Bức thư của một người tâm huyết với di sản văn hóa Việt Nam

Washington DC, 29.4.2019

Kính gửi Đức cha Vũ Văn Thiên và Đức cha Vũ Đình Hiệu!

Tôi đang rất bình tâm để viết thư cho Đức cha, mặc dù tôi không phải là người Việt Nam hay người Công giáo. Tôi đến từ Uruguay, một quốc gia nhỏ cách Việt Nam nửa vòng trái đất. Nhưng tôi từng sống ở Hà Nội nhiều năm và tôi thực sự yêu đất nước, con người Việt Nam. Ngoài ra, giống như nhiều người Uruguay, tôi là người vô thần. Nhưng tôi chân thành tin rằng đức tin tôn giáo, ở tất cả các tôn giáo, đem đến cho chúng ta những giá trị mạnh mẽ và sự nhạy cảm sâu sắc kết nối tất cả chúng ta theo cách nhân văn nhất.

Hôm nay, tôi viết thư cho các Đức cha nhân danh những giá trị mạnh mẽ và sự nhạy cảm sâu sắc ấy. Và tôi viết gửi tới các Đức cha với một lời cầu xin, vì tôi tin rằng các Đức cha là những người duy nhất có thể giúp tránh được kết cục buồn cho Việt Nam, cho Giáo hội Công giáo và cho toàn thế giới.

Nhà thờ chính tòa Bùi Chu tráng lệ, thuộc thẩm quyền của các Đức cha, dự kiến sẽ bị phá hủy chỉ trong ít ngày nữa. Sự phá hủy một tòa kiến trúc tuyệt vời như vậy lại đến sau sự việc đáng tiếc phá hủy Nhà thờ Trà Cổ vào tháng 3.2017 và Nhà thờ Trung Lao bị hủy hoại trong một đám cháy lớn vào tháng 8 cùng năm đó. Các Nhà thờ khác thuộc thẩm quyền của các Đức cha, bao gồm nhà thờ Họ Phêrô, cũng được lên kế hoạch phá dỡ.

Trong hình ảnh có thể có: bầu trời và ngoài trời

Tôi hiểu rất rõ lý do để thay thế những tòa nhà cũ này. Cải tạo chúng sẽ rất tốn kém. Với sự lâu đời và tình trạng hư hỏng tồi tệ, có nguy cơ dầm hoặc vữa rơi xuống từ trần nhà có thể khiến hàng loạt Giáo dân vô tội cầu nguyện trong nhà thờ bị thương, thậm chí thiệt mạng. Chính phủ thì không cung cấp các nguồn lực để chăm sóc đúng cách cho các tòa kiến trúc già nua này và không có sẵn đất ở gần đó để xây dựng các công trình mới. Bên cạnh đó, hầu hết Nhà thờ không có mặt trong danh sách di sản cần được bảo vệ, và do đó, Giáo hội Công giáo có quyền hợp pháp để loại bỏ chúng.

Tất cả điều này là hoàn toàn đúng, nhưng tôi sợ rằng lịch sử sẽ không nhìn nhận đúng đắn với quyết định này. Việt Nam chưa phải là một nước giàu, và dễ hiểu được rằng người dân đặt sự tiện lợi lên trước di sản. Không ai có thể chỉ trích họ vì điều đó. Nhưng tôi không hoài nghi rằng Việt Nam rồi sẽ thịnh vượng. Các thế hệ sau sẽ đi ra nước ngoài, thưởng ngoạn các thành phố châu Âu, được tiếp xúc với tư duy thế giới… Và sớm muộn họ sẽ nhìn lại, nhớ về đất nước xinh đẹp mà họ đã lớn lên và đặt câu hỏi rằng ai phải chịu trách nhiệm cho sự mất mát những đặc sắc của đất nước. Thỉnh nguyện những giá trị mạnh mẽ tương tự và sự nhạy cảm sâu sắc mà Giáo hội Công giáo là hiện thân, họ có thể buồn bã nghi ngờ những quyết định của cha ông mình.

Thậm chí giờ đây, sau hậu quả của vụ hỏa hoạn thảm khốc tại Nhà thờ Đức Bà ở Paris thì việc phá hủy Nhà thờ Bùi Chu có thể gặp phải sự hoài nghi, thậm chí là tức giận. Trong nhiều giờ, cả thế giới đã dõi theo người dân Pháp đau đớn trước sự mất mát có thể xảy đến với một tượng đài yêu dấu, một nhân chứng của lịch sử đất nước họ và một công trình kiến trúc tráng lệ. Vụ hỏa hoạn tại Nhà thờ Đức Bà là một thảm kịch, nhưng phản ứng phổ biến đối với nó là niềm xúc động sâu sắc. Và những cảm xúc được cất lên trên khắp thế giới đã trấn an về sự đoàn kết của chúng ta với di sản văn hóa, bất kể đức tin tôn giáo.

