NGẪU HỨNG ÂM NHẠC

Phạm Toàn

Chắc chắn ý tưởng bài viết này nảy sinh lúc mười giờ sáng hôm qua (ngày 23/5/2019) khi Phạm Xuân Nguyên đọc cho chúng tôi nghe diễn từ nhậm chức thật đẹp của vị Tổng thống mới nước Ukraina.

Tôi nhớ mình mấy lần kéo cánh tay áo cộc lau mắt. Mấy lần? Chắc không phải hai lần. Nhưng chắc không phải trên ba lần. Vì ba lần là vừa đủ.

Trong hình ảnh có thể có: 2 người, kính mắt, trong nhà và cận cảnh

Trong hình ảnh có thể có: 1 người, kính mắt

Tôi nhớ mình mấy lần kéo cánh tay áo cộc lau mắt. Ảnh: Trần Quốc Trọng

Điều khác lạ khi viết những dòng này là người viết đã không theo chỉ dẫn của thầy giáo mình, ba Trần Văn Khang. Những lời dạy hồi đầu những năm 50 khi chàng trai này tròn 20 tuổi. Ba dạy chúng tôi “Viết văn sao lại cứ phải nháp!?”. Ba nói, viết văn như người ta đi chơi ấy, cốt tư tưởng không sai, cốt định hướng trong sáng, sau đó cứ thế mà viết. Không, còn không thể thiếu một điều, không được thừa hoặc thiếu ý.

“Hễ chú có ba ý, chắc là đủ. Hễ có hai ý, chắc là thiếu. Hễ có bốn ý, chắc là trùng, cứ thế mà làm. Người ta đăng hay không là chuyện khác…”.

I

Không phải tối nào cũng vậy, nhưng rất nhiều tối trước khi đi ngủ tôi lại thoáng nghĩ đến Lộc Vàng (Hà Nội). Tôi cứ băn khoăn năm năm nữa, mười năm nữa, chú ấy sẽ sống như thế nào. Giọng bắt đầu già, người hâm mộ vắng đi hay đông dần lên? Nhưng trong cuộc sống hằng ngày gần như ít người thảo luận về dòng nhạc “vàng” và dòng nhạc “thượng vàng”.

Thực chất, chẳng phải người ta tranh cãi về giá trị đích thực của âm nhạc, mà tranh cãi về quyền dẫn đầu âm nhạc trong cuộc đời. Ông Tổng thống mới của Ukraina còn ung dung, tự tại nói đến việc bán vé để tạo cho mọi người những nụ cười. Lộc Vàng đã phải mua giấy thông hành vào đời bằng hơn chục năm tù tội. Khi anh ra tù, anh ở độ tuổi hôm nay bạn đồng nghiệp của mình đọc diễn từ nhậm chức Tổng thống.

Vì vậy, tư duy, lập luận mà ba Khang dạy chắc tôi không thực hiện đầy đủ. Tôi sẽ viết dài dòng theo những gì mình biết, theo những gì mình nhớ, theo những gì mình ghi lại được. Thế thôi…

II

Chuyện tranh giành ngôi đầu bảng giữa “vàng” và “thượng vàng” bắt đầu từ lâu lắm rồi.

Người thành thị Việt Nam khi gặp những câu thơ của Nguyễn Bính " …Em ơi em ở lại nhà / Vườn dâu em đốn, mẹ già em thương…" thì nhún mình coi đó là thơ máy nước, để làm gì?, để đòi quyền dẫn đầu cho những dòng thơ không máy nước.

Giá trị nghệ thuật thời nào cũng vậy, cứ như những nàng tiên ngủ trong rừng. Công lao các nhà khảo cổ đã tìm ra các bức tranh, các gam mầu được thiên nhiên giúp loài giữ gìn tại các hang động, cho thấy ý nghĩa của khái niệm giá trị nghệ thuật.

Thơ cũng vậy thôi. Năm 1990, tôi đến bảo Hoàng Cầm đưa cho tôi sáu bài trong tập Kinh Bắc để tôi in trong cuốn Nghề dạy văn. Tôi rụt rè xuất bản ở Sở giáo dục Thừa Thiên Huế. Sau đó mọi việc ai cũng rõ, tức là ai đi tù vì cái gì và ai được thưởng cũng vì cái gì thì ai cũng rõ.

Những năm 1960, bọn “đọc văn chui” ở Hà Nội chúng tôi đã nhận rõ chân tướng văn hóa của một người được một thời mình yêu mến, ông Nikita Khrushchev. Vị Tổng Bí thư đầu trọc ngoạn mục này đã định nghĩa hội họa siêu thực như là cách dùng đuôi ngựa nhúng vào các loại màu và quật lên những tấm toan. May mắn thay, chúng tôi đã thoát được cơn mơ mộng hão huyền.

