Đồng thuận hay không đồng thuận, và niềm tin của dân

Nguyễn Hiền

Nếu coi đây là một “chiến thắng ngoại giao” của đoàn Việt Nam, dựa trên sự nhượng bộ của Việt Nam với Trung Quốc, thì đây cũng là một “thất bại” khi đánh thẳng vào lòng tự tôn, nhu cầu minh bạch, và yêu cầu sự cứng rắn của Chính phủ Việt Nam, cũng như khát khao đồng minh với Mỹ nhằm bảo vệ toàn vẹn, lâu dài chủ quyền quốc gia Việt Nam.

ASEAN đã không ra được tuyên bố chung liên quan đến sự kiện Bãi Tư Chính, không quá khó hiểu khi trong nhóm quốc gia thành viên có những quốc gia “hữu hảo” với Bắc Kinh như Campuchia.

Trong khi đó, Tân Hoa Xã đã tường thuật về cuộc gặp giữa Ngoại trưởng Việt – Trung vào ngày 1.8, trong đó dẫn lời ông Vương Nghị rằng, hai bên đã đạt những đồng thuận dựa trên lãnh đạo hai đảng cầm quyền, với những lợi ích chiến lược chung và Việt Nam “sẵn sàng thực hiện các đồng thuận”.

Đồng thuận và nguyên tắc không cả tin

Từ khi thiết lập hai chính đảng cộng sản ở hai quốc gia, Việt – Trung luôn nhấn mạnh nguyên tắc “đồng thuận” dựa trên ý thức hệ (thời chiến tranh) và lợi ích giữa hai quốc gia (thời bình). “Đồng thuận” càng trở nên rõ nét hơn khi hai bên sử dụng trong giải quyết các tranh chấp, căng thẳng về mặt quân sự.

Sau sự kiện 1979, là sự đồng thuận của hai chính đảng, với Hội nghị Thành Đô được họp bên Trung Quốc.

Sau sự kiện 2019, là sự đồng thuận của hai chính đảng, với cuộc họp song phương giữa Bộ trưởng hai nước.

Điểm chung giữa hai sự kiện đó chính là không ai biết đồng thuận đó có nội dung như thế nào, ngoài những ngôn từ ngoại giao mang tính khái quát. Và bản thân nội dung thỏa thuận cũng được hiểu là dựa trên “đại cục” giữa tính đảng hai quốc gia, trong khi yếu tố nhân dân dường như là mờ nhạt.

Thiếu sự minh bạch, giải quyết trên cơ sở lợi ích hai đảng là tối đa, vẫn đã và đang là phương cách ngoại giao của hai đất nước cộng sản.

Nhưng lần này, khác với Trung Quốc, và khác với thời điểm năm 1979, Việt Nam lượng thông tin trở nên đa chiều hơn, và với mạng xã hội Facebook, nhiều người dân cũng đặt ra câu hỏi: đồng thuận ấy thực sự là đồng thuận về cái gì, và như thế nào?

Trong tình huống, nhà nước Việt Nam tuyên bố công khai những nội dung mà họ đã cam kết sẽ thực hiện với Trung Quốc trên cơ sở đồng thuận, thì điều này sẽ dễ dàng được người dân đón nhận hơn rất là nhiều, mặt dù nó cũng xuất hiện những cảm xúc xã hội tiêu cực. Ngược lại, nếu nhà nước Việt Nam vẫn giữ lượng thông tin “đồng thuận” đó trong vòng bí mật, hoặc bản thân chưa thể công bố trong 5 hoặc 10 năm, thì đồng nghĩa với khả năng xuống dốc về hình ảnh, và tổn hại tính chính danh của ĐCSVN ở mức độ “rất nhiều” trong dân.

Thực tế đã cho thấy, người dân không tin những ngôn từ của báo chí Trung Quốc về mặt chính trị, vốn bị kiểm duyệt và định hướng chặt chẽ. Họ càng không tin những ngôn từ do lãnh đạo Trung Quốc phát ra, vốn bị coi là “văn hoa nhưng đầy trơ trẽn và dối trá”. Tuy nhiên, nếu thông tin về những đồng thuận không được đưa ra, hoặc không bị phủ nhận bởi nhà nước Việt Nam thì chính yếu tố “sẵn sàng thực hiện các đồng thuận” sẽ gieo mầm niềm tin về sự ngờ vực “đi đêm” giữa hai chính đảng, nhằm làm dịu tình hình, và quan trọng hơn, hy vọng về cơ sở kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế sẽ chính dứt, và chính ĐCSVN, trong đó nổi bật là vai trò của ông Tổng Bí thư – Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng sẽ bị tổn hại.

Chủ quyền quốc gia là tối thượng, nhưng giải quyết cái tối thượng bằng biện pháp lâu dài là điều mà mỗi người dân đều mong muốn. Chính ĐCSVN, với tầng lớp “tinh hoa cộng sản” và sự độc tài (từ trên xuống) đã nhiều lần ra các quyết sách “đồng thuận” về mặt ngoại giao, nhưng hệ quả mà nó đem lại thực sự chỉ là ngắn hạn.

Lấy ví dụ, tại Hội nghị Thành Đô, Việt Nam đã có sự nhượng bộ lớn, và “động lực nhượng bộ ở Thành Đô nhằm bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc vừa là chính sách thực dụng (bù đắp cho sự thiếu hụt hỗ trợ từ Liên Xô và thừa nhận thực tế là vị thế chiến lược của Trung Quốc đã cải thiện) vừa mang tính ý thức hệ (duy trì và tăng cường số lượng giảm sút của các nước cộng sản nòng cốt).”

Đánh giá về vấn đề này, Thứ trưởng ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch qua Hồi ký “Hồi ức và suy nghĩ” đã cho rằng: “Đây là một thất bại ngoại giao đối với Việt Nam, Việt Nam đã tự huyễn hoặc mình bằng cách bám vào niềm tin rằng Trung Quốc có quan tâm đến một liên minh ý thức hệ”.

Nếu xét trên tinh thần và bối cảnh của Hội nghị Thành Đô, đặt trong lòng Biển Đông hiện nay, thì “nhượng bộ”, “chính sách thực dụng”, “bình thường hóa”, “tự huyễn hoặc”, “liên minh ý thức hệ”… đã hình thành như là nhóm từ khóa chủ chốt để người dân có thể liên tưởng đến “sự đồng thuận”, nhất là trong bối cảnh, Đại hội ĐCSVN đang tới gần, nhu cầu “ổn định chính trị” để tổ chức là vô cùng cần thiết.

Đó là lý do vì sao, một khi không công bố nội dung đồng thuận hay phủ nhận ngôn từ của Tân Hoa Xã, Việt Nam sẽ rơi vào thế bất lợi, là thất bại trong chiến lược dân vận – vốn là tối cần thiết trong bảo vệ chủ quyền quốc gia về mặt lâu dài.

Nếu coi đây là một “chiến thắng ngoại giao” của đoàn Việt Nam, dựa trên sự nhượng bộ của Việt Nam với Trung Quốc, thì đây cũng là một “thất bại” khi đánh thẳng vào lòng tự tôn, nhu cầu minh bạch, và yêu cầu sự cứng rắn của Chính phủ Việt Nam, cũng như khát khao đồng minh với Mỹ nhằm bảo vệ toàn vẹn, lâu dài chủ quyền quốc gia Việt Nam.

N.H.

VNTB gửi BVN 

This entry was posted in Âm mưu Tàu Cộng. Bookmark the permalink.