Thục Quyên
30/04/1975 là một dấu mốc quan trọng trong lịch sử cận đại của Việt Nam. Dân tộc Việt oai hùng, như vẫn tự nhận, lại không có đủ khôn ngoan để ngày này trở thành “ngày chiến tranh chấm dứt”, một cơ hội để anh em cùng dòng máu Việt tìm hiểu nhau, cùng chung sức xây dựng đất nước. Tiếc thay, và đau thay, chiến tranh súng đạn tuy có chấm dứt nhưng hình thức chiến tranh đã trở nên vi tế hơn, phe thắng thế có thể mặc sức bạo tàn trước phe yếu thế không còn sức tự vệ. Khiến mối quan tâm hàng đầu cho tới ngày nay khi nhắc tới 30/04 vẫn xoay quanh vấn đề kẻ Thua người Thắng.
Nhưng thời gian là thay đổi.
Có bao nhiêu người dân Việt đang sống trên đất Việt (nghĩa là vận mạng của họ còn dính liền với sự mất còn của đất nước) đang mang trong tim trong óc họ mối quan tâm về ngày 30/04?
So sánh với 1975 dân số Việt Nam nay đã nhân đôi, và nếu nhìn độ tuổi trung vị của Việt Nam (31 tuổi / một nửa dân số trẻ hơn và một nửa già hơn độ tuổi này), thì con số những người ra đời sau 1975 là đa số. Cũng dễ hiểu là trong cuộc sống hàng ngày, đa số này không lưu tâm tới một chuyện đã xảy ra trước khi có mặt họ trên cõi đời này, cho dù những gì đang xảy ra luôn luôn có liên quan nhiều ít đến những gì đã xảy ra trong dĩ vãng. Vậy họ lưu tâm đến những gì?
Khó ai có thể chối cãi là mọi con người luôn luôn tùy thuộc ở những gì trực tiếp xảy ra cho họ, và những nhu cầu cơ bản của con người như ăn, uống, ngủ, không khí để thở, tình dục, các nhu cầu làm cho con người thoải mái,… nếu không được thoả mãn tới một mức cần thiết để duy trì sự sống thì khó có thể xuất hiện những nhu cầu khác ở mức độ cao hơn, thí dụ như những nhân tố tinh thần như sự đòi hỏi công bằng, an tâm, an toàn, vui vẻ, địa vị xã hội, sự tôn trọng, v.v….
Không phải chỉ có thuyết “Thang bậc nhu cầu của Maslow”(1) mới biết, câu nói dân gian “có thực mới vực được đạo” từ lâu đã nhắc nhở là những nhu cầu cơ bản như no đủ nếu chưa đạt tới mức tối thiểu thì nó sẽ chế ngự và hối thúc con người phải chú tâm trước hết tới những phương cách để được tồn tại. Cho mình và cho những người thân của mình.
Một dân tộc mà đa số là người trẻ nên nhớ thế hệ tuổi trẻ luôn chiếm một vị trí rất quan trọng. Họ quan trọng hơn những gì đã xảy ra trong dĩ vãng, vì dĩ vãng không thể sửa đổi, mà họ lại chính là những hứa hẹn cho tương lai và cách họ phát triển các phẩm chất về thể chất, tinh thần và đạo đức sẽ quyết định mô hình của quốc gia trong tương lai.
Để tiếp cận được với họ đòi hỏi phải tiếp cận được với cuộc sống thực hàng ngày của họ để tìm hiểu về những nhu cầu của họ, và cùng với họ tìm những giải pháp tuy nhỏ bé nhưng thực tiễn để thay đổi từ từ.
Bước đầu tiên là bước quyết định. Hiện nay Việt Nam đã có rất nhiều người có ý tưởng cần thay đổi tình trạng kiệt quệ của đất nước.
Bước quyết định là bước ra khỏi sự trừu tượng để mỗi ngày làm một việc cụ thể thật nhỏ. Nhà cầm quyền cộng sản cũng không đủ sức ngăn chặn một bước chân, chỉ có chính mình không chịu bước.
Việt Nam cần những người anh hùng dám dẹp cái gã mơ làm chuyện lớn để lấy thì giờ làm những việc cụ thể giúp một người khác, những việc tí teo chẳng làm ai khen phục.
Đất nước sẽ sạch vì mỗi người dân quét dọn lau chùi mảnh sân trước nhà mình.
T.Q.
(1) https://en.wikipedia.org/wiki/Maslow%27s_hierarchy_of_needs
Tác giả gửi BVN