Một bản lĩnh trí thức nữa vừa ra đi

Tương Lai

 

Thế là một người anh lớn đáng kính và vô vàn yêu quý của tôi đã ra đi. Dường như tôi đã linh cảm được điều này cách nay mấy tuần khi qua điện thoại anh nói với giọng trầm buồn, ngắt quãng “Hoàng Tuỵ bệnh nặng lắm. Biết thế mà chịu không đến thăm được. Cũng đến cõi cả rồi.

Tôi đã viết về anh trong bài khóc tiễn đưa giáo sư Hoàng Tuỵ Càng xốn xang hơn khi quãng mấy năm gần đây giáo sư Đào Xuân Sâm hay gọi điện thoại cho tôi để yêu cầu tôi cung cấp tin tức để rồi cùng anh đưa ra những phân tích nhận định. Vị lão tướng ấy, người thay mặt cho tất cả chúng tôi hứa với thủ tướng Võ Văn Kiệt tại buổi chia tay với ông trong ngôi nhà quen thuộc – số 6 đuờng Chùa Một Cột sau khi ông Sáu Dân rời khỏi mọi chức vụ – nay chỉ nghe chứ không thể đọc được nữa, đôi mắt của ông đã hỏng vì gặp sự cố sau khi mổ. Ông gọi cho tôi là do thế. Lúc thì mười lăm, hai mươi phút, lúc thì hơn nửa giờ: “tớ chịu chết không thể đọc gì được về những “mênh mông thế sự” và “tin đáng đọc” cậu gửi hàng tuần, may ra đôi lần có cháu nó đến thì nhờ nó đọc cho, nhưng cũng năm thì mười hoạ thôi, đành phải gọi để nghe thôi vậy”.

Giọng của anh vẫn trầm ấm, khúc chiết như dạo nào trong những buổi làm việc ở Hà Nội, ở Sài Gòn hoặc khu nghỉ dưỡng Bình Châu với ông Sáu Dân. Tôi vẫn còn nhớ lời ông Sáu Dân dặn tôi sau buổi làm việc tại khu nghỉ dưỡng Bình Châu mà ông có nhã ý mời ba chúng tôi, anh Đào Xuân Sâm, anh Nguyễn Trung và tôi cùng đi sau mấy ngày làm việc ở 16 Tú Xương, tpHCM: “Anh phải cố thúc anh Đào Xuân Sâm viết lại thật rành mạch và đầy đủ những ý kiến của anh ấy trong hai buổi trao đổi vừa rồi, tôi thấy anh có ghi âm phải không, nều cần, anh chuyển cho anh ấy nghe lại để anh bổ sung, hoàn chỉnh thêm. Tôi rất cần đọc kỹ những điều anh Sâm đã nói, tôi nghĩ nhiều anh em khác cũng nên đọc”.

Tôi hiểu Võ Văn Kiệt rất trân trọng trí tuệ và bản lĩnh của Đào Xuân Sâm mà có lần Việt Phương đã nói với ông “Trong chúng tôi, Đào Xuân Sâm là người ít nói, ít muốn xuất hiện, nhưng là một trí thức có sự dày dạn của trải nghiệm về nghiên cứu lý luận kinh tế và thực tiễn đời sống”, ông Sáu Dân đáp lại “Tôi cũng hiểu như vậy”. Qua Việt Phương, những điều anh nói về Đào Xuân Sâm với tôi, sự kính trọng và lòng yêu mến anh càng sâu sắc thêm, nồng thắm thêm trong lòng tôi.

