Phạm Đoan Trang
Chương VII PHI BẠO LỰC, PHI BẠO LỰC, PHI BẠO LỰC…
Hãy cố chống lại cám dỗ bạo lực. Bởi vì phi bạo lực dễ thu hút người hơn và có hiệu quả hơn.
*
Ở Việt Nam lâu nay, chúng ta vẫn quen gọi đấu tranh, phản kháng phi bạo lực là “đấu tranh bất bạo động”, theo cụm từ tiếng Anh “non-violent resistance”. Tuy nhiên, thiết nghĩ cách dịch đúng phải là “phản kháng phi bạo lực”, bởi vì từ “violent” có nghĩa là bạo lực và “non-violent” nghĩa là phi bạo lực.
Còn “bạo động” (uprising hay insurrection) là một khái niệm khác; đó là một cuộc nổi dậy, hay là khởi nghĩa, của quần chúng có thể có vũ trang và dĩ nhiên là phải có bạo lực đi kèm, nhằm lật đổ chính quyền. Nhưng phản kháng phi bạo lực thì không phải lúc nào cũng là cuộc nổi dậy lật đổ. Như các bạn đã thấy qua các chương trên, phản kháng phi bạo lực có thể diễn ra ở bất kỳ nơi đâu, trong bất cứ vấn đề gì xuất hiện sự sai trái của nhà cầm quyền.
Do vậy, chúng ta nên thống nhất gọi sự việc bằng đúng tên gọi của nó. Và điều quan trọng nhất là phải trung thành với tính chất “phi bạo lực”.
Bạo lực được định nghĩa là hành vi, hành xử có sử dụng sức mạnh nhằm gây tổn thương, đau đớn, thiệt hại, hoặc làm chết người. Phi bạo lực, tức là hành vi, hành xử dùng các biện pháp ôn hòa thay vì sức mạnh. Còn như một nhà hoạt động người Philippines tên là Raul Socrates Banzuela – thuộc tổ chức đấu tranh cho quyền lợi của nông dân PAKISAMA*, từng tham gia vào cuộc cách mạng nhân dân lật đổ ách độc tài Marcos (tháng 2/1986) – nói với tác giả cuốn sách này, thì bạo lực là sự gây tổn thương cố ý cả bằng hành động thể chất lẫn ngôn ngữ. Miệt thị, sỉ nhục, xúc phạm nhân phẩm người khác thực chất cũng chính là biểu hiện của bạo lực.
Trong khi đó, theo ông Raul, phi bạo lực là một lối sống và nó phải được thực hành suốt đời, trong tư duy, trong lời ăn tiếng nói, trong hành động của những người chủ trương phi bạo lực. Có nghĩa là, họ không chỉ phi bạo lực trong hành động mà còn phải trong cả cách họ suy nghĩ, nói năng nữa.
Không nói chuyện đạo đức ở đây…
Tất cả các chuyên gia về đấu tranh phi bạo lực, như Gene Sharp, Bob Helvey, Srdja Popovic, đều khẳng định rằng phải kiên trì, nhất quán sử dụng đường lối ôn hòa, tuyệt đối phi bạo lực.
Tất nhiên ta sẽ bảo là, ừ, thì vì họ cổ xúy cho đấu tranh phi bạo lực thì họ phải nhấn mạnh sự ôn hòa chứ sao. Còn nếu phải đương đầu với những lực lượng tàn bạo và bẩn tính như an ninh cộng sản (Việt Nam và Trung Quốc) thì ôn hòa chỉ có thiệt; “với bọn ấy thì cứ phải chơi rắn nó mới sợ”.
Nhưng mà, bạn biết không, Srdja Popovic – từ khi trở thành Giám đốc Trung tâm CANVAS chuyên nghiên cứu về đấu tranh phi bạo lực và “xuất khẩu cách mạng” đến các xứ độc tài – đã nhận ra hai điểm chung giữa các nhà hoạt động dân chủ của tất cả các nước độc tài:
Một là ai cũng nói rằng công an, cảnh sát, quân đội hay nói chung là lực lượng bảo vệ chế độ ở nước họ là tàn bạo nhất, bẩn thỉu nhất, và không thể ôn hòa với chúng được mà chỉ có thể dùng biện pháp mạnh (lấy bạo lực đáp trả bạo lực).
Hai là ai cũng nói rằng một cuộc biểu tình hàng nghìn người, một cuộc cách mạng, hay nói chung là sự thay đổi ôn hòa, không thể xảy ra ở nước mình họ được.
