Nhóm lợi ích ở ngay trước mắt!

(TBKTSG) – Tuần trước nhiều báo đăng tin PetroVietnam (Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam) đã ký thỏa thuận hợp tác với Tổng cục Thuế. Một trong những nội dung của thỏa thuận này là hai bên sẽ phối hợp trong việc tham gia xây dựng, sửa đổi, bổ sung chính sách thuế, chính sách quản lý thuế, nhất là các văn bản pháp quy về thuế “tác động nhiều đến sản xuất kinh doanh” của PetroVietnam…

Chúng ta thường nói đến nhóm lợi ích và tác động của nhóm lợi ích lên chính sách. Thỏa thuận nói trên chính là một minh họa rất điển hình cho hiện tượng này. Xin nói ngay rằng bản thân khái niệm nhóm lợi ích không hàm ý tốt hay xấu, việc nhóm lợi ích tìm cách để tác động lên chính sách là chuyện khó tránh.

Tuy nhiên, thỏa thuận giữa Tổng cục Thuế và PetroVietnam là một hình thức “hợp tác” quá lộ liễu, chắc chắn sẽ bị các cơ quan chức năng “thổi còi”. Vai trò, chức năng của Tổng cục Thuế như một cơ quan nhà nước là phải giữ sự công tâm về quản lý thuế đối với mọi đối tượng phải đóng thuế, không thể có chuyện “hợp tác” với đối tượng chịu thuế này mà có khả năng gây thiệt hại đến đối tượng chịu thuế khác.

Hợp tác này còn lộ liễu ở chỗ nó ghi rõ PetroVietnam, thông qua Tổng cục Thuế, sẽ có tác động lên các cơ quan nhà nước khác như Chính phủ, Bộ khi ra nghị định, thông tư hay cơ quan lập pháp như Quốc hội khi thông qua luật thuế mới hay sửa đổi, bổ sung luật thuế hiện hành sao cho có lợi đối với PetroVietnam.

Để dễ hình dung, thử tưởng tượng Tổng cục Thuế ký một văn bản như thế với một tập đoàn tư nhân hay ở Việt Nam có nhiều tập đoàn tương tự như PetroVietnam!

Ở những nước khác, các nhóm lợi ích thường vận động hành lang thông qua các quỹ, các viện nghiên cứu hay nói chung là các hình thức gián tiếp khác nhau.

Ví dụ một tập đoàn dầu khí có thể thành lập một quỹ nghiên cứu tác động của chính sách thuế lên hoạt động của họ và nhấn mạnh, chẳng hạn, khía cạnh đầu tư để bảo vệ môi trường trong khai thác dầu khí sẽ khác đi nếu chính sách thuế được điều chỉnh… Sau đó, quỹ này sẽ công bố nghiên cứu, có thể mời cơ quan hành thu thuế hay ủy ban nghiên cứu thuế, tham gia hội thảo… Họ cũng có thể dùng báo chí hay công luận để phổ biến nghiên cứu hòng tác động lên chính sách.

Các nhóm lợi ích khác, có thể có mối quan tâm ngược lại với tập đoàn dầu khí này, cũng sẽ tiến hành các bước tương tự nhưng ngược lại. Cuối cùng, sự cân bằng lợi ích của các nhóm khác nhau sẽ dẫn đến chính sách tương đối tốt nhất cho đa số và cho xã hội.

Chúng tôi tin rằng cơ quan chức năng sẽ hủy bỏ thỏa thuận nói trên giữa Tổng cục Thuế với PetroVietnam cũng như với các doanh nghiệp khác, nếu có trong tương lai.

Vấn đề là các nhóm lợi ích khác cũng đang có những “hợp tác” như thế, có thể tinh vi hơn. Minh bạch trong quá trình xây dựng chính sách, hỗ trợ các tổ chức dân sự để họ có thể nói lên tiếng nói đại diện cho lợi ích của người dân, nâng cao năng lực chuyên môn của đại biểu Quốc hội… là những biện pháp phải làm để đón đầu và hóa giải các nhóm lợi ích mang tính cục bộ hay không thật sự đại diện cho lợi ích của đất nước.

T.B. K.T.S.G.

Nguồn: http://www.thesaigontimes.vn/Home/diendan/ykien/36585/

This entry was posted in kinh tế. Bookmark the permalink.