KỲ 1: NGƯỜI ANH HÙNG CHƯA ĐƯỢC TÔN VINH
My Lăng
TTO – Chúng ta mãi không quên 31 năm trước, ngày 14-3-1988, quân đội Trung Quốc đã tấn công và chiếm đảo Gạc Ma của Việt Nam trên quần đảo Trường Sa…
Chân dung liệt sĩ Vũ Văn Thắng – thuyền phó chính trị tàu HQ 604 – Ảnh: MY LĂNG chụp lại
Trước khi đi Trường Sa, anh tôi bảo: Sau đợt này về anh sẽ được thăng quân hàm và lấy vợ… Anh tôi hi sinh, kỷ vật của anh để lại chỉ có cái áo bay của sĩ quan hải quân do Nga viện trợ màu mỡ gà
Anh Vũ Văn Bình
Trong các câu chuyện về tàu HQ 604 – con tàu đã bị quân Trung Quốc bắn chìm ngày 14-3-1988 tại đảo Gạc Ma, chưa một lần người sĩ quan chỉ huy ấy được nhắc đến dù anh có vai trò quan trọng trên tàu.
Những đồng đội chứng kiến giây phút cuối cùng của anh cho rằng anh xứng đáng được tôn vinh anh hùng. Đó là thượng úy Vũ Văn Thắng – thuyền phó chính trị tàu HQ 604.
Nhường phao cứu đồng đội
31 năm sau ngày thượng úy Vũ Văn Thắng hi sinh, chúng tôi về huyện Thái Thụy (Thái Bình) lần hỏi để tìm gia đình anh. 31 năm vật đổi sao dời. Những thôn làng giờ đã thay đổi. Nhờ trưởng thôn và một vài người dân tốt bụng, chúng tôi mới tìm được thân nhân của liệt sĩ Vũ Văn Thắng.
Trong căn nhà cấp 4 đơn sơ, trên bàn thờ, di ảnh liệt sĩ Vũ Văn Thắng chính là tấm ảnh anh gửi tặng người yêu trước chuyến đi cuối cùng về bên kia thế giới. Tấm ảnh được gia đình nhờ người vẽ truyền thần lại.
Người thanh niên trong di ảnh gương mặt thư sinh, khôi ngô, trong veo, hiền lành, khẽ mỉm cười nhẹ nhàng. Anh hi sinh khi mới 26 tuổi.
Bố mẹ của liệt sĩ Vũ Văn Thắng, ông Vũ Văn Nghiệp và bà Tạ Thị Nuột, đã ở cái tuổi gần đất xa trời.
Em trai út của liệt sĩ Vũ Văn Thắng, anh Vũ Văn Bình, cho biết: “Nhà tôi có bốn anh chị em. Anh Thắng là con cả. Anh nhập ngũ ngày 20-8-1980. Anh thông minh, sôi nổi, nhiệt tình. Anh sống tốt, đàng hoàng với bạn bè nên dù anh hi sinh đã 31 năm nhưng bạn bè anh vẫn ghé thăm bố mẹ tôi, thắp hương cho anh”.
Ông Vũ Văn Nghiệp công tác ở Cục Hậu cần của Bộ Tư lệnh Hải quân. Ông nghỉ hưu năm 1987, chỉ một năm trước khi anh hi sinh. Khi biết tin không lành về người con trai cả, ông không khóc. “Ông là người lính, luôn tỏ ra vững vàng, mạnh mẽ. Nhưng mất con thì ai không đau. Ông đau nhưng cứ chịu đựng âm thầm” – anh Vũ Văn Bình chậm rãi nói.
Theo anh Bình, lúc nghe báo đài nói về chiến sự ở Trường Sa, anh Thắng nằm trong diện mất tích nên cả nhà vẫn hi vọng anh còn sống. Kể cả một năm sau, khi đơn vị về đưa giấy báo tử và làm lễ truy điệu, gia đình vẫn không tin anh Thắng đã hi sinh. Cho đến một thời gian sau đó, khi các đồng đội anh về thăm, kể chuyện anh đã hi sinh như thế nào, bố mẹ anh mới chịu làm mâm cơm cúng anh, lấy ngày 14-3-1988 làm ngày giỗ.
Anh Bình kể: “Đồng đội của anh Thắng tường thuật, khi tàu chìm, những người trên tàu kịp nhảy xuống biển. Nhưng lính công binh không phải ai cũng biết bơi. Anh Thắng nhà tôi bơi giỏi nên dù đang bị thương ở đùi, máu chảy rất nhiều, vẫn nhường phao cho đồng đội. Một anh công binh cho biết anh Thắng vứt phao cho anh ấy, bảo: Em cứ bơi vào đảo đi. Còn anh ấy thì chìm theo con tàu”.