Với phong cách của một người thầy giáo dạy ở trường Nguyễn Ái Quốc nhiều năm, trước đó anh dạy ở Trường Sĩ quan Lục quân Việt Nam sau những năm phục vụ trong quân đội, anh Sâm có lối trình bày từ tốn, mạch lạc những vấn đề khá phức tạp và rất cập nhật. Mãi cho đến những năm gần đây, tuy sức yếu, mắt mờ, anh vẫn đến với anh em IDS và nhóm 23 tôi đã viết trong bài Mênh mông thế sự để gió cuốn đi số 73. Tại những buổi sinh hoạt của Viện VIDS, vẫn phong cách ấy, anh trình bày những điều nung nấu về thế nước từ những kinh nghiệm sống của một chiến sĩ dấn thân vào Cách mạng Tháng 8, qua kháng chiến 9 năm chống thực dân Pháp và những trải nghiệm của một bản lĩnh trí thức thẳng thắn và can trường góp phần không nhỏ trong cuộc đấu tranh dai dẳng giữa bảo thủ giáo điều với đổi mới và phát triển. Với bản lĩnh và trí tuệ của một trí thức trung thực hiểu rõ sứ mệnh của mình, Đào Xuân Sâm đã để dấu ấn của cá nhân mình trong cuộc đấu tranh dai dẳng ấy “Hết tiến lại lùi, siết rồi lại thả. Loay hoay, chập chờn lắm chứ không xuôi chèo mát mái đâu” như Đào Xuân Sâm đã nhiều lần tâm sự để động viên tôi, lớp đàn em của anh.

Nhưng rồi cũng chính anh đã viết “Nhiều người thường hỏi: Tác giả của Đổi Mới là ai? Trên thực tế không có cá nhân duy nhất nào là tác giả. Cuộc Đổi Mới xuất hiện và phát triển từ tính năng động xã hội, trong đó từng lúc nổi bật lên những con người, những địa phương, những đơn vị có vai trò nhân tố mới, được tổng kết và nâng lên thành chính sách mới. Có thể nói sức sống, tiềm lực của cuộc Đổi Mới nằm ngay trong truyền thống văn hoá và tính năng động xã hội”. Câu ấy anh viết ở trang 320 của cuốn sách “Viết theo dòng Đổi Mới tư duy kinh tế” xuất bản vào tháng 3 năm 2000 mà anh đã ký tặng tôi ngày 8.5.2000. Khi trao sách cho tôi, anh động viên người kém anh đến chục tuổi: “Trong này có ý của cậu. Cuốn “Xã hội học và những vấn đề của sự biến đổi xã hội” cậu tặng mình có góp phần vào những bài viết trong cuốn sách này đấy”. Tôi thật sự cảm kích với lời anh muốn động viên tôi, bậc đàn em của anh.

Con người vẫn là cái trục trung tâm quy chiếu mọi giá trị của những tiến bộ về kinh tế, chính trị, xã hội, văn hoá. Con người phải là mục tiêu của sự phát triển, đồng thời cũng chính là động lực của sự phát triển ấy. Trên quan điểm đó mà nhận diện những chuyển biến kinh tế, xã hội trong công cuộc Đổi Mới ở Việt Nam những năm qua, tước bỏ bớt những chi tiết, mà chỉ tập trung vào trình bày về tính năng động xã hội đã được khởi động và đang phát triển mạnh mẽ”, anh Sâm cho biết là anh chú ý đến chủ đề này, điểm hội tụ của những ý tưởng trình bày trong cuốn sách của tôi xuất bản năm 1997 mà tôi đã tặng anh.

