quyền trước một Trung Quốc luôn thâm độc, luôn biết cách mềm nắn rắn buông.

C.V.H.

__________

(*) Tên chính xác của cụm từ là Cụm Dịch vụ kinh tế – khoa học – kỹ thuật viết tắt là DK1 (BVN chú thích).

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Bãi Tư Chính. Bookmark the permalink.