Vì đã biết trước hai điểm chung ấy nên trong cuốn sách cẩm nang về đấu tranh phi bạo lực của mình, Srdja Popovic đã dành ngay chương đầu tiên để nói về tâm lý “chuyện đó không xảy ra ở nước tôi được đâu” – dẫn lại câu nói quen thuộc nhất mà Popovic nghe được từ các nhóm hoạt động sau khi anh ta kể lại những gì xảy ra ở Serbia (và thú vị là sau đó đa số các nhóm này đều thành công trong việc chuyển tiếp chính trị ở nước họ) – và một chương khác để nói về sự cần thiết phải bảo đảm nhất quán đường lối phi bạo lực, mà hoàn toàn không phải vì lý do đạo đức.
Vì sao nên kiên trì phi bạo lực?
Biết trước là sẽ có những độc giả lý luận kiểu “ôn hòa với lũ sói thì chỉ có chết”, nên Popovic chỉ đưa ra vài lý do rất căn bản và thực dụng để giải thích vì sao nên chọn cách đấu tranh phi bạo lực.
1. Khả năng thành công cao hơn
Lý do thứ nhất, đơn giản là vì theo thống kê, trong tất cả 323 chính biến từ năm 1900 đến năm 2006 trên toàn thế giới, các phong trào phản kháng phi bạo lực có tỷ lệ thắng lợi (hoàn toàn hoặc một phần) cao gần gấp đôi những trận chiến bạo lực: 53% so với 26%.
Ở đây, Popovic trích dẫn thống kê của hai học giả Mỹ, Erica Chenoweth và Maria J. Stephan, và thống kê chỉ tính đến năm 2006. Nếu muộn hơn thì không thể không kể đến những trường hợp bi thảm: Ai Cập, Lybia, Syria. Chế độ độc tài cũ đã bị lật đổ, máu đã chảy, người đã chết, nhưng dân chủ, tự do vẫn không đến với những xứ sở này và không biết bao giờ mới đến.
2. Thu hút được nhiều người hơn
Số người tham gia phản kháng phi bạo lực luôn luôn đông hơn hẳn số tham gia vào xung đột vũ trang, kể cả khi đó là những cuộc khởi nghĩa hoàn toàn chính đáng và anh hùng. Đó là bởi vì những người sẵn sàng lên núi hay vào rừng lập chiến khu, chịu đựng đủ mọi gian khổ, tích cóp vũ khí để chiến đấu không thể nào nhiều bằng những người hào hứng góp mặt trong các phong trào hay chiến dịch phản kháng đầy tính sáng tạo, thậm chí hài hước, vui nhộn. Tổn thất tất nhiên là phải có, song ít khi đến mức mất mạng.
Đôi khi hành động phản kháng chỉ cần nhỏ như thế này. Ảnh: Phạm Đoan Trang (chụp tại Hoàng Thành Thăng Long, 1/11/2015)
Vì vậy, thay vì chỉ có một nhóm nhỏ dùng biện pháp đương đầu trực tiếp, sinh tử, một mất một còn với chế độ độc tài, những người đấu tranh hãy nên tìm cách kéo những người dân bình thường về phía mình, tách khỏi phía kẻ độc tài. Hãy cố gắng để có họ, mà cách đầu tiên là đừng làm họ sợ hãi. Song song với đó, có các hoạt động bào mòn tính chính danh của nhà cầm quyền độc tài, gây hao tổn nguồn lực của chúng, thay vì gài mìn, ném bom xăng, v.v.
3. Tạo điều kiện cho dân chủ
Đây sẽ là một lý do cực kỳ thuyết phục: Tại các nước thay đổi nhờ phản kháng ôn hòa, phi bạo lực, có tới 40% xác suất họ xây dựng hoặc duy trì được một nền dân chủ sau 5 năm. Với các nước thay đổi nhờ đấu tranh vũ trang, xác suất xác lập được dân chủ sau 5 năm chỉ là 5%.
Các nước chuyển đổi ôn hòa thì có 28% khả năng rơi vào nội chiến sau một thập kỷ. Với những nước lỡ chọn hoặc chẳng may phải chọn con đường đấu tranh vũ trang, sử dụng bạo lực để lật đổ độc tài, thì khả năng đó lên tới 43%.
