Luận về đại biểu Quốc hội

Nguyễn Đình Cống

Quốc hội là cơ quan quyền lực cao nhất, nơi lập pháp, nơi quyết định những việc quan trọng nhất của quốc gia. Như vậy những thành viên của QH phải là những chính khách giỏi giang, được chọn lựa thật gắt gao thông qua tranh cử quyết liệt, xứng đáng là tinh hoa, đại biểu cho một lực lượng đông đảo cử tri. Ở nhiều nước người ta gọi các thành viên QH là Nghị sĩ, còn ở ta gọi là Đại biểu Quốc hội (ĐBQH)

Ghi rằng QH là cơ quan quyền lực cao nhất chỉ là tuyên bố cho vui để mị dân chứ thực chất nó là bù nhìn của Đảng. Mà để làm bù nhìn thì cần gì đến tinh hoa, chỉ đại biểu là được. Vì vậy bầu QH phải theo cơ cấu để có đủ già trẻ, nam nữ, dân tộc, tôn giáo v.v… Ở tỉnh nọ, tỉnh kia, nhận một ông sư, một linh mục về để bầu, vị ấy mang danh là ĐBQH của tỉnh ấy, nhưng thật ra chẳng phải. Mà vị ấy cũng chẳng đại diện cho tôn giáo, vị ấy nếu đúng là người tu hành thì không thể làm tốt vai trò chính khách. Vừa tu hành, vừa chính khách sẽ trở thành kẻ dở dơi, dở chuột.

Đại diện cho dân tộc ít người là cần, nhưng không nhất thiết phải bầu theo cơ cấu. Phải chọn được người tinh hoa. Thí dụ, để đại diện cho các dân tộc Tây Nguyên, nếu có một chính khách người Gia Rai, Ê Đê thì quá tốt, nhưng nếu không có thì một chính khách giỏi người Kinh, sống nhiều năm ở Tây Nguyên, có thể được bầu. Như vậy tốt hơn nhiều khi đưa vào QH một cô gái người dân tộc thiểu số còn quá non nớt về chính trị.

Điều 22 Luật tổ chức Quốc hội (LTCQH) kể ra các tiêu chuẩn của ĐBQH, tóm tắt như sau: 1- Trung thành với TQ, ND; 2- Có đạo đức tốt, cần kiệm liêm chính, gương mẫu chấp hành pháp luật; 3- Có trình độ văn hóa, chuyên môn, sức khỏe; 4- Liên hệ chặt chẽ với nhân dân; 5- Có điều kiện tham gia hoạt động QH.

Đề ra cho nhiều tiêu chuẩn, nhưng toàn là tiêu chuẩn phụ, không khác gì mấy tiêu chuẩn để bầu trưởng thôn, tổ trưởng dân phố hoặc kết nạp đảng viên. Tiêu chuẩn rất quan trọng của thành viên cơ quan quyền lực cao nhất đã bị bỏ qua. Đó là: Chính trị gia tài năng, được tín nhiệm cao của cử tri (ở nhiều nước người ta chỉ cần 2 tiêu chuẩn là người có quốc tịch mấy năm trở lên và tuổi tối thiểu).

Mà tôi nghĩ, chẳng cần đề ra các tiêu chuẩn từ 1 đến 5 làm gì. Trong cuộc bầu cử thật sự dân chủ, có tranh cử, cử tri sẽ đánh giá ứng viên về mọi mặt. Còn trong cuộc “Đảng cử Dân bầu” thì 5 tiêu chuẩn chỉ đề ra cho vui, cho có cớ mà thôi.

Một số đông ĐBQH là loại bán chuyên trách. Họ là cán bộ cao cấp của chính quyền hành pháp và của ĐCS. Số ĐBQH này vừa gây lãng phí vừa tạo nên sự mất uy nghiêm, sự nhàm chán trong QH. Tại sao vậy?

Lãng phí chủ yếu là về trí tuệ. Các vị này có trí tuệ gì đã đem ra dùng ở vai trò chính của họ trong Đảng hoặc chính quyền, đến họp QH họ chú tâm vào việc khác. Đáng lẽ chỗ mà họ chiếm trong QH phải để cho những tinh hoa của dân, có như thế trí tuệ của QH mới được nâng cao.