Những dòng trích dẫn trên là trong Tham luận tại Hội thảo Quốc tế kỷ niệm 25 năm thành lập Viện Nghiên cứu Đông Nam Á của Singapore (Institute of Southeast Asian Studies. ISEAS) tổ chức ngày 30-31/8/1993 tại Singapore (tr. 37). Mà là đọc tại Singapore nên tôi nhắc lại ý của Lý Quang Diệu trả lời câu hỏi của tạp chí Le Monde tháng 6.1993 “Có chăng một mô hình châu Á về phát triển”, ông Lý đã nói: “Không”… Ông Lý chưa giải thích về câu trả lời không, tôi sẽ mạo muội giải thích theo ý riêng tôi về điều đó, đồng thời cũng chia sẻ với ông Lý về truyền thống văn hoá của xã hội phương Đông tạo nên mô hình phát triển đặc thù của Việt Nam chúng tôi. Trên cơ sở đó mà kiến giải về tính năng động xã hội đang được khởi động và đẩy tới trên đất nước tôi hiện nay”.(tr.43) Biết anh Sâm trăn trở nhiều về mô hình phát triển mà anh đã để tâm nghiên cứu, tìm tòi suy nghĩ từ rất lâu, tôi chuyển cho anh bài viết của anh Trần Đình Hượu về chủ đề “Hiện đại và Truyền thống” với những kiến giải rất uyên bác về văn hoá Phương Đông và sự du nhập Học thuyết Mác vào Việt Nam với những hệ luỵ tích cực và tiêu cực của nó. Đây cũng là những điều tôi học được ở người học giả đáng kính và là bạn chí thiết của tôi đã được vận dụng vào trong những bài viết của mình. Nhắc lại những chuyện này, tôi muốn nói lên mối quan hệ gắn bó giữa tôi và anh Đào Xuân Sâm, người bạn vong niên mà tôi rất mực yêu mến và thường xuyên trao đổi để học hỏi và bổ sung cho những lỗ hổng về tri thức lý luận cũng như trải nghiệm thực tiễn của mình.

Học ở Đào Xuân Sâm, trước hết là học về bản lĩnh của người trí thức dám thẳng thắn nói ra những điều mình cho là đúng, không kiêng dè lựa chiều sao cho kín cạnh để khỏi phải gánh lấy tai hoạ. Xin dẫn ra một phát biểu của Đào Xuân Sâm trong cuộc họp với các chuyên gia do ông Đỗ Mười chủ trì nhằm tháo gỡ khó khăn vào buổi ấy: “Đúng là doanh nghiệp quốc doanh gặp khó khăn, nhưng 60 triệu người dân được lợi, đang rất phấn khởi. Lãi suất tiết kiệm tăng tới 12%, người dân đổ xô đi gửi, tiền thu về, người dân có lãi. Hàng hóa không phân theo kế hoạch, người có con nhỏ mua được thịt, nhà có vợ đẻ mua được gạo ngon… Rồi ông ấy hỏi thẳng ông Đỗ Mười: “Anh là Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng của 60 triệu dân hay là Thủ tướng của các doanh nghiệp quốc doanh?”. Đây là lời của Nguyễn Văn Nam kể lại với tôi trong chuyến tôi mời anh cùng đi với tôi dọc ba tỉnh biên giới từ Lạng Sơn lên Cao Bằng trong chuyến khảo sát xã hội học về “Tổ chức chính trị tại cơ sở”, một đề tài nghiên cứu độc lập Thủ tướng Phan Văn Khải giao cho tôi thực hiện, tách khỏi đề tài cấp Nhà nước do Đỗ Hoài Nam phụ trách mà tôi từ chối tham gia.

Nguyễn Văn Nam là Thư ký của ông Đỗ Mười những năm 1996-1997 đồng thời là thành viên của Ban Nghiên cứu của Thủ tướng nên chúng tôi thân nhau. Rong ruổi trên dọc tuyến đường biên giới, Nam kể cho tôi nghe những bước trắc trở gập ghềnh của Đổi Mới và nhắc đến bản lĩnh của Đào Xuân Sâm với giọng Nghệ An đặc sệt: “Hồi ấy, chủ đề nóng bỏng vẫn là cứ giữ giá kế hoạch hay chuyển tất cả sang giá thị trường. Ý kiến rất nặng đồng cân nhưng cũng rất “phạm huý” là ý kiến ông Đào Xuân Sâm:Mọi khó khăn không phải do thị trường mà do lối tư duy duy ý chí”. Nam kể “Quãng tháng 8/1989, nhóm chuyên gia chúng tớ nhận được yêu cầu họp với Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Đỗ Mười. Rỉ tai nhau, chúng tớ biết chuyến này gay go đây nhưng không thể quay lại con đường bao cấp cũ được. Có thể nói gần như đều cùng chung một ý ấy, cho dù biết là ông Đỗ Mười rất trăn trở vì cái tin loang ra rất nhanh trong nhiều người đang thống lĩnh trên trận địa kinh tế quốc doanh tác động đến nhiều “ông kễnh”:“Mất chủ nghĩa xã hội đến nơi rồi”.