Có nghĩa là, nếu chúng ta muốn xây dựng một nền dân chủ ổn vững sau khi lật đổ ách độc tài, thì rất, rất nên kiên trì với đường lối đấu tranh phi bạo lực, thu hút đông đảo quần chúng tham gia, sao cho ai cũng cảm thấy họ là một phần của sự thay đổi, họ tạo nên sự thay đổi. Thay đổi xã hội không thể là cuộc chơi chỉ của một nhóm nhỏ, càng không thể là trò đảo chính cung đình của một phe phái nào đó trong chế độ nhằm cướp quyền lực về tay mình và mặc xác dân chúng.
Nói theo ngôn ngữ thời thượng là, chúng ta cần những cuộc cách mạng nhân dân, cách mạng quần chúng, chứ không cần những đảo chính cung đình trong đó người dân bị gạt ra rìa cuộc chơi quyền lực.
4. “Oan oan tương báo, bao giờ mới dứt”
Một lý do nữa để không nên theo đuổi đường lối bạo lực, là việc bạo lực chắc chắn sẽ kéo theo bạo lực, tạo thành một cái vòng luẩn quẩn và tới lúc đó thì rất khó phân biệt đâu là tấn công, đâu là tự vệ chính đáng, cũng như rất khó xác định được bên nào là bên chính nghĩa.
Thế giới văn minh – lực lượng lớn nhất ủng hộ cho dân chủ và nhân quyền – cũng không ủng hộ bạo lực. Nói chung, đã qua rồi cái thời một nhóm người lên núi lập chiến khu, dùng súng đạn tiêu diệt quân thù trên chiến trường hay gài mìn đánh bom giết chúng ở “vùng tạm chiếm”. Cứ cho là mục đích chính đáng, hành động ấy vẫn có thể bị coi là khủng bố, nhất là nếu thiệt hại mà nó gây ra lan cả đến những dân thường vô tội.
Trong nhiều trường hợp, bạo lực đẻ ra bạo lực, khiến cuối cùng chẳng còn biết chính nghĩa thuộc về ai. Syria là một ví dụ: Đến giờ thì cộng đồng quốc tế, trong đó có cả chúng ta ở Việt Nam, chẳng hiểu vấn đề nằm ở đâu và nên ủng hộ ai nữa.
Vì thế, khi đi vận động quốc tế, nhất thiết bạn phải thể hiện rõ chủ trương thay đổi ôn hòa, phi bạo lực, nếu không sẽ chỉ phản tác dụng.
***
Nhưng tôn trọng những người chủ trương “NỢ MÁU TRẢ BẰNG MÁU”
Như trên đã nói, thế giới văn minh không ủng hộ bạo lực; cái thời làm cách mạng bằng vũ khí đã qua. Như vậy có nghĩa là cũng đã có những thời kỳ mà bạo lực, sức mạnh, đấu tranh vũ trang là một con đường đúng đắn.
Và vì thế, chúng ta có thể hiểu được thế hệ những con người đã ở lại Việt Nam sau năm 1975 để chiến đấu tới cùng chống cộng sản, chứ không tìm đường đào thoát ra nước ngoài. Những người đã vượt biên trở về nước cho những trận chiến mà họ biết là gần như vô vọng, chiến thắng là không thể, chỉ mong gây một tiếng vang nhằm thức tỉnh đồng bào. Những người đã chấp nhận hy sinh tuổi xuân, tự do và cả sinh mạng của họ để chiến đấu trực tiếp với độc tài.
Họ có thể thất bại, đường lối đấu tranh của họ có thể không còn hợp thời. Nhưng họ xứng đáng được tôn trọng, lòng can đảm của họ xứng đáng được tôn vinh, bởi họ dám sống và dám chết cho lý tưởng dân chủ tự do của mình.
Ý thức được rằng thời nay là thời của đấu tranh ôn hòa, phi bạo lực, chúng ta cũng không nên quên rằng có những lúc, bạo lực là không thể tránh khỏi. Lại có nhiều khi, đó chính là ý đồ của kẻ cầm quyền. Thường xuyên, chính lực lượng an ninh mới là bên khiêu khích và châm ngòi cho bạo lực, để làm mất tính chính danh, chính nghĩa của những người đấu tranh.
Thật khó có cách đối phó thống nhất trong những trường hợp đó; tuy vậy, bạn có thể nhớ lại các khái niệm “chiến lược” và “chiến thuật” mà chúng ta đã bàn ở Chương VII. Có thể coi việc sử dụng bạo lực như một chiến thuật, nghĩa là chỉ sử dụng ngắn hạn, tức thời, tùy hoàn cảnh cụ thể.