Nhưng vẫn chưa hết. Chúng tôi vẫn còn mê Fidel Castro. Vị Tổng Bí thư nhiều tư liệu dưới ngăn bàn này đã xì cho chúng tôi đọc để hiểu về Bắc Phi, về Đông Âu, về Trung Âu, về Nam Tư, về Liên Xô… nhiều hơn cơ quan của anh Hoàng Tùng cung cấp.

May mắn thay, hôm nay, một vị tổng thống mới đã cải chính một cách không gì chính đáng hơn về một người mà thực ra chúng tôi cũng không tin cậy từ lâu rồi.

III

Bên phía âm nhạc cũng thế thôi. Chẳng phải khi nào người ta cũng nhất trí đánh giá về những dòng véo von mà chỉ đến với mình một cách loạc choạc.

Trong khi bên thơ và văn chương ngôn từ, người ta đang phân biệt giữa thơ mấy nước và văn lá ngọc cành vàng, thì bên nghệ thuật âm thanh người ta diễu cợt bài ca “bánh dày bánh giò” – nếu như bản tiếng Pháp do Tino Rossi hát “Tôi có hai mối tình lớn, Tổ quốc tôi và Paris”, thì đã được bên diễu nhại biến thành “zzzò này zzzò nóng, ai có mua thì zzza mua…”.

Nỗi đau khổ của người Việt Nam vào nhiều thời là không phát triển được văn hóa và âm nhạc bản địa, trong khi lại quá vồ vập với những vẻ đẹp hào nhoáng mà mình không nằm trong chính sự phát triển của nó.

Người ta gặp vào những năm 30 những máy hát, đĩa than. Sang những năm 60 đó đã thành những trồng đĩa 33 tua hoặc 78 tua. Vào những năm 60, nhà văn Nguyễn Thành Long mượn của bạn thân là nhà đạo diễn điện ảnh Nguyễn Thông, rồi mang cả máy phát nhạc đến nhà tôi để nghe cậu bé Robertino Loretti hát đi hát lại Mama, rồi O Sole Mio… Tội nghiệp, có Phó Tiến sĩ Ngữ văn còn trách móc nhà văn không mượn thêm bản giao hưởng Phiên chợ “số 34”…

Tầm âm nhạc học đã dẫn Lộc Vàng vào tù vẫn chỉ ở trình độ những bài nhạc vàng thời tạm chiếm cộng thêm vài bài mới, cao siêu gì đâu. Ấy thế nhưng trong cuộc sống diễn ra đầy những điều cao cả và sâu sắc đã nổ ra cả một cuộc hành binh giữa hai trận địa tư tưởng!

IV

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi… phải dỡ ra làm lại từ đầu như Giáo sư Hồ Ngọc Đại từng đề nghị vào cuối những năm 70. Nhưng dỡ từ đầu là dỡ từ đâu? Tiếc rằng Giáo sư Hồ Ngọc Đại đã hơi vội vã nên để mình bị hiểu nhầm.

Phụ trách môn Khoa học Xã hội và Nhân văn ở Hội đồng Khoa học và Sư phạm nói với tôi: “Phải hết sức kiên nhẫn, chữa từ cái gốc kiến thức cho người giáo viên tiểu học, chứ không phải làm vội vàng từ những bậc cao với những tiểu luận không biết nằm vào mảng hệ thống nào”. Chúng tôi đã thử và thấy là khả thi:

1/ Đơn giản hóa các kiến thức cơ bản rất khó về tiếng Việt và nghệ thuật để chữa dần và rất nhanh, và là chữa trong hành vi dạy học của từng giáo viên tiểu học.

2/ Về tiếng Việt: Hãy làm cho giáo viên tiểu học hành động đúng khi tạo ra những trẻ em giỏi tiếng Việt ngay từ lớp 1, với các mức độ: Ổn định ngữ âm học tiếng Việt (lớp 1); Ổn định trật tự tạo thành và củng cố từ vựng (lớp 2); Ổn định năng lực logic của cú pháp (lớp 3); Ổn định năng lực viết văn bản lập luận (lớp 4); Ổn định năng lực sử dụng ngôn ngữ học hành dụng (lớp 5).

3/ Về nghệ thuật, với mẫu là môn Văn: Ổn định năng lực tự tạo cảm xúc với các tác phẩm nghệ thuật nói chung (lớp 1); Ổn định năng lực tưởng tượng để tự tạo ra những hình ảnh nghệ thuật (lớp 2); Ổn định năng lực liên tưởng để tự tạo ra những hình ảnh nghệ thuật có ý nghĩa (lớp 3); Ổn định năng lực bố cục một tác phẩm để không vật liệu – ngôn từ, vần điệu, mầu sắc, hình khối… – nào bị lãng phí (lớp 4); Ổn định năng lực tự khám phá vào các loại hình nghệ thuật có chung mẫu hoạt động nghệ thuật trong tâm lý con người – như môn văn (lớp 5).

Hãy cùng nhau làm thử như vậy đi!

Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi…

Hà Nội, ngày 24/5/2019


P.T.

This entry was posted in Giáo dục, Phạm Toàn. Bookmark the permalink.