Diễm Thi, RFA
2019-03-13
Đại diện Bộ Công an đang trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc ngày 12/3/2019. Video captured
Phái đoàn Việt Nam vào hai ngày 11 và 12 tháng 3 vừa qua tiến hành lần phúc trình thứ 3 trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về việc thực thi Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự & Chính trị mà Hà Nội tham gia ký kết năm 1982.
Trong phúc trình, đại diện Bộ Công An phát biểu rằng một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”, hoặc do phạm nhân mắc phải các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.
Câu nói của vị đại diện Bộ Công an lập tức gây bất mãn trên các mạng xã hội cũng như với rất nhiều người dân Việt Nam trong và ngoài nước.
Một người dân ở Hà Nội và một người dân ở Sài Gòn bật cười khi nghe phát biểu này:
“Nghe nó nực cười, kiểu như trẻ con nói chuyện với nhau. Đại diện Bộ Công an mà nói một câu như thế thì phải nói là rất dối trá và đê tiện, không chấp nhận được. Những người từng bị cho là tự tử trong đồn công an họ là những người đang rất yêu đời, lạc quan”.
“Theo quan niệm của mình thì đó là họ ngụy biện, lấp liếm thôi chứ tình trạng ngược đãi tù nhân, vi phạm nhân quyền thì ai cũng thấy. Đó là cách họ đổ thừa cho phạm nhân mà thôi. Tôi cho rằng đó là lấp liếm, nói sai sự thật không thể chấp nhận được”.
Họ còn nói vui rằng rất nhiều quan chức cán bộ nói day dứt mà sao chẳng thấy ông nào tự tử cả!
Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công an trả lời một cách vô trách nhiệm trước quốc tế… Việc tự tử tại những nơi này không phải là việc dễ dàng bởi nơi đây có sự kiểm soát rất chặt chẽ của công an viên.
Trịnh Kim Tiến
Cô Trịnh Kim Tiến, con gái ông Trịnh Xuân Tùng, người bị trung tá công an Nguyễn Văn Ninh ở phường Thịnh Liệt, quận Hoàng Mai, Hà Nội đánh chết hồi tháng Hai năm 2011 vì chạy xe không đội mũ bảo hiểm, bày tỏ cảm xúc của mình khi nghe phát biểu từ vị đại diện:
“Đây không phải là lần đầu tiên Bộ Công an trả lời một cách vô trách nhiệm trước quốc tế. Không chỉ với quốc tế mà còn với người dân trong nước thì câu chuyện mà coi việc người dân chết trong đồn công an diễn ra từ nhiều năm nay rồi và họ không có một động thái nào để chấm dứt hay ngăn chặn việc này tiếp diễn. Những câu trả lời như lý do những phạm nhân tự tử là do cảm thấy day dứt tội lỗi là để trốn tránh, phủi bỏ trách nhiệm.
Cho dù những điều họ nói là thật đi nữa thì trách nhiệm của cơ quan công an ở đâu, trách nhiệm của những người đang trông coi phạm nhân ở đâu khi để phạm nhân tự tử trong đồn hay các trụ sở công an?
Việc tự tử tại những nơi này không phải là việc dễ dàng bởi nơi đây có sự kiểm soát rất chặt chẽ của công an viên”.
Theo báo cáo của Bộ Công an do trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm trình bày tại phiên họp hôm 19/3/2015 về “Tình hình oan, sai trong việc áp dụng pháp luật về hình sự, tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo quy định của pháp luật”, thì trong giai đoạn từ tháng 10/2011 đến tháng 9/2014 đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.
Luật sư Võ An Đôn, người từng bảo vệ quyền lợi cho 3 trường hợp nạn nhân chết trong trại tạm giam, tạm giữ nói rằng:
“Người ta muốn lấp liếm sự thật đi, ví dụ như những vụ mà tôi làm thì trước đó cơ quan chức năng cho biết tự tử, nhưng khi báo chí vào cuộc, dư luận ầm ầm lên thì người ta cho biết là bị đánh chết, chứ trước đó người ta vẫn nói là nạn nhân tự tử”.
Cho đến nay chưa có một thống kê chính thức từ năm 2014 có bao nhiêu nạn nhân chết trong đồn công an, nhưng theo ghi nhận từ các phương tiện truyền thông thì năm 2018 đã có 11 cái chết liên quan đến việc bị tạm giam, tạm giữ.
