Sách cấm có phải là sách hay?

Diêm Liên Khoa (Trung Quốc)*

Nguyễn Hải Hoành dịch

Tôi đi đến đâu cũng được người ta giới thiệu là nhà văn Trung Quốc bị tranh cãi nhiều nhất, có nhiều tác phẩm bị cấm xuất bản nhất. Những lúc ấy tôi chỉ có thể im lặng, chẳng cảm thấy vinh dự lại cũng chẳng cảm thấy có gì không vui, mà chỉ có thể coi lời giới thiệu ấy là một thứ lễ nghi không thích hợp”.

Diêm Liên Khoa được giới nhà văn Trung Quốc đánh giá là một trong các nhà văn có hy vọng nhất được trao giải Nobel Văn sau Mạc Ngôn. Bạn đọc Trung Quốc coi ông là “Đại sư của chủ nghĩa hiện thực hoang đường”. Bài dưới đây do Diêm Liên Khoa ủy quyền cho chuyên mục “Duyệt độc” trên mạng Văn hóa Đằng Tấn công bố, nội dung được chỉnh lý từ diễn từ Diêm Liên Khoa đọc tại trường Đại học Duke (Mỹ) ngày 29/03/2013, và được đưa vào bộ sách mới chưa xuất bản của Diêm Liên Khoa “Xả hơi trong im lặng”.

Lời tòa soạn mạng Đằng Tấn:

Thời nay, khi một số nhà văn coi viết “Sách cấm” là một vinh dự, và dân chúng coi đọc “Sách cấm” là niềm vui, thì “Sách cấm” đã dần dần đổi thay, lặng lẽ trở thành một thứ nhãn mác theo mốt thời thượng của thị trường sách. Có lẽ điều chúng ta nên đọc là tiêu chuẩn “sách cấm và sách hay”, và sự phân biệt nghiêm khắc hai loại sách ấy – như nhà văn “có nhiều sách cấm” nhất Trung Quốc là Diêm Liên Khoa đã nhấn mạnh trong bài viết dưới đây. Ít nhất bạn sẽ hiểu rõ vì sao tác giả chưa bao giờ cảm thấy câu “có nhiều sách cấm nhất” là một lời ngợi khen đối với ông.

Trung Quốc có một câu nói rất phổ biến: “Đọc sách cấm trong đêm tuyết rơi là một niềm vui của đời người”. Từ đây có thể nghĩ rằng sách cấm mang lại cho người đọc một cảm giác hài lòng nào đó… Ngày nay bất cứ đi tới đâu, tôi đều được người ta giới thiệu “Đây là nhà văn TQ bị tranh cãi nhiều nhất, có nhiều sách cấm nhất.” Tôi chẳng hề tỏ thái độ đối với lời giới thiệu như vậy; dĩ nhiên tôi không chê trách, song cũng không cảm nhận sâu sắc sự khen ngợi của kiểu giới thiệu ấy.

Bởi lẽ tôi bao giờ cũng cho rằng cấm không phải là nghệ thuật. Đôi lúc cấm có quá nhiều dính dáng tới lòng dũng cảm. Cho dù chúng ta còn có thể hiểu câu nói này của Goethe – Không có dũng cảm thì không có nghệ thuật! Có thể diễn giải câu ấy thành Không có dũng cảm thì không có sự sáng tạo mang tính khai phá về nghệ thuật.

Thế nhưng tôi vẫn lo ngại bạn đọc chỉ kết thúc bàn thảo về sách cấm và tranh cãi trên tầng nấc lòng dũng cảm mà thôi, nhất là đối với các nhà văn và tác phẩm đến từ Trung Quốc và Liên Xô cũ, chưa kể nhà văn và tác phẩm của “Thế giới thứ ba” ta thường nói.

Sau đây tôi xin trình bày một số quan điểm về sách cấm và về tranh cãi.

Cho dù trên thế giới có vô số nhà văn từng bị cấm ra sách, ví dụ những tác giả chúng ta thường nhắc tới như Solzhenitsyn, Pastenak, Nabokov, Lawrence, Borges, Llosa, Miller, Kundera, Rushdie, Pamuk và Kadalay… một dãy dài các tên tuổi, nếu chúng ta ở trong thư viện hoặc mở một trang nào đó trên máy tính thì dãy tên tuổi ấy sẽ có thể như đoàn người ngựa trở về từ chiến thắng, đi đầu là những người cổ xưa, đi sau là những người đang sống, hàng ngàn hàng vạn người, đếm không xuể.