Bằng Tổ quốc ghi công của liệt sĩ Vũ Văn Thắng – người anh hùng thầm lặng chưa một lần được nhắc tên của tàu HQ 604
Người đi không về
31 năm đã trôi qua. Trong ký ức của mình, thượng tá Võ Tá Du (thuyền phó chính trị tàu HQ 505) vẫn không bao giờ quên những hình ảnh về thượng úy Vũ Văn Thắng – người đồng đội thân thiết mà ông rất quý.
“Thắng trẻ, đẹp trai, hiền lành, đá bóng giỏi. Hôm gặp nhau ở Đá Lớn, giao nhiệm vụ xong, Thắng đưa thư của Bộ Tư lệnh Hải quân cho tôi rồi về tàu làm thủ tục nhổ neo đi qua Gạc Ma. Trước khi chia tay, Thắng đưa cho tôi ba củ đậu, bảo: “Em không có gì làm quà, gửi anh mấy củ đậu ăn cho mát”.
Thắng còn đưa tôi một tệp dao lam, một gói thuốc lá bảo là quà của anh Nho (Phạm Quang Nho, lữ đoàn trưởng Lữ đoàn 125) gửi tặng. Lúc xuồng cứu hộ về, tôi ra tận mép đảo đón, không thấy Trừ (Vũ Phi Trừ – thuyền trưởng tàu HQ 604) và Thắng đâu. Tôi cứ lặng người nhìn cái xuồng đỏ lòm đầy máu, nghĩ về những đồng đội không về nữa…”.
Ông Đoàn Hữu Thấn, hiện đang sống tại Bình Phước, người hơn 30 năm trước là trung sĩ, pháo thủ của tàu HQ 605 được tăng cường sang tàu HQ 604 trong chuyến đi định mệnh ấy, cho biết: “Hôm đó địch có ba tàu chiến, cách mình 500 m.
Sau đó nó đưa cả chục xuồng nối đuôi nhau chạy vòng quanh tàu mình, cách mình chỉ 10-20 m, ép không cho mình chi viện lên đảo. Anh Thắng chỉ huy trên mặt boong còn anh Trừ ra khẩu lệnh trên cabin thượng. Anh Thắng lệnh cho tất cả tràn lên đảo.
Anh em không kịp mang súng, vì mình ra xây đảo chứ có phải ra để đánh nhau với chúng nó đâu, cứ mình trần tay không tràn lên đảo. Khi quân Trung Quốc bắn lên đảo, giết anh em ta, anh Thắng ôm súng từ cabin tàu chạy xuống phát cho anh em. Súng của mình làm sao đấu lại với đại bác, với pháo của nó”.
Ông Đoàn Hữu Thấn nhớ lại: “Khi tàu chiến nó áp sát mình, anh Thắng dùng một khẩu chống tăng B41 bắn sang nhưng không tới vì tầm bắn chỉ 150 m. Tôi thấy quả đạn bay xuống biển rồi vọt lên ba lượt mới nổ nhưng chưa tới được tàu địch. Địch cho hơn 10 xuồng chở đầy lính ôm súng vây kín tàu mình. Anh Thắng vẫn bình tĩnh hô anh em lùi ra để anh ấy bắn. Kể cả lúc bị thương, giọng anh ấy vẫn bình tĩnh, bình tĩnh đến khi chết”.
Giấy báo tử liệt sĩ Vũ Văn Thắng
Cái mũ cối trên mặt biển
“Vũ khí của mình thô sơ lắm vì mình là tàu vận tải chứ không phải tàu chiến. Chỉ có một khẩu súng máy tầm bắn 300 m, mấy khẩu súng bộ binh trên mặt boong. Rồi địch cho một xuồng vừa lao thẳng vào tàu mình vừa nhả đạn bắn.
Sau, nó bắn tên lửa cắt đuôi tàu. Tàu chìm nhanh lắm, chỉ khoảng mấy phút. Mũi tàu dựng đứng lên. Nước đẩy tôi trồi lên trên rồi quăng xuống biển. Lúc ngoi lên được, tôi thấy anh Đông pháo thủ, anh Quý báo vụ. Chúng tôi vớ được chùm phao, thùng phuy, gỗ nổi mà bơi.
Quay lại không thấy anh Thắng đâu nữa, chỉ thấy nổi trên mặt biển cái mũ cối của anh đội khi đang chỉ huy anh em trên mặt boong”.