Ông Đào Xuân Sâm nói với anh em “Để tớ phát biểu, dù sao cũng là người đã cao tuổi, sắp về hưu rồi có bị kỷ luật cũng không sao”. Pha mở màn ấy có tác dụng khá mạnh. Tiếp đó, trong một hội thảo do Ban Bí thư tổ chức tháng 3/1986, ông ấy nói thẳng băng về kinh doanh xã hội chủ nghĩa và quyền tự chủ của người kinh doanh và khẳng định không chút úp mở: “muốn kinh doanh phải khai mở thị trường, còn không vẫn là bao cấp, giả tạo. Các thành phần tham gia thị trường đều bình đẳng trước pháp luật, không thể nói quốc doanh là chủ nghĩa xã hội còn tư nhân là tư sản mại bản”. Bài tham luận có giá trị khai mở tư duy về kinh tế nhiều thành phần ấy của Đào Xuân Sâm được báo Nhân Dân đăng ba kỳ liên tiếp trên mục Diễn đàn kinh tế. Có người cho rằng đây là một “quả bom”. Nhưng rồi bài báo bị cấm, tòa soạn bị kiểm điểm. Tiếp đó, hàng loạt “cây lý luận” sành chiêu ăn theo, nói leo xông vào đánh đòn hội chợ nhằm lên án quan điểm của Đào Xuân Sâm. Thì trò đời vẫn thế, những “cây lý luận” kiểu này thường xuất hiện trong những trường hợp quen thuộc ấy khác nào nấm dại mọc sau cơn mưa, như “cây lý luận” được Nguyễn Phú Trọng rất quan tâm mà tôi đã có dịp nói về câu chuyện “ngưu tầm ngưu, mã tầm mã” của những kẻ “cùng hội cùng thuyền” trong bài vừa viết tuần trước, là một ví dụ.

Nhân nói đến cụ Đỗ Mười xin gợi lại một “cây lý luận” khác rất ăn khách hiện nay, đang đi rao giảng trong Nam ngoài Bắc về “chủ nghĩa Mác Lê” và “Học tập tư tưởng Hồ Chí Minh”, nhân vật mà một dạo ông Đỗ Mười nghe theo phản ánh của cấp dưới đã cho anh ta “đi thực tế” ở mấy tỉnh đồng bằng Sông Hồng. Khốn nỗi, “đi thực tế” thì liền theo đó anh ta lại không thể thực hiện được chuyện nghiệm thu đề tài cấp nhà nước mà anh ta phụ trách. Điều đó ảnh hưởng đến khoản tiền không nhỏ mà anh ta sẽ được nhận. Rồi chẳng hiểu quả đất tròn làm sao ấy, nể anh Phạm Như Cương là thủ trưởng cũ – người tôi kính trọng – tôi phải ngồi vào ghế Hội đồng Nghiệm thu đề tài của anh ta: “Mình biết cậu không thích gì hắn, nhưng hắn đã vật nài mình giúp hắn ngồi ghế Chủ tịch Hội đồng Nghiệm thu đề tài vì hắn đang quá khó khăn. Mình nghĩ đến cậu vì đề tài này không có xã hội học trong Hội đồng thì không thể nghiệm thu được, mời cậu, vì mình biết tính cậu không nỡ từ chối”. Tôi nói thẳng với anh Cương: “Với một điều kiện là hắn phải rút lại bài viết phê phán Đào Xuân Sâm mà tôi nghe nói hắn đã xúm vào đánh hội đồng vừa rồi”. Anh Phạm Như Cương cố gắng thanh minh cho hắn nên rồi tôi cũng chẳng mất thì giờ tranh cãi làm gì vì anh Cương đã phải hạ một câu: “Thôi, đã thương thì thương cho trót”.

