Chính quyền ở chỗ….TIỀN, thưa Phó Thủ tướng

Nguyễn Đình Ấm

 Thưa PTT, riêng ông cũng như chính phủ không biết thôi chứ dân đều biết: Chính quyền với cát tặc là một! Họ là một nên việc kêu cứu, kiện cáo của dân đều vô hiệu. Không thể kêu ai nên người dân phải tự sắm sửa phương tiện, thuyền bè để ngăn cát lậu, nhiều vụ đã chết người, đổ máu như ở một xứ sở vô chính phủ.

https://4.bp.blogspot.com/--T1uNyFhCjo/XKjd1lPQS4I/AAAAAAAABlk/p3fL7sTFFD8L-6MEHTkM_SfoMBXGubmoACLcBGAs/s640/Ca%25CC%2581t.jpg

Cảnh khai thác cát lậu trên sông Lô

Hôm 3/4/2019, họp Chính phủ, nói về “cát tặc” lộng hành bao nhiêu năm nay không thể nào dẹp được, người dân phải ra sông suối để chống, Phó Thủ tướng thường trực Trương Hòa Bình hỏi: “Chính quyền ở đâu mà để dân phải chống cát tặc”?

Xem xong bản tin trên TV tôi giật mình với Phó Thủ tướng.

Đến nay PTT Trương Hòa Bình vẫn tin những đoàn tàu, xà lan dài hàng trăm mét nghênh ngang trên những con sông, tiếng máy nổ, máy xàng sỏi đá vang trời nhân dân lo lắng kêu cứu khắp nơi mà chính quyền thôn, xã, huyện, tỉnh không biết?

Thưa PTT, riêng ông cũng như Chính phủ không biết thôi chứ dân đều biết: Chính quyền với cát tặc là một! Họ là một nên việc kêu cứu, kiện cáo của dân đều vô hiệu. Không thể kêu ai nên người dân phải tự sắm sửa phương tiện, thuyền bè để ngăn cát lậu, nhiều vụ đã chết người, đổ máu như ở một xứ xở vô chính phủ.

Không riêng gì lĩnh vực “cát tặc”, ở nhiều lĩnh vực khác chính quyền không đứng về phía dân và Chính phủ nữa mà họ đứng về phía “tặc” bởi một lý đơn giản: Đứng về phía “tặc” thì có lợi còn đứng về phía dân thì chẳng có gì..

Hôm tôi về thăm quê ở ven sông Lô nơi cát tặc hoành hành hàng chục năm nay. Cảnh dòng sông hiền hòa thơ mộng với những nương ngô xanh ngắt soi bóng xuống dòng sông thấp thoáng bóng thuyền khi xưa không còn nữa, nay bờ sông nham nhở, lòng sông lồi lõm rất thảm hại. Do bị cát tặc hoành hành bờ sông sạt lở khủng khiếp đến mức tỉnh nghèo Vĩnh Phúc vừa phải bỏ ra hàng trăm tỷ để kè bờ sông…Ngồi ở quán nước, một ông khách than với bạn:

– Lãnh đạo xã đòi chia mười lăm phần trăm cát múc được thì cao quá!

–  Bảo họ giảm xuống chứ ở sông Gâm (Tuyên Quang) lúc đầu các “bố” cũng đòi mười lăm phần trăm, bọn tôi định nhổ tàu họ phải giảm xuống mười phần trăm…

-Họ nại đủ lý do nào phải chia cho huyện, bên công an, tài nguyên, tài nghiếc gì ấy…

(Sau hỏi lại mọi người tôi mới biết đó là người của đại gia công ty khai thác cát lậu.)

Năm trước tôi từ Nghệ An ra, tấp xe vào nghỉ ở quán trên QL1A thuộc địa phận Hà Nam. Tại đó, rất nhiều quán xây sát đường lấn vào hành lang an toàn giao thông. Hỏi sao dám xây như thế thì chủ quán nói thật:

– “Danh chính ngôn thuận” không ai cho xây lấn “an toàn” nhưng cứ nộp cho cán bộ xã 5 triệu, 6 triệu, (tùy quán to, nhỏ) là xây, cán bộ phạt qua loa ghi biên lai vài trăm nghìn và giao hẹn: Nếu khi nào “trên” bắt buộc giải tỏa thì phải chịu, đồng ý thì xây, không thì thôi. Chúng tôi không có việc làm phải “phơi” mặt ra đây, sợ lắm…

Việc xây nhà ở các thành phố cũng tương tự. Những ngôi nhà của đại gia xây đến chín, mười tầng thì cán bộ phường, quận không biết nhưng dân xây cái cổng thì lập tức cán bộ thanh tra xây dựng đến lập biên bản xử phạt. Cách đây cỡ 10-15 năm, khu tập thể sân bay Gia Lâm chưa mấy ai có sổ đỏ mà nguyên tắc đất chưa có sổ đỏ thì chưa được xây nhà kiên cố nhưng nay hầu hết đã là nhà kiên cố.

Theo nhiều người, đất chưa có sổ đỏ nhưng vẫn xây được nhà (xin dấu tên) thì “cứ xin phép chiếu lệ rồi xây đại”. Khi cán bộ quản lý xây dựng đến lập biên bản bắt dừng thi công chủ nhà vui vẻ xin phạt theo quy định (200.000 đ) có hóa đơn rồi tức tốc “đi cửa sau” về xây tiếp.Tùy loại đất mà số tiền “cửa sau” nhiều hay ít. Theo chỗ riêng tư, những năm 2010 đến nay mỗi móng nhà 50-70 m2 có giấy tờ khoản “đi cửa sau” biến động khoảng từ 30- 50 triệu đồng ,xây nhà trên đất lấn chiếm riêng cái móng phải hàng trăm triệu, mỗi “vửng” (tầng) xây tiếp 50 triệu…

Theo nguồn tin tôi mới nhận được thì khu nhà bà con xây ở vườn rau Lộc Hưng (P 6 Q.Tân Bình TPHCM) cũng tương tự. Nghe nói nhiều bà con thật thà cứ theo lệ chung của thành phố “đi cửa sau” xây nhà không phép. Nhưng khi chính quyền dở trò phá thì bà con phải chịu. Hiện tượng này được gọi là “phạt cho tồn tại”. Phương pháp này cực kỳ tuyệt vời: Dân xây được nhà không phép, cán bộ nhà chức trách nhanh giàu mà khi có ai thắc mắc, kiện cáo hoặc nhà bị phá thì Chính quyền vẫn cực kỳ an toàn, vì họ đã làm đủ chức trách, phạt đình chỉ xây dựng đàng hoàng… Đã rất nhiều ý kiến bãi bỏ cái lệ “phạt cho tồn tại” phá vỡ quy hoạch thành phố nhưng các thế lực tham nhũng không bao giờ chịu từ bỏ một trong những “nguồn thu” vĩ đại này.

Hiện tượng những đoàn tàu, sà lan nghênh ngang khai thác cát trải kín mặt sông, những kẻ chặt phá cả hàng chục ha rừng, làm cả đường lớn để xe cơ giới vào chở gỗ, hàng trăm phu phen với máy móc, lán trại la liệt đào đất, phá núi khai thác vàng, những ngôi nhà xây cả chục tầng tầng không phép…nhưng chính quyền “không hề biết” diễn ra khắp nơi trên đất nước này chứ không riêng gì cát tặc.

Nhiệm vụ chính quyền các địa phương là duy trì luật pháp, bảo vệ tài nguyên, lợi ích quốc gia…nhưng trước những việc “hái ra tiền” như phá rừng, cát “tặc”, vàng “tặc”, xây nhà “tặc”…thì họ không biết, không có mặt ở địa phương mà đang ở chỗ…TIỀN, thưa Phó Thủ tướng!

N.Đ.Â.

VNTB gửi BVN

This entry was posted in Bộ máy chính quyền, khủng hoảng thể chế. Bookmark the permalink.