Sở dĩ chúng ta chỉ có thể nhớ tới một số ít tên tuổi trong đội ngũ ấy, đó là do họ chẳng những bị cấm ra sách mà hơn nữa họ còn viết được những tác phẩm bị cấm ưu tú và vĩ đại. Với những người còn lại – những tác giả và tác phẩm từng có cống hiến lớn cho tự do ngôn luận, thậm chí tới mức hy sinh tính mạng, chúng ta phải chân thành biểu lộ lòng kính trọng đối với những hy sinh mà họ đã đóng góp cho sự khai phóng, tiến bộ, tự do, dân chủ, bình đẳng của loài người và của đất nước họ. Nhưng khi đưa các tác giả và tác phẩm ấy vào phạm trù nghệ thuật để bàn thảo, thì chúng ta phải thừa nhận một cách tàn khốc rằng chúng ta – ở đây là nói tôi, vẫn chưa ghi nhớ họ. Điều đó ngoài việc tại trí nhớ của tôi quá tồi tệ, đại để còn do các tác phẩm họ đã viết.

Nghệ thuật có lúc tỏ ra tàn nhẫn: cũng như thời gian sẽ không vì sự sang hèn của người ta mà kéo dài một ngày thành 36 hoặc 48 tiếng đồng hồ, nghệ thuật cũng sẽ không vì bạn sống ở quốc gia nào đó, trong hoàn cảnh và thời đại nào đó chịu sự áp bức của chính trị, quyền lực đối với bạn mà [nghệ thuật sẽ] nhắc thêm một quả cân nặng ký đặt lên bàn cân thành tựu của bạn. Cho dù đã đặt lên rồi thì tới một ngày nào đó khi cảm thấy chưa công bằng và thỏa đáng, nó sẽ lặng lẽ lấy quả cân ấy ra khỏi bàn cân.

Riêng tại Trung Quốc hiện nay hầu như hàng năm đều có vài cuốn, vài chục cuốn sách bị cấm xuất bản, hoặc đã in nhưng qua thẩm tra bị cấm xuất bản. Trước tình trạng ấy, chúng ta một mặt chán ghét sâu sắc chế độ xuất bản và thẩm tra, tình nguyện cố gắng phấn đấu xóa bỏ chế độ kiểm duyệt; mặt khác chúng ta cũng chẳng thể vì các tác phẩm ấy bị cấm và bị kiểm duyệt mà dán cái mác “Tác phẩm hay” lên bìa những cuốn sách đó, lên đầu các tác giả của chúng.

Tôi biết rằng hiện nay, sau khi rời đất nước mình đến phương Tây, đến nước Mỹ, nhà văn Trung Quốc đều thích nói với bạn đọc và báo đài nước ngoài rằng họ là kẻ bị dư luận trong nước tranh cãi rất nhiều, sách của họ bị phê phán, bị tranh luận, bị gạch xóa, bị cấm xuất bản, vân vân và vân vân; bởi lẽ có nói thế thì người phương Tây và báo đài bên ấy mới để ý tới tác phẩm của họ.

Nhưng xin các vị bạn hữu đáng kính ấy tha lỗi cho tôi, ở đây tôi muốn nói rằng: cấm và tranh luận là vết nhơ của chế độ kiểm duyệt ở Trung Quốc, là khoang cửa sổ để phương Tây nhòm ngó Trung Quốc một cách sát sườn nhất; song nó không phải là thước đo và tiêu chuẩn của một tác phẩm hay, có thành tựu cao về nghệ thuật.

Trước đây từng có nhà văn Trung Quốc cam chịu bỏ ra vài trăm nghìn đồng Nhân dân tệ [100 nghìn NDT tương đương 350 triệu VNĐ] để hối lộ cơ quan xuất bản Trung Quốc, đề nghị họ cấm xuất bản và phê phán cuốn tiểu thuyết của mình. Ví dụ nực cười ấy cho thấy “cấm” là một cái khe cửa nhòm ngó được người ta quan tâm chứ không phải là tiêu chuẩn cao về nghệ thuật. Cũng bởi thế mà mỗi lần tôi đến đâu, khi nghe người ta giới thiệu tôi là nhà văn Trung Quốc bị tranh luận nhiều nhất, có nhiều sách cấm nhất, tôi đều im lặng, chẳng cảm thấy có gì vinh hạnh và cũng chẳng cảm thấy có gì không vui, mà chỉ có thể coi lời giới thiệu ấy là một cử chỉ lễ tiết không thích hợp, tương tự như khi gặp người quen, bạn định giang tay ôm hôn họ nhưng họ lại chỉ giơ một tay ra bắt tay bạn.

Thành thật mà nói, các bạn cũng như giới người đọc ở phương Tây bắt đầu quen biết tôi từ tác phẩm “Vì nhân dân phục vụ” – một cuốn sách cấm của tôi. Cho dù các bạn bình phẩm sách ấy như thế nào đi nữa thì tôi cũng chẳng nghĩ rằng nó là một tác phẩm thật xuất sắc trong số các sáng tác của mình. Nó chỉ là một dấu vết, một sự kiện và ký ức hằn rõ trong đời tôi và trong công việc viết lách của tôi mà thôi chứ không phải là một bộ tiểu thuyết hay hàng đầu. Nếu nghĩ rằng nó là sách hay thì các bạn càng nên có dịp đọc một bộ tiểu thuyết khác của tôi – cuốn “Kiên ngạnh như thủy” [tạm dịch “Cứng rắn như nước”; đã dịch và xuất bản ở Việt Nam].

