Ông Vũ Mão, người có 20 năm là Ủy viên Thường vụ Quốc hội, nói rằng đến dự án này có hai sự đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của Quốc hội: Bộ Chính trị (1) không quyết trước mà để Quốc hội thảo luận, quyết định; và (2) không có chỉ đạo nào về mặt đảng với các đảng viên trong Quốc hội là phải thông qua dự án mà Chính phủ trình ngay cả khi thăm dò ý kiến cho thấy tỉ lệ ủng hộ quá bán rất mong manh. Cái “hai không” mới mẻ này đã khiến cho “các đại biểu thoải mái nói lên suy nghĩ của mình và cuối cùng Quốc hội nói không với dự án Đường sắt cao tốc”.
Cảm ơn ông Vũ Mão. Ông đã nói toạc ra một sự thật ai cũng biết: Bộ Chính trị là một thế lực bao trùm lên Quốc hội, mà về mặt pháp lý được xác định là cơ quan quyền lực tối cao, đại diện cho nguyện vọng của người dân. Người ta hiểu ngay tại sao trước đây khi bàn đến vấn đề nhập Hà Tây vào Hà Nội, khi thăm dò ý kiến của đại biểu Quốc hội thì tỷ lệ tán thành không quá bán nhưng khi bấm nút chính thức thì lại rất cao, trên 90%. Té ra là có sự “chỉ đạo về mặt đảng”.
Nhưng người dân vẫn không hết lo: Nhỡ vào một ngày đẹp trời nào đó, Bộ Chính trị không thích trò chơi dân chủ nữa, hoặc thấy trò chơi này hóa ra bất tiện quá, bèn quay về kiểu cũ, “hai có”, chứ không “hai không”. Thì sao? Thì Quốc hội đành chịu chứ sao! Cơ quan quyền lực tối cao về mặt pháp lý đành bó tay trước cơ quan quyền lực tối cao về mặt thực tế! Dân chủ đành khép nép trước Đảng trị!
Thật ra, ngay cả Quốc hội nữa có phải là cơ quan dân cử đâu! Chẳng thế mà từ lâu đã phổ biến cái khẩu hiệu Đảng cử dân bầu. Cho đến nay, trên thực tế, không có chuyện tự ứng cử đúng nghĩa. Tất cả các ứng cử viên đều phải được cơ quan Đảng duyệt xét cẩn thận. Và thường thấy những chuyện tréo cẳng ngỗng như ông X thường trú tại tỉnh Y, lại được “Trung ương” giới thiệu về ứng cử đại biểu Quốc hội cho tỉnh Z.
Cái thể chế chúng ta đang sống là vậy. Xã hội chúng ta đang làm trò xiếc với ngôn ngữ. Chúng ta nấp sau ngôn từ, lấy ngôn từ để che đậy. Kẻ mạnh che đậy vũ khí tấn công, người yếu che đậy mạng sống. Trong hoàn cảnh ấy, “phản biện” rất có thể là xa lạ và xa xỉ, “Người nói nói trong cái trống không, người nghe tuy có mặt đấy nhưng cũng chỉ nghe có những tiếng vang của cái trống không.[…] Thật ra nói thế mà vẫn hiểu nhau cả. Người cầm quyền thì biết là nhân dân đang rất bất bình về nhiều chuyện, nhân dân thì biết người cầm quyền đang nói dối, nhìn vào thực tiễn là biết ngay họ đang nói dối” (Nguyễn Khải, Đi tìm cái tôi đã mất). Phản biện chỉ thành hiện thực khi người ta dám vứt bỏ mặt nạ, nói thật điều mình nghĩ. Và phản biện chỉ có ích khi người được phản biện dám vứt bỏ thái độ trốn chạy sự thật. Cái dũng cảm công dân ấy phải được thể chế hóa, phải được bảo vệ bằng pháp luật, quy định bởi pháp luật, chứ không phải phụ thuộc vào lòng tốt của bất kỳ ai hay bất kỳ tổ chức nào. Điều đó chỉ có thể thực hiện trong một nền dân chủ pháp trị đích thực.
Anh Hoàng
Những dự án đặc biệt quan trọng như vậy thì không thể trình, duyệt vội vã trong một kỳ họp Quốc hội.
Thay vì quyết định hết và QH chỉ pháp lý hóa, đến dự án này, Bộ Chính trị không quyết trước mà để QH thảo luận, quyết định.
Chiều 19-6, với 37,5% đại biểu Quốc hội (QH) tán thành, 42,2% đại biểu không tán thành, QH đã tuyên bố không thông qua dự án đường sắt cao tốc Hà Nội-TP HCM. Việc QH nói không với siêu dự án gần 56 tỉ USD là biểu hiện bề ngoài của sinh hoạt nghị trường. Nhưng đằng sau cánh gà, biết bao vấn đề đặt ra để suy ngẫm với việc chuẩn bị dự án của Chính phủ, tổ chức thảo luận, biểu quyết của QH và cả vai trò lãnh đạo của Đảng.
