Kiện Trung Quốc: Bây giờ hoặc không bao giờ!

Tâm Don

Vào năm 2013, Philipiness đã kiện Trung Quốc ra Tòa Thường trực Quốc tế ở Hà Lan (PCA). Vào năm 2014, Việt Nam cũng đã có động thái kiện Trung Quốc ra PCA để bảo vệ chủ quyền biến đảo của mình. Nhưng tất cả chỉ vẫn là động thái, mặc dù vào năm 2016, PCA đã ra phán quyết xác định Đường lưỡi bò – Đường chín đoạn mà Trung Quốc tự ý vẽ ra là phi lý và bất hợp pháp. Trung Quốc đang ngang ngược xâm phạm chủ quyền của Việt Nam ở bãi Tư Chính và lô 06.01, tại sao Việt Nam chỉ phản ứng yếu ớt và không kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế?

Tòa Thường trực Quốc tế ở The Hague – Hà Lan.

Trước việc Trung Quốc ngày càng thể hiện sự ngang ngược và tham lam đối với Biển Đông, Philipiness đã nhanh chóng kiện Trung Quốc ra Tòa Thường trực Quốc tế ở Hà Lan (PCA). Vào tháng 6-2016, tòa này đã đưa ra phán quyết cực kỳ quan trọng: Đường lưỡi bò hay còn gọi là Đường chín đoạn mà Trung Quốc đưa ra là một đòi hỏi hoàn toàn vô lý và ngang ngược. Dù phán quyết của tòa này không có chế tài, nhưng nó là cơ sở khoa học và pháp lý buộc hai bên Trung Quốc và Philipiess tuân thủ. Sau phán quyết của PCA, Trung Quốc tuy lớn tiếng phủ nhận nhưng ngay lập tức sự hung hăng và ngang ngược đã giảm xuống rất nhiều lần.

Kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế để bảo vệ chủ quyền lãnh hải là một phương án đã được Việt Nam tính tới. “Việt Nam đã nhiều lần khẳng định sẽ sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền, quyền chủ quyền, quyền tài phán của mình. Biện pháp pháp lý là biện pháp hòa bình và văn minh được Hiến chương của Liên Hiệp Quốc (LHQ) ủng hộ. Vì vậy, Việt Nam không loại trừ các biện pháp pháp lý và Việt Nam sẽ cân nhắc kỹ lưỡng thời điểm thích hợp để khởi kiện Trung Quốc” – Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hải Bình khẳng định tại cuộc họp báo thường kỳ chiều 3-7-2014 ở Hà Nội, dẫn theo báo Người Lao Động. Cũng đã có nhiều ý kiến tại Việt Nam kêu gọi Chính phủ Việt Nam nên quốc tế hóa việc giải quyết yêu cầu chủ quyền tại Biển Đông.

Năm năm sau, vào tháng 6 và tháng 7-2019, tàu thăm dò địa chất Haiyang Dizhi 8 và tàu cảnh sát biển Trung Quốc lại ngang ngược xâm phạm và khiêu khích chủ quyền lãnh hải của Việt Nam tại bãi Tư Chính và lô 06.01. Phản ứng của phía Việt Nam thật rụt rè và yếu ớt. Mãi đến ngày 17-7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao chỉ dám gọi tàu “của nước ngoài” xâm phạm lãnh hải Việt Nam mà không kèm theo thông tin chi tiết nào. Sau đó vào ngày 19-7, có lẽ trước áp lực quá mạnh của mạng xã hội, Bộ Ngoại giao đã chỉ đích danh tàu của Trung Quốc với những thông tin chi tiết hơn, và lời phản đối mạnh mẽ hơn.

Cần phải đặt ra câu hỏi: sự phản đối khá mạnh mẽ liệu có thực chất và giải pháp tiếp theo của Việt Nam là gì? Tại sao vào tháng 7-2017, Việt Nam chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc trong việc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án Cá Rồng Đỏ tại lô 136.03, đồng thời im lặng về vụ việc cay đắng này? Tại sao tiếp đó, vào tháng 3-2018, Việt Nam lại chấp nhận yêu cầu của Trung Quốc yêu cầu hãng Repsol hủy dự án tại lô 07.03, đồng thời tiếp tục im lặng về vụ việc cay đắng này?