Trong việc đấu tranh chống độc tài, khi lên án bạo lực, chúng ta cũng chớ nên quên rằng ngay cả Nelson Mandela – người anh hùng đấu tranh cho nhân quyền và bình đẳng – cũng từng có lúc phải theo đuổi con đường bạo lực.
***
Nelson Mandela không phải tù nhân lương tâm**
Năm 1961, Nelson Mandela đồng sáng lập và trở thành lãnh đạo đầu tiên của Umkhonto we Sizwe (“Ngọn giáo của dân tộc”), còn được gọi là MK, nhánh vũ trang của đảng Đại hội Dân tộc Phi (ANC).
Dưới sự lãnh đạo của Mandela, MK tổ chức một chiến dịch phá hoại nhằm vào chính quyền – khi ấy chính quyền đã vừa tuyên bố Nam Phi là một nước cộng hòa, và rút khỏi Khối Thịnh vượng Chung thuộc Anh. Tháng 1/1962, Mandela trốn ra nước ngoài để dự một hội nghị của các nhà lãnh đạo dân tộc Phi ở Ethiopia và theo học một khóa huấn luyện về chiến tranh du kích ở Algeria. Ngày 5/8, gần như ngay sau khi trở về, ông bị bắt giam và sau đó bị kết án 5 năm tù vì tội trốn khỏi đất nước bất hợp pháp và tội kích động một cuộc đình công của công nhân vào năm 1961. Tháng 7 năm sau đó, cảnh sát bố ráp một nơi trú ẩn của ANC ở Rivonia, ngoại ô Johannesburg, bắt giữ một nhóm lãnh đạo MK gồm cả người da đen và da trắng, đang họp đánh giá kế hoạch tổ chức một cuộc chiến tranh du kích. Bằng chứng tìm được đã chống lại Mandela và các nhà hoạt động khác – tất cả đều bị đưa ra tòa vì tội phá hoại, tội phản quốc và âm mưu kích động bạo lực.
Trước tòa, Nelson Mandela trình bày lý do phải có một sự ly khai dứt khoát khỏi giáo lý ban đầu của đảng ANC: “Sẽ là sai lầm và hão huyền nếu các nhà lãnh đạo châu Phi tiếp tục rao giảng về hòa bình và phi bạo lực vào thời điểm mà chính quyền chỉ đáp trả những yêu cầu ôn hòa của chúng tôi bằng vũ lực. Chỉ khi nào tất cả các cố gắng khác đều đã thất bại hết, khi tất cả các kênh phản đối ôn hòa đều đã bị cấm đoán, thì mới phải quyết định bắt đầu các hình thức bạo lực của đấu tranh chính trị”.
… Điều ít người biết là: Cho đến tận tháng 7/2008, Mandela và các đảng viên ANC vẫn bị hạn chế xuất cảnh đến Hoa Kỳ – ngoại trừ đến trụ sở Liên Hiệp Quốc (ở New York) và nếu được Ngoại trưởng Mỹ cấp giấy phép đặc biệt – vì họ bị quy là khủng bố trong thời kỳ đấu tranh chống chính quyền apartheid (a-pác-thai). Bản thân Nelson Mandela, mặc dù chịu án chung thân và cuối cùng phải ngồi tù tới 27 năm, cũng không được coi là tù nhân lương tâm. (Theo định nghĩa của tổ chức Ân xá Quốc tế, tù nhân lương tâm là những người bị tù chỉ vì đã thực thi một cách ôn hòa quyền tự do biểu đạt của họ, và là người không sử dụng bạo lực hay cổ súy bạo lực, hận thù).
***
Vì tinh thần yêu tự do, tôn trọng nhân quyền, đoàn kết chống độc tài, chúng ta cần tôn trọng những người chủ trương đấu tranh bằng bạo lực. Nhưng vì mục đích thực dụng thì ta nên kiên trì đường lối phi bạo lực và luôn thể hiện sự ôn hòa.
__________
Chú thích:
* PAKISAMA, Liên đoàn Quốc gia Tổ chức vì Nông dân, là tên viết tắt của Pambansang Kilusan ng mga Samahang Magsasaka (tiếng Tagalog ở Philippines). Tên tiếng Anh là National Federation of Peasant Organisation.
** Trích từ bài “Nelson Mandela – vị luật sư thắp lửa tự do” – Hoàng Kim Phượng, đăng trên Luật Khoa tạp chí ngày 5/11/2014.
P.Đ.T.
(Hết)
Nguồn: bit.ly/phankhang