Đã có thể tổng kết mô hình “thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”?

Thảo Vy

Phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa – sự sáng tạo của Đảng Cộng sản Việt Nam”. Mẫu câu này được sử dụng trong Văn kiện đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của đảng cộng sản Việt Nam.

Tuy nhiên cho đến nay, có thể thấy rõ rằng mô hình kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, tiếp tục là hành trình ‘dò đá qua sông’ nên gây khó cho việc hoạch định chính sách bền vững.

Dò đá qua sông?

Đại hội IX (4-2001), khái niệm kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa được chính thức sử dụng trong các văn kiện của Đảng. Và cũng từ Đại hội này, Đảng xác định nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là mô hình kinh tế tổng quát của Việt Nam trong thời kỳ quá độ đi lên chủ nghĩa xã hội.

“Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương đã bầu Bộ Chính trị gồm 13 đồng chí, Ban Bí thư gồm 9 đồng chí. Đồng chí Nông Đức Mạnh được bầu làm Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Đại hội IX của Đảng có ý nghĩa trọng đại mở đường cho đất nước ta nắm lấy cơ hội, vượt qua thách thức tiến vào thế kỷ mới, thiên niên kỷ mới, thực hiện mục tiêu xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh”. (Trích Văn kiện “Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng” – http://bit.ly/2Kbc6Vo)

“Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa thực chất là nền kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Đây là ‘khúc dạo đầu’ nằm lòng đối với các biên tập viên báo chí ở Sài Gòn khi xử lý các tin bài liên quan.

Với cụm từ ‘định hướng xã hội chủ nghĩa’ đưa đến cách hiểu các doanh nghiệp nhà nước tiếp tục sẽ được hưởng bao cấp về chính sách, đặc biệt là nguồn vốn cho tới bảo lãnh nợ.

Báo chí hay nhắc đến thắc mắc của cựu bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư – ông Bùi Quang Vinh:“Chúng ta cứ nghiên cứu mô hình đó, mà mãi có tìm ra đâu. Làm gì có cái thứ đó mà đi tìm”. Cái thứ đó ở đây chính là ‘thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa’ và thắc mắc ấy còn hàm ý rằng, đây là mô hình mới và Việt Nam vẫn đang trong quá trình tìm cách định hình nó. Chính điều đó góp phần giải thích vì sao một mặt người Việt Nam vừa ủng hộ kinh tế tư nhân cạnh tranh, nhưng lại cũng muốn có bàn tay can thiệp của Nhà nước đối với những mặt hàng quan trọng được gọi là bình ổn giá, trợ cấp,… để đảm bảo quyền lợi cho họ; tức là vừa muốn có cạnh tranh tư nhân, lại vừa muốn được Nhà nước ‘ôm ấp’. Nguyên nhân là do những bất ổn kinh tế trong quá trình điều hành kiểu ‘vừa làm vừa định hình’ đã khiến người dân luôn trong tâm thức thấy không an toàn.

Mặt khác tại Việt Nam, những vấn đề về thiếu minh bạch thông tin, tình trạng không tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp, lách luật, móc nối để ép giá người tiêu dùng,… diễn ra phổ biến, khiến ưu điểm của kinh tế thị trường ít được phát huy; trong khi những khiếm khuyết của kinh tế thị trường lại thường xuyên phát sinh. Điều này khiến người dân quay sang trông chờ ở sự trợ giúp của nhà nước như một thứ bao cấp về chính sách.

Những khoản nợ nhiều chục tỉ đô

Nói một cách khác, dường như việc duy trì các mối quan hệ không rõ ràng giữa nhà nước và thị trường, đang biến các doanh nghiệp thành các chủ thể phụ thuộc ngày càng lớn hơn vào nhà nước. Điều đó dễ nhận ra tại báo cáo tình hình bảo lãnh chính phủ năm 2018 vừa được Bộ Tài chính gửi tới Thủ tướng, cho thấy riêng về ghi nhận dư nợ bảo lãnh ngành điện, hiện chiếm tỉ trọng lớn trong danh mục bảo lãnh vay vốn của Chính phủ cho các lĩnh vực quan trọng.