Việc Việt Nam chấp nhận hai yêu cầu của Trung Quốc đối với lô 136.03 và lô 07.03 có thể làm Việt Nam mất chủ quyền đối với hai lô này, và qua đó sẽ mất chủ quyền đối với nhiều lô dầu khí khác. Việt Nam có 67 lô dầu khí nằm lọt thỏm trong đường lưỡi bò mà Trung Quốc ngang ngược nêu ra. Nếu Việt Nam cay đắng chấp nhận mất hai lô, Việt Nam có thể mất thêm nhiều lô khác trước những đòi hỏi ngày càng mang tính cơ bắp và trắng trợn của Trung Quốc.

Nếu liên kết việc Repsol phải hủy hai dự án vào năm 2017 và 2018 với phản ứng của Bộ Ngoại giao Việt Nam vào ngày 20-7 vừa qua, có thể đi đến khẳng định rằng, Bộ Ngoại giao Việt Nam chỉ phản ứng chiếu lệ, và Việt Nam chưa có chiến lược rạch ròi, thông suốt để bảo vệ chủ quyền của mình ở Biển Đông.

Trong bài viết “Không chấp nhận thông điệp ‘cơ bắp’ của Trung Quốc” được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23-7, giáo sư- TS James Kraska của Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) cũng xác định Bộ Ngoại giao Việt Nam “vốn có xu hướng ôn hòa trong các bất đồng cùng người hàng xóm khổng lồ này”.

Từ năm 2014 đến năm 2019 là một khoảng thời gian không dài nhưng cũng không ngắn. Trong khoảng thời gian đó, Philipiness đã đạt được điều mình cần từ tòa quốc tế. Nhưng 5 năm sau lời tuyên bố của ông Lê Hải Bình, Việt Nam vẫn chưa tỏ rõ động thái để kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế.

Trong bài viết “Không chấp nhận thông điệp ‘cơ bắp’ của Trung Quốc” được đăng tải trên Tuổi Trẻ online vào trưa ngày 23-7, giáo sư- TS James Kraska của Trung tâm luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) , một người Mỹ xa lạ, đã chỉ đường cho Việt Nam: “Điều thứ hai Việt Nam và các nước có thể làm là quốc tế hóa tranh chấp, để soi rọi vào hành vi của Trung Quốc, thông qua việc kiện Trung Quốc ra một tòa trọng tài có khả năng cưỡng chế, đồng thời cổ vũ các nước bên ngoài khu vực tham gia vào vấn đề này”.

Chính giới Mỹ cũng đã lên tiếng ủng hộ Việt Nam và phản đối hành vi ngang ngược của Trung Quốc ở bãi Tư Chính. Vào ngày 26-7, Hạ nghị sĩ Eliot L.Engel, chủ tịch Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ, đã ra tuyên bố về sự can thiệp của Trung Quốc vào vùng biển do Việt Nam kiểm soát và nhận định đó là “sự hung hăng”. Tuyên bố đăng trên trang chính thức của ông Engel cho rằng: “Sự hung hăng gần đây của Trung Quốc ở Biển Đông là một minh chứng đáng lo ngại về việc một quốc gia công khai bỏ qua luật pháp quốc tế”.  Hạ nghị sĩ Engel cho rằng cách hành xử của Bắc Kinh cũng đe dọa lợi ích của các công ty Mỹ đang hoạt động tại khu vực: “Theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, các hành động của Trung Quốc là một sự vi phạm chủ quyền của Việt Nam và các quyền hợp pháp của quốc gia này trong Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ)” .

Nếu Việt Nam không nhanh chóng kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế, Việt Nam đã vô tình tiếp tay cho các vi phạm ngày càng nghiêm trọng của Trung Quốc trong vấn đề Biển Đông.

T.Đ.

VNTB gửi BVN.

This entry was posted in Kiện Trung Quốc. Bookmark the permalink.