(Theo lời kể của ông Đoàn Hữu Thấn)
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoi-uc-ngay-14-3-ky-1-nguoi-anh-hung-chua-duoc-ton-vinh-20190311215032654.htm
KỲ 2: NGƯỜI VỀ TỪ LÔI CHÂU
TTO – Ông là một trong những thương binh nặng nhất còn sống sau trận thảm sát Trường Sa 31 năm trước. Ông cũng là một trong chín người bị Trung Quốc bắt đi và giam giữ hơn 3 năm tại Lôi Châu, Trung Quốc.
Hai bàn tay thương tật của ông Nguyễn Văn Thống – Ảnh: M.L.
Trở về, ông là thương binh bậc 1 với một phần cơ thể biến dạng, hàng chục mảnh đạn nằm trong thân thể. Người đó là cựu binh Nguyễn Văn Thống ở Bố Trạch (Quảng Bình).
Gạc Ma và Trường Sa là của Việt Nam. Sự thật là các ông đi xâm chiếm rồi tàn sát anh em chúng tôi.
Các tù binh Việt Nam
Những giờ sống chết trên biển
31 năm đã trôi qua. Nhưng dấu vết của trận chiến 14-3-1988 vẫn còn hiển hiện trên thân thể người cựu binh Nguyễn Văn Thống. Mắt trái bị hỏng. Bàn tay phải bị biến dạng, gãy ngón cái, một phần xương thịt bị hõm sâu. Bàn tay trái thì đứt ngón áp út.
Khi tàu HQ 604 bị Trung Quốc bắn cháy rồi chìm xuống biển Gạc Ma, lúc đó chiến sĩ Nguyễn Văn Thống đang ở trong hầm hàng, bị thương rất nặng. Khi tàu chìm xuống sâu quá, nước vào đẩy ngược ra, đẩy luôn người thương binh lên trên mặt nước. Anh ôm được khúc gỗ công binh dùng làm dầm nhà trên đảo rồi cứ thế trôi dạt trên biển. Lúc đó người lính trẻ 24 tuổi nghĩ cái chết sẽ đến với mình.
Trôi dạt đến khoảng 3h chiều, Thống bắt đầu kiệt sức, toàn thân lạnh buốt. Anh đang trôi dạt thì gặp một người bơi ngược chiều lại. Anh gọi lại bảo: “Bơi với tôi cho vui trước khi tôi chết”. Người đó cũng là chiến sĩ, tên Đông, cùng quê Quảng Bình. Anh Thống thấy vết thương mình nặng quá nên dặn dò anh Đông về tên tuổi, địa chỉ, để có chết mà Đông còn sống thì về báo tin giùm cho gia đình.
Hai người lính công binh bơi khoảng một tiếng đồng hồ thì tàu Trung Quốc phát hiện và kéo họ lên tàu rồi chở về Trung Quốc. Tàu đi đến ngày 17-3 thì về đến bán đảo Lôi Châu (Quảng Đông). Những tù binh khỏe mạnh bị cách ly.
Sau này Thống mới biết Trung Quốc bắt được chín tù binh Việt Nam. Riêng Thống vì bị thương nặng, nửa sống nửa chết nên được đưa thẳng về bệnh viện chữa trị.
Ông Thống kể: “Tôi nằm ở bệnh viện ba tháng. Các vết thương bị hoại tử, bốc mùi sợ lắm”.
Ông Nguyễn Văn Thống và bức ảnh chụp chung với các đồng đội – Ảnh: M.LĂNG
Nếu có chết thì chết như một người lính
Nằm viện một tuần thì phiên dịch của Trung Quốc đến hỏi một số thông tin. Ông Thống nhớ lại: “Họ cứ hỏi đi hỏi lại tôi ở đơn vị nào, ai chỉ huy, làm nhiệm vụ gì, quân số bao nhiêu người… Tôi nghĩ nếu mình có chết thì phải chết như một người lính, không khai gì ngoài việc nói tên, quê quán và bốc hàng trên tàu”.
Ông Thống cho biết sau một tuần nằm viện, người phiên dịch của Trung Quốc đến bảo các bác sĩ sẽ phải cắt tay, cắt chân mới giữ được sinh mạng của ông.
Ông trả lời: nếu không cứu sống được ông thì để nguyên tay nguyên chân cho ông chết. Chứ nếu cắt tay cắt chân, mặt mũi bị biến dạng thì ông chẳng thiết sống để làm gì. Nhờ vậy, họ chở ông đi phẫu thuật và giữ lại tay chân.
Khi vết thương ổn định, Thống được chuyển về khu giam giữ. Khi đó, anh mới gặp lại các đồng đội trên tàu 604 của mình. Một người là lính hải đồ, hai người thuộc lữ đoàn 125, còn lại là các công binh. Tù binh Thống ở cùng phòng với tù binh Đông – người mà anh đã gặp những phút cuối cùng trên biển.