Pháp luật TP HCM trao đổi với ông Vũ Mão, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của QH khóa XI, người có 20 năm là Ủy viên Ủy ban Thường vụ QH.
Mừng vì không khí dân chủ…
Phóng viên: QH khóa XII vừa trải qua một kỳ họp sôi động nhất từ trước tới nay. Là người nhiều năm hoạt động QH, cảm nhận của ông thế nào?
+ Ông Vũ Mão: Quy luật là càng cuối khóa, các kỳ họp của QH càng sôi nổi. Những đại biểu mới tham gia lần đầu mạnh dạn hơn, có nhiều kinh nghiệm hoạt động nghị trường hơn. Kỳ họp này lại diễn ra vào lúc đại hội đảng các cấp chuẩn bị cho đại hội toàn quốc nên càng sôi nổi.
Thời sự nhất của kỳ họp này là QH chưa thông qua nghị quyết về chủ trương xây dựng đường sắt cao tốc (ĐSCT). Ở khía cạnh tích cực, việc các đại biểu QH thảo luận thẳng thắn, bộc lộ hết những băn khoăn, suy nghĩ của mình, cuối cùng thể hiện qua biểu quyết, phản ánh những đổi mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng với hoạt động của QH.
Thay vì quyết định hết và QH chỉ pháp lý hóa, đến dự án này, Bộ Chính trị không quyết trước mà để QH thảo luận, quyết định. Ngay cả khi thăm dò ý kiến cho thấy tỷ lệ ủng hộ quá bán 57% rất mong manh cũng không có chỉ đạo nào về mặt đảng với các đảng viên trong QH là phải thông qua dự án mà Chính phủ trình… Kết quả của sinh hoạt dân chủ ấy, các đại biểu thoải mái nói lên suy nghĩ của mình và cuối cùng QH nói không với dự án ĐSCT. Nhưng kết quả đó cũng đem lại nhiều suy tư!
Suy tư vì hao tốn tiền của…
Suy tư là sao, thưa ông?
+ Chính phủ dành bao công sức chuẩn bị một dự án như vậy. Bộ Chính trị thì cũng đã nghe và ít ra đồng ý để Chính phủ trình QH. Quá trình như vậy tốn biết bao tiền của, trí tuệ. Vấn đề là chuẩn bị như vậy đã đầy đủ, chín muồi để trình QH? Thảo luận ở QH thì thấy nhiều ý kiến cho rằng dự án đó chưa thuyết phục, chưa kỹ càng. Và khi thăm dò ý kiến, tỷ lệ ủng hộ rất mong manh. Ở mặt này, tôi nghĩ Bộ Chính trị và cả Chính phủ sẽ còn nhiều suy nghĩ, rút kinh nghiệm.
Còn về phía sinh hoạt QH cũng có những điều phải suy ngẫm. Một dự án lớn như vậy muốn đưa ra nghị trường thảo luận để đi đến một giải pháp hợp lý nào đó thì Chính phủ cũng phải có nghệ thuật về thuyết trình các phương án, còn Ủy ban Thường vụ QH là bên phê duyệt cũng rất cần có nghệ thuật về dẫn dắt thảo luận, tổng hợp.
Đưa ra các nội dung để thăm dò ý kiến, hay các phương án để thông qua nghị quyết mà không khéo léo có thể khiến đại biểu lúng túng. Một số đại biểu có trao đổi với tôi là các nội dung đưa ra thăm dò ý kiến cũng như các phương án trong dự thảo nghị quyết ĐSCT chưa thể hiện hết các dòng chủ lưu của nghị trường. Thế nên mới không quá bán được. Đây là điều đáng suy nghĩ.
Tốt hơn nếu biết phối hợp, trao đổi chân thành
Nghĩa là ông vẫn băn khoăn việc QH không thông qua một nghị quyết nào về ĐSCT?
+ Một việc như vậy có người vui nhưng có người buồn. Tôi thì thấy vui vì không khí dân chủ, cởi mở trong QH nhưng cũng băn khoăn là việc QH không thông qua một văn bản nào thể hiện quan điểm của mình về đầu tư phát triển giao thông, trong đó có đường sắt thì liệu đã phát huy được hết giá trị của dân chủ?
Tôi nghĩ nếu ra được một nghị quyết hợp lý thì vẫn hay hơn là “nói không” tuyệt đối. “Nói không” như vậy dễ bị cho là QH phủ định sạch trơn sự chuẩn bị của Chính phủ.
Có người bình luận rằng khi thăm dò ý kiến cho kết quả quá bán mong manh thì Thường vụ QH nên bàn và đề nghị Chính phủ rút dự án để hoàn chỉnh thêm, trình lại kỳ họp sau?
+ Đấy cũng là một cách. Song đồng ý rút hay không lại là quyền của Chính phủ. Hơn nữa, kinh nghiệm cho thấy Chính phủ có xu hướng đã trình thì không rút mà chờ QH ra nghị quyết chính thức mới tiến hành tiếp thu, chỉnh sửa…
Hợp lý hơn, tôi cho rằng Thường vụ QH và Chính phủ chủ động phối hợp, trao đổi chân thành, tiếp thu ý kiến của đại biểu, của cử tri, nhất là các nhà khoa học. Mục đích là tìm được phương án hợp lý nhất, khả dĩ thuyết phục được đại biểu.