Tôi sẽ rất mừng khi thấy các bạn thích “Kiên ngạnh như thủy”. Nhưng nếu các bạn đánh giá quá cao bộ “Vì nhân dân phục vụ” thì tôi cũng chỉ có thể mỉm cười hiểu ý, cảm kích trong lòng. Còn một cuốn nữa – tiểu thuyết “Hạ nhật lạc” [tạm dịch “Xế chiều hè”] của tôi, bị cấm năm 1994. Nhưng nó chỉ có ý nghĩa trong văn học quân đội và trong các tác phẩm tả thực của Trung Quốc mà thôi, nếu mở rộng phạm vi tác động của nó thì ý nghĩa của tác phẩm ấy sẽ bị giảm sút. Hơn nữa, phạm vi tác động càng lớn thì e rằng ý nghĩa của nó càng mơ hồ và bị suy giảm.

Trong số những sách cấm của tôi, mong rằng mọi người sẽ đọc “Đinh Trang mộng” và “Tứ thư”, chứ không phải là hai cuốn đã nói ở trên. Khi bình phẩm các tác phẩm của tôi, chỉ mong rằng các bạn coi tôi là một tác gia chứ không phải là tác gia “Bị tranh cãi nhiều nhất” và “Có nhiều sách cấm nhất”.

Cả đời tôi cố gắng làm việc chỉ với mong muốn viết được những tác phẩm hay, trở thành một nhà văn tốt, chứ không phải muốn trở thành nhà văn “Bị tranh cãi nhiều nhất” và “Có nhiều sách cấm nhất”.

D.L.K.

Ghi chú của người dịch:

* Diêm Liên Khoa 阎连科: dân tộc Hán, xuất thân gia đình nông dân, sinh năm 1958 tại huyện Lạc Dương Tùng, tỉnh Hà Nam. Tốt nghiệp Đại học Hà Nam và Học viện Nghệ thuật Quân Giải phóng nhân dân TQ, nhà văn nổi tiếng TQ. Nay là Giáo sư Viện Văn học thuộc ĐH Nhân dân TQ, được ĐH Khoa học Kỹ thuật Hong Kong mời làm GS thỉnh giảng về Văn hóa TQ. Năm 1980 bắt đầu công bố tác phẩm. Năm 1992 vào Hội Nhà văn TQ. Tác phẩm tiêu biểu: “Nhật quang lưu niên” (xuất bản năm 1998, đỉnh cao sáng tác đầu tiên của tác giả, được đề cử trao giải Văn học Mao Thuẫn đợt 5); “Kiên ngạnh như thủy” (truyện dài, đặt ra vấn đề tình dục trong Cách mạng Văn hóa, xuất bản năm 2000, nhiều lần tái bản, năm 2014 dịch sang tiếng Việt, NXB Hội Nhà văn phát hành tại Việt Nam);  “Thụ hoạt ” (xuất bản 2003, truyện dài, gây rúng động văn đàn TQ, được tặng giải Văn học Lão Xá đợt 3 và giải Văn học song niên Đỉnh Quân đợt 2); “Đinh trang mộng” (xuất bản 2006, làm cho Diêm Liên Khoa nổi danh ở nước ngoài); “Phong nhã tụng” (truyện dài, xuất bản năm 2008, có tiếng vang lớn); “Tứ thư” (truyện dài, bị hơn chục NXB trong nước từ chối, chỉ có thể xuất bản ở Hong Kong; bản dịch tiếng Czech truyện này giúp tác giả được tặng giải Văn học Kafka). Diêm Liên Khoa từng được tặng các giải thưởng: Giải Văn học Lỗ Tấn đợt một và đợt hai, Giải Văn học Lão Xá, Giải Văn học Hoa văn thế giới Hoa Tung năm 2013, Giải Văn học Kafka năm 2014. Được bình chọn là “Nhân vật văn hóa có ảnh hưởng ở TQ năm 2013”. Diêm Liên Khoa là nhà văn TQ đầu tiên viết lời giới thiệu bản dịch Trung văn một tác phẩm văn học VN: tiểu thuyết “Nỗi buồn chiến tranh” của nhà văn VN Bảo Ninh. Bài giới thiệu có tựa đề “Tầm cao của văn học chiến tranh phương Đông” đánh giá tiểu thuyết này với thiện ý tương đối khách quan. Bản dịch tiếng TQ do nữ Phó GS Hạ Lộ (Xialu) của ĐH Bắc Kinh thực hiện dưới tựa đề “Chiến tranh ai ca” được giới nhà văn và bạn đọc TQ hoan nghênh.

Nguồn: http://nghiencuuquocte.org/2019/05/28/diem-lien-khoa-sach-cam-co-phai-la-sach-hay/#more-30143

This entry was posted in Cấm sách, Văn hóa Cộng sản. Bookmark the permalink.