“Thấy tôi bị thương nặng, anh em thương và giúp đỡ tôi rất nhiều. Mọi sinh hoạt đều được đồng đội tận tình giúp. Những người khỏe thì đi lại, mang cơm về cho tôi. Lính Trung Quốc bắt lính mình quét đường, quét nhà, vệ sinh khu giam giữ nhưng lính mình cũng khẳng khái lắm, thích thì làm, không thì thôi” – ông Thống nhớ lại.
Người cựu binh này kể: “Lính nó với mình cứ xảy ra xô xát hoài vì anh em không chịu làm theo nó. Ngày lễ Quốc khánh 2-9 của Việt Nam, nó cho chúng tôi đi ra ngoài mua đồ về ăn mừng ngày Quốc khánh. Sau đó nó lại gây chuyện chửi mình, chúng tôi tức quá, lao vào đánh nhau với chúng nó.
Trưởng trại xuống gặp để giải quyết nhưng chúng tôi kiên quyết không tiếp. Sau ông đại tá ở hạm đội Nam Hải phải xuống giải hòa. Hôm sau, nó thay tiểu đội cãi nhau với chúng tôi bằng một tiểu đội khác”.
Bị bắt làm tù binh ở Trung Quốc hơn một năm thì đoàn Hội Chữ Thập Đỏ quốc tế đến thăm. Ông Thống kể: “Trung Quốc bắt chúng tôi, nếu Hội Chữ Thập Đỏ có hỏi thì phải nói Gạc Ma là đảo của Trung Quốc, mình đi xâm chiếm.
Nhưng chúng tôi nói Gạc Ma và Trường Sa là của Việt Nam. Tổ tiên chúng tôi đã ra đó lâu đời rồi. Sự thật là các ông đi xâm chiếm rồi tàn sát anh em chúng tôi. Chín người chúng tôi nhất quyết thà chết chứ không nói sai một lời. Chúng tôi nghĩ đã vào trong tay nó thì xác định sẽ chết, không có ngày trở về nữa nên chẳng sợ gì. Nó muốn, nó thích thì cứ bắn cho chết!”.
Trong tấm ảnh này có 9 tù binh Việt Nam ở Gạc Ma bị Trung Quốc bắt giam ở Lôi Châu (ông Thống thứ 3 từ trái qua, hàng đứng) – Ảnh: NVCC
Trở về
Tháng 8-1991, sau những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam thông qua con đường ngoại giao, chín người lính Việt Nam bị bắt làm tù binh trên đất Lôi Châu được trao trả. Bộ Quốc phòng và quân chủng đón tại Hà Nội.
Tám người khác được về phép, riêng thương binh Nguyễn Văn Thống phải ở lại Viện 108 điều trị thêm vì vết thương nặng quá, người quá yếu.
“Quân chủng Hải quân quan tâm, cho tôi đi giám định sức khỏe nhiều lần. Mãi đến đầu tháng 1-1992, tôi mới đủ sức khỏe để được cấp phép cho về thăm nhà.
Ở nhà đã lập bàn thờ tôi rồi. Khi bố mẹ vào đơn vị nghe báo tin tôi mất tích thì lập bàn thờ, kiệu hồn, kiệu vong từ biển vào. Về nhà tôi phải gỡ bỏ bàn thờ” – ông Thống kể.
Cùng năm đó, ông Thống lấy vợ. Xã tặng cho ông mảnh đất gần chợ Nhân Trạch. Bố mẹ ông làm cho căn nhà nhỏ. Ông Thống sửa và bơm vá xe đạp, chắt chiu từng đồng bạc lẻ. Sau này, xã giúp hai vợ chồng làm nhân viên trật tự và quét dọn vệ sinh ở chợ Nhân Trạch. “Tôi yếu nên chỉ phụ thôi. Vợ tôi mới là người làm chính” – ông nói.
Thời tuổi trẻ tự hào
Những vết thương sau trận chiến 31 năm trước vẫn từng ngày hành hạ ông Thống, nhất là mỗi khi trái gió trở trời. Thân thể bị biến dạng, không lành lặn, sức khỏe suy giảm, nhưng người cựu binh này không hối tiếc.
Ông cho hay: “Người Việt Nam lớn lên phải xác định phục vụ, cống hiến vì Tổ quốc. Lỡ có hi sinh hay thương tật như thế nào cũng không hối hận. Đó là thời tuổi trẻ khiến tôi vui, tôi tự hào nhất đấy”.
Kỳ tới: Những lá thư từ hậu phương
M.L.
Nguồn: https://tuoitre.vn/hoi-uc-ngay-14-3-ky-2-nguoi-ve-tu-loi-chau-20190313101753087.htm