Sự mất uy nghiêm và nhàm chán thể hiện ở chỗ các vị này tự xem mình là loại ĐB đặc biệt, cao hơn các ĐB theo cơ cấu, mọi thứ đưa ra QH họ đã biết, đã thảo luận ở nơi khác, đến họp QH chỉ là dịp xả hơi, một số tranh thủ ngủ gật. Việc này trái với muc 3, điều 21 của LTCQH, ghi rằng: “Đại biểu Quốc hội bình đẳng trong thảo luận và quyết định các vấn đề thuộc nhiệm vụ và quyền hạn của Quốc hội”.

Ở những nước theo thể chế tam quyền phân lập thì nghị sĩ không được đồng thời là thành viên cơ quan hành pháp. Ở VN cũng nên như vậy. Trong Luật tổ chức Quốc hội (LTCQH) không có quy định chuyện này.

ĐCSVN cố tình tạo ra QH bù nhìn, bày ra trò Đảng cử Dân bầu, đó là lừa dối. Khi biết bị lừa thường người ta tìm cách tránh. Nhưng trong trường hợp này rất khó tránh vì tầng lớp thống trị kết hợp được sự lừa dối với sự cướp đoạt. Đó là việc Đảng cướp quyền của Dân. Kết hợp lừa và cướp là thủ đoạn quá cao cường, quá thâm độc, làm cho số đông cử tri trở nên hèn yếu, biến thành vịt, thành cừu, luôn luôn lo sợ bị đàn áp hoặc bị phân biệt đối xử. Họ cầm lá phiếu bầu QH mà lòng thờ ơ, vô cảm, mà trí trống rỗng, chẳng hề biết người bị gạc tên cũng như người được bầu có tài năng và quan điểm như thế nào.

Điều 29 LTCQH có câu: “Đại biểu Quốc hội có quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh trước Quốc hội”. Hình như chưa có ĐBQH nào làm tốt việc trình dự án luật. Vì sao vậy? Phải chăng vì thiếu trình độ, kém trách nhiệm hoặc nhận thức nhầm, cho rằng trình dự án luật là việc của các Bộ, các Ngành thuộc cơ quan hành pháp?

Nhân kỳ họp QH lần này (tháng 5/2019) tôi kêu gọi các ĐBQH hãy nghĩ đến điều sau đây: Xin đừng tự hào đã là ĐBQH, đừng tự hào đã mấy lần bấm nút thông qua những điều mình chỉ hiểu lơ mơ hoặc đã thảo luận ở nơi khac. Hãy tự hào rằng trong thời gian ĐBQH đã làm được gì có ích cho dân, cho nước. Khi chưa làm được gì ngoài việc ngồi nghe và bấm nút như một cái máy thì phải biết xấu hổ, phải biết sám hối.

Tôi xin vận động các vị ĐBQH có lương tri, có dũng cảm hày đệ trình một vài điều khoản để áp dụng cho lần bầu cử QH sắp tới. Đó là các điều sau:

+ ĐBQH không thể đồng thời là cán bộ của cơ quan hành pháp

+ Bãi bỏ cách Đảng cử dân bầu, bỏ đặc quyền làm hiệp thương, chốt danh sách của Mặt trận. Bãi bỏ việc đưa ứng viên tự ứng cử ra đấu tố ở cơ sở.

+ Bãi bỏ việc hạn chế số ứng viên trong một danh sách (thí dụ được bầu 4 thì danh sách không quá 6 hoặc 7). Phải tôn trọng quyền ứng cử và tranh cử của công dân. Nếu bầu 1 lần chưa đủ số thì có thể tổ chức bầu lần 2 với danh sách hạn chế.

+ Bầu Chủ tịch QH phải qua tranh cử công khai với danh sách tối thiểu 2 ứng viên. Tốt nhất là không hạn chế số lượng ứng viên. Bãi bỏ việc Bộ chính trị ĐCS quyết định cho ai được làm.

Đó chỉ là vài gợi ý. Khi các ĐBQH biết xấu hổ, biết suy nghĩ sẽ tìm ra được nhiều ý tưởng hay, sẽ đủ dũng khí để thực hiện điều 29 của LTCQH.

N.Đ.C.

Tác giả gửi BVN

This entry was posted in đại biểu quốc hội, quốc hội. Bookmark the permalink.