Quốc hội cuối cùng đã không thông qua dự án đường sắt cao tốc Bắc-Nam. Đây là một sự kiện quan trọng mà ý nghĩa của nó có lẽ phải một thời gian nữa chúng ta mới lường được hết. Quyết định của Quốc hội đã làm nhẹ lòng công luận, trong một thời gian dài đã lên tiếng bày tỏ sự lo lắng về những hậu quả khó lường nếu dự án này được thông qua.
Tuy nhiên, nếu nhìn lại suốt cả câu chuyện, thật khó lòng bày tỏ một sự vui mừng trọn vẹn:
– Với một dự án mà phía đồng tình ủng hộ chỉ đưa ra được những luận cứ cảm tính, gây cười hay áp đặt (như câu “Người ta cho vay thì mình cứ vay, có nơi cho vay là tốt quá. Cứ ý kiến ra, ý kiến vào”); còn phía phản đối có những lập luận vững chắc, được sự hỗ trợ của công luận gồm các nhà chuyên môn trong lãnh vực này với những con số và lý lẽ hết sức thuyết phục, lẽ ra người dân đã không phải thấp thỏm chờ đến phút thứ 89 như lần biểu quyết chiều nay. Tại sao trước sự phân tích lợi hại quá rõ như thế, nhiều người trong chúng ta vẫn hoài nghi, e rằng Quốc hội, bàn thì bàn nhưng đến khi bỏ phiếu ắt sẽ chiều theo ý muốn của Chính phủ? Lẽ ra mọi người đã phải có quyền tin chắc vào kết cục không thông qua ngay sau khi Quốc hội họp tại hội trường để thảo luận về dự án. Cũng may (lại phải dùng từ “cũng may”), quyết định của Quốc hội đã cứu một bàn thua trông thấy cho nền dân chủ nghị trường.
– Thứ hai là chuyện bỏ phiếu thăm dò trước khi chính thức bấm nút. Theo kết quả thăm dò bằng phiếu kín, có 271/474 (57,17%) Đại biểu đồng ý ra nghị quyết về chủ trương xây dựng dự án. Tại sao đến khi bấm nút công khai, chỉ có 185 Đại biểu tán thành (cho dù lấy con số nào thì số đại biểu tán thành cũng thấp hơn con số 271 kia)? Không thể chỉ trong vòng mấy ngày nhiều đại biểu thay đổi ý định như vậy. Từ đó rất dễ nghi ngờ tính chính xác của việc thăm dò vào đầu tuần này. Đại biểu gánh vác trách nhiệm đại diện cho cử tri nên mọi ý kiến của họ phải công khai cho cử tri biết; liệu cách làm bỏ phiếu kín có hợp lệ không, có trái với tinh thần công khai kia không? Cử tri phải biết đại biểu của họ thể hiện chính kiến như thế nào chứ.
– Bác bỏ dự án đường sắt cao tốc không có nghĩa là không hiện đại hóa, nâng cấp hệ thống đường sắt hiện nay. Đã có biết bao ý kiến tâm huyết của những nhà khoa học chứng minh việc cần thiết nâng cấp hệ thống đường sắt, mở rộng thành khổ 1,435 mét, tốc độ 150-200km/giờ, vừa chở hàng vừa chở hành khách… Có lẽ sau lần trình dự án đường sắt cao tốc bất thành, mọi chuyện nâng cấp như thế sẽ bị xếp xó một thời gian dài. Lẽ ra với quyền lực của mình, Quốc hội phải buộc Chính phủ làm dự án nghiên cứu chuyện hiện đại hóa và nâng cấp đó để trình ra Quốc hội trong khóa tới.
– Dự án đường sắt cao tốc là câu chuyện thu hút biết bao tâm trí của người dân. Còn biết bao vấn đề kinh tế xã hội nóng bỏng khác, làm sao để phát huy được trí tuệ chung của mọi người, làm sao để đại biểu Quốc hội nghe được những góp ý trung thực, thẳng thắn, công tâm và quan trọng nhất là có chuyên môn sâu của các chuyên gia của từng chuyên ngành. Rõ ràng không phải ai cũng rành về tài chính – ngân hàng để góp ý cho dự thảo luật ngân hàng chẳng hạn. Lẽ ra đại biểu Quốc hội phải hoạt động dưới một cơ chế cho phép họ tận dụng được nguồn lực trí tuệ trong nước, để sau này khi cần, họ sẽ có được những thông tin cần thiết giúp họ yên tâm và mạnh dạn nhấn nút cho quyết định của mình.
Mọi việc còn ở phía trước. Nhưng phiên họp chiều nay (19/6) sẽ được ghi nhận như một bước khởi đầu đầy ý nghĩa của việc người dân, thông qua Đại biểu của mình, thật sự tham gia vào quá trình lập chính sách.
NVP
Nguồn: http://nguyenvanphu.blogspot.com/2010/06/nhe-long-nhung-chua-goi-la-mung.html