Sẽ là tốt hơn nếu Bộ Chính trị nắm bắt kịp thời tình hình thảo luận, chỉ đạo Chính phủ công phu lắng nghe, trao đổi, tìm phương án hợp lý hơn, khả thi hơn, dễ chấp nhận hơn. Nếu làm được như vậy thì kết quả bỏ phiếu có thể đã khác và thu được một sản phẩm chấp nhận được cho cả đôi bên.
Hai bài học về nôn nóng, vội vã
QH khóa này có hai sự kiện lớn, “nói có” với mở rộng Hà Nội và “nói không” với dự án ĐSCT. Cả hai đều gây nhiều tranh cãi. Ông thấy thế nào?
+ Hai sự kiện phản ánh hai thái cực. Lần mở rộng Hà Nội (kỳ họp thứ ba QH khóa XII vào tháng 5-2008 – NV), thăm dò ý kiến thì tỷ lệ tán thành không quá bán nhưng ra bấm nút chính thức thì lại rất cao, trên 90%. Còn lần này, thăm dò ý kiến chỉ hơn quá bán một chút và ra biểu quyết chính thức thì ủng hộ chỉ có 37%.
Hai sự kiện đó cũng thể hiện những điểm mới trong phương thức lãnh đạo của Đảng.
Vậy còn bài học rút ra?
+ Cả hai sự kiện đều dẫn tới những bài học về tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng, về trách nhiệm chuẩn bị nội dung trình dự án của Chính phủ và cả về quy trình điều hành thảo luận, biểu quyết của Ủy ban Thường vụ QH.
Đối chiếu với kinh nghiệm hoạt động của QH khóa trước, thấy rằng những dự án đặc biệt quan trọng như vậy không thể trình, duyệt vội vã trong một kỳ họp QH. Nhiệm kỳ trước, dự án thủy điện Sơn La mới tầm tầm như vậy mà đã phải công phu thảo luận dân chủ hai kỳ họp mới ra được phương án được đa số đại biểu tán thành. Đằng này, dự án mở rộng Hà Nội và ĐSCT hàng chục tỉ đô la kèm theo cả núi vấn đề phải đặt ra bàn cãi, mà lại cố đưa ra quyết trong một kỳ họp thì quả là nôn nóng quá!
Xin cảm ơn ông.
NN
Phải “bảy lần đo, một lần cắt”
Có thể nói đây là lần đầu tiên trong lịch sử QH đã biểu quyết không tán thành một đề xuất quan trọng của Chính phủ. Việc này thể hiện rõ tinh thần trách nhiệm cao của đại biểu QH vì lợi ích tối cao của đất nước, của dân tộc. Các đại biểu QH đã thể hiện chính kiến của mình chứ không phải thông qua một cách hình thức, chiếu lệ những vấn đề hệ trọng đến quốc kế dân sinh.
Đây cũng sẽ là bài học kinh nghiệm sâu sắc cho những người có trách nhiệm hoạch định chính sách. Đó là đối với những vấn đề hệ trọng đến quốc kế dân sinh thì không thể giản đơn, nóng vội, mà phải cân nhắc điều hơn, lẽ thiệt hết sức thận trọng. Thậm chí phải cân nhắc toàn diện, “bảy lần đo, một lần cắt”. Phải tính đến mọi rủi ro, bất trắc có thể xảy ra và tuyệt đối không phiêu lưu, mạo hiểm, thoát ly thực tế, thực trạng, điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước.
TS PHẠM MINH TRÍ
Người dân cần nhiều thứ khác
Ai cũng mong muốn nước Việt ta ngày càng hiện đại, văn minh. Nhưng ở thời điểm này thì người dân không cần món quà ĐSCT. Cái mà người dân chúng tôi cần là phải có đủ trường học cho con em chúng ta, trường ra trường, lớp ra lớp để không còn cảnh phải chạy trường, trẻ em không phải bỏ học vì không có tiền đóng học phí; bệnh viện không còn phải chen chúc; đường phố không còn cảnh kẹt xe hàng ngày; điện không phải cúp liên tục; đồng bào miền núi không còn phải đu dây qua sông vì không có cầu đi; đời sống nông dân, ngư dân không còn phải vất vả nhiều như bây giờ…
Dự án này sẽ làm nhưng hãy để cho con cháu chúng ta làm. Bởi vì vài chục năm sau con cháu chúng ta sẽ giỏi hơn chúng ta hiện nay. Nhưng muốn cho con cháu chúng ta giỏi hơn thì chúng ta phải để lại những nền tảng tốt đẹp chứ không phải là những món nợ khổng lồ.
LÊ THÁI BÌNH (thaibinh_1010@…)
Nguồn: http://phapluattp.vn/20100622122458781p0c1013/suy-ngam-sau-viec-bac-du-an-duong-sat-cao-toc.htm