Theo đó, bảo lãnh vay nợ của Chính phủ trong lĩnh vực điện tập trung chủ yếu tại một số tập đoàn lớn như Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN), Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV), Tổng công ty Truyền tải Điện quốc gia (EVNNPT). Chính phủ đã cấp bảo lãnh vay nợ cho EVN khoảng 10,1 tỉ USD, PVN khoảng 3,3 tỉ USD, TKV khoảng 678 triệu USD, EVNNPT 615 triệu USD và các công ty khác 2,69 tỉ USD. Tổng giá trị bảo lãnh vay vốn của Chính phủ trong ngành điện khoảng 17,3 tỉ USD.  Riêng trong năm 2018, Chính phủ cấp bảo lãnh cho doanh nghiệp vay 1,64 tỉ USD để đầu tư 2 nhà máy nhiệt điện Sông Hậu 1 và Vĩnh Tân 4.

Trong lĩnh vực hàng không, Tổng công ty Hàng không Việt Nam (VNA) và Công ty CP Cho thuê máy bay (VALC) cũng được Chính phủ bảo lãnh cho vay hàng tỉ USD. Trong đó, VNA được bảo lãnh vay nợ 1,03 tỉ USD, VALC được bảo lãnh cho vay nợ 297,4 triệu USD.

Lũy kế đến hết năm 2018, Chính phủ đã bảo lãnh vay vốn cho các dự án đầu tư quan trọng khoảng 27,7 tỉ USD, trong đó 23,6 tỉ USD vốn vay nước ngoài, 4,1 tỉ USD vốn vay trong nước.

Tổng dư nợ được Chính phủ bảo lãnh đến hết năm 2018 khoảng 437.372 tỉ đồng, chiếm khoảng 13,5% nợ công, tương đương 7,9% GDP. Giá trị bảo lãnh vay nợ của Chính phủ đã giảm 18.550 tỉ đồng so với năm 2017. Theo báo cáo thì nhiều dự án trong lĩnh vực xi măng, giấy và thủy điện… được Chính phủ bảo lãnh hoàn toàn mất khả năng trả nợ và đang phải thanh lý tài sản để thu hồi vốn hoặc phải tái cơ cấu do nợ quá hạn cao…

Trước đó, trong “Báo cáo thẩm tra về quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017” của Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, thì “Nợ công tăng thêm của năm 2017 là 204.413 tỉ đồng và tiếp tục tăng trong khi ngân sách trung ương chưa có thặng dư để trả nợ. Việc ứng trước dự toán ngân sách lớn, có xu hướng tăng khiến nghĩa vụ bố trí ngân sách khó khăn”. (Trích báo cáo)

Có chăng trách nhiệm của Bộ Chính trị?

Xem ra hiện đang rất cần một tổng kết về việc sau hơn hai mươi năm chuyển sang kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa, vì sao cộng đồng doanh nghiệp quốc doanh của Việt Nam vẫn èo uột, và chủ yếu lấy cơ chế xin – cho làm tôn chỉ hành động, không tăng được năng lực cạnh tranh,…?

Ghi nhận những lời khai của cựu chính khách Đinh La Thăng ở phiên sơ thẩm lẫn phúc thẩm trong các vụ án liên quan, cho thấy gần như trong suốt quá trình điều hành các tập đoàn nhà nước, mọi quyết sách được đánh giá là quan trọng đều phải được trình báo gửi lên cấp Bộ Chính trị, như một thủ tục hành chính của cung cách điều hành nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa (!?)

“Việc chỉ định PVC làm nhà thầu của Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình 2 xuất phát từ chủ trương của Bộ Chính trị trong Kết luận 41 về chiến lược phát triển PVN đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 và xây dựng PVN trở thành một tập đoàn kinh tế mạnh, đa ngành, trong đó có việc đẩy mạnh, tăng doanh thu của tập đoàn; triển khai Nghị quyết của Bộ Chính trị cũng như Chỉ thị của Bộ Chính trị trong việc người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam, triển khai chủ trương chỉ đạo của Chính phủ về việc phát huy nguồn lực, đẩy mạnh tăng trưởng kinh tế, góp phần ổn định kinh tế vĩ mô…” – trích lời khai của bị cáo Đinh La Thăng tại phiên tòa xét xử vụ án cố ý làm trái và tham ô tài sản xảy ra tại Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) và Tổng Công ty Xây lắp Dầu khí (PVC), tháng 1-2018.

T.V.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Tản Mạn. Bookmark the permalink.