Sau đó, có dịp tôi nói với ông Đỗ Mười: “Anh kỷ luật tay này về tội danh xét lại là oan cho hắn đấy. Đúng hơn, hắn chính cống giáo điều nên mới theo đà vụ báo Nhân Dân phải kiểm điểm vì đăng bài của Đào Xuân Sâm để nghe đâu đã xúm vào đánh hội đồng”. Ông Đỗ Mười chỉ buông một tiếng “Cái thằng”!

Tôi đã nói lại chuyện này với anh Đào Xuân Sâm. Anh cười mà rằng, “Hạng người như hắn thì nhan nhản ra đấy, lúc bấy giờ còn có người, mà là thuộc hàng lãnh đạo cấp cao cơ đấy, còn nói về mình “Tay này nã trọng pháo vào bộ tổng”, chứ loại ăn theo nói leo như hắn thì ăn nhằm gì. Hài hước hơn là câu chuyện ngớ ngẩn của ông kễnh nọ còn viết trên báo Nhân dân về hộp đen, hộp đỏ và xếp những người có tư duy đổi mới vào hộp đen, rồi theo đóm ăn tàn, một loạt bài của nhiều cây bút lý luận, trong đó có anh mình đã nhẵn mặt tại Học viện, xúm vào chửi góp khiến nhà toán học Phan Đình Diệu phải lên tiếng bác bỏ thẳng thừng về sự dốt nát quá thể như vậy”. Anh còn nói thêm: Nhất là khi ông P.A.Paskar Tổng cố vấn Liên Xô đã phản ứng gay gắt về bài viết của mình với các lãnh đạo cấp cao Việt Nam. Tin rằng mình đúng, và cuộc sống sẽ biện hộ cho mình nên mình chỉ cười, im lặng chờ đợi”.

Cuộc “chờ đợi” ấy không lâu. Tại Hội nghị Trung ương Khoá 6 vào tháng 7 năm 1984, ông Trường Chinh đã ghi dấu ấn về đổi mới tư duy để tạo ra một bước ngoặt khi khẳng định rằng: “Chế độ bao cấp trong những năm qua làm cho bức tranh kinh tế của chúng ta trở thành giả tạo. Nay phải tiến hành hạch toán kinh doanh thật sự… Dù muốn hay không, cũng phải thừa nhận sự tồn tại khách quan của giá thị trường, đó là giá thực tế mà cả xã hội đang phải sống hàng ngày với nó, việc mua bán, trao đổi dù theo cách nào, bất cứ ở đâu cũng đều đang lấy nó làm chuẩn để đo lường và so sánh”.

Bất giác, một ý nghĩ thoáng gợn trong óc tôi, những trăn trở, dằn vặt của bao con người thầm lặng suy nghĩ tìm đường thoát ra khỏi sự trói buộc vô lý của những giáo điều mốc meo đang bóp chết sức sống của một dân tộc, đã góp phần buộc những người gánh trọng trách còn giữ được lương tri lương năng phải thay đổi. Một trong những người thầm lặng ấy là Đào Xuân Sâm.

Thật ra, trước đó, nhờ được tham gia vào tổ nghiên cứu lý luận do anh Hoàng Tùng làm tổ trưởng sinh hoạt thường kỳ hàng tuần dưới sự chủ trì của Tổng Bí Thư Lê Duẩn để thảo luận những vấn đề do ông đặt ra, cộng với những điều anh Việt Phương trao cho tôi đọc những gợi ý của Lê Duẩn, tôi hiểu được quan điểm Đổi Mới đã được ông Duẩn đưa ra từ rất sớm. Điều này tôi đã có dịp viết trong tiểu luận “Chân lý là cụ thể” năm 2005 nay in thành sách vào tháng 7.2019. Anh Đào Xuân Sâm đã nhiều lần thúc giục tôi phải cố chỉnh sửa và cho in thành sách tập “Tiểu luận” tôi đã gửi anh đọc cách nay đã hơn mười mấy năm ấy, xin không nhắc ở đây. Chỉ buồn là tôi không kịp gửi đến anh cuốn sách nhỏ của tôi mà ở đấy, tôi đã ghi lại nhiều ý tưởng của anh và anh Việt Phương, nay đều đã là người thiên cổ.