Tôi sợ rằng việc phá hủy Nhà thờ chính tòa Bùi Chu cũng sẽ bị cả thế giới theo dõi với nỗi thống khổ. Bởi lần này sự mất mát sẽ không phải là một tai nạn bi thảm, mà là một hành động phá hủy có chủ ý. Người dân Việt Nam vẫn còn tức giận nhớ về việc những kẻ thực dân vô cảm đã phá hủy chùa Một Cột. Sẽ thật buồn nếu Giáo hội Công giáo Việt Nam được các thế hệ tương lai nhớ đến theo cách như vậy, liên quan đến các Nhà thờ tráng lệ ở miền Bắc của đất nước.

Tuy nhiên, có một giải pháp thay thế. Một giải pháp rất tốt. Và thông qua bức thư này, tôi trân trọng đề nghị các Cha xem xét nó.

Có lẽ không có một Nhà thờ nào trong số các nhà thờ Công giáo ở miền Bắc Việt Nam tự mình có đủ điều kiện là di sản thế giới. Nhưng khi liên kết với nhau thành một mạch, chúng là một chuỗi thực sự độc đáo trên phạm vi toàn cầu. Những công trình tuyệt đẹp này kết hợp kiến trúc Pháp từ thời Beaux Arts với những nét chạm khắc rõ nét của Việt Nam, bao gồm các cột gỗ và trang trí bằng vữa gợi nhớ đến những ngôi chùa truyền thống. Những Nhà thờ này có thể là một phần của một mạch du lịch rất thành công, mang lại việc làm và thu nhập cho người dân địa phương, cũng như mang lại nguồn lực cần thiết cho việc duy tu và cải tạo chúng.

Thậm chí quan trọng hơn, Việt Nam đang nổi lên đầy thành công từ một lịch sử xung đột lâu dài. Cuộc xâm lược của một nước láng giềng hùng mạnh, thuộc địa của một thế lực ngoại bang, chiến tranh ở quy mô chưa từng có, và, tệ nhất là căng thẳng giữa những người Việt Nam có niềm tin khác nhau… Giáo hội Công giáo có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc chữa lành những vết thương này. Kitô hữu là một nhóm thiểu số ở Việt Nam, nhưng họ có thể được coi là những người đi đầu trong việc bảo vệ di sản văn hóa của đất nước. Làm như vậy, họ sẽ lấy được sự cảm thông và hỗ trợ từ những người thuộc mọi tín ngưỡng.

Chỉ mười ngày trước, Chính phủ Việt Nam đã có một cử chỉ rất quan trọng đối với Giáo hội Công giáo. Ngay trong Tuần Thánh, chính quyền TP.HCM đã thông báo cho Tổng giám mục TP.HCM rằng Nhà thờ Thủ Thiêm sẽ không bị phá hủy và được bảo tồn như một di tích lịch sử và văn hóa. Những tiếng vỗ tay đã vang lên trong Nhà thờ khi tin tức được công bố vào cuối buổi lễ.

Chính quyền đã rất sáng suốt trong quyết định ấy của mình, và tất cả chúng ta đều cảm kích vì điều đó. Câu hỏi trân trọng của tôi dành cho các Đức cha, thưa các Đức cha kính mến, là liệu Giáo hội Công giáo Việt Nam có muốn đứng về phía phá hủy sau một cử chỉ đáng khích lệ như vậy từ chính quyền. Việc cứu Nhà thờ Bùi Chu sẽ gửi một lời khích lệ mạnh mẽ đến những người trông coi các Nhà thờ Công giáo ở các tỉnh khác.

Tôi không phải là người Việt Nam, tôi không phải là người Công giáo, nhưng tôi muốn cung cấp sự hỗ trợ đầy đủ của tôi tới các Cha nếu các Cha quyết định bảo vệ di sản tuyệt vời trong khả năng của mình. Tôi quyết tâm dành thời gian ở Việt Nam và dâng hiến năng lượng của mình cho sự phát triển đô thị bền vững ở Hà Nội và những vùng lân cận. Nếu các Cha đồng ý, tôi sẽ rất vui khi được làm việc với các Đức cha, với các Linh mục và với Giáo dân địa phương, để làm cho các nhà thờ Pháp cổ ở miền Bắc tỏa sáng như một báu vật của Việt Nam.

Kính thư, với tất cả sự trân trọng dành cho các Đức cha!

Martin Rama

Ông Martin Rama là Cố vấn cao cấp của Ngân hàng Thế giới (WB) và là Giám đốc dự án của Trung tâm Phát triển đô thị bền vững thuộc Viện Hàn lâm Khoa học xã hội Việt Nam. Ông từng là Chuyên gia kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam.

Hãy share rộng rãi bức thư này như một sự đóng góp vào việc giữ gìn nhà thờ Bùi Chu, một công trình kiến trúc cổ 134 năm tuổi!

Nguồn: FB Trần Quốc Quân

Trong hình ảnh có thể có: 2 người

Top of Form

This entry was posted in Nhà thờ Bùi Chu. Bookmark the permalink.