Bà Nguyễn Thị Kim Lan, vợ của tù nhân lương tâm Ngô Hào, người đang thụ án 15 năm tù tại trại An Điềm, tỉnh Quảng Nam với cáo buộc hoạt động nhằm lật đổ chính quyền, từng bị đột quỵ trong nhà tù nhưng trại giam không hề báo cho gia đình, nói với RFA rằng những gì chồng bà làm là đúng nên không có gì phải day dứt hay ân hận. Nếu phạm nhân tự tử chỉ có thể vì họ phẫn uất với công an, với chính quyền mà thôi:
Khi có người bị tạm giam hay bị giam chết thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan giam giữ, không thể nói trách nhiệm hoàn toàn về phía nạn nhân được.
Nguyễn Đăng Quang
“Họ có tự tử đi chăng nữa cũng không phải vì day dứt khi làm sai mà vì họ muốn đòi những điều ngay thẳng, trắng đen rõ ràng. Họ tự tử là vì họ bực tức về công an, về chính phủ, về chính sách và tất cả những gì họ không vừa ý chứ không phải vì day dứt tội lỗi mà tự tử”.
Theo cơ chế hiện nay ở Việt nam thì Bộ Công an trực thuộc Chính phủ, thực hiện chức năng quản lý nhà nước về an ninh trật tự, an toàn xã hội; phản gián; điều tra phòng chống tội phạm; thi hành án hình sự, thi hành án không phải phạt tù, tạm giữ, tạm giam; bảo vệ, hỗ trợ tư pháp…
Ngay cả cơ quan khám nghiệm pháp y và các y bác sĩ hoạt động trong trại giam cũng là người thuộc Bộ Công an. Chính vì thế việc đưa ra ánh sáng những vụ bị cho là tự tử trong đồn công an sẽ rất khó khăn.
Cựu Đại tá công an Nguyễn Đăng Quang cho rằng chuyện phạm nhân tự tử là điều khó tin, và nếu có thì trách nhiệm thuộc về phía công an:
“Tôi cho rằng đây chỉ là những lời biện bạch thôi, không cơ sở khoa học thực tế để chứng minh. Khi có người bị tạm giam hay bị giam chết thì trách nhiệm trước hết thuộc về các cơ quan giam giữ, không thể nói trách nhiệm hoàn toàn về phía nạn nhân được. Tổng kết lại thì thấy gần đây có nhiều người bị cơ quan an ninh hay công an bắt tạm giam khi ra về hoặc với thương tích hoặc không bao giờ trở về với lý do tự tử. Tôi cho rằng đây là điều khó tin”.
Thực tế khó tin như lời của vị cựu đại tá công an vừa rồi được chứng minh qua giải thích của công an đối với những vụ chết tại đồn như trường hợp nạn nhân Ngô Chí Tâm ở Thủ Đức mà công an địa phương cho là ‘thắt cổ tự tử bằng dây thun quần’; trường hợp nạn nhân Nguyễn Hồng Đê ở Ninh Thuận mà công an Thành phố Phan Rang nói ‘dùng áo làm dây treo vào cửa sổ để tự tử; trường hợp nạn nhân Nguyễn Hữu Tấn ở Vĩnh Long bị nói nạn nhân tự lấy dao rọc giấy cắt đứt cổ mình…
D.T.
Phụ lục:
Bộ Công an [VN]: Phạm nhân tự tử vì day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình
Đại diện Bộ Công an (đeo kính) đang trả lời câu hỏi chất vấn của Uỷ ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc tại Geneva, Thuỵ Sĩ, ngày 11/3/2019. Ảnh: Chụp màn hình từ video của LHQ.
Ngày 11/3, trước Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc, đại diện Bộ Công an cho biết, một trong các nguyên nhân dẫn đến tử vong trong các cơ sở giam giữ của Việt Nam có thể là do “phạm nhân day dứt, dằn vặt về hành vi phạm tội của mình dẫn đến bi quan mà tự tử”.
Vị đại diện Bộ Công an cũng nêu một nguyên nhân khác dẫn đến tử vong là do phạm nhân mắc phải bệnh tật, đặc biệt là các căn bệnh hiểm nghèo từ trước khi nhập trại.
Thông tin này được đưa ra trong phiên điều trần của nhà nước Việt Nam trước Ủy ban Nhân quyền LHQ trong khuôn khổ báo cáo tình hình thực hiện Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (ICCPR) lần thứ ba của Việt Nam.