Nhưng anh Sâm ơi, anh giã biệt cuộc đời nhiễu nhương mà vẫn biết bao vấn vương nặng trĩu trong lòng một lão tướng dấn thân nay đã vào tuổi 94, mới tuần trước đây còn tâm sự với tôi qua điện thoại. Hôm ấy, khi kết thúc cuộc nói chuyện, anh còn hỏi thăm sức khoẻ vợ tôi, hỏi thăm chị tôi với lời chúc mừng chân thành: “Bà Toản thế là đại phúc khi có con gái dám dành thời gian đi tìm tư liệu để viết về người cha, một vị tướng chiến lược có mặt trên những chiến trưòng ác liệt nhất với bản lĩnh, tài năng và một nhân cách trí thức mà tôi từng biết và rất mến phục”. Sự chân tình trong phẩm tính nhân ái và trung thực mà anh đã dành cho cuộc đời, nay anh ra đi nhưng tấm lòng son sắt của anh tôi đã tìm thấy trong những tác phẩm tâm huyết anh để lại.

Trong cuốn sách anh tặng, tôi đọc thấy những dòng tâm huyết ấy: “Khi sức lao động không còn là hàng hoá (trong biên chế và trong tập thể) thì nó đã không trở thành cái gì đó cao hơn sức lao động là hàng hoá. Hơn nữa, còn thấp hơn về giá trị sử dụng, về năng suất và hiệu quả, về tính tự lực và quyền tự chủ của con người, do đó cả về tính năng động sáng tạo của họ. Một dạng bất công mới đã nảy sinh: một bên là những người nắm quyền xét duyệt, thu mua, cấp phát kể từ cấp thấp nhất; và một bên là những người không có quyền đó. Hậu quả cuối cùng là khuyến khích tìm đặc quyền đặc lợi, chí ít là tìm chỗ dựa dẫm, ỷ lại “giành một suất tối thiểu” dù không cần lao động, để đảm bảo suất ăn chia tối thiểu và không lo thất nghiệp. Đó là nguồn gốc sâu xa nhất của nghịch cảnh: Lao động quốc doanh tập thể thua tư nhân, cá thể, thực clip_image004chất là lao động được và bị xã hội hoá trực tiếp, thua lao động của người sản xuất hàng hoá nhỏ và lao động làm thuê, kể cả về năng suất, hiệu quả, tính năng động sáng tạo. Và do đó, cũng thua cả về trả công sao cho đủ tái sản xuất sức lao động…” (tr.307).

Từ sự phân tích thấu đáo và cặn kẽ như vậy, Đào Xuân Sâm đưa ra một khẳng định rất đơn giản nhưng lại rất chát chúa giáng vào đầu óc của những kẻ đang toạ hưởng những “ân huệ” bất chính của cơ chế tập trung bao cấp: “…nói nôm na là được thuê và trả công theo nguyên tắc pháp quyền tư sản. Nguyên tắc pháp quyền tư sản như vậy trong quan hệ lao động là nguyên tắc phù hợp với quy luật kinh tế, đồng thời mang tinh thần dân chủ đặt trong điều kiện lịch sử cụ thể hiện nay” (tr. 310).

Trong cuộc “điện đàm” cuối cùng với tôi, nhân nói đến cuộc tranh quyền đoạt vị của “mạt kỳ triều đại Nguyễn Phú Trọng” với những toan tính trong bóng tối về những ngôi vị mới, với giọng buồn buồn trong âm hưởng cay đắng, anh Sâm nói về cơ chế toàn trị phản dân chủ trong việc sắp xếp ghế theo toan tính của Trọng và phe nhóm, khiến tôi nghĩ đến cái “hậu quả cuối cùng là khuyến khích tìm đặc quyền đặc lợi, chí ít là tìm chỗ dựa dẫm, ỷ lại giành một suất tối thiểu” mà anh đã phân tích cách nay đã mấy thập kỷ. Chỉ khác một điều là, “cái suất tối thiểu” mà chúng thi nhau “ngoạm một miếng rồi chuồn” như lời Lênin cảnh báo năm 1918, thì nay “khủng” hơn nhiều so với thuở kinh tế thị trường mới manh nha! “Khủng” hơn, vì phải nhằm làm sao để đủ cho con cháu du học và mua biệt thự ở Mỹ, ở Úc hay ở Canada như Võ Kim Cự. (Tay này từng sóng đôi với Trọng và dưới cái ô của “tổng chủ” đã ấm chỗ sau khi chia tay với người đỡ đầu cùng một “vận mệnh tương quan” với Formosa mà Trọng đã đến trấn an trước làn sóng phẫn nộ của ngư dân Hà Tĩnh dâng lên, cuốn theo lớp lớp sóng triều giận dữ của nhân dân cả nước lên án bọn cam tâm dọn đường cho lũ xâm lược).

Cũng trong cuộc “điện đàm” cuối cùng ấy, tôi lặng người trong giọng trầm lắng thấm đẫm nỗi ưu tư về vận nước của anh: “Chúng nó làm cho đất nước toanh hoanh thế này mà mình giờ thì bó tay rồi, chết không nhắm được mắt đây TL ơi”. Tôi những muốn nói rằng, Anh Sâm ơi, chính tôi đang không kìm được nước mắt đây”!

Và đúng vậy, một linh cảm về một cái gì đang đến, đến rất gần của nỗi đau nghiệt ngã không thể nào tránh được. Sau Phan Đình Diệu, Việt Phương, đến Hoàng Tuỵ và nay Đào Xuân Sâm, những người đáng sống nhất cho cuộc đời cần những trí tuệ uyên bác với bản lĩnh của người trí thức đích thực để làm quang quẻ bớt đi, xua bớt đi những rác rưởi đang ngập tràn như Phạm Văn Đồng đã nói với Hoàng Tuỵ: “Căn nhà của chúng ta quá nhiều rác rưởi dơ bẩn, phải quét sạch đi thì sự nghiệp cách mạng mới có thể thành công”. Rồi chính Đào Xuân Sâm đã nhắc lại ý của Hoàng Tuỵ “Từ đó đến nay, rác rưởi chỉ tăng lên, ngập dần cả những tầng cao. Thật chua xót. Đã qua hơn một phần ba thế kỷ từ ngày thống nhất đất nước mà trước mắt vẫn còn đó các vấn đề hệ trọng sống còn, với những khó khăn, thách thức có phần, có mặt phức tạp gay gắt hơn. Tôi tự an ủi rằng, cũng chính bằng sự linh cảm ấy mà trong bài viết vừa rồi tôi đã cố tìm cho ra tấm hình của anh để kịp đưa lên cho bằng được.

Anh Đào Xuân Sâm ơi, cũng như anh, chúng tôi đã từng “im lặng chờ đợi”, cũng đã từng vật vã trong ngẫm suy về thế nước chông chênh mà chúng nó thì đang giằng xé nhau vì những toan tính trong tình thế “đắm đò giặt mẹt”. Và cũng như anh, chúng tôi cũng đang theo gương các anh để giữ cho được nhân cách và hành động của một người trí thức dấn thân vì nghĩa lớn.

Không ra Hà Nội để tiễn đưa anh về nơi an nghỉ cuối cùng được, tôi đau nỗi đau tiễn biệt với nỗi niềm thương nhớ anh khôn nguôi

Anh chẳng ở dẫu van chẳng ở,

Tôi tuy thương lấy nhớ làm thương.

Tuổi già hạt lệ như sương”.

Anh Sâm ơi, đấy là câu anh đã mượn lời nhà thơ Nguyễn Khuyến để khóc Việt Phương khi anh chia sẻ với tôi về sự ra đi của anh ấy! Nay tôi nhắc lại để khóc anh.

Sài Gòn 22g ngày 2.8.2019

T. L.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in Hoàng Tụy. Bookmark the permalink.