Chết do bệnh lý, tự sát hay tra tấn?
Theo số liệu thống kê được Bộ Công an công bố trước Ủy ban Thường vụ Quốc hội, trong ba năm (từ năm 2011 – 2014), đã xảy ra 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam trên toàn quốc. Riêng năm 2018, báo chí cũng ghi nhận ít nhất 11 người chết trong đồn công an. Nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này được Bộ Công an lý giải là do bệnh lý và do tự sát.
Không một lý do chủ quan nào được đưa ra gắn liền với trách nhiệm của Bộ công an.
Điều đáng quan tâm là các cơ quan quản lý các trại giam và cơ quan điều tra đều thuộc Bộ Công an. Bên cạnh đó, cơ quan khám nghiệm pháp y và các y bác sĩ hoạt động trong trại giam cũng là người thuộc bộ này. Cơ chế khép kín của các hoạt động điều tra – giam giữ – khám nghiệm này bị cho là khiến cho việc chống tra tấn, bức cung, dùng nhục hình và truy cứu trách nhiệm của người tra tấn trở nên khó khăn hơn.
Số lượng 10 vụ việc liên quan đến tra tấn được xét xử từ năm 2010 đến năm 2015, theo báo cáo của nhà nước Việt Nam, chỉ càng tăng thêm mối lo về tính hiệu quả trong khả năng phát giác và xử lý hành vi tra tấn liên quan đến công an.
Trong khi đó, các tổ chức phi chính phủ quốc tế và các chuyên gia nhân quyền LHQ về phòng chống tra tấn nhiều lần bày tỏ mong muốn đến các cơ sở giam giữ ở Việt Nam để thị sát, điều tra tình hình nhưng đến nay vẫn bị nhà nước từ chối.
Biệt giam, di chuyển nơi giam giữ cách xa gia đình, và cùm chân
Tại phiên điều trần này, các thành viên Ủy ban Nhân quyền cũng dành một phần thời gian để đưa ra các câu hỏi chất vấn, làm rõ với phía đại diện nhà nước Việt Nam về tình trạng “cùm chân” và “di chuyển nơi giam giữ phạm nhân cách xa nơi ở của gia đình họ nhằm mục đích gây khó khăn cho việc thăm nuôi”. Đây là những hành vi đối xử tàn ác, vô nhân đạo đối với người bị giam giữ vốn bị nghiêm cấm trong ICCPR và các công ước khác liên quan.
Theo đó, ICCPR quy định “không ai có thể bị tra tấn, đối xử hoặc trừng phạt một cách tàn ác, vô nhân đạo hoặc hạ thấp nhân phẩm” (Điều 7), và “những người bị tước tự do phải được đối xử nhân đạo với sự tôn trọng nhân phẩm vốn có của con người” (Điều 10).
Vào tháng 12 năm ngoái, Ủy ban Chống tra tấn LHQ đã đưa ra các vấn đề quan ngại này trong Nhận xét Kết luận đối với nhà nước Việt Nam sau phiên điều theo Công ước Chống tra tấn (CAT) kết thúc.
Đến với phiên điều trần ICCPR lần này, vị đại diện của Bộ Công an cũng trả lời với nội dung tương tự như trước đây, rằng “Việt Nam cũng không có biệt giam, không có khái niệm biệt giam trong hệ thống pháp luật. Các trại giam chỉ quy định khu ‘giam riêng’ đối với phạm nhân vi phạm kỷ luật, nội quy trại giam”.
Bên cạnh đó, vị đại diện này cũng khẳng định, “Việt Nam không có tình trạng di chuyển nơi giam giữ của phạm nhân ra xa khỏi nơi cư trú, hoặc gia đình phạm nhân một cách vô cớ, mang tính phân biệt đối xử, và với mục đích gây ra khó khăn cho việc gặp gỡ thân nhân”.
Tình trạng cùm chân 24/24 đối với các tử tù vẫn chưa được làm rõ vì thời gian dành cho phiên trần đầu tiên kết thúc.
Vị đại diện Bộ công an sẽ tiếp tục trả lời vấn đề này, và có thể sẽ bị chất vấn ngược lại từ phía thành viên Ủy ban Nhân quyền trong phiên điều trần kế tiếp, bắt đầu vào lúc 16:00 hôm nay, ngày 12/3, và dự kiến kéo dài ba tiếng. Bạn đọc quan tâm có thể theo dõi truyền hình trực tiếp phiên điều trần